Theo tờ Business World đưa tin ngày 06/07, ngân hàng trung ương Philippine, Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), đã chấp thuận các đơn đăng ký xin cấp phép của hai sàn giao dịch tiền mã hóa mới.
Phó Thống đốc BSP Chuchi G. Fonacier báo cáo rằng Virtual Currency Philippines, Inc. và ETranss đã được chính thức công nhận, đồng thời cho phép họ chuyển đổi peso Philippine thành các loại tiền mã hóa. Bên cạnh 2 sàn giao dịch trên, Philippine trước đó cũng đã “mở đường” kinh doanh cho 3 sàn giao dịch khác là Rebittance, Inc., Betur, Inc. và BloomSolutions.
Ngân hàng trung ương nước này hiểu và đánh giá cao tiềm năng của tiền mã hóa trong việc giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch; tuy nhiên Philippin vẫn giữ thái độ cẩn trọng trước những rủi ro của loại tiền này như biến động tỷ giá bất thường, giao dịch ngầm bất hợp pháp và vấn đề an ninh mạng.
Trước đây, BSP đã từng cân nhắc phương án cho 2 sàn giao dịch này đăng ký dưới dạng nhà phát hành tiền điện tử (e-money) do bản chất họ chỉ cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng. Fonacier cho rằng, các cuộc tham vấn nội bộ đã khuyến cáo chống lại một yêu cầu như vậy vì lợi ích của việc cung cấp một quy trình đăng ký hợp lý cho người chơi mới trong thị trường.
Ông Fonacier nhấn mạnh: “Chúng tôi đang điều chỉnh lại luật… Nếu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có mảng ví điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, chứ không nhất thiết hoặc tự động phải đăng ký giấy phép cho e-money”.
Trong khi đó, Uỷ ban phòng chống rửa tiền tuyên bố sẽ theo dõi sát sao các giao dịch tiền số trong nỗ lực nhằm chặn đứng dòng tiền bất chính. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải báo cáo các giao dịch mà họ thực hiện hoặc quản lý cũng như phải giải trình về những giao dịch mà Uỷ ban nghi ngờ.
Cũng theo Business World đưa tin, giao dịch trao đổi từ đồng Peso sang tiền số gia tăng chóng mặt. Chỉ trong quý I năm nay, 2 sàn giao dịch đăng ký kể trên đã ghi nhận khoảng 36 triệu USD giao dịch mỗi tháng.
Vào tháng 4 năm nay, chính phủ Philippin đã thông báo cho phép 10 công ty blockchain và tiền số hoạt động trong đặc khu kinh tế Cagayan. Các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương để đổi lấy những ưu đãi về thuế quan. Chính quyền đặc khu Cagayan cũng yêu cầu các công ty phải đầu tư ít nhất 1 triệu USD trong vòng 2 năm và đóng phí đăng ký kinh doanh 100.000 USD.
Từ tháng 11 năm ngoái, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Philippin cho biết họ đang cân nhắc hợp pháp hóa tiền mã hóa dưới dạng một loại chứng khoán. Tiếp sau động thái này, BSP đã chính thức công nhận Bitcoin là một phương thức thanh toán hợp pháp vào đầu năm nay.
Theo: TapchiBitcoin/cointelegraph
Xem thêm:
- Ngân hàng Philippines Union Bank ra mắt ATM Crypto
- Go-Jeck, công ty chủ quản của Go-Viet, vừa mua lại một sàn Cryptocurrency tại Philippines trị giá 72 triệu USD
- Cơ quan quản lý thị trường Philippines trì hoãn việc ban hành các quy định ICO