Trong dự thảo thông tư trên, Cục Điều tiết điện lực đề xuất bổ sung nội dung “Hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin, litecoin, etherum và một số đồng tiền tương tự khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động mang tính chất làm dịch vụ thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua bán trên mạng”.
Góp ý cho dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa công nhận tính hợp pháp đối với tiền kỹ thuật số.
Cụ thể, theo quyết định số 1255 ngày 21/8/2017 của Thủ tướng về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật đối với loại tiền tệ này.
Theo dự kiến, việc lập đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, thời gian hoàn thành dự kiến ngay trong năm 2018. Cùng với đó, Bộ Tài chính, một số bộ ngành chức năng cũng đang đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với máy đào tiền kỹ thuật số.
Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cân nhắc việc đưa nội dung kể trên vào dự thảo thông tư quy định về thực hiện giá bán điện áp dụng cho tiền kỹ thuật số do chưa có cơ sở pháp lý đối với loại hình kinh doanh này.
Trước đó, hồi đầu năm 2018, Bộ Công Thương có công văn yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) áp dụng giá bán lẻ điện cho mục đích kinh doanh đối với các hoạt động ‘đào’ tiền ảo.
Trên thực tế, các cơ sở kinh doanh các dịch vụ “đào” tiền ảo sử dụng khá lớn điện năng, nên việc không áp dụng đúng mức giá điện với việc này sẽ không công bằng với các đối tượng sử dụng điện khác.
Tại thời điểm này, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng với việc ban hành giá bán lẻ điện, phải chăng Bộ Công Thương đang hợp thức hoá loại hình kinh doanh tiền kỹ thuật số?
Tuy nhiên, giải thích cho vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã nhận văn bản của các sàn giao dịch Bitcoin, yêu cầu hướng dẫn về việc thực hiện giá bán điện cho các hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền kỹ thuật số. Do đó, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể đối với đối tượng khách hàng này của EVN.
Theo Bộ Công thương, hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như Bitcoin, Litecoin, Ethereum và một số đồng tiền tương tự khác thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động mang tính chất làm dịch vụ, thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua – bán trên mạng. Vì vậy, điện năng sử dụng cho hoạt động này thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện cho mục đích kinh doanh.
Theo: TapchiBitcoin.vn/DanTri
Bộ Công An chính thức đồng tình cấm nhập khẩu máy đào coin của Bộ Tài Chính
Tin mới nhận: NHNN nhất trí với Bộ Công thương tạm ngưng nhập khẩu máy đào Bitcoin