Bollinger Bands là công cụ phân tích biến động giá thường xuyên được sử dụng do rất dễ hiểu, dễ quan sát và áp dụng. Trong bài này, hãy cùng nhau tìm hiểu bản chất thật sự Bollinger Bands là gì và những lời khuyên về cách sử dụng chỉ báo này để đạt mức độ tin cậy cao nhất khi phân tích Forex.
Bollinger Bands là gì
Bollinger Bands (tên thường gọi là dải BB) là một trong những chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất, đây là chỉ báo được xây dựng dựa trên các đường xu hướng (trendline) với cấu tạo gồm một đường trung bình động giản ở giữa (SMA) và hai dải trên và dưới đường SMA này. Hai dải này là độ lệch chuẩn dương và âm của đường SMA. Được John Bollinger xây dựng từ 1980, đến nay đây là chỉ báo kỹ thuật được rất nhiều trader lựa chọn để
- Tìm tín hiệu quá mua – quá bán
- Tìm điểm vào lệnh – thoát lệnh
- Xác định mức độ biến động của tài sản
Hình: Cấu tạo dải Bollinger Bands
Cách tính Bollinger Bands
Như đã nói trên, Bollinger Bands gồm 2 thành phần: đường SMA và 2 dải (trên và dưới). Để xây dựng Bollinger Bands, đầu tiên ta cần tính SMA của tài sản (thường là chu kỳ 20 ngày) và hai độ lệch chuẩn âm và dương (thay cho dải trên và dưới). Công thức cụ thể tính như sau:
- SMA 20 (đường giữa dải Bollinger) = ( Tổng ( Giá, 20 ) ) / 20
- Dải trên=MA(TP,n)+m∗σ[TP,n]
- Dải dưới =MA(TP,n)−m∗σ[TP,n]
Trong đó
- MA=Trung bình động
- TP (giá điển hình)=(Cao + Thấp + Đóng cửa )÷3
- n=Số ngày trong chu kỳ tính (thường là 20)
- m=Số độ lệch chuẩn (thường là 2)
- σ[TP,n]=Độ lệch Chuẩn trong n kỳ trước của giá điển hình
Hình: Minh họa cách tính Bollinger Bands trên bảng Excel
May thay là bạn không phải tính thủ công chỉ báo Bollinger Bands nữa, vì trên các nền tảng giao dịch như MT4 đã tích hợp sẵn chỉ báo này trong mục Chèn chỉ báo. Bạn có thể bật Bollinger Bands như trong hình bên dưới.
Hình: Cách mở chỉ báo Bollinger Bands
Bollinger Bands cung cấp tín hiệu gì
Về bản chất, Bollinger Bands cho biết mức độ biến động của tài sản. Khi hai dải BB mở rộng chứng tỏ tài sản đang có mức biến động cao và ngược lại khi hai dải BB thu hẹp thì độ biến động giảm xuống. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn sử dụng Bollinger Bands để tìm điểm vào lệnh, cụ thể như sau:
Xác định Quá mua – Quá bán
Rất nhiều nhà giao dịch tin rằng, khi mức giá gần với dải trên, thị trường đang quá mua và khi mức giá gần với dải dưới, thị trường đang quá bán. Để sử dụng Bollinger Bands hiệu quả, tác giả (John Bollinger) còn đưa ra 22 quy tắc sử dụng Bollinger Bands để tìm tín hiệu một cách chính xác hơn.
Hình bên trên là minh họa dải Bollinger (chu kỳ 20 ngày) với dải trên và dải dưới di chuyển cùng với bước di chuyển giá hằng ngày của một cổ phiếu. Trên chỉ báo, bạn có thể thấy là hai dải trên và dưới liên tục mở ra và thu hẹp lại, thể hiện mức độ biến động giá của tài sản.
Sự siết chặt hai dải Bollinger mở ra cơ hội giao dịch
Một trong những tín hiệu giao dịch dễ nhận biết nhất nhờ chỉ báo Bollinger Bands là khi quan sát sự siết chặt 2 dải Bollinger ép về đường SMA . Khi hiện tượng này xảy ra đồng nghĩa với thị trường đang ít biến động, từ đó có thể suy ra thị trường có thể tăng độ biến động trong thời gian sắp tới, mở ra cơ hội để vào lệnh mua – bán.
Hình: Minh họa hai dải Bollinger đang thu hẹp lại
Ngược lại, khi hai dải Bollinger di chuyển cách xa SMA, chứng tỏ thị trường đang biến động giá lớn, từ đó nhà giao dịch sẽ cân nhắc đóng lệnh mua -bán hiện tại để chốt lời/ dừng lỗ.
Tuy nhiên, Bollinger bands không cung cấp xu hướng thị trường, do đó bạn cần kết hợp với các chỉ báo chỉ xu hướng để xác định nên mua hay bán, và mua hay bán vào thời điểm nào. Các chỉ báo kết hợp với Bollinger bands một cách hoàn hảo gồm RSI và MACD.
Phá vỡ giá (breakouts)
Theo quan sát, hành động giá luôn nằm trong hai dải Bollinger đến 90%. Khi bạn quan sát nhận ra hành động giá đang phá vỡ (breakouts) 2 dải này, điều này chứng tỏ thị trường đang xảy ra một sự kiện quan trọng, và bạn có thể lên kế hoạch để đặt lệnh mua bán. Tuy nhiên bạn nên lưu ý, điểm breakout không phải lúc nào cũng là điểm để vào lệnh, vì có thể đó là một breakout giả. Bạn cần kết hợp với các công cụ khác để xác nhận breakout, ví dụ như ATR, MACD, RSI.
Khuyết điểm của Bollinger Bands
Xét về bản chất, Bollinger Bands được tính toán dựa vào dữ liệu quá khứ (20 ngày), do đó thông tin sẽ có “độ trễ” nhất định. Hơn nữa, Bollinger Bands không thể dùng một mình để xây dựng chiến lược giao dịch.
Thứ nhất, Bollinger Bands không cung cấp thông tin về xu hướng giá.
Thứ hai, Bollinger Bands không cung cấp thông tin nên vào lệnh, thoát lệnh, chốt lời hay dừng lỗ ở vị trí nào.
Do đó, John Bollinger đã đề nghị nhà giao dịch luôn kết hợp chỉ báo này với một số chỉ báo khác, trong đó MACD và RSI là hai chỉ báo phù hợp nhất để tạo bộ công cụ giao dịch chính xác hơn.
Tạm kết
Bollinger Bands là chỉ báo kỹ thuật rất linh hoạt. Ngoài kết hợp với các chỉ báo khác, chỉ báo Bollinger Bands còn có thể kết hợp với các mô hình nến Nhật, dùng trong đa khung thời gian khác nhau nên dù bạn có giao dịch theo ngày hay giao dịch lướt sóng, chỉ báo này cũng có thể mang lại nhiều tín hiệu có giá trị.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư.