Kể từ đầu năm 2022, giá Bitcoin giảm hơn 40% so với mức cao nhất mọi thời đại (ATH) là 69.044 đô la thiết lập vào ngày 10/11/2021.
Tuy nhiên, biến động giá không gây ảnh hưởng đến khả năng của mạng trong việc tăng độ khó khai thác. Khi tình hình cạnh tranh giữa các thợ đào tiếp tục leo thang, độ khó của Bitcoin đã đạt đến ATH mới lần thứ hai sau 2 tháng. Hashrate cũng tăng đều đặn 45% trong 6 tháng sau mức thấp nhất của tháng 7 năm ngoái.
Độ khó của mạng Bitcoin được xác định thông qua sức mạnh tính toán tổng thể, đồng thời liên quan đến độ khó trong việc xác nhận giao dịch và khai thác BTC.
Khi độ khó tăng lên, thợ đào gặp phải nhiều trở ngại hơn để xác nhận khối và nhận được phần thưởng. Nếu không thể bắt kịp, họ sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, chính tình thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ giúp bảo mật mạng tốt hơn và tạo ra đủ lợi nhuận để tiếp tục hoạt động khi họ xác định tính khả thi của công việc hiện tại.
Hashrate của mạng cũng đạt ATH mới theo xu hướng tương tự như độ khó. Theo đó, mạng Bitcoin dường như đang ở đỉnh cao về mặt bảo mật, vì mạng càng sử dụng nhiều sức mạnh hash thì càng nhiều công việc được phân phối cho mỗi giao dịch diễn ra on-chain.
Vì không có tiêu chuẩn thống nhất nào để tính toán các số liệu này nên có nhiều mức cao hashrate khác nhau được ghi nhận trong vài tuần qua. Bất chấp cách tiếp cận khác nhau, có một sự ngầm hiểu chung rằng cả hashrate và độ khó khai thác đều tăng kể từ lần giảm cuối cùng vào tháng 7/2021.
Chênh lệch giữa hashrate và độ khó của Bitcoin
Khai thác BTC là quá trình thêm các giao dịch mới vào blockchain Bitcoin. Sử dụng đồng thuận proof-of-work (PoW), các thợ đào cạnh tranh để giải quyết các câu đố toán học và xác thực giao dịch.
Hashrate Bitcoin cho biết số lượng hash ước tính được tạo bởi các thợ đào đang cố gắng giải quyết khối Bitcoin hiện tại hoặc bất kỳ khối nhất định nào. Đây là cách các giao dịch mới trên blockchain được thêm vào hệ thống.
Tổng hashrate Bitcoin | Nguồn: Blockchain Explorer
Hashrate của Bitcoin được đo bằng đơn vị hash trên giây (H/s). Các thợ mỏ cần có hashrate cao để khai thác thành công.
Cả độ khó và hashrate đều là những con số rất lớn được biểu thị bằng bit, vì vậy để hoạt động mang lại lợi nhuận cho thợ đào, quá trình tính toán đơn giản chỉ cần hash thấp hơn độ khó.
Độ khó khai thác trên mạng Bitcoin | Nguồn: Blockchain Explorer
Độ khó của Bitcoin được tính toán thông qua nhu cầu tạo ra hash thấp hơn hash mục tiêu của thợ đào. Số liệu tăng lên hoặc giảm theo cấp số nhân, tùy thuộc vào số lượng thợ đào đang cạnh tranh trên mạng.
Độ khó sẽ tái điều chỉnh sau mỗi 2.016 khối Bitcoin hoặc khoảng 2 tuần để duy trì thời gian khối không đổi. Thời gian khối là thời gian để tìm thấy mỗi khối mới trong khi khai thác, cụ thể là 10 phút.
Vì vậy, nếu thợ đào đang xử lý các khối và tìm kiếm Bitcoin thường xuyên hơn 10 phút một lần, thì độ khó sẽ tăng lên. Nếu thợ đào tìm thấy Bitcoin ít hơn trung bình 10 phút một lần, độ khó sẽ giảm xuống.
Càng có nhiều thợ đào trực tuyến, càng nhiều hashrate được tạo ra, có nghĩa là càng nhiều khả năng phát hiện hash chính xác nhanh chóng. Tuy nhiên, vì các blockchain thường được thiết kế để thêm khối (và phát hành coin mới) với tốc độ ổn định và có thể dự đoán được, nên độ khó được lập trình điều chỉnh tự động sau một số khối nhất định để giữ cho tỷ lệ đó nhất quán.
Độ khó của Bitcoin
Độ khó của Bitcoin liên tục tăng lên sau mỗi lần điều chỉnh từ khi đạt ATH, bất kể sử dụng công cụ đo lường nào.
Thợ đào cần phải làm việc nhiều hơn nữa để giải phương trình xử lý giao dịch trên blockchain. Độ khó là thành phần quan trọng nhất trong số các thành phần cơ bản của mạng Bitcoin, vì nó giữ cho hoạt động khai thác ổn định bất kể các yếu tố như tâm lý, giá cả hoặc sự kiện thiên nga đen.
Cả hashrate và độ khó khai thác đều tăng liên tục kể từ điểm thấp nhất vào tháng 7 năm ngoái, khi hashrate giảm xuống 69,11 exahashes mỗi giây EH/s (1 exahash = 1 triệu tỷ hash) theo CoinWarz, trong khi độ khó khai thác đạt mức thấp nhất là 13,6 nghìn tỷ hash.
Các công cụ phân tích on-chain chỉ ra độ khó khai thác vào ngày 18/2 đạt ATH là 27,97 nghìn tỷ hash trong khi hashrate khi đó là 186,77 EH/s.
Trước đó, mạng đạt ATH mới vào ngày 21/1 ở mức 26,64 nghìn tỷ hash với hashrate là 173,57 EH/s.
Mặc dù hashrate và độ khó là 2 yếu tố khác nhau, nhưng chúng cho thấy tương quan ở một mức độ nhất định.
Hashrate của Bitcoin cũng đã đạt ATH mới gần đây, chạm mốc 224,17 EH/s vào ngày 14/2.
Điều chỉnh độ khó trên mạng Bitcoin
Lần điều chỉnh độ khó Bitcoin gần đây nhất diễn ra vào ngày 3/3 và điều chỉnh giảm 1,49%, đưa độ khó xuống 197,19 EH/s. Đây là lần giảm đầu tiên trong năm nay sau 6 lần tăng liên tiếp. Chỉ số này tự động điều chỉnh nỗ lực khai thác theo sự tham gia của thợ đào và không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng tăng độ khó tổng thể hiện tại.
Theo dữ liệu từ Blockchain.com, 6 pool khai thác hàng đầu được biết đến trên toàn cầu đã đào được 315 khối (hơn 56% tổng số). Trong đó, AntPool và F2Pool đóng góp nhiều sức mạnh hash nhất.
Phân phối hashrate | Nguồn: Blockchain Explorer
Các yếu tố cơ bản của Bitcoin có thể khác với biến động giá BTC. Do đó, xu hướng hashrate ngày càng tăng ngụ ý rằng thợ đào vẫn lạc quan đối với lợi nhuận từ hoạt động của họ trên các khung thời gian dài hơn.
Về mặt lịch sử, giá tuân theo hashrate. Tuy nhiên, xu hướng này đang lùi lại sau các sự kiện kinh tế vĩ mô hiện tại khi nhiều yếu tố cơ bản liên tục tăng trong khi giá giao ngay biến động bất ổn.
Halving BTC tiếp theo và hơn thế nữa
Số lượng thợ đào BTC nhận được khi thêm các giao dịch mới vào blockchain sẽ bị giảm xuống khi sự kiện halving tiếp theo xảy ra, dự kiến sẽ vào khoảng đầu năm 2024. Theo đó, chi phí sản xuất Bitcoin sẽ tăng gấp đôi do phần thưởng khối bị giảm một nửa.
Cha đẻ Bitcoin Satoshi Nakomoto từng thảo luận về điều này trong những ngày đầu của tiền điện tử trên diễn đàn Bitcointalk:
“Giá của bất kỳ loại hàng hóa nào cũng có xu hướng hướng về chi phí sản xuất. Nếu giá thấp hơn chi phí, sản xuất sẽ chậm lại. Nếu giá cao hơn chi phí, sản xuất sẽ được tăng cường và bán nhiều hơn để tạo thêm lợi nhuận. Đồng thời, tăng sản lượng sẽ làm tăng độ khó, đẩy chi phí sản xuất theo giá. Trong những năm sau này, khi thế hệ coin mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong nguồn cung hiện có, giá thị trường sẽ quyết định chi phí sản xuất nhiều hơn so với chiều ngược lại”.
Dữ liệu lịch sử quanh các ngày quan trọng như những lần halving Bitcoin trước đây cho thấy trừ khi sự kiện thiên nga đen bất ngờ xảy ra như Trung Quốc cấm khai thác Bitcoin vào năm ngoái, độ khó và hashrate Bitcoin sẽ tiếp tục tăng.
Là một mạng PoW sử dụng nhiều năng lượng, cơ sở hạ tầng cơ bản của Bitcoin được xây dựng để cân bằng giữa nguồn cung giảm và nhu cầu dao động. Thay đổi giá sẽ khiến Bitcoin trở thành một tài sản giảm phát. Vua crypto sẽ tiếp tục tăng độ khó và hashrate miễn là các thợ đào nhận được động lực kinh tế để duy trì hoạt động của họ có lãi.
Họ sẽ phải gặp nhiều khó khăn để tiếp tục cạnh tranh nếu giá không tăng theo thời gian, tỷ lệ thuận với việc phần thưởng bị cắt giảm. Thợ mỏ sẽ cần phải hoạt động hiệu quả nhất có thể để duy trì kinh doanh, phát triển các công nghệ mới có thể tạo ra nhiều hash hơn mỗi giây trong khi tiêu thụ ít năng lượng hơn, góp phần làm tăng độ khó của Bitcoin.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Top nhà phân tích có xu hướng giảm giá đối với FTM và BTC – Đây là mục tiêu
- Lạm phát vẫn tiếp diễn, mọi người có nên HODL Bitcoin?
- Tổng quan tháng 2: Bitcoin tách khỏi thị trường truyền thống, phí gas ETH giảm, DeFi chững lại và NFT suy yếu
Đình Đình
Theo Cointelegraph