Trong vòng 12 tháng qua, stablecoin đã chuyển mình từ một ý tưởng nhỏ bé thành phương thức thanh toán do một số công ty công nghệ lớn nhất và mạnh nhất thế giới quản lý để giải quyết các vấn đề của thị trường đầy biến động.
Theo thông báo của Facebook, stablecoin được hỗ trợ bằng quỹ dự trữ đóng vai trò quan trọng trong “mùa đông tiền điện tử” bằng cách tăng giá Bitcoin lần đầu tiên trên 10,000 đô la trong hơn 2 năm. Kể từ đó, sàn giao dịch số một thế giới Binance đã bắt tay vào dự án phát triển stablecoin của riêng mình, “Venus”.
Binance ra mắt Venus để tạo ra các stablecoin của riêng mình
Theo công bố vào ngày 19/8, dự án blockchain Venus của Binance sẽ tập trung vào phát triển các stablecoin của sàn giao dịch trên toàn thế giới.
Theo thông cáo báo chí, Binance sẽ tạo nên các mối quan hệ đối tác mới trong cả khu vực công và tư, bao gồm các chính phủ, công ty công nghệ và các dự án khác trong hệ sinh thái blockchain. Đồng sáng lập Binance Yi He đã tóm tắt các mục tiêu của dự án mới trong tuyên bố:
“Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới và lâu dài, stablecoin sẽ dần thay thế các loại tiền fiat truyền thống ở các nước trên thế giới và mang đến một tiêu chuẩn mới, cân bằng nền kinh tế kỹ thuật số”.
Nhờ vào vị trí sàn giao dịch hàng đầu và trong công nghệ chuỗi công khai, Binance sẽ bắt đầu phát triển mạnh. Binance Chain có lượng người dùng dồi dào và công ty đã phát hành các stablecoin hỗ trợ bằng tiền fiat gắn với cả Bitcoin (BTCB) và bảng Anh (BGBP).
Công ty cho biết họ sẽ khai thác hệ thống blockchain toàn cầu đã có từ trước để tạo ra hệ thống thanh toán xuyên biên giới cho khách hàng, cùng với các stablecoin mới. Binance sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tuân thủ tất cả các yêu cầu.
Chỉ riêng với cái tên thuộc hệ chiêm tinh của mình, rõ ràng Venus đang chuẩn bị chiếm lĩnh cùng một không gian với đứa con tinh thần của Facebook, stablecoin Libra. Dự kiến sẽ là hệ thống thanh toán toàn diện trên 3 phương tiện truyền thông xã hội: WhatsApp, Messenger và Instagram.
Ngay sau khi công bố, Bitcoin đã tăng gần 5%, thách thức mức 11,000 đô la vào ngày 19/8. Mặc dù phản ứng tích cực của thị trường ban đầu, CEO Gregory Klumov của Statis stablecoin tỏ ra nghi ngờ về dự án này, nói rằng nó có thể phải đối mặt với một số thách thức về khả năng chấp nhận giữa những người dùng thông thường:
“Việc chấp nhận đòi hỏi phải có môi trường pháp lý xúc tích và rõ ràng, hoạt động mạnh mẽ và mối quan hệ nghiêm túc với các tổ chức tài chính. Ví dụ, không có công ty dịch vụ ngân hàng Malta nào xin giấy phép VFA. Tôi tin rằng việc tạo tài sản kỹ thuật số và các hoạt động liên quan đến giao dịch nên được tách biệt hoàn toàn. Phát triển quy định về tiền điện tử trên toàn cầu sẽ có những rào cản tương tự như hành động của Glass-Steagall ở Mỹ vào năm 1933, hạn chế việc trộn lẫn hai hoạt động vì chắc chắn tạo ra xung đột lợi ích”.
Cùng dự án, khác mục đích
Mặc dù hai dự án có tên trong cùng hệ chiêm tinh nhưng những thông tin ít ỏi hiện có đã vẽ nên một bức tranh khác biệt về phạm vi và thị trường mục tiêu của chúng. Dự án thanh toán stablecoin của Facebook tập trung vào việc tạo ra một loại tiền kỹ thuật số phổ quát cho phép khách hàng bỏ qua các khoản phí liên quan đến thanh toán quốc tế trên thẻ tín dụng và chi phí phát sinh từ giao dịch kiều hối.
Để hiểu dự án Binance khác biệt như thế nào, cần phải xem xét từ ngữ trong thông cáo báo chí. Thông báo nêu rõ công ty tìm cách “phát triển stablecoin và tài sản kỹ thuật số được gắn với các loại tiền fiat trên toàn cầu”. Như vậy, Binance có thể sẽ làm việc với các quốc gia và khu vực cụ thể trong quá trình phát triển các loại tiền kỹ thuật số ‘chính chủ’ để giúp thiết lập quyền tự chủ và bảo mật tài chính.
Bất kể phương pháp tiếp cận “địa phương hóa”, một số thành viên của cộng đồng tiền điện tử kỳ vọng dự án Binance sẽ hướng về phía đông với mục tiêu yêu cầu stake trong thị trường thanh toán Trung Quốc.
WeChat hoạt động hiệu quả ở Trung Quốc đến mức gần như thay thế hoàn toàn các phương thức thanh toán truyền thống, với gần 1 tỷ người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường lão làng Mati Greenspan tại eToro bày tỏ sự nghi ngờ về việc Binance tham gia vào thế giới tiền điện tử:
“Có vẻ như đó là những mục tiêu cực kỳ lạc quan cho một dự án tiền điện tử. Binance là một deal khá lớn trong cộng đồng tiền điện tử nhưng so với Alibaba và Tencent thì chỉ là những con kiến nhỏ bé. Hãy dành ‘thế giới ấy’ cho chính phủ Trung Quốc hoặc tiền của họ. Trên thực tế, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bất kỳ sự thừa nhận nào từ chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn này”.
Klumov khẳng định Binance sẽ thất bại nếu cố gắng mở rộng cơ sở người dùng về phía đông từ trung tâm Malta:
“Khu vực châu Á có vấn đề riêng của nó: Ấn Độ đã rất thận trọng với công nghệ blockchain và tài sản tiền điện tử; Trung Quốc không phải là quốc gia thiện chí hợp tác với doanh nghiệp độc lập để phát hành tiền tệ. Vì vậy, sẽ có các thị trường khu vực như Việt Nam hoặc Hàn Quốc, nhưng stablecoin được các loại tiền tệ hỗ trợ đã không tìm được bất kỳ gợi ý có ý nghĩa nào cho đến thời điểm này”.
Mặt khác, Facebook thậm chí không cần phải xâm nhập vào thị trường thanh toán Trung Quốc để dễ dàng vượt qua số người dùng WeChat. Dự án Libra xoay quanh ví Calibra sẽ được tích hợp vào tất cả các ứng dụng thuộc sở hữu toàn quyền của Facebook, cũng như ứng dụng độc lập có mục đích riêng. Tầm quan trọng của Calibra là nó có quyền truy cập ngay vào cơ sở 2.4 tỷ người dùng Facebook, khiến cả WeChat và Venus bị lãng quên.
Đối với Klumov, các dự án stablecoin từ những gã công nghệ khổng lồ không phải là chuyện tức thời mà là một sự phát triển quan trọng cho ngành tài sản kỹ thuật số trong dài hạn:
“Trader và khách hàng tỏ ra hoài nghi sau khi Libra bị nhiều nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu phản đối vì vậy tôi không lường trước được bất kỳ tác động thị trường nào trong ngắn hạn. Về lâu dài, đó là một thành tựu tích cực vì ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số sẽ phát triển và thích nghi để đáp ứng các quy định hoặc thu thập đủ phiếu bầu của người tiêu dùng để vận động cho một sự thay đổi rất cần thiết”.
Lời khiêu chiến trong thông báo bằng tiếng Trung Quốc
Sau khi Venus ra mắt, người dùng Twitter nhận xét dự án dường như cạnh tranh với Libra. Trong đó, một người dùng đã tweet:
“Binance sẵn sàng thống trị thế giới bằng cách khởi động dự án ‘Venus’ và trở thành đối thủ của Libra bằng cách phát triển stablecoin trên toàn thế giới”.
Theo tin tức của TechCrunch, CEO Changpeng Zhao (còn gọi là CZ) tuyên bố công ty đang tập trung thúc đẩy sự chấp nhận và “luôn luôn vui vẻ để cùng tồn tại”. Mặc dù CEO Binance có thể tự làm chủ bằng giọng điệu ôn hòa, nhưng có vẻ như phiên bản tiếng Trung của thông cáo báo chí về Venus chứa đựng nhiều điều thú vị hơn.
Đối tác sáng lập Dovey Wan của Primitive Ventures đã thu hút chú ý về sự khác biệt rõ ràng giữa thông điệp và giọng điệu trong phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh của thông cáo Venus.
Phần lớn đoạn giới thiệu trong phiên bản tiếng Anh đã công bố dự án bằng những cụm từ trung lập và nhấn mạnh mong muốn hợp tác rộng rãi của Binance để mang lại các loại tiền kỹ thuật số ‘địa phương hóa’:
“Hôm nay, Binance đã công bố kế hoạch khởi xướng dự án blockchain mở, Venus, là một sáng kiến phát triển các stablecoin ‘địa phương hóa’ và các tài sản kỹ thuật số được gắn với tiền fiat trên toàn cầu”.
Tuyên bố sau đó tiếp tục nói về quan hệ đối tác mới ở tất cả các cấp. Để so sánh, Wan đã tweet một bản dịch của thông cáo báo chí bằng tiếng Trung Quốc, tiết lộ một văn bản gay gắt bắt đầu bằng cách chống lại quyền “bá chủ tài chính” và đề cập đến các vấn đề về cơ cấu tài chính:
“Quyền bá chủ tài chính đã được nuông chiều trong một thời gian dài. Các nhóm có lợi thế đầu tiên được hưởng lợi ích độc quyền do quyền bá chủ tài chính mang lại. Kẻ mạnh ngày càng mạnh hơn; trong khi nhiều khu vực và cá nhân thường phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng họ chỉ bị lợi dụng. Kẻ yếu ngày càng yếu. Binance hy vọng sẽ tận dụng sức mạnh đổi mới công nghệ ngay từ khi ra mắt hành trình tiền tệ mới để tạo ra ‘phiên bản khu vực độc lập của Libra’, mà chúng ta gọi là Venus”.
Đoạn thứ hai nói lên vai trò của Binance trong việc biến Malta thành một quốc gia blockchain toàn cầu cũng như tuyên bố công ty có quan hệ chặt chẽ với các nhà quản lý Hoa Kỳ. Rõ ràng Binance đang cố thể hiện mình là một công ty có cả tầm ảnh hưởng và phạm vi quốc tế, bản phát hành nhấn mạnh hơn nữa vai trò của công ty trong việc phát triển blockchain ở Châu Phi cùng với các tổ chức liên kết được thành lập ở cả Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Đoạn văn bản này kết thúc bằng câu trấn an người đọc: “nền tảng của tất cả điều này là cơ sở quần chúng sâu rộng mà chúng ta có trên phạm vi toàn cầu”. Đoạn văn được miêu tả trong tweet của Dovey Wan hoàn toàn không có trong thông cáo báo chí tiếng Anh .
Ngoài ra, Wan bình luận về cách công ty nhấn mạnh mong muốn định hình lại hệ thống tài chính quốc tế:
“Chúng tôi hy vọng giấc mơ phá vỡ quyền bá chủ tài chính và định hình lại hệ thống tài chính thế giới sẽ thành hiện thực. Hãy để những người đi sau có được sức mạnh tài chính nhiều hơn để bảo vệ an ninh tài chính của họ và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các nhà nước, dân tộc”.
Đối với Wan, đoạn cuối cùng của văn bản tiếng Trung là thú vị nhất. Bản dịch Wan tweet chứa một phần mở rộng về “Tư vấn chính sách quy định”. Wan giải thích đây là một thông điệp ‘dạy dỗ’ cơ quan quản lý trung ương Trung Quốc.
Trong một vài đoạn tiếp theo, thông cáo báo chí của Binance nhắm vào Trung Quốc, nhắc lại các thí nghiệm tài chính tại đặc khu kinh tế Shenzhen, đồng thời kêu gọi chính phủ “thiết lập vị trí chiến lược cốt lõi của ngành công nghiệp blockchain và tiền kỹ thuật số ổn định trong hệ thống tài chính tương lai”.
Theo dòng tweet, công ty khuyến nghị chính phủ trung ương Trung Quốc thực hiện các cải cách hơn nữa:
“Chúng tôi khuyên bạn nên thiết lập một cơ chế sandbox và dịch vụ thanh toán thí điểm dựa trên tiền kỹ thuật số ổn định. Thứ ba, bạn nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát hành stablecoin kỹ thuật số và phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới”.
Phần thông báo bằng tiếng Trung Quốc này cũng chỉ ra dự án Libra của Facebook là một ví dụ về cách chính phủ và các công ty kết hợp với nhau để thúc đẩy các tiến bộ fintech. Công ty tuyên bố “thay vì chống lại sự thay đổi và đánh mất cơ hội, tốt hơn là nên nắm lấy”.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc lấy cảm hứng từ Libra – tiếp theo là Venus?
Mặc dù việc ra mắt Venus vẫn chưa thu hút được phản hồi từ chính phủ Trung Quốc, nhưng có vẻ như dự án Libra của Facebook đã thực sự thu hút được sự chú ý của họ. Vào ngày 20/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết họ gần như đã sẵn sàng để ra mắt đồng tiền kỹ thuật số do chính phủ hỗ trợ, lấy cảm hứng từ Libra.
Mặc dù nghiên cứu và phát triển đồng tiền kỹ thuật số bắt đầu vào năm 2018 nhưng theo nguồn tin từ China Daily, cổng thông tin thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ Libra có thể khiến các nhà quản lý Trung Quốc xem xét lại mô hình tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Yang Dong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ tài chính tại Đại học Renmin Trung Quốc, nói với China Daily rằng Libra đã châm ngòi cho cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà quản lý và làm dấy lên nhu cầu đa dạng hóa dự án khỏi các tổ chức chính phủ, cụ thể: “cần thử nghiệm thêm trước khi chính thức ra mắt CBDC Trung Quốc, lấy cảm hứng từ Libra”.
Đồng tiền kỹ thuật số mới của Trung Quốc không thể được gọi là tiền điện tử thực sự, vì nó vẫn sẽ được điều hành thông qua ngân hàng trung ương của đất nước. Phó Giám đốc Mu Changchun của PBoC cũng tuyên bố tiền tệ sẽ không trở thành đối thủ cạnh tranh hoặc thay thế cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. “Nó có thể sử dụng các nguồn lực hiện có để hỗ trợ cũng như phát triển ngân hàng thương mại và thúc đẩy tiền kỹ thuật số”.
- Sàn giao dịch Binance công bố sáng kiến về stablecoin mới
- CEO của Binance bị fan Bitcoin “dập tơi tả” vì những “tweet ngu ngốc nhất”
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph