Libra không phải loại tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Bitcoin và Ethereum là hai trong số những đồng tiền kỹ thuật số khá nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên, Libra cũng sẽ có những khác biệt. Tiền kỹ thuật số hiện nay được hỗ trợ bởi niềm tin của người mua chúng chứ không phải giá trị mà chúng mang lại hay sự bảo trợ của bất cứ chính phủ nào. Điều này khiến tiền kỹ thuật không ổn định.
Về phần mình, Libra được hỗ trợ bởi các khoản dự trữ. Nếu người dùng mua một USD đồng Libra, đồng USD này sẽ được đưa vào lưu trữ ở một nơi nào đó, sẵn sàng được sử dụng khi người ta bán ra đồng tiền kỹ thuật số. Trong khi các đồng tiền số hiện tại rất khó sử dụng, Libra được hứa hẹn sẽ rất thân thiện và được tích hợp vào Facebook và WhatsApp.
Chi tiết để hiện thực hóa những điều này không được công bố hoặc còn chưa được quyết định. Dẫu vậy, quyết tâm tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu vẫn là bước đi táo bạo với Facebook, nhất là trong thời điểm mạng xã hội lớn nhất thế giới liên tiếp bị chỉ trích vì xâm phạm quyền riêng tư, có các hành vi chống cạnh tranh trong thị trường quảng cáo, bào mòn giá trị tự do báo chí cũng như các vấn đề với chủ nghĩa dân tộc.
Tuy nhiên, nó phù hợp với mục tiêu kết nối thế giới của Facebook. Tiền kỹ thuật số sẽ tạo ra một phương tiện trao đổi có khả năng vượt qua tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương hoặc các hệ thống quản lý tiền tệ trên khắp thế giới. Dẫu vậy, không ai biết hậu quả của quá trình này là gì.
Tham vọng và khó khăn của Facebook
Hiện tại, có 4 vấn đề với đồng Libra mà Facebook phải tìm ra cách giải quyết ưu việt.
Thứ nhất và có lẽ là đơn giản nhất: Tổ chức một hệ thống thanh toán là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào các hệ thống. Các ngân hàng chú ý đến chi tiết, tuân thủ các quy định để ngăn rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và làm giả.
Tái tạo một hệ thống có tính phức tạp như vậy không phải một dự án mà tổ chức có vấn đề về quyền riêng tư như Facebook có thể dẫn đầu. Tệ hơn, việc không tạo ra các biện pháp bảo vệ như vậy có thể tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp lộng hành, thậm chí là gián tiếp tạo điều kiện cho khủng bố hoạt động.
Thứ hai, kể từ sau cuộc Nội chiến, Mỹ có một lệnh cấm giữa ngân hàng và thương mại. Một rào cản như vậy được củng cố nhiều lần, chẳng hạn như năm 1956, Mỹ thông qua Đạo luật Ngân hàng Cổ phần và sửa đổi nó vào năm 1970. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã chặn các ngân hàng đi vào thực hiện các hoạt động phi ngân hàng thông qua mô hình công ty mẹ con. Lịch sử cho thấy người Mỹ sẽ không muốn các ngân hàng cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của họ.
Ngân hàng và thanh toán là một lĩnh vực đặc biệt, cho phép ngân hàng được phép tiếp cận các bí mật kinh doanh của khách hàng. Năm 1970, một công ty du lịch lập luận rằng ngân hàng có thể biết hết các khách hàng tốt nhất của họ và nếu ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch và cạnh tranh trở lại, họ sẽ không có đối thủ. Đó là lý do lệnh cấm được ban hành.
Tưởng tượng rằng công ty con Calibra của Facebook biết mọi thông tin về cách bạn mua sắm và bán dữ liệu cho một nhà bán lẻ để họ có thể tối đa hóa giá hàng hóa bán cho bạn ở mỗi sản phẩm. Hãy tưởng tượng Facebook sẽ nắm mọi bí mật của doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ người tiêu dùng. Xung đột lợi ích chính là lý do mà thanh toán và ngân hàng được tách ra khỏi phần còn lại của kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, nó có thể cung cấp cho những người thuộc đế chế Libra này quyền truy cập vào hệ thông thông tin, mối quan hệ kinh doanh hoặc công nghệ của người sử dụng để mang lợi thế lại cho mình. Có nhiều cách để một hệ thống tiền tệ mới có thể tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp khác, đặc biệt là khi các ông lớn đều góp mặt trong ban quản trị của hệ thống này.
Chẳng hạn, Uber có thể dùng loại tiền mới này để giảm giá cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình thay vì sử dụng dịch vụ của các hãng xe công nghệ khác. Nếu điều này xảy ra, Facebook sẽ mang lại những cuộc cạnh tranh không công bằng theo cách có chủ đích trên toàn thị trường.
Thứ 3 là về hệ thống của Libra hoặc bất cứ hệ thống tiền ảo tư nhân nào. Chúng mang lại những rủi ro cho nền kinh tế. Libra được hỗ trợ bởi trái phiếu và tài sản dự trữ tại Libra Reserve. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu hành vi trộm cắp xảy ra với hệ thống? Điều gì xảy ra khi tất cả mọi người muốn bán đồng Libra cùng một lúc?
Nếu hệ thống của Libra hòa vào với nền kinh tế toàn cầu theo cách Facebook mong muốn, liệu chúng ta có sẵn sàng cho một gói cứu trợ cho một hệ thống được quản lý bởi tư nhân. Phải nói rằng, thiết lập một mạng thanh toán quốc tế tư nhân là rủi ro quá lớn.
Cuối cùng là vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia. Cho phép một đồng tiền mở vượt mọi biên giới là lựa chọn khó khăn. Hầu hết các nước, đặc biệt là Mỹ, sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để cấm các cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia trong việc sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để làm tổn lại tới nền kinh tế Mỹ. Việc thực thi các lệnh trừng phạt này chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Nếu bạn không thể gửi USD vào ngân hàng, bạn sẽ không thể dùng nó.
Tuy nhiên, với sự ra đời của một loại tiền tệ tư nhân, lệnh trừng phạt kinh tế của các chính phủ có thể mất đi uy lực. Liệu Facebook và các nhà đầu tư mạo hiểm vốn là lãnh đạo các công ty công nghệ sẽ quyết định áp dụng lệnh trừng phạt với một quốc gia nào đó theo yêu cầu của ai đó hay không? Câu trả lời có lẽ là không.
Ngoài ra, sẽ khó có dân chủ với Libra. Nhiều năm trước, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nói rằng ông ta không nghĩ Facebook là một doanh nghiệp. “Theo nhiều cách, Facebook giống một chính phủ hơn là một công ty truyền thống. Chúng tôi thực sự tạo ra các chính sách“, Zuckerberg nhấn mạnh và hành động như có quyền lực chủ quyền.
Ví dụ, Mark đang thiết lập những cơ quan giống tòa án tối cao để phát xét và kiểm duyệt nội dung. Bây giờ, người đàn ông này lại đang muốn tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, cách thế giới cấu trúc tiền tệ và các phương thức thanh toán là câu hỏi của các thể chế dân chủ. Sẽ không có công ty nào đủ lớn để điều hành một loại tiền tệ toàn cầu.
Lệ Thanh
Tạp Chí Bitcoin | New York Times