Khi bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác có vẻ như bị mắc kẹt trong giai đoạn thị trường đang xuống, các tập đoàn trên thế giới đang lặng lẽ cùng chọn công nghệ nền tảng cho những mục đích riêng.
Michael De Castillo
Nằm bên bờ sông Hudson phía Jersey, đối diện trung tâm tài chính của Manhattan, có một tòa nhà văn phòng bằng kính và thép được thiết kế giản dị theo phong cách quốc tế. Dòng chữ “DTCC” được đặt trên đỉnh tòa nhà, nhưng ít người ở Phố Wall nhận ra rằng, bên trong tòa nhà này, thuộc sở hữu của Depository Trust & Clearing Corp., lưu giữ hầu hết tài sản tài chính của thế giới, với giá trị ước tầm 48 ngàn tỉ đô la Mỹ – từ cổ phiếu, trái phiếu đến các quỹ tương hỗ và chứng khoán phái sinh. Những năm 1970, Phố Wall tạo ra tiền thân của DTCC, nhằm thay thế hệ thống được vận hành kiểu thủ công – là những thanh niên chạy khắp những con hẻm sâu ở hạ Manhattan để chuyển chứng chỉ chứng khoán từ công ty môi giới này đến công ty môi giới khác.
DTCC vẫn lưu chứng chỉ giấy trong kho, nhưng hồ sơ liên quan đến 90 tỉ giao dịch đang được xử lý hằng ngày lại được lưu trữ trên các máy chủ và được sao lưu dự phòng ở nhiều địa điểm khác nhau. Hàng ngàn tổ chức tài chính và hối đoái ở 130 quốc gia trông cậy vào DTCC để lưu ký, thanh toán bù trừ, quyết toán và thực hiện những tác nghiệp văn phòng khác.
Trong vài tháng tới, DTCC sẽ triển khai ứng dụng trực tiếp lớn nhất của blockchain, công nghệ cơ sở dữ liệu phân tán nổi tiếng nhờ đồng tiền mã hóa bitcoin. Các bản ghi của khoảng 50 ngàn tài khoản tại Trade Information Warehouse (Kho Thông tin Giao dịch) của DTCC, nơi lưu giữ thông tin các giao dịch chứng khoán phái sinh kiểu tín dụng trị giá 10 ngàn tỉ đô la Mỹ, sẽ chuyển sang một sổ cái kỹ thuật số tùy chỉnh gọi là AxCore.
Jamie Dimon, chủ tịch và CEO của JPMorgan Chase.
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào? – ảnh 3
Chắc chắn tôi không nên nói gì về tiền mã hóa nữa…nhưng Blockchain là một chuyện khác, đó là thứ có thật.
Theo Rob Palatnick, kiến trúc sư trưởng về công nghệ của DTCC, nhà kho hiện lưu trữ một “bản ghi vàng” dưới dạng số cho những sự kiện như ngày đáo hạn, tính toán thanh toán và những hoạt động khác để thanh toán bù trừ và giao dịch chứng khoán hằng ngày. Nhưng mỗi người tham gia vào giao dịch chứng khoán phái sinh kiểu tín dụng phức tạp cũng giữ các bản ghi của riêng họ, các bản ghi này lại phải được đối chiếu nhiều lần trước khi đáo hạn đầu tư. Thông qua việc chuyển các bản ghi này lên blockchain, hiển thị rõ ràng theo thời gian thực cho những người tham gia, phần lớn những hoạt động dư thừa sẽ bị loại bỏ.
“Chúng tôi không nói tới việc loại bỏ con người và các công ty,” Palatnick chia sẻ. “Chúng tôi đang nói về việc loại bỏ các lớp cơ sở dữ liệu và các chuyển đổi giữa những cơ sở dữ liệu đó.”
Phía bên kia đại dương, tại thành phố Đài Bắc của Đài Loan, Foxconn – gã khổng lồ ngành điện tử, nổi tiếng nhờ lắp ráp iPhone – đã ra mắt một công ty khởi nghiệp tại Thượng Hải có tên Chained Finance, liên doanh giữa họ với một công ty cho vay ngang hàng Trung Quốc. Chained sẽ sớm kết nối Foxconn và nhiều nhà cung cấp nhỏ của họ (và cả những nhà cung cấp cho nhà cung cấp) vào một blockchain dựa trên nền tảng Ethereum, loại blockchain sẽ sử dụng token và hợp đồng thông minh của chính mình (tự động thực thi) để thanh toán và cung cấp tài chính trong thời gian thực sắp tới, loại bỏ chuỗi mắt xích giấy tờ.
Jack Lee, người sáng lập mảng đầu tư mạo hiểm của Foxconn, đã đầu tư 40 triệu đô la Mỹ vào sáu công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain, cho biết: “Chúng tôi xem blockchain là xương sống, hợp đồng thông minh tự động thực thi các giao dịch được ví như cơ bắp, và các token chính là máu.”
Blockchain là gì ?
Chào mừng đến với thế giới mới hào nhoáng của blockchain doanh nghiệp, nơi các tập đoàn đang nắm bắt công nghệ nền tảng của các đồng tiền mã hóa như bitcoin và sử dụng nó để tăng tốc hoạt động kinh doanh, tăng tính minh bạch và khả năng tiết kiệm hàng tỉ đô la Mỹ. Về cốt lõi, blockchain đơn giản là cơ sở dữ liệu phân tán, với bản sao đồng nhất được lưu giữ trên nhiều máy tính. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch (tài chính hoặc phi tài chính) giữa các cá nhân (hoặc công ty) không biết hoặc không tin tưởng nhau. Hầu như không thể gian lận, vì mọi giao dịch đều được ghi lại ở nhiều nơi và chi tiết của các giao dịch đó được hiển thị rõ ràng cho mọi người. Các công ty hiện đang sử dụng blockchain để theo dõi cá ngừ đánh bắt tươi sống từ khi rời khỏi lưỡi câu ở Nam Thái Bình Dương cho đến khi lên kệ hàng, để tăng tốc xử lý yêu cầu bảo hiểm và quản lý hồ sơ y tế. Tổng số tiền đầu tư vào blockchain của các doanh nghiệp và chính phủ trong năm 2019 có thể đạt mức 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 89% so với năm ngoái, và sẽ đạt mức 12,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, theo International Data Corp. Khi PwC tiến hành khảo sát 600 đối tượng “có hiểu biết về blockchain” năm ngoái, 84% cho biết công ty của họ có liên quan đến blockchain.
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào?
Blockchain cung cấp một hệ thống đáng tin cậy. Cho dù là đối thủ cạnh tranh của tôi đi nữa, tôi cũng đoan chắc rằng dữ liệu sẽ không bị thay đổi.
– Ginni Rometty, CEO của IBM
Để ghi nhận sự tăng trưởng của cái gọi là blockchain “doanh nghiệp”, Forbes lần đầu tiên ra mắt danh sách Blockchain 50 thường niên bao gồm những công ty đang tận dụng hiệu quả công nghệ này theo những cách thức khác nhau. Trong khi ứng dụng đầu tiên của blockchain, tiền mã hóa, đang phải chật vật để giành được sự chấp thuận chính thức, thì những công ty này đang đầu tư nhân lực và tiền bạc để tạo dựng tương lai trên những cơ sở dữ liệu chia sẻ hàng đầu.
Phiên bản của blockchain tương lai mà các công ty này đang xây dựng phần lớn khác xa những gì những người sáng lập và chấp thuận blockchain thời kỳ đầu hình dung. Trong lúc những kẻ mơ mộng về tiền mã hóa mơ về một mạng lưới toàn cầu, công khai giữa các cá nhân liên kết trực tiếp và dân chủ, không có trung gian, những công ty này – nhiều công ty chính là những trung gian như DTCC – đang xây dựng những mạng lưới riêng mà họ sẽ sử dụng để thu lợi từ việc quản lý tập trung.
Không có gì ngạc nhiên khi những công ty tài chính – từ Allianz, Visa đến JPMorgan Chase – thống trị danh sách này. Nhưng danh sách Blockchain 50 trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công ty năng lượng BP, nhà bán lẻ Walmart và công ty truyền thông Comcast.
Do dư vị tồi tệ từ các “chợ thuốc phiện” bitcoin như Silk Road và bong bóng tiền kỹ thuật số năm 2017, hầu hết công ty đều nhấn mạnh sự khác biệt giữa tiền mã hóa và blockchain, tránh xa cái cũ và nắm lấy cái mới. Ở mức độ nào đó, các thành viên của Blockchain 50 đóng vai trò cầu nối giữa thế giới cũ và mới. Tương tự mạng máy tính nội bộ được các công ty sử dụng trong một thời gian dài trước khi Internet cất cánh, những công ty này đang bắt đầu bằng cách áp dụng công nghệ sổ cái phân tán ở quy mô nhỏ.
Bridget van Kralingen, phó chủ tịch cấp cao của IBM Global Industries cho biết: “Chúng tôi thực sự thấy được sự chuyển dịch của blockchain, từ thời điểm bị lu mờ bởi tiền mã hóa cho đến khi chuyển dịch tập trung vào những vấn đề kinh doanh thực sự và các quy trình phức tạp.”
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào ?
Năm 2009, khi Satoshi Nakamoto, nhà sáng tạo bitcoin, kích hoạt mạng lưới của mình, blockchain là hệ thống kế toán cơ bản cho phép bất cứ ai cũng có thể chuyển tiền bằng bitcoin không cần qua trung gian. Các giao dịch được xử lý trong các block sau mỗi mười phút, mỗi block chứa chữ ký số của block trước đó, liên kết với nhau tạo thành một chuỗi. Thay vì dựa vào ngân hàng hoặc tổ chức trung gian để theo dõi khi bitcoin rời khỏi điểm này và đi đến điểm kia, hàng ngàn máy tính trên mạng lưới bitcoin sẽ làm việc này và công sức tính toán của họ được trả công bằng bitcoin.
Với hầu hết công ty, điều này làm lộ ra một vấn đề tiềm ẩn. Dù không yêu cầu định danh khi sử dụng blockchain bitcoin, chính các giao dịch lại được gắn với một địa chỉ có tính công khai, nghĩa là chỉ với một ít nỗ lực, những địa chỉ đó có thể được gắn với các cá nhân hoặc công ty ngoài đời thực. Vì vậy, các doanh nghiệp như Coca-Cola và JPMorgan Chase, đã quen với việc duy trì lợi thế cạnh tranh dựa trên các quy trình và hoạt động kiểm soát độc quyền, bắt đầu hoài nghi tiền mã hóa.
Các doanh nghiệp cũng cần một vài cách thức kiểm soát dữ liệu của họ. “Toàn bộ thế giới doanh nghiệp được tạo dựng quanh những đối tượng có trách nhiệm đối với mỗi phần cụ thể của luồng công việc,” David Treat, người đứng đầu toàn cầu mảng dịch vụ tài chính dựa trên blockchain (Financial Services Blockchain) của Accenture, cho biết. “Có kẽ hở là không thể chấp nhận được với một công ty trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ. Bạn không thể có kẽ hở, hoặc bạn sẽ trở thành đối tượng của những hành vi xâm phạm an ninh nghiêm trọng và vi phạm khế ước xã hội.”
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào?
Bitcoin là một sự sáng tạo khéo léo, và Blockchain khá quan trọng, nhưng bitcoin không còn có giá trị duy nhất nữa rồi.
Warren Buffett
Có lẽ không công ty nào có ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của việc sử dụng công nghệ blockchain trong doanh nghiệp hơn Digital Asset Holdings, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại New York đã thuê Blythe Masters – cựu giám đốc ngân hàng JPMorgan Chase – làm giám đốc điều hành đầu năm 2015. Dưới thời Masters, Digital Asset bắt đầu mua lại các công ty và gần như ngay lập tức mua một công ty nhỏ đang trong quá trình tạo dựng một “lời mời đích danh”, hoặc giấy phép, dựa trên blockchain. Đến cuối năm 2015, Digital Asset tặng những đoạn mã thuộc dự án “sổ cái mở” của họ cho Linux Foundation, tổ chức hỗ trợ những dự án phần mềm mã nguồn mở thương mại, bao gồm hệ điều hành Linux.
Dự án Hyperledger có những nhà tài trợ được cho là thuộc lĩnh vực tài chính và kỹ thuật, một phần nhờ vào các mối quan hệ của Masters. Ba mươi công ty nằm trong danh sách là những công ty tiên phong, bao gồm ABN AMRO, Accenture, Cisco, CME Group, IBM, Intel, JPMorgan Chase, NEC, State Street, VMware và Wells Fargo. Hyperledger ngay lập tức trở thành tiêu chuẩn vàng cho các dự án blockchain doanh nghiệp.
Diễn biến tiếp theo có thể được xem là thời điểm bùng nổ của blockchain doanh nghiệp. Đầu năm 2016, IBM đóng góp 44 ngàn dòng code cho dự án, hình thành lõi của một blockchain mới có tốc độ nhanh hơn và tăng tính bảo mật. Không dưới một nửa số thành viên của Blockchain 50 của Forbes đang dùng blockchain này, gọi là Hyperledger Fabric.
“Chúng tôi tập trung hết sức vào việc đảm bảo đó không chỉ là tiêu chuẩn cho công nghệ blockchain mà cả tài liệu và dữ liệu cũng phải là tiêu chuẩn,” Marie Wieck, tổng giám đốc IBM Blockchain cho biết. “Việc chuẩn hóa này giúp các công ty không mất thời gian so sánh sự khác biệt và hiệu lực của các văn bản.”
Ngay sau màn ra mắt của Hyperledger – dự án đầu cơ phi lợi nhuận, công ty công nghệ tài chính tại New York R3 đã gọi vốn được 107 triệu đô la Mỹ từ các tổ chức như ING, Barclays và UBS để tạo ra nền tảng blockchain doanh nghiệp vì lợi nhuận Corda Enterprise.
Khi tiềm năng thương mại của công nghệ blockchain đồng chọn trở nên rõ ràng hơn, nhiều công ty khởi nghiệp tiền mã hóa bắt đầu xem xét lại mô hình của mình.
Ví dụ như Ripple từ San Francisco, ban đầu được gọi là Open-Coin và được kỳ vọng sẽ là một hệ thống tiền tệ thay thế khác, đã mở rộng trọng tâm vào cuối năm 2015 từ tiền mã hóa (gọi là ripple, tên giao dịch là XRP) sang xây dựng phần mềm cho các ngân hàng lớn. Công ty khởi nghiệp bitcoin Counterparty cho ra đời một công ty khác – Symbiont – vào tháng 3.2015. Symbiont lập trình một blockchain độc quyền hiện được Vanguard sử dụng để chia sẻ dữ liệu chỉ số chứng khoán. Tháng 2.2017, ConsenSys – nhóm những công ty tiền mã hóa có trụ sở tại Brooklyn do một trong những nhà sáng lập Ethereum quản lý – đã hỗ trợ ra mắt tổ chức Enterprise Ethereum Alliance.
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào?
Chúng ta có thể thực hiện xác thực phi tập trung hoàn toàn nếu muốn. Tôi nghĩ, vấn đề là chúng ta có thật sự muốn vậy hay không mà thôi.
– Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook
Tương tự cách các công ty tại Mỹ cùng lựa chọn thái độ ngược dòng văn hóa trong những chiến dịch tiếp thị và quảng cáo (“Think Different,” “Don’t Be Evil”), các doanh nghiệp tiên phong nhất đang nhanh chóng bắt tay với công nghệ được thiết kế chủ yếu để loại bỏ chính họ.
Ví dụ trong lĩnh vực bảo hiểm, ứng dụng điện thoại Vitana của MetLife cung cấp gói bảo hiểm kèm xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ sử dụng blockchain để ghi dữ liệu, xác minh và thanh toán yêu cầu bảo hiểm. Trong thử nghiệm gần đây ở Singapore, nơi 1/5 thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ tham gia chỉ cần nhập kết quả xét nghiệm dương tính vào hồ sơ y tế điện tử của bệnh nhân, và trong vài giây, hợp đồng thông minh của MetLife chuyển tiền thanh toán bảo hiểm vào tài khoản của bệnh nhân để chi trả các chi phí y tế liên quan. Không cần giấy tờ hoặc đơn yêu cầu nào.
Tương tự, tổ chức dịch vụ tài chính Allianz của Đức, đang làm việc với EY, đã thử chuyển một số quy trình xử lý yêu cầu bảo hiểm nội bộ – thường liên quan đến nhiều email, tập tin đính kèm và các cuộc điện thoại trải khắp các múi giờ – vào blockchain riêng. Thời gian xử lý một yêu cầu bảo hiểm giảm từ vài tuần xuống còn vài giờ.
Ngân hàng BNP Paribas của Pháp, ngân hàng cho các thương nhân vay tiền từ thế kỷ 19, đang cân nhắc sử dụng nền tảng sổ cái Voltron để xử lý thư tín dụng (L/C) của thương nhân. Northern Trust đã bắt đầu quản lý các quỹ PE (quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết) bằng Hyperledger Fabric. Broadridge Financial đang chạy các kiểm tra thử nghiệm trên nhiều sổ cái phân tán cho dịch vụ nổi trội của mình như bỏ phiếu đại diện và liên lạc cổ đông.
“Theo thời gian thực, bạn biết ai đang sở hữu cổ phiếu, ai có quyền biểu quyết và sự ràng buộc với chương trình họp cổ đông được sự đồng thuận của tất cả mọi người,” Michael Tae, trưởng phòng chiến lược của Broadridge, giải thích.
Trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đầy rủi ro, thường xuyên phải chịu đựng những thảm họa từ đại dịch E.coli cho đến việc công nhân thiệt mạng trong lò nấu, các công ty như Nestlé và Bumble Bee Foods đang chuyển sang blockchain để củng cố chuỗi cung ứng và giảm bớt giấy tờ.
Golden State Foods (GSF)– nhà cung cấp lớn cho McDonald – sản xuất hơn 400 ngàn bánh hamburger mỗi giờ, theo dõi vị trí và nhiệt độ của bánh bằng các thiết bị như thẻ nhận dạng bằng sóng vô tuyến và Hyperledger Fabric. Hệ thống có thể lập tức cảnh báo GSF những nguy cơ có thể dẫn đến hư hỏng. Đồng thời, họ cũng có thể tối ưu hóa lượng tồn kho bằng cách theo dõi lượng thịt trong xe tải hoặc tủ đông của nhà hàng theo thời gian thực.
Tại hội thảo SXSW năm nay ở Austin, bang Texas, Bumble Bee tiết lộ một blockchain chuỗi cung ứng do SAP xây dựng nhằm mang đến sự minh bạch hoàn toàn cho khách hàng. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ không cần phải nhắm mắt tin vào Bumble Bee nữa vì họ sẽ đảm bảo rằng gói cá ngừ vây vàng 340g bạn vừa mua được đánh bắt từ những ngư dân ở Nam Thái Bình Dương chứ không phải bởi tàu chế biến. Các nhóm đánh bắt, xử lý cá ngừ và đóng gói hiện đang nhập thông tin riêng của họ theo thời gian thực vào sổ cái phân tán của Bumble Bee. Đến mùa hè, Bumble Bee sẽ chia sẻ thông tin này với nhà bán lẻ và khách hàng có nhu cầu kiểm tra.
Xét trên phương diện quan hệ công chúng, blockchain SAP của Bumble Bee có thể sinh lợi. Năm 2017, tổ chức Hòa Bình Xanh đã xếp Bumble Bee ở vị trí thứ 17 trên 20 thương hiệu cá ngừ xét theo các hoạt động bền vững, vì nghi ngờ họ ra sức “tẩy xanh” một loạt những hành vi gây hại bằng hoạt động tiếp thị thân thiện với môi trường.
“An toàn thực phẩm và sản phẩm có nguồn gốc bền vững đã trở thành chủ đề cực kỳ quan trọng trong ngành công nghiệp của chúng tôi,” Tony Costa, giám đốc công nghệ thông tin của Bumble Bee, cho biết. “Tận dụng công nghệ mới nhất cho phép chúng ta mở rộng công khai, nếu muốn. Vậy nên chúng tôi không can thiệp vào hoạt động quản lý dữ liệu. Chúng tôi dựa vào mối quan hệ.”
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ước tính 20 xu trên mỗi đô la Mỹ – khoảng 700 tỉ đô la Mỹ một năm – bị lãng phí do không hiệu quả. Ciox, công ty ít được biết đến có trụ sở tại Alpharetta, bang Georgia, quản lý hoạt động trao đổi hồ sơ y tế của 60% bệnh viện tại Mỹ, đang cân nhắc phát triển một blockchain riêng cho phép nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng – với khoản phí trả cho Ciox – để trao đổi dữ liệu. Những doanh nghiệp trong Blockchain 50 như Ciox và công ty truyền thông khổng lồ Comcast – hiện xem xét dùng blockchain cho các quảng cáo truyền hình hướng đến đối tượng vi mô, có kế hoạch sử dụng những tính năng bảo mật của blockchain để hưởng lợi từ dữ liệu khách hàng nhưng vẫn bảo vệ được danh tính của họ.
Dù số lượng tập đoàn tham gia những dự án blockchain tăng vọt, công nghệ này vẫn còn mới mẻ, và tương đối ít tạo ra doanh thu hoặc tiết kiệm đáng kể.
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào?
Vài năm trở lại đây, tôi đã không còn nhìn các doanh nghiệp lớn như những con quái vật khổng lồ nữa…Tôi nghĩ họ có một vai trò nhất định.
Vitalik Buterin, đồng sáng lập của Ethereum.
Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain như thế nào?
Nhóm đang làm giàu nhờ cơn sốt blockchain doanh nghiệp hiện tại là các nhà tư vấn. Deloitte, PwC, KPMG, EY và Tata Consultancy Services đang triển khai những nhóm nhỏ để rao giảng những ưu điểm của blockchain cho nhân sự cấp cao (C-suite) và thu những khoản phí khổng lồ để giúp các công ty triển khai công nghệ. (Chúng tôi loại bỏ những công ty tư vấn khỏi danh sách Blockchain 50 vì họ đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ tạo lập danh sách.) Ví dụ như Deloitte, có 1.400 nhân viên blockchain toàn thời gian. Tata của Ấn Độ có 1.000 nhân viên, 600 người trong số đó làm việc toàn thời gian, trong bộ phận blockchain. Các công ty công nghệ, bao gồm Oracle, SAP và Amazon cũng đang đặt cược vào cuộc đua của mình.
Một phần là công ty công nghệ, một phần là công ty tư vấn, IBM có thể là công ty blockchain doanh nghiệp lớn nhất và thành công nhất. Bên cạnh việc tạo ra Hyperledger Fabric, công ty có 1.500 nhân viên – hầu hết là kỹ sư – tập trung vào công nghệ mới và có báo cáo rằng Blockchain IBM được dùng trong 500 dự án khách hàng.
Ví dụ như IBM Food Trust, có sự góp mặt của Walmart, Kroger, Nestlé và Carrefour, tập đoàn kinh doanh siêu thị Pháp, trong số hơn 50 thành viên. IBM cũng đứng sau Trust-Chain, liên doanh các công ty trong chuỗi cung ứng kim cương và trang sức, bao gồm Rio Tinto Diamonds, Asahi Refining và Helzberg Diamonds. Health Utility Network, một nhánh khác của Big Blue, có ba thành viên nằm trong nhóm năm công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất Hoa Kỳ là Aetna, Cigna và Anthem.
Theo Wieck từ IBM, “sức mạnh của bất kỳ mạng lưới blockchain nào cũng đều nằm ở những người tham gia và thành viên của nó.” Thành viên đó là người lý tưởng hóa công nghệ mã hóa hay tập đoàn toàn cầu cũng không quan trọng lắm.
Theo Forbes Việt Nam