Hãy tưởng tượng ai đó muốn mua một tác phẩm nghệ thuật của Andy Warhol. Hầu hết chúng ta không đủ khả năng chi trả những khoản tiền trên trời như 195 triệu đô la cho một bức tranh Marilyn hay thậm chí 850.000 đô la cho một bức ảnh Nữ hoàng Elizabeth. Nhiều người muốn mua các tác phẩm nghệ thuật để giải trí hoặc để đầu tư nhưng không đủ khả năng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một người có thể mua “cổ phần” của một tác phẩm nghệ thuật giống như cách chúng ta mua cổ phần của một công ty giao dịch công khai? Đó là ý tưởng đằng sau việc token hóa tài sản thế giới thực.
Trường hợp sử dụng của Warhol là có thật: một công ty tên là Freeport đã cung cấp cổ phần chia nhỏ các bức tranh của Andy Warhol, tạo ra 1.000 token đại diện cho cổ phần của tác phẩm mà bất kỳ ai cũng có thể mua. Theo cách đó, chỉ với chưa tới 200 đô la, chúng ta đã có thể sở hữu 1/1000 bức tranh Rebel Without a Cause của Warhol
Việc token hóa các tài sản trong thế giới thực (RWA) không chỉ diễn ra trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn xuất hiện trong trái phiếu, ô tô, vàng, nhà ở,… Đó là một khái niệm đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ những người chơi tài chính truyền thống.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách thức hoạt động của quá trình token hóa tài sản trong thế giới thực và những lợi ích mà nó mang lại cho các nhà đầu tư.
Giải thích về token hóa tài sản trong thế giới thực
Ý tưởng cốt lõi của việc token hóa tài sản trong thế giới thực về cơ bản là tạo ra một phương tiện đầu tư ảo trên blockchain được liên kết với những thứ hữu hình như bất động sản, kim loại quý, tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm. Vì vậy, thay vì chứng thư cho một ngôi nhà là một mảnh giấy vật lý, quyền sở hữu sẽ được thiết lập on-chain. Điều này có thể được trao đổi trực tiếp giữa hai bên, hoặc chia nhỏ và chào bán cho nhiều người mua.
Có rất nhiều lợi ích của việc giữ quyền sở hữu các mặt hàng trong thế giới thực on-chain:
- Giảm chi phí bằng cách loại bỏ các bên trung gian như luật sư, môi giới, ngân hàng,…
- Cho phép giao dịch nhanh chóng, hiệu quả 24/7 các mặt hàng mà theo truyền thống chỉ có thể được thực hiện trong “giờ hành chính”.
- Giúp tháo gỡ rào cản gia nhập và tạo ra nhiều thanh khoản hơn.
- Quy trình minh bạch góp phần làm tăng niềm tin và trách nhiệm giải trình cho các trader.
Trở lại với bức tranh của Warhol, nếu 1.000 người sở hữu cổ phần của một tác phẩm nghệ thuật duy nhất, mọi người có thể đầu cơ và giao dịch xung quanh những cổ phần đó bất kỳ lúc nào mà không cần phối hợp với các chủ sở hữu khác. Thay vì một người bán phải làm việc với phòng trưng bày, thẩm định viên, luật sư và ngân hàng, mỗi người sẽ tính phí hoặc hoa hồng để bán cho một người mua duy nhất, người bán và người mua có thể giao dịch trực tiếp với nhau và chỉ phải trả một mức phí gas ít ỏi để chuyển tài sản ngay lập tức.
Không chỉ các mặt hàng có giá trị cao như ô tô cổ, bất động sản và vàng đang được token hóa, mà còn cả Kho bạc, tiền tệ và cổ phiếu của Hoa Kỳ.
Bob Ras, đồng sáng lập hệ sinh thái sàn giao dịch và tài sản kỹ thuật số Sologenic, nói với phóng viên rằng các tài sản trong thế giới thực được token hóa cho những thứ như cổ phiếu có thể chiếm quyền sở hữu một phần hiệu quả hơn và giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh hơn, lưu ý rằng các giao dịch trên blockchain không có thời gian thanh toán lên đến 72 giờ như thị trường truyền thống. Tốc độ và hiệu quả này giúp các nhà đầu tư nhỏ hơn với ít tiền hơn có thể tham gia vào các khoản đầu tư mà theo cách truyền thống, họ gần như không thể với tới được.
Trong trường hợp tiền tệ fiat, stablecoin là hình thức token hóa tài sản trong thế giới thực rõ ràng nhất. Các token như Tether hoặc USDC là đô la được token hóa. Mỗi token đại diện cho một đô la đời thực mà công ty dự trữ và cho phép các bên thanh toán trực tiếp và nhanh hơn.
Hướng đi tiếp theo cho Token hóa RWA
Các công ty tài chính truyền thống rất hào hứng với ý tưởng token hóa các tài sản mà họ đã giao dịch, chẳng hạn như vàng, cổ phiếu và hàng hóa. Quỹ đầu tư khổng lồ Franklin Templeton đã ra mắt Quỹ tiền tệ của Chính phủ Hoa Kỳ – Franklin OnChain vào năm 2021 trên Stellar và mở rộng sang Polygon vào năm 2023. Đây là một quỹ tương hỗ đã đăng ký đầu tiên của Hoa Kỳ sử dụng blockchain công khai để xử lý các giao dịch và ghi lại quyền sở hữu cổ phần.
Ngân hàng Hoa Kỳ gần đây đã gọi việc token hóa RWA là “trình điều khiển chính của việc áp dụng tài sản kỹ thuật số”. Theo báo cáo của họ, thị trường vàng được token hóa đã thu được hơn 1 tỷ đô la đầu tư. Ngoài ra nhu cầu đối với trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ được token hóa đang ngày càng tăng lên, với tổng vốn hóa thị trường của các quỹ thị trường tiền tệ được token hóa gần 500 triệu đô la.
Ngay bây giờ, tương lai của token hóa có vẻ tươi sáng với công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu Boston Consulting Group dự báo rằng thị trường tài sản token hóa có thể tăng vọt lên 16 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Các sản phẩm Kho bạc Hoa Kỳ được token hóa vượt 600 triệu đô la.
- 4 gã khổng lồ tài chính tham gia thử nghiệm token hóa tài sản thực tại Singapore.
Itadori
Theo CoinDesk