Tuần này, hàng loạt chỉ báo kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố, với tiềm năng ảnh hưởng trực tiếp đến danh mục đầu tư của các trader và nhà đầu tư tiền điện tử. Bitcoin (BTC) đặc biệt được kỳ vọng sẽ ghi nhận biến động mạnh khi tiếp tục nỗ lực duy trì đà tăng giá, hiện đang được giao dịch gần mốc 110.000 USD.

Với những ai muốn đón đầu biến động thị trường, dưới đây là 4 dữ liệu kinh tế cần theo dõi sát sao trong tuần này.
Các chỉ báo kinh tế Mỹ đáng chú ý trong tuần
Giới đầu tư tiền điện tử đang theo dõi sát các chỉ số kinh tế Mỹ trong tuần này để nắm bắt tâm lý thị trường, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như bối cảnh kinh tế vĩ mô tổng thể. Dưới đây là các chỉ báo đáng chú ý nhất.

1. Niềm tin người tiêu dùng
Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng do Conference Board công bố đã giảm mạnh xuống mức 86 điểm trong tháng 4/2025, thấp hơn 7,9 điểm so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011, và đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp.
“Chỉ số này hiện đang ở mức thấp thứ hai kể từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 1952! Giai đoạn gần nhất tương tự là quý II năm 1982, nhưng lần này mức giảm còn sâu hơn. Thật phi thường khi Bitcoin đang ở đỉnh lịch sử – nhưng cũng chẳng ngạc nhiên khi phần lớn mọi người vẫn chưa quan tâm”, nhà phân tích Bitcoin có tên Decode chia sẻ trên X.

Chỉ số Kỳ vọng – đo lường triển vọng ngắn hạn về thu nhập, kinh doanh và thị trường lao động – cũng giảm mạnh xuống 54,4 điểm, thấp hơn ngưỡng cảnh báo suy thoái tại mốc 80 điểm.
Theo MarketWatch, dự báo trung vị cho chỉ số này trong tuần tới vẫn là 86 điểm. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng đang ngày càng xấu đi, với nhiều người lo ngại về điều kiện kinh doanh, triển vọng việc làm và thu nhập trong tương lai.
Cụ thể, 32,1% người được khảo sát cho biết họ dự đoán sẽ có ít việc làm hơn trong 6 tháng tới – mức cao nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Lo ngại về thuế quan và giá cả tăng cũng là hai nguyên nhân chính khiến tâm lý người tiêu dùng bi quan.
Điều này cho thấy rằng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư crypto có thể đang giảm đi. Người tiêu dùng bi quan có xu hướng né tránh tài sản đầu cơ như Bitcoin, và chuyển sang các kênh an toàn như trái phiếu hoặc tiền mặt.
Tuy nhiên, nếu bất ổn kinh tế kéo dài, Bitcoin có thể trở thành tài sản phòng hộ được ưa chuộng nhờ tính phi tập trung và khả năng chống lại lạm phát – điều từng thấy trong các giai đoạn khủng hoảng trước đây.
2. Biên bản cuộc họp FOMC
Tuần này, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 5 – một sự kiện được giới tài chính toàn cầu theo dõi sát sao.
Các báo cáo gần đây cho thấy Fed tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ, với trọng tâm là giám sát lạm phát. Một số dự báo cho rằng năm 2025 chỉ có thể thực hiện tối đa 2 lần cắt giảm lãi suất, thay vì nhiều hơn như kỳ vọng trước đó.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng giữ giọng điệu “diều hâu”, thừa nhận kinh tế Mỹ còn vững nhưng cảnh báo rủi ro từ chính sách thương mại và tài khóa. Theo công cụ CME FedWatch, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 94,3% – tăng mạnh so với các dự báo trước đây.

Đối với thị trường crypto, lãi suất cao có thể gây áp lực giảm giá, bởi nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang tài sản sinh lời cao như trái phiếu. Chính vì vậy, các phát ngôn liên quan đến chính sách tiền tệ trong biên bản FOMC sắp tới (sẽ được công bố vào thứ Tư ngày 28/5) có thể khiến Bitcoin biến động mạnh.
3. Đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu
Một chỉ số quan trọng khác là Đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 24/5.
Tuần trước đó, số lượng đơn nộp là 227.000, giảm nhẹ so với 229.000 của tuần trước đó. Tuy nhiên, số người tiếp tục nhận trợ cấp đã tăng lên 1,903 triệu, tăng 36.000, cho thấy thị trường lao động có dấu hiệu chững lại.
Dự báo trung vị cho tuần tới là 228.000 đơn, củng cố thêm nhận định rằng thị trường lao động Mỹ đang bắt đầu “hạ nhiệt” – ít việc làm mới hơn và tỷ lệ thất nghiệp có thể nhích dần.
Trong ngắn hạn, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường crypto, khi người tiêu dùng mất việc làm sẽ có ít khả năng đầu tư vào tài sản rủi ro như Bitcoin. Tuy nhiên, nếu số liệu vẫn giữ ở mức ổn định, thị trường có thể được thúc đẩy nhẹ.
Ngược lại, nếu số đơn tăng đột biến, thị trường crypto có thể chịu áp lực bán tháo do dòng tiền rút lui về tài sản an toàn.
4. Chỉ số giá PCE
Cuối cùng, Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE tháng 4/2025, sẽ được công bố vào ngày 30/5, là dữ liệu được Fed theo dõi rất sát để đánh giá xu hướng lạm phát.
Dự báo mới nhất cho thấy PCE sẽ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 2,3% trong tháng 3. Chỉ số PCE lõi (ngoại trừ thực phẩm và năng lượng) được kỳ vọng giữ nguyên ở mức 2,6%.
Tháng trước, PCE chỉ tăng chưa tới 0,1% theo tháng, còn PCE lõi tăng 0,1%. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang chi tiêu thận trọng hơn, với tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở mức 3,9%.
Nếu PCE tiếp tục ổn định hoặc thấp hơn dự báo, kỳ vọng về cắt giảm lãi suất nhẹ sẽ tăng lên – điều này có thể hỗ trợ thị trường crypto, khi đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, nếu chỉ số PCE cao hơn dự kiến, lo ngại về lạm phát sẽ gia tăng, khiến đồng USD mạnh lên và tạo áp lực giảm giá lên Bitcoin.
- Bitcoin tăng 10% bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ u ám – Tâm lý nhà đầu tư đang thay đổi?
- 7 chỉ báo kinh tế Mỹ có thể tác động đến Bitcoin và thị trường crypto trong tuần này
Itadori
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Bitcoin
- Fed
- Jerome Powell