Trong tháng 8, không gian crypto liên tục đón nhận thông báo phát hành dự án crypto quốc tế của những gã khổng lồ trên toàn thế giới. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sắp phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, Walmart bắt đầu phát triển blockchain của riêng mình, Binance khởi động dự án Venus và Telegram của anh em nhà Pavel Durov công bố ngày trình làng TON.
Và tất nhiên, Facebook sẽ không đứng ngoài cuộc. Công ty giữ bí mật về dự án phát triển của Libra cho đến phút cuối cùng. Hiện tại, công ty đang tích cực thuê chuyên gia có khả năng thuyết phục các nhà quản lý tài chính bật đèn xanh cho Libra. Thậm chí, họ đã tung ra bản thử nghiệm của mạng để chứng tỏ những nỗ lực hết sức của mình.
Liệu các tổ chức đứng sau Libra (Hiệp hội Libra – LA) có thể đập tan sự hoài nghi của các nhà quản lý và nỗi lo sợ của các chính phủ trên toàn thế giới?
Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Vào ngày 18/6, đồng sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã ra mắt loại tiền điện tử Libra mới. Các phương tiện truyền thông toàn cầu đã có nhiều phản ứng đáp trả tin tức. Chính phủ và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia coi Libra là mối đe dọa thực sự đối với hệ thống tài chính toàn cầu, trong khi người dùng bày tỏ quan điểm lo ngại lại bị rò rỉ dữ liệu.
Bất chấp những nỗ lực ngăn cản của các nhà lãnh đạo thế giới đối với Zuckerberg, công ty vẫn đang chuẩn bị ra mắt hệ thống và thậm chí thuê một nhóm các nhà vận động hành lang để tìm kiếm sự thỏa hiệp với cơ quan quản lý. Chuyên gia được mời đến để thuyết phục các cơ quan quản lý tài chính Hoa Kỳ và châu Âu rằng Libra sẽ hoạt động trong khuôn khổ luật pháp hiện hành và mọi rủi ro sẽ được xoa dịu.
Vào ngày 27/8, cựu thành viên Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về chính phủ và an ninh nội địa Collins đã tham gia vào nhóm này. Ngoài ra, Facebook đã thuê cựu trợ lý Susan Stoner Zuk của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Crapo. Vai trò của cô là làm việc với các nhà lập pháp liên quan đến dự án – và theo cô, trước hết là các thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, Facebook cũng quan tâm đến việc thực thi về mặt kỹ thuật của dự án. Vào ngày 27/8, LA đã phát hành chương trình tặng thưởng 10,000 đô la cho những người tìm ra lỗ hổng bảo mật.
Dự kiến hệ sinh thái được ra mắt vào năm 2020, nhưng có thể bị trì hoãn do các yếu tố phức tạp toàn cầu. Vậy, điều gì đang ngán đường Libra?
Chưa được chính phủ Hoa Kỳ cho phép
Facebook không thể phát hành Libra ở Hoa Kỳ mà không có sự cho phép chính thức của chính quyền. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết tập đoàn được yêu cầu xác nhận các tiêu chuẩn bảo mật chất lượng cao. Nếu không, họ sẽ không thể cung cấp sản phẩm công khai.
Theo tuyên bố của Hội đồng dự trữ liên bang Hoa Kỳ, điều đáng quan ngại nhất là nguy cơ tiền điện tử bị khai thác để sử dụng bất hợp pháp. Chủ tịch Jerome Powell tin rằng Facebook nên trao đổi về dự án tiền điện tử với các nhà quản lý trước khi công khai Libra:
“Libra đặt ra nhiều quan ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính. Đây là những mối quan tâm cần được giải quyết triệt để và công khai trước khi phát hành”.
Một số thành viên của chính phủ tỏ ra ít mềm mỏng hơn đối với Libra. Nữ Dân biểu dân chủ California Maxine Waters kiêm chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ khuyên các tập đoàn IT ngừng phát triển tiền điện tử cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lý kiểm tra tất cả các rủi ro tiềm ẩn. Theo nữ nghị sĩ, loại tiền mới có thể cạnh tranh khốc liệt với đồng đô la Mỹ.
Trước khi có thông báo chính thức về dự án, Thượng viện Hoa Kỳ đã yêu cầu tập đoàn giải thích về các công cụ được sử dụng để thu thập và xử lý dữ liệu từ người dùng của mạng thanh toán.
Tuy nhiên, những câu hỏi chính vẫn chưa được trả lời. Các nhà chức trách đang cố gắng hiểu liệu hệ thống có thực sự được phân cấp không và làm thế nào để chống trả ‘dark market’. Thái độ chung của chính quyền Hoa Kỳ đối với đứa con tinh thần mới của Zuckerberg được phản ánh qua dòng tweet hùng hồn của Tổng thống Donald Trump:
“Tiền mã hóa Libra của Facebook sẽ có ít chỗ đứng hoặc độ tin cậy. Nếu Facebook và các công ty khác muốn trở thành ngân hàng, họ phải tuân thủ Điều lệ ngân hàng mới và trở thành đối tượng điều chỉnh của tất cả các Quy định liên quan đến hoạt động ngân hàng, giống như các ngân hàng khác”.
CEO David Marcus của ví Calibra và Mark Zuckerberg đảm bảo với các cơ quan có thẩm quyền về tính minh bạch của dự án, cho rằng tất cả các giao dịch sẽ được ẩn danh và họ chấp nhận bỏ ra thời gian cần thiết để đáp ứng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn.
Cơ quan quản lý không khoan nhượng
Vào ngày 25/8, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã đến thăm Thụy Sĩ, nơi Libra đăng ký hoạt động, để tiến hành một loạt các cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, sau các cuộc họp, cơ quan quản lý vẫn đặt ra câu hỏi liên quan đến tình trạng pháp lý của tiền điện tử Facebook. Waters nói:
“Những mối quan tâm của tôi về việc cho phép một công ty công nghệ lớn tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu có khả năng thay thế tiền tệ hiện hành và do tư nhân kiểm soát vẫn chưa được giải quyết”.
Hơn nữa, “Zuck Buck”, là Dân biểu dân chủ Brad Sherman đã cười cợt Libra trong tweet của mình vào ngày 17/7 đến mức có thể là làm cho những kẻ khủng bố và những tên tội phạm khác tức điên. Ông viết rằng: “Mark Zuckerberg đang gửi yêu cầu kết bạn với những kẻ buôn bán ma túy, những kẻ buôn người và khủng bố” bằng cách tung ra tiền điện tử Libra của Facebook.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo đồng ý với lo ngại của Sherman, đồng thời cho biết việc phát triển các giao dịch ẩn danh có thể làm giảm mức độ an ninh trên thế giới:
“Chúng ta nên sử dụng cùng một khuôn khổ mà chúng ta đang áp dụng để điều chỉnh tất cả các giao dịch tài chính điện tử khác hiện nay”.
Dường như để phản đối điều này, Zuckerberg chủ động liên lạc với các cơ quan quản lý. Ông đã tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cũng như các giám đốc điều hành của Western Union.
Vào tháng 4, Zuckerberg đã thảo luận với Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney và Bộ Tài chính Hoa Kỳ về cách hệ thống thanh toán trong tương lai có thể được quy định. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc họp vẫn chưa được công bố.
Áp lực từ các quốc gia khác
Những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Libra cũng là chủ đề ‘hot’ ở các quốc gia khác. Một số quốc gia bày tỏ sự sợ hãi ngay sau thông báo của Libra được công bố:
“Nga: Chúng tôi sẽ hạn chế hoặc cấm tạo ra các trang web đó.
Vương quốc Anh: Ngân hàng Anh tiếp cận Libra với một tâm hồn cởi mở nhưng không phải là một cánh cửa mở.
Pháp: Không còn nghi ngờ gì nữa, Libra trở thành một loại tiền tệ có chủ quyền.
Ấn Độ: Dù là gì đi nữa, đó sẽ là một loại tiền điện tử riêng tư và không mang lại cảm thấy thoải mái cho chúng tôi.”
Những lo ngại cụ thể hơn cũng được các nhà chức trách Hàn Quốc đề cập. Ủy ban Dịch vụ Tài chính cho biết 2.4 tỷ người dùng Facebook tiếp cận với tài sản mới có thể gây tháo vốn từ các nền kinh tế đang phát triển.
Mặc dù vậy, các cơ quan quản lý đã không đề xuất các biện pháp cụ thể để chống lại mối đe dọa độc quyền tiền tệ. Ngược lại, chính phủ Trung Quốc không chỉ bày tỏ quan điểm tiêu cực mà còn sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó khẩn cấp. Vào ngày 10/8, ngân hàng trung ương của nước này cho biết họ đã sẵn sàng phát hành tiền điện tử quốc gia.
Ở các nước đang phát triển, ‘tiền điện tử mới có thể lan truyền nhanh chóng’ chính xác là mục đích mà Libra hướng tới. Nhưng hậu quả đối với các nền kinh tế này là khôn lường. Đó là lý do tại sao các chính phủ muốn kiểm soát chặt chẽ LA.
Các thành viên chính và các đối tác của dự án lần lượt ‘đội nón ra đi’
Các đối tác của dự án cũng lo ngại về trận chiến giữa Facebook với các nhà quản lý. Dường như không có công ty nào đồng ý trả 10 triệu đô la để tham gia vào mạng. Trong khi đó, một số đối tác nói rằng họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc gia nhập tổ chức chỉ sau khi các nguyên tắc làm việc của Libra trở nên rõ ràng hơn.
7 trong số 27 công ty tham gia với điều kiện họ sẽ không quảng bá hoặc sử dụng token Libra, bảo lưu quyền từ chối nếu có sự cố xảy ra. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, một trong những đối tác lưu ý:
“Tôi nghĩ sẽ rất khó cho những đối tác muốn được các cơ quan quản lý coi là tuân nếu họ ủng hộ Libra”.
Một người ủng hộ khác chỉ trích gã khổng lồ truyền thông xã hội vì chiến lược sai lầm, nói rằng:
“Một số cuộc họp bàn về quy định đáng lẽ phải diễn ra trước khi ra mắt để hiểu các nhà quản lý sẽ nghĩ như thế nào. Vì vậy đã nảy sinh rất nhiều sự phản kháng”.
Tai tiếng của Facebook
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện hồi đầu tháng 7, các nhà lập pháp bày tỏ nghi ngờ về tính bảo mật trong tương lai của Facebook coin, vì công ty từng bị phạt 5 tỷ USD do thu thập, lưu trữ và lạm dụng dữ liệu người dùng.
Chính Facebook đã khẳng định dữ liệu người dùng sẽ không bị chia sẻ giữa dự án mới và mạng truyền thông xã hội hiện có. Ít nhất, đây là những gì đã được hứa trong thông báo do Facebook phát hành, vì Libra sẽ do LA kiểm soát và Facebook sẽ chỉ là một trong những người tham gia. Tuy nhiên, một số thành viên của cộng đồng tiền điện tử cho rằng Libra sẽ cung cấp cho Facebook một công cụ mới để thu thập thông tin người dùng.
Nhiều vụ bê bối liên quan đến việc Facebook không có khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng đã dẫn đến hệ quả là gã khổng lồ truyền thông xã hội phải giao việc quản lý dự án cho LA. Như Marcus lưu ý, nếu công ty kiểm soát mạng thì sẽ có rất ít người muốn “tham gia và biến nó thành của họ”.
Do đó, Facebook đang cố gắng giải quyết vấn đề mất lòng tin bằng cách xóa bỏ gánh nặng trách nhiệm duy nhất và thay vào đó là phân phối quyền lực cho các thành viên của Hiệp hội. Điều này sẽ làm cho mạng đáng tin cậy hơn, như Zuckerberg từng nói:
“Đây là blockchain được phân cấp. Có nghĩa là nó được nhiều tổ chức khác nhau quản lý chứ không phải chỉ một. Như vậy, hệ thống sẽ trở nên công bằng hơn”.
Mark Zuckerberg sẽ giành được cơ hội?
Do đó, có vẻ như chỉ có hai kết quả có khả năng xảy ra. Libra có thể thua các cơ quan quản lý và Facebook buộc phải đóng dự án. Trong trường hợp này, các hệ thống phi tập trung không cần sự cho phép sẽ nhận được một động lực lớn để phát triển, vì chúng sẽ là giải pháp thay thế duy nhất giúp tránh áp lực pháp lý.
Tình huống thứ hai là Libra sẽ thành công trong thị trường tự do mà tại đó các token riêng tư sẽ cạnh tranh với các loại tiền fiat. Trong trường hợp này, mỗi người dùng sẽ phải lựa chọn giữa các chức năng như liên kết tiền fiat, phân cấp, quyền riêng tư, …
Về khả năng Libra được phát hành vào năm 2020, các chuyên gia tài chính và pháp lý nhất trí nhận định rằng dự án rất có thể đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật nhưng các vấn đề pháp lý chưa được giải quyết có thể cản trở việc thực hiện đúng thời gian đề ra. Giám đốc Christian Ellul của Tập đoàn E&S cho biết:
“Từ quan điểm kỹ thuật, tôi tin rằng nhóm Libra sẽ sẵn sàng ra mắt vào ngày mà họ cam kết. Nhưng từ góc nhìn pháp lý của câu chuyện thì có thể khác. Các quốc gia khác nhau chắc chắn sẽ đối xử với Libra theo những cách không giống nhau do các chế độ pháp lý rất khác nhau. Điều này có khả năng gây trở ngại cho sự thành công của dự án và việc chấp nhận rộng rãi”.
Đối tác quản lý Tom Debus của công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu Integration Alpha đã đồng ý rằng các nhà quản lý có thể khiến ‘cuộc sống’ của Libra trở nên khó khăn:
“Thật khó tin các vấn đề pháp lý sẽ được sắp xếp ổn thỏa trong năm 2020 – điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, với sự thỏa hiệp cần thiết và xoay quanh phạm vi, khung pháp lý liên quan, một số tính năng và dịch vụ ban đầu có thể hoạt động ngay cả khi tầm nhìn đầy đủ chưa được thực thi”.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia tài chính Benjamin Tsai, chủ tịch và đối tác quản lý tại Wave Financial, tiền điện tử đến từ Facebook có mọi cơ hội được sử dụng rộng rãi. Ông tin rằng:
“Libra được thiết lập để có chủ quyền. Điều này thật đáng tiếc và rất khó để tất cả các nước ủng hộ nó. Nếu họ phát hành USD-Libra, JPY-Libra, EUR-Libra và GBP-Libra, thì sau đó phải đi giải quyết hậu họa. Họ luôn có thể quyết định chơi với tỷ giá hối đoái hoặc loại bỏ hoàn toàn. […] Các chính phủ hiểu rằng điều này sẽ xảy ra vào một lúc nào đó và LA cần thuyết phục mọi người tin họ có thể thực hiện tốt kế hoạch tiền tệ kỹ thuật số này”.
CEO Eric Benz của nền tảng sàn giao dịch Changelly lập luận:
“Libra đặt ra mối đe dọa cho các tổ chức tài chính kế thừa hơn cả Bitcoin. Vì Bitcoin là một loại tiền điện tử có tính chất dễ biến động, giá của nó tăng theo tỷ lệ quan tâm trên toàn cầu. Mặt khác, Libra có kế hoạch đưa ra mức giá cố định, do đó, nó không thể được coi là một nguồn đầu tư”.
- Facebook vẫn “đổ mồ hôi” sau khi Maxine Waters gặp gỡ các nhà lập pháp Libra tại Thụy Sĩ
- Facebook Libra đã ảnh hưởng như thế nào đến tiền điện tử, chính trị và tài chính?
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph