Nhà kinh tế học người Mỹ Kenneth Rogoff tin rằng sự trỗi dậy của crypto đang đe dọa đến quyền bá chủ của đô la Mỹ.
Rogoff từng giữ chức Nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và là thành viên của Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông cũng là một tác giả đã xuất bản sách và hiện đang là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Rogoff cho biết mặc dù đô la Mỹ hiện vẫn là đồng tiền toàn cầu chiếm ưu thế nhất, nhưng ảnh hưởng của nó đang suy giảm.
“Tôi cho rằng sự thống trị của đô la đang dần suy yếu — những vết nứt đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng rìa, nơi đồng nhân dân tệ đang từng bước tách khỏi sự chi phối của đô la, trong khi euro ngày càng khẳng định vị thế mạnh mẽ hơn — và xu hướng này đã âm thầm diễn ra suốt một thập kỷ qua”.
Theo Rogoff, một trong những yếu tố góp phần vào sự suy giảm này là tiền điện tử ngày càng được sử dụng để trốn thuế và né tránh các lệnh trừng phạt.
Crypto đang dần làm xói mòn vị thế thống trị của đô la Mỹ
Rogoff cho biết một trong những thị trường chính của đô la Mỹ là nền kinh tế ngầm, còn được gọi là thị trường xám hoặc nền kinh tế bóng tối. Phần lớn nhất của nền kinh tế ngầm — vốn rất khó để chính phủ kiểm soát — là các cá nhân trốn thuế. Các giao dịch do tội phạm thực hiện cũng nằm trong nền kinh tế này, dù chỉ chiếm một phần nhỏ, ông nói.
Theo ước tính của Rogoff và một khảo sát từ Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế ngầm chiếm khoảng 20% quy mô của nền kinh tế toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị của nền kinh tế ngầm rơi vào khoảng 20 đến 25 nghìn tỷ đô la, tùy thuộc vào tỷ giá của đồng đô la.
Trước đây, phương thức thanh toán ưa chuộng cho các giao dịch trong nền kinh tế ngầm thường là tiền mặt bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, crypto đang ngày càng nổi lên như một lựa chọn thay thế phổ biến hơn. Trong cuốn sách mới nhất của mình mang tên Our Dollar, Your Problem (tạm dịch: Đồng tiền của chúng tôi, vấn đề của bạn), Rogoff khẳng định rằng tiền điện tử đã bắt đầu làm xói mòn vị thế toàn cầu của đồng đô la. Trong cuộc phỏng vấn, ông nói:
“…mặc dù crypto chưa thâm nhập sâu vào nền kinh tế hợp pháp, nhưng nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong nền kinh tế ngầm toàn cầu — nơi bao gồm các hoạt động phạm pháp nhưng chủ yếu là để trốn thuế và lách quy định — vốn dĩ trước đây là lãnh địa của tiền mặt, đặc biệt là đô la Mỹ”.
Việc đồng đô la đánh mất vị thế vào tay tiền điện tử đã và đang ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu rộng lớn hơn, khi góp phần làm chi phí vay mượn trở nên đắt đỏ hơn do lãi suất tăng. Từ lãi suất trái phiếu kho bạc, vay mua nhà, vay mua xe đến vay học phí — tất cả đều bị tác động bởi sự suy yếu của ảnh hưởng đồng đô la. Nguyên nhân là bởi Mỹ được hưởng “đặc quyền thái quá” khi đô la là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất thế giới, Rogoff giải thích.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ còn dựa vào việc theo dõi các dòng chảy tài chính để thu thập thông tin về mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và khi thị phần của đô la bị thu hẹp, việc giám sát này trở nên khó khăn hơn.
Trớ trêu thay, vào năm ngoái, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis từng cho rằng việc đưa Bitcoin vào dự trữ có thể giúp đồng đô la “giữ vững sức mạnh”.
Rogoff : “Crypto có giá trị”
Theo Rogoff, những người chỉ trích cho rằng tiền điện tử chỉ là lừa đảo và không có giá trị là “hoàn toàn sai lầm”. Ông nói:
“Quan điểm cho rằng crypto không có giá trị cốt lõi trong việc sử dụng làm phương tiện giao dịch là sai”.
Rogoff giải thích crypto cung cấp một phương tiện trao đổi được chấp nhận — đó chính là giá trị của nó. Ngay cả khi chính phủ siết chặt quy định đối với crypto, họ vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nền kinh tế ngầm, vì ảnh hưởng của họ bị hạn chế ở nơi đó.
Do đó, Rogoff nhấn mạnh “tiền điện tử có giá trị”. Ông cho biết, việc các cơ quan chức năng gặp khó khăn lớn trong việc theo dõi giao dịch tiền kỹ thuật số trong thị trường xám là minh chứng rõ ràng rằng crypto “không vô giá trị” bởi vì “có quá nhiều lợi ích liên quan ở đây”. Tuy nhiên, ông cũng làm rõ:
“Tiền điện tử không thể thay thế đồng đô la. Nhưng đó là trong nền kinh tế hợp pháp, nơi chính phủ có nhiều quyền lực. Còn trong nền kinh tế ngầm, theo như định nghĩa, chính phủ gần như không có nhiều ảnh hưởng”.
- Ripple sẵn sàng cách mạng hóa thị trường thanh toán xuyên biên giới với XRP
- Anthony Scaramucci: Solana sẽ là xương sống của nền tài chính toàn cầu
- Bitwise: Dòng vốn chảy vào Bitcoin dự kiến sẽ đạt 420 tỷ USD trong năm 2026
Minh Anh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- IMF