Đối với Bitcoin, mục tiêu ban đầu là được áp dụng hàng loạt như một dạng tiền điện tử. Nhưng ngày nay, trong khi giá Bitcoin tăng lên, mọi người có nhiều khả năng coi nó như một kho lưu trữ giá trị. Và trong khi chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của các giao dịch không dùng tiền mặt thì các khoản thanh toán được thực hiện bằng Bitcoin lại giảm. Nhiều người dùng kết luận rằng nó là một phương thức mua hàng bất cập, chậm hơn và đắt hơn (ít nhất là đối với các giao dịch nhỏ lẻ) so với tiền mặt truyền thống.
Tuy nhiên, điều đó có thể không phải luôn luôn đúng. Một số tín đồ quyết tâm đạt được trạng thái mà hầu như tất cả các giao dịch kỹ thuật số trên thế giới đều được thực hiện bằng Bitcoin; nơi ví tiền điện tử được sử dụng để mua bất cứ thứ gì từ quả chanh cho đến chiếc Lamborghini và giao dịch diễn ra nhanh chóng với phí thấp.
Vậy về mặt kỹ thuật, Bitcoin cần điều gì để đạt đến giai đoạn trở thành loại tiền tệ chủ yếu cho các khoản thanh toán ngang hàng trên toàn thế giới?
Cơ hội
Vào năm 2019, khoảng 708,5 tỷ giao dịch kỹ thuật số đã được thực hiện hàng năm. Con số đó tương đương 1,9 tỷ giao dịch mỗi ngày.
Giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn thế giới (tính bằng tỷ) theo khu vực (2014–2019) | Nguồn: Cap Gemini
Để giải quyết tất cả những con số này, blockchain Bitcoin cần xử lý 13.194.444 giao dịch sau mỗi 10 phút — tương ứng với tốc độ các khối được xử lý.
Để xử lý 13.194.444 giao dịch cứ sau 10 phút, với kích thước giao dịch Bitcoin hiện tại trung bình là 537 byte, mỗi khối sẽ chỉ cần chứa hơn 7GB dữ liệu.
Quy mô của các giao dịch Bitcoin | Nguồn: Bitcoin Visuals.
Với toàn bộ blockchain Bitcoin chỉ có hơn 300GB vào tháng 9/2020, điều đó sẽ tương đương với việc thêm vào toàn bộ blockchain hiện tại cứ sau 43 ngày.
Khối lượng giao dịch này sẽ tạo ra hơn 1 terabyte dữ liệu được thêm vào blockchain mỗi ngày hoặc 372 terabyte một năm.
Thực tế
Hiện tại, không có cách nào để đạt được điều đó về mặt kỹ thuật. Kích thước khối của Bitcoin được cố định ở mức 1MB (có thể vượt quá – nhưng chỉ một chút.)
Và vì thời gian và kích thước khối được cố định nên 13,914,444 giao dịch sẽ không thể xử lý trong 10 phút và tạo ra lượng tồn đọng khổng lồ (hoặc mempool theo cách nói của blockchain).
Mempool sẽ lớn đến mức nào? Theo Jason Deane, nhà phân tích tại Quantum Economics, dựa trên dữ liệu lịch sử, mạng có thể quản lý khoảng 3.333 giao dịch mỗi khối 10 phút – tức là khoảng 5,5 mỗi giây (TPS). Để so sánh, Visa có thể xử lý 1.700 TPS. Nhưng công nghệ của Bitcoin vẫn còn non trẻ và 13.914.444 giao dịch sẽ mất 4174,5 khối và khoảng 29 ngày. Anh nói thêm:
“Và khối dữ liệu đó chúng tôi phải xử lý trong 10 phút. Vào thời điểm chúng tôi hoàn thành lô giao dịch đó, cũng sẽ có 13, 914.444×4.175 giao dịch khác hoặc tổng cộng 580.092.803.700 cần xử lý”.
Tăng kích thước khối của Bitcoin
Deane cho biết:
“Để đối phó với vài tỷ giao dịch hàng ngày trên chính blockchain, Bitcoin cần có mạng, phần cứng và tốc độ truyền vượt xa những gì chúng ta có bây giờ. Và vì lý do đó, các giải pháp dựa trên off-chain chẳng hạn như “sidechains” tồn tại. Ngay cả khi bằng cách nào đó bạn tạo ra một kịch bản có khối 7GB hoạt động, tôi cho rằng công nghệ này không phù hợp và có quá nhiều tác động tiêu cực”.
Thứ nhất, không thể tiếp tục tăng kích thước khối vô thời hạn và nó sẽ dẫn đến việc tập trung nhiều hơn. Nếu các nhà khai thác node cần tải xuống khối ở quy mô gigabyte và không đủ khả năng chi trả phần cứng hoặc chi phí Internet liên quan thì đó có thể là rào cản đối với nhiều người. Tăng cường tập trung hóa sẽ là một trong những hệ quả.
Sau đó, phải tính đến chi phí lưu trữ dữ liệu và băng thông để truyền tải dữ liệu. Nhà phát triển Bitcoin Core Gregory Maxwell cho biết vào năm 2014:
“Có sự đánh đổi cố hữu giữa quy mô và phân quyền khi nói về các giao dịch trên mạng. Bạn cần nhiều băng thông theo thứ tự kết nối gigabit. Điều đó vẫn có thể nhưng vấn đề là sẽ không được phân cấp nhiều, vì ai sẽ điều hành một node?”
Nhưng nhiều người cho rằng việc tăng kích thước khối là chìa khóa để đưa Bitcoin vào áp dụng chính thống, đặc biệt là khi các giải pháp khác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nó sẽ cho phép nhiều giao dịch được xác nhận hơn trong mỗi khối và phí thấp hơn, làm cho mạng nhanh hơn và rẻ hơn. Đó là những gì cộng đồng Bitcoin Cash đã làm, khi họ fork từ Bitcoin, thay đổi kích thước khối trước tiên thành 8 MB và sau đó là 32 MB.
Nhưng trên thực tế, khối trung bình trên mạng Bitcoin Cash vẫn dưới 1 MB, cuộc tranh luận về kích thước khối đã diễn ra trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Thay vào đó, các giải pháp khác dần trở nên nổi bật hơn.
Thu hẹp lượng dữ liệu được sử dụng trong mỗi giao dịch
Điều này có nghĩa là nhiều giao dịch hơn có thể phù hợp với một khối và giống với những gì Bitcoin đạt được với bản cập nhật Segregated Witness năm 2017 (được gọi là SegWit) trong việc cải thiện dung lượng mạng tổng thể.
Thanh toán được thực hiện bằng SegWit | Nguồn: Transactionfee.info
SegWit cho phép các khối Bitcoin mở rộng nếu cần, từ 1MB lên 4 MB, tăng số lượng giao dịch có thể được xử lý mỗi giây. Điều đó có nghĩa là phí cũng thấp hơn và SegWit hiện đang đạt hơn 60% giao dịch Bitcoin.
Lightning Network
“Giải pháp lớp hai” nổi tiếng nhất trên Bitcoin là Lightning Network, cho phép các node mở kênh và giao dịch giữa chúng với nhau, truyền thông tin kiểm đếm cuối cùng được ghi lại trên blockchain Bitcoin và tạo ra một hệ thống thanh toán có khả năng nhanh hơn, rẻ hơn.
Lightning vẫn trong quá trình hoàn thiện, với các vấn đề kỹ thuật cần được khắc phục, nhưng các nhà phát triển đang tiến bộ nhanh chóng và tính năng, cải tiến mới liên tục xuất hiện.
Sidechains
Sidechain là các blockchain phân nhánh từ blockchain Bitcoin và có thể di chuyển tài sản qua lại, giải phóng băng thông cho những thứ cần được giải quyết trên chuỗi chính.
Liquid Network của Blockstream là một ví dụ. Nhược điểm là mỗi sidechain cần được bảo mật bởi các node. Điều này có thể dẫn đến vấn đề về độ tin cậy và bảo mật.
Sharding
Sharding là một trong những phương pháp phổ biến nhất được các blockchain khác sử dụng để đảm bảo khả năng mở rộng. Điển hình, đó là một trong những tính năng chính của bản nâng cấp Ethereum 2.0 sắp được giới thiệu.
Sharding có thể được hiểu là chia nhỏ giao dịch thành nhiều “mảnh”, trong đó các node thực hiện hiệu quả quá trình xử lý song song để tăng tốc hệ thống, cho phép tốc độ 100.000 giao dịch mỗi giây. Tuy nhiên, quy trình này thêm sự phức tạp và có thể gây bất lợi cho bảo mật bởi vì sharding làm tăng cơ hội “chi tiêu gấp đôi” do bị tấn công.
Vì cả những thách thức kỹ thuật liên quan và sự miễn cưỡng chung của các nhà phát triển Bitcoin khi lao vào ‘vùng nước chưa được thăm dò’, nên không có khả năng sẽ sớm phát triển sharding như một giải pháp mở rộng cho Bitcoin.
Không ngừng phát triển
Tất cả đều thấy rõ những hạn chế của Bitcoin. Triển vọng blockchain xử lý 700 tỷ giao dịch hàng năm rất xa vời. Các giải pháp mở rộng quy mô như sidechains và Lightning Network đang giúp ích, nhưng vẫn có những hạn chế và chưa có cách tiếp cận rõ ràng, thành công.
Cuối cùng, việc đảm bảo tính bảo mật của blockchain Bitcoin vẫn là ưu tiên hàng đầu và nhiều giải pháp có thể được sử dụng song song. Điện toán lượng tử cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Trong khi đó, thử nghiệm vẫn tiếp tục hàng ngày, với các nhà phát triển ngày càng tiến gần hơn đến việc cải thiện khả năng mở rộng Bitcoin. Nhưng đừng quá hy vọng sẽ sớm gặt hái được kết quả thành công mỹ mãn.
- Đây là lý do tại sao phe bò không lo sợ khi các tùy chọn Bitcoin trị giá 525 triệu đô la hết hạn vào ngày mai
- Lợi nhuận gấp đôi khi đầu tư tiền ảo cùng Margin 2x của Remitano
- Các nhà điều hành quỹ đề nghị đặt cược 1 triệu đô la rằng mô hình của S2F Bitcoin của PlanB sẽ sai
Thùy Trang
Theo Decrypt