Trang chủ Tin tức Polkadot (DOT) Polkadot: Mẹ của tất cả các Blockchain

Polkadot: Mẹ của tất cả các Blockchain

Mặc dù Polkadot dường như được chú ý kể từ quá trình phát triển dự án bắt đầu cách đây hơn 3 năm, nhưng nó đã gây chấn động không gian tiền điện tử với việc phát hành chính thức mạng chính ‘cuối cùng’ vào đầu tháng này. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, token DOT gốc của Polkadot đã âm thầm tiến bước vào top 10 tiền điện tử hàng đầu theo vốn hóa thị trường.

Rất nhiều các từ và cụm từ đã được sử dụng để mô tả Polkadot, chẳng hạn “kẻ tiêu diệt Ethereum”. Mặc dù người sáng lập khẳng định Polkadot không phải là đối thủ của Ethereum, nhưng một cái nhìn cận cảnh về Polkadot cho thấy nó không chỉ là đối thủ nặng ký với Ethereum mà còn là một loại tiền điện tử có thể biến đổi thế giới tiền điện tử mãi mãi.

Nguồn gốc của Polkadot

Lịch sử của Polkadot bắt đầu với Ethereum, cụ thể là một trong những người đồng sáng lập Ethereum, Tiến sĩ Gavin Wood (Tiến sĩ Kỹ thuật phần mềm). Wood có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với tư cách là nhà phát triển phần mềm cả bên trong và bên ngoài không gian tiền điện tử.

Polkadot 1

Tiến sĩ Gavin Wood Đồng sáng lập Polkadot và Ethereum

Anh ấy là người đã viết mã phiên bản chức năng đầu tiên của Ethereum và thậm chí là tác giả Yellow Paper (tạm dịch: sách vàng, là tài liệu kỹ thuật) của Ethereum. Tuy nhiên, điều mà Tiến sĩ Wood có lẽ nổi tiếng nhất là tạo ra Solidity, ngôn ngữ mã hóa được sử dụng để xây dựng các hợp đồng thông minh trên Ethereum, hiện cũng đang được Cardano hỗ trợ.

Vào tháng 1/2016, Wood rời vị trí CTO và nhà phát triển cốt lõi của Ethereum. Lý do chính xác cho sự ra đi của anh ấy được đồn đoán rất nhiều (thậm chí từ chính Tiến sĩ Wood) nhưng có thể được tóm tắt là do sự thất vọng của anh ấy về sự phát triển chậm chạp trong quá trình nâng cấp lên Ethereum 2.0.

Cuối năm 2016, Wood bắt đầu phát triển một loại tiền điện tử mới sẽ “thực hiện những lời hứa mà Ethereum không thể”. Bản thảo đầu tiên của whitepaper Polkadot đã được hoàn thành vào cuối năm 2016.

ICO tiền điện tử DOT

ICO tiền điện tử DOT của Polkadot là điều gì đó vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều người chơi trong không gian tiền điện tử và chắc chắn là đối với nhóm Polkadot. ICO DOT diễn ra vào tháng 10/2017 và huy động được hơn 145 triệu đô la Mỹ bằng Ethereum. Nhưng cũng chính việc này lại đang tạo rắc rối tiềm ẩn cho một vụ kiện của SEC như với Ripple là Polkadot bán chứng khoán chưa đăng ký.

Polkadot 2

Ảnh chụp nhanh từ ICO Polkadot | Nguồn: Trustnodes

Một nửa trong tổng số 10 triệu nguồn cung ban đầu của DOT đã được bán trong 2 vòng cho các nhà đầu tư công khai và riêng tư (lần lượt là 2.25 triệu và 2.75 triệu). Giá mỗi token DOT cho các vòng gọi vốn này là 28.8 đô la Mỹ (đây là giá DOT cũ, có giá trị gấp 100 lần DOT mới đang được giao dịch trên thị trường, chi tiết sẽ nói cuối bài viết này).

Chưa đầy 2 tuần sau, hơn 90 triệu đô la tiền huy động được trong ICO đã bị đóng băng vĩnh viễn do vụ khai thác lỗ hổng trong mã ví đa chữ ký của Polkadot. Một tuần sau cuộc tấn công, nhóm Polkadot xác nhận vẫn có đủ kinh phí để phát triển Polkadot và tiếp tục tiến lên mặc dù số tiền đã mất. Mặc dù nền tảng đã cố gắng lấy lại tiền nhưng hơn 500,000 ETH vẫn bị khóa.

Polkadot 3

Vụ hack ví Polkadot đầu tiên | Nguồn: Steemit

Sự cố sau ICO đánh dấu lần thứ hai ví của nhóm bị tấn công vì lỗ hổng mã. Vụ hack đầu tiên diễn ra trước đó vào tháng 7/2017 và đã chứng kiến ​​hơn 33 triệu đô la ETH bị rút sạch trước khi cuộc tấn công bị chặn lại bởi một nhóm hacker mũ trắng có tên là White Hat Group. Trong cả 2 trường hợp, nhóm Polkadot đã phát hành tài liệu mô tả chi tiết về các vụ hack và cách ngăn chúng xảy ra lần nữa.

Vào tháng 1/2019, một vòng gọi vốn riêng tư khác đã được Polkadot tổ chức với nỗ lực bù đắp cho số tiền bị mất (bị đóng băng) từ ICO DOT. 500,000 DOT đã được bán với giá cao ngất ngưởng là 120 đô la cho mỗi DOT (tương đương giá 1,2 đô la ở hiện tại), thu về hơn 60 triệu đô la.

Vào tháng 7 năm 2020, một vòng gọi vốn riêng tư thứ ba đã được tổ chức, chỉ bán dưới 350,000 token DOT với giá 125 đô la Mỹ mỗi token, mang lại thêm 43 triệu đô la. Cộng lại với nhau, tổng số tiền tài trợ cho DOT của Polkadot là hơn 250 triệu đô la (trong đó 90 triệu vẫn đang bị đóng băng).

Polkadot là gì?

Polkadot là dự án tiền điện tử nhằm tạo ra sức mạnh cho tương lai phi tập trung của Internet (Web 3.0). Nó có thể tương tác với các blockchain khác bên trong và bên ngoài không gian tiền điện tử, cho phép tạo ra hợp đồng thông minh và blockchain mới (cũng như token), giúp các blockchain có thể trao đổi thông tin. Nó có thể được nâng cấp (không cần hard fork) và giao thức được quản trị bởi những người nắm giữ DOT.

Hình chiếu phối cảnh góc nhìn cao về mạng Polkadot | Nguồn: Polkadot

Polkadot là dự án của Web3 Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ có trụ sở tại Crypto Valley (Zug) của Thụy Sĩ. Web3 Foundation ủy quyền cho Parity Technologies có trụ sở tại Vương quốc Anh phát triển và duy trì mạng Polkadot.

Tiến sĩ Gavin Wood là đồng sáng lập của cả Web3 Foundation và Parity Technologies, đồng thời là nhà phát triển chính của mạng Polkadot. Polkadot được xây dựng bằng Substrate, một công cụ xây dựng blockchain do Parity Technologies tự phát triển.

Polkadot hoạt động như thế nào?

Polkadot là một trong những loại tiền điện tử phức tạp nhất đang tồn tại. Thực sự không có cách nào để giải thích Polkadot mà cuối cùng không rơi vào tình trạng khó hiểu về ngôn ngữ kỹ thuật. Một số thành phần của mạng Polkadot có một loạt các bài báo dành riêng để giải thích chúng. Trong một bước ngoặt trớ trêu, toàn bộ mạng Polkadot được truy cập từ tiện ích mở rộng trình duyệt đơn giản có tên Polkadot.js.

Kiến trúc của Polkadot trong whitepaper ban đầu | Nguồn: Whitepaper

Nhìn sơ qua, Polkadot là một hệ sinh thái của các blockchain. Blockchain cốt lõi được gọi là Relay Chain. Các blockchain được kết nối với Relay Chain được gọi là Parachain. Các Parachain này có thể có token, cơ chế đồng thuận và thậm chí là cấu trúc quản trị riêng.

Như đã đề cập, Relay Chain được xây dựng bằng Substrate. Bất kỳ Parachain nào được xây dựng bằng Substrate đều có thể dễ dàng kết nối với Relay Chain. Mọi blockchain “bên ngoài” như Bitcoin hoặc Ethereum đều yêu cầu một cầu nối để kết nối với Relay Chain.

Đồng thuận Polkadot

Mạng Polkadot sử dụng cơ chế đồng thuận kết hợp. Đồng thuận trên Relay Chain là phiên bản của PoS được gọi là Recursive Ancestor Deriving Prefix Agreement dựa trên GHOST (GRANDPA).

Giải thích kỹ thuật về đồng thuận PoS GRANDPA của Polkadot | Nguồn: Polkadot Docs

Các Parachain được gắn với Relay Chain sử dụng phiên bản PoW được gọi là Blind Assignment for Blockchain Extension (BABE). Đồng thuận kết hợp của Polkadot liên quan đến 4 người chơi chính: Trình xác thực (Validator), Trình sắp xếp (Collator), Trình đề cử (Nominator) và Người giám sát (Fishermen).

Trình xác thực Polkadot

Trình xác thực trên mạng Polkadot được giao nhiệm vụ kiểm tra các giao dịch của Parachain và thêm chúng vào blockchain Relay Chain. Trình xác thực phải stake DOT để đủ điều kiện được đề cử làm trình xác thực trên mạng. Đây là lý do tại sao đồng thuận PoS của Polkadot còn được gọi là PoS được đề cử.

Số lượng DOT cần thiết để được coi là Trình xác thực phụ thuộc vào sự tham gia mạng và có thể được ước tính bằng cách xem xét số tiền hiện được stake bởi các trình xác thực hiện có trên chuỗi. (khoảng 2.7 triệu DOT) tại thời điểm viết bài. Danh sách trình xác thực thay đổi theo từng 24 giờ.

Bảng điều khiển staking trên Polkadot.js hiển thị tất cả các trình xác thực hiện tại | Nguồn: Js.org

Trình xác thực được chỉ định ngẫu nhiên vào các Parachain đính kèm để kiểm tra giao dịch của họ. Các giao dịch này sau đó được đăng ký trên một block (khối) trên blockchain Relay Chain mà trình xác thực tạo ra. Yêu cầu tối thiểu 5 trình xác thực cho mỗi chuỗi Parachain và hiện có khoảng 200 trình xác thực.

1000 trình xác thực là mục tiêu của mạng Polkadot. Điều này quan trọng vì nó có nghĩa là mạng Polkadot có thể hỗ trợ khoảng 200 Parachain trước khi tốc độ và hiệu quả mạng bị chậm lại.

Khi một khối mới chứa các giao dịch Parachain được tạo bởi trình xác thực trên Relay Chain, 20% phần thưởng khối sẽ được phân phối cho trình xác thực tương ứng với số “điểm kỷ nguyên” (era point) mà họ đã tích lũy.

Polkadot 8

Minh họa về tương tác giữa Relay Chain và Parachain

Hiểu một cách đơn giản, càng nhiều giao dịch Parachain mà trình xác thực đã xác minh, họ nhận được càng nhiều điểm kỷ nguyên. 80% phần thưởng khối còn lại được gửi đến Polkadot Treasury (Kho bạc Polkadot).

Một khối mới được tạo trên Relay Chain cứ 6 giây một lần (mặc dù có thể giảm xuống còn 2 giây trong tương lai). Trình xác thực nếu hoạt động sai thì số lượng stake của họ có thể bị phạt giảm tới 30%. Số tiền cắt giảm thay đổi tùy thuộc vào số tiền trình xác thực đã stake và tất cả các khoản tiền bị cắt giảm sẽ được chuyển đến Kho bạc. Bất kỳ trình đề cử nào đã ủy quyền token DOT của họ cho trình xác thực hoạt động sai cũng sẽ bị giảm một phần token.

Trình đề cử của Polkadot

Trình đề cử trên blockchain Polkadot được giao nhiệm vụ chọn trình xác thực. Họ làm điều này bằng cách “ủy quyền” (bỏ phiếu) token DOT của họ cho trình xác thực. Trình đề cử có thể đề cử tối đa 16 trình xác thực và nhận một phần phần thưởng khối mà trình xác thực này nhận được.

Minh họa mối quan hệ giữa trình đề cử và trình xác nhận | Nguồn: Polkadot

Mỗi trình xác thực riêng lẻ nhận phần thưởng khối tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch mà họ đã xác thực từ Parachain. Điều này tạo động lực cho trình được đề cử stake DOT của họ vào trình xác thực hoạt động hiệu quả nhất trên mạng Polkadot.

Trình ghép nối của Polkadot

Trình ghép nối trên mạng Polkadot tạo ra các khối trên Parachain được gắn vào Relay Chain. Các khối này chứa giao dịch mới nhất đã xảy ra trên Parachain được đề cập. Trình xác thực sẽ cùng chọn khối có nhiều khả năng là đại diện chính xác cho trạng thái hiện tại của Parachain.

Hình minh họa về vị trí của trình ghép nối trên mạng Polkadot

Các giao dịch của khối Parachain ‘chiến thắng’ sau đó được thêm vào một khối trên Relay Chain. Trình ghép nối phải stake DOT để kết nối blockchain của họ với Relay Chain và trở thành một Parachain.

Fishermen của Polkadot

Fishermen trên mạng Polkadot giám sát hành vi của trình xác thực và trình ghép nối trên mạng Polkadot. Cần có “lượng nhỏ” DOT không xác định để trở thành Fishermen.

Hình minh họa về vị trí của Fishermen trên mạng Polkadot | Nguồn: Coin360

Nếu hành vi sai trái của trình ghép nối hoặc trình xác thực được xác định, Fishermen xác định được hành vi đó sẽ nhận được “phần thưởng lớn” không xác định bằng DOT. Số lượng DOT được cung cấp làm phần thưởng tăng lên nếu hành vi sai trái được phát hiện liên tục từ một trình ghép nối hoặc trình xác thực.

Quản trị Polkadot

Cơ cấu quản trị của Polkadot liên quan đến 3 người chơi chính: Hội đồng, Ủy ban kỹ thuật và chủ sở hữu token DOT thông thường. Hội đồng bao gồm 13 thành viên được bầu từ mạng Polkadot, những thành viên này phải stake DOT để đủ điều kiện được đề cử.

Giống như trình xác thực, các thành viên Hội đồng thay đổi mỗi kỷ nguyên (24 giờ). Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ quyết định cách thức chi tiêu Kho bạc và là những người tham gia duy nhất trên mạng có quyền truy cập vào Kho bạc. Họ cũng có thể phủ quyết các quyết định nguy hiểm của mạng mỗi tháng một lần.

Minh họa về quản trị trên mạng Polkadot

Ủy ban Kỹ thuật bao gồm 3 tổ chức và phải có kinh nghiệm với mạng Polkadot, tích cực tham gia vào quá trình phát triển của nó. Web3 Foundation nắm giữ một trong 3 ghế này. Ủy ban Kỹ thuật có thể được thay đổi bất kỳ lúc nào theo phiếu bầu của Hội đồng. Chức năng chính của Ủy ban Kỹ thuật là theo dõi nhanh các thay đổi được đề xuất đối với mạng Polkadot trong trường hợp khẩn cấp.

Chỉ Hội đồng và những người nắm giữ DOT thông thường mới có thể thảo luận các đề xuất, được gọi là Referenda (trưng cầu dân ý). Những điều này có thể bao gồm từ việc triển khai bản cập nhật cho mạng đến tài trợ cho các sự kiện trong đời thực. Nếu đề xuất yêu cầu sử dụng Kho bạc, người dùng đề xuất cũng phải đóng góp 5% tổng giá trị của số tiền cần thiết để biến đề xuất của họ thành hiện thực. Nếu đề xuất của họ không được thông qua, họ sẽ mất stake.

Minh họa về “số đại biểu quy định thích nghi” trong quản trị của Polkadot

Số lượng phiếu bầu cần thiết để thông qua đề xuất phụ thuộc vào số người bỏ phiếu. Nếu ít hơn 25% người dùng DOT trên mạng bỏ phiếu cho một đề xuất thì 66% phải phản hồi ‘đồng ý’ để đề xuất được thông qua. Con số này giảm xuống mức tiêu chuẩn 50% với 100% đều bỏ phiếu. Trường hợp còn lại sẽ là từ 51 tới 65%.

Giá trị của một phiếu bầu phụ thuộc vào thời gian người dùng stake DOT của họ cho đề xuất được đề cập. Nếu bạn không stake DOT khi bỏ phiếu cho một đề xuất, nó có giá trị 10% của một phiếu bầu. Nếu bạn stake DOT của mình trong 32 tuần, nó có giá trị 6 phiếu bầu. Điều này cho phép người dùng trên mạng Polkadot “bỏ phiếu với niềm tin”.

Sau khi đề xuất được thông qua, sẽ có “thời gian ban hành” là 30 ngày trước khi thay đổi được thực hiện. Như đã đề cập, Ủy ban Kỹ thuật có thể theo dõi nhanh một đề xuất nếu yêu cầu làm như vậy được cả Hội đồng và cộng đồng bỏ phiếu thông qua.

Kho bạc khuyến khích việc sử dụng tiền tích lũy cho các đề xuất mạng. Điều này được thực hiện bằng cách triển khai “giai đoạn ngân sách”, trong đó 1% Kho bạc bị đốt nếu không được chi cho các đề xuất trong khoảng thời gian 24 ngày.

Tiền điện tử DOT của Polkadot

DOT là tiền điện tử trên mạng Polkadot. Nó được sử dụng để quản trị, staking và liên kết trên mạng Polkadot. Bất kỳ ai nắm giữ DOT đều có thể bỏ phiếu cho các thay đổi được đề xuất đối với Polkadot.

Như đã lưu ý trong phần cách Polkadot hoạt động, DOT được trình xác nhận, trình đề cử và Fishermen trên mạng sử dụng để staking. DOT cũng được sử dụng để liên kết các Parachain với Relay Chain thông qua trình ghép nối. DOT đã không thể giao dịch giữa những người dùng cho đến khi ra mắt mạng chính vào đầu tháng 8/2020.

Ba mục đích của DOT

Mặc dù DOT ban đầu có nguồn cung tối đa là 10 triệu nhưng đã thay đổi để cho phép mức độ lạm phát cao tới mức hơi đáng báo động. Tương tự như Band Protocol, mạng Polkadot sử dụng lạm phát để khuyến khích sự tham gia của mạng.

Tỷ lệ tham gia mục tiêu cho Polkadot là 75%, tương ứng với tỷ lệ lạm phát 10% mỗi năm. Tỷ lệ lạm phát có thể cao tới 100% mỗi năm nếu không có đủ sự tham gia vào mạng. Người stake DOT hiện đang nhận được từ 12 tới 16% lãi suất mỗi năm, cao hơn mức lạm phát (do nhận được cả tiền phí mạng). Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho những người nắm giữ DOT mà không stake (Polkadot đã cố tình làm vậy để mọi người phải stake DOT lâu và nhiều hơn).

DOT cũ và DOT mới

Nếu bạn chưa quen với Polkadot, bạn có thể nhận thấy đề cập đến DOT “Mới” và DOT “Cũ”. Đề xuất đầu tiên của mạng Polkadot khi mạng chính ra mắt là nhân 10 triệu token DOT hiện có với 100 lần.

Theo thông báo về DOT trên CoinMarketCap:

“Đây là DOT Mới, nhỏ hơn 100 lần so với DOT cũ. Vào ngày 21/8/2020 lúc 23:40 giờ Việt Nam (số khối 1,248,328), token DOT có sự thay đổi về hiệu chỉnh định giá từ đợt bán ban đầu. Không có sự khác biệt giữa DOT Mới và DOT cũ ngoài định giá”.

Điều này chủ yếu là để làm cho giá trị của các giao dịch DOT dễ tính hơn (vì việc hướng dẫn chuyển 10 DOT dễ hơn 0.01 DOT). Tất cả các chủ sở hữu DOT trước đó đều thấy DOT Cũ của họ được nhân với 100, dẫn đến tổng nguồn cung mới là 1 tỷ DOT Mới. Thay đổi này được ban hành vào ngày 21/8.

Phân tích giá DOT

Thật không may, có vẻ như dữ liệu giá cho DOT Cũ đã bị cả CoinMarketCap và Coingecko xóa bỏ (có thể là để tránh nhầm lẫn). Trước khi bị xóa, DOT Cũ giao dịch ở mức giá khoảng 400 đô la Mỹ.

Trang tiền điện tử DOT cũ | Nguồn: CoinGecko

Giá tại thời điểm viết bài của DOT Mới khoảng 9 đô la, điều này hợp lý khi cân nhắc rằng nó phải thấp hơn khoảng 100 lần so với giá của DOT Cũ (trong trường hợp này cộng thêm một chút do tăng giá).

Giao dịch DOT

DOT có sẵn trên vô số sàn giao dịch uy tín bao gồm Binance, Kraken, Huobi và OKEx. Hầu hết mọi sàn giao dịch DOT hiện đang niêm yết đều có thanh khoản đáng kinh ngạc, đặc biệt là Binance.

Đăng ký tại Binance và mua token DOT

Khối lượng giao dịch trong 24 giờ của DOT cũng rất cao. Với việc niêm yết trên Coinbase có khả năng gần kề, thanh khoản và khối lượng giao dịch này sẽ chỉ tăng lên.

Sắp tới sau khi mạng lưới hoàn thiện tất cả, các sàn giao dịch phi tập trung dựa trên Polkadot được phát triển thành công (ví dụ Polkaswap, giống như Uniswap, Sushiswap trên Ethereum), các dự án bán token ICO, IDO…lấy DOT làm token chính dùng để giao dịch thì sẽ nâng giá trị cũng như thanh khoản lên một tầm cao mới, tương tự như điều mà ETH đang có.

Polkadot

Nếu bạn đang tìm cách lưu trữ token DOT của mình, bạn sẽ gặp một chút khó khăn. Vì DOT nằm trên blockchain gốc của riêng nó và là một loại crypto hoàn toàn mới, bạn thực sự bị giới hạn ở hai lựa chọn: tiện ích mở rộng trình duyệt Polkadot.js hoặc ứng dụng di động Polkawallet.

Điều đáng chú ý là Polkawallet được phát triển bởi một bên thứ ba. Ngoài ra, có nhiều ví hiện có đang tích hợp hỗ trợ cho DOT, bao gồm ví phần cứng Ledger và thậm chí là ví trình duyệt Metamask phổ biến.

Các bạn cũng có thể lưu trữ và đem DOT đi stake trên các sàn tập trung lớn như Okex, Binance, Huobi với lãi suất từ 12% trở lên một cách dễ dàng mà không cần phải tìm hiểu các hình thức staking khác (hơi khó cho người mới).

Lộ trình của Polkadot

Nếu lộ trình của Polkadot có thể được mô tả bằng một từ thì đó sẽ là “thận trọng”. Web3 Foundation đã và đang dành rất nhiều thời gian để đảm bảo họ làm đúng mọi thứ. Bài học từ Ethereum đã cho họ rất nhiều kinh nghiệm khi một số vấn đề đã làm xong, nhận thấy sai làm, nhưng lại rất khó sửa sai vì nó quá phi tập trung, mỗi người một ý. Sự chậm trễ trong việc nâng cấp lên ETH 2.0 là một minh chứng.

5 giai đoạn triển khai mạng chính của Polkadot | Nguồn: Messari

Các mốc quan trọng nhất đối với Polkadot được cho là sự kiện ra mắt Kusama vào tháng 8/2019, giai đoạn đầu tiên của mạng chính Polkadot được triển khai vào tháng 5/2020 và giai đoạn cuối cùng của mạng chính vào ngày 18/8/2020.

Đối với những người chưa biết, Kusama là dự án tiền điện tử hoàn toàn riêng biệt. Nó được đưa ra để kiểm tra các yếu tố khác nhau của Polkadot trong môi trường thế giới thực. Giống như Polkadot, Kusama được xây dựng bằng Substrate và có token KSM của riêng mình. Kusama về cơ bản là một phiên bản chưa được kiểm toán của Polkadot và sẽ tiếp tục tồn tại vô thời hạn dưới dạng thử nghiệm cho các nhà phát triển có thể muốn thử nghiệm Dapp hoặc blockchain của họ trước khi khởi chạy chúng trên Polkadot.

Có thể so sánh rằng, Charlie Lee đã tạo ra Litecoin với mong muốn là một thử nghiệm cho Bitcoin, thì Kasuma đang làm điều này với Polkadot.

Kusama, test-net “anh em” của Polkadot | Nguồn: Kusama

Trước khi mạng chính của Polkadot ban đầu được triển khai, nó thực sự giống như bây giờ ngoại trừ 2 điểm khác biệt chính: token DOT chỉ có thể được phát hành, stake (không được giao dịch) và Web3 Foundation là thực thể duy nhất có thể hoạt động trên mạng (tạo ra tất cả các khối và xác thực tất cả các giao dịch).

Sự kiện ra mắt tháng 8 năm 2020 gần đây liên quan đến việc loại bỏ giao thức Sudo có thể được khái niệm hóa như một con đập ngăn nước mà sau khi được gỡ bỏ đã trao toàn quyền kiểm soát mạng cho chủ sở hữu DOT. Các token DOT đã được thực hiện có thể giao dịch và đề xuất đầu tiên được thông qua để chia định giá của DOT cho 100.

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên trên Polkadot

Kể từ thời điểm đó, Polkadot về mặt kỹ thuật là một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) – một giao thức hoàn toàn do cộng đồng quản trị, về cơ bản sẽ xác định các mốc phát triển trong tương lai của nó.

Tại sao Polkadot là lực lượng có sức công phá lớn?

Polkadot là một loại tiền điện tử đáp ứng được mọi tiêu chí bất kể danh sách bạn đang sử dụng. Người sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng, cây đa cây đề của làng công nghệ blockchain? Đúng. Nhóm phát triển vững chắc? Đúng. Quan hệ đối tác đáng chú ý? Đúng. Danh sách sàn giao dịch có uy tín? Đúng. Vốn hóa thị trường lớn? Đúng. Có thể mở rộng? Đúng. Có thể nâng cấp mà không cần fork? Đúng. Tốc độ giao dịch? Cao tới 1 triệu.

Bây giờ, chúng ta sẽ dành chút thời gian để so sánh Polkadot với Ethereum. Xét cho cùng, Polkadot về cơ bản là một phiên bản Ethereum 2.0 đi trước một bước. Nhưng điều này đưa chúng ta đến lý do tại sao không thể nói gì nhiều khi so sánh cả hai: Ethereum 2.0 vẫn chưa ra mắt. Một vài so sánh có thể được thực hiện hiện tại là khá kỹ thuật và được trình bày chi tiết trên trang Polkadot wiki.

Một điều có thể hữu ích cho một số bạn vẫn chưa hiểu rõ về Polkadot là xem dự án qua lăng kính Ethereum. Parachain được gắn với Relay Chain của Polkadot có thể được ví như hợp đồng thông minh token ERC-20 trên Ethereum. Chúng có thể có cơ chế đồng thuận của riêng mình, có thể có token của riêng mình và mục đích cụ thể (hãy nghĩ đến các dự án dựa trên Ethereum như Chainlink hoặc RenVM).

Minh họa về kiến trúc của Polkadot và Kusama

Chỉ có một số vấn đề gặp phải với Polkadot. Đầu tiên liên quan đến đường cong học tập, vốn đã rất dốc đối với tiền điện tử nói chung, có ít ứng dụng và giao thức khác nhau trong DeFi (tài chính phi tập trung). Nhóm Polkadot dường như ít quan tâm hơn đến trải nghiệm người dùng so với mức độ phức tạp của dự án. Ngoài ra, có danh sách dài các câu hỏi về mọi thứ có thể xảy ra sai sót với một mạng đồng thuận hỗn hợp do cộng đồng quản lý. Bởi vị họ là người đi đầu trong thuật toán này, nên cũng sẽ gặp phải những điều mà chưa mạng nào gặp phải. Nhưng như ca sĩ Sơn Tùng MTP nói “Muốn ngồi ở vị trí mà không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác mà không ai chịu được”.

Vấn đề thứ hai liên quan đến việc phân bổ DOT của Polkadot. Đối với những người theo dõi chương trình Boxmining, bạn có thể đã nắm được một chi tiết mà anh ấy lưu ý về Polkadot và Cardano trong một buổi phát trực tiếp gần đây. Rất nhiều tiền đầu tư vào dự án này dường như đến từ Trung Quốc, đặc biệt là nông dân Trung Quốc (nông dân bình thường, không phải yield farmer (người canh tác lợi nhuận) hoặc trang trại khai thác tiền điện tử).

Michael Gu của Boxmining | Nguồn: YouTube

Chuyện kể rằng nhiều nông dân ở Trung Quốc kiếm được rất nhiều tiền, lên tới hàng triệu đô la nhờ việc được các doanh nghiệp nhà nước đền bù đất (tương tự như nhiều dự án đền bù đất tại Việt Nam đã đưa nhiều chủ đất giàu có sau một đêm). Các “đại sứ” từ những dự án tiền điện tử như Polkadot và Cardano được cho là đã bán lượng đáng kể DOT và ADA cho những nông dân giàu có này.

Mặc dù điều này có thể không nhất thiết là một điều xấu, nhưng bạn nên tự hỏi điều này có ý nghĩa gì đối với một loại tiền điện tử như Polkadot vốn dĩ trừng phạt những người nắm giữ DOT không hoạt động với lạm phát cao điên cuồng.

Ngôn ngữ kỹ thuật trên giao diện người dùng của Polkadot.js | Nguồn: Polkadot Docs

Vấn đề cuối cùng mà Polkadot gặp phải liên quan đến khả năng tương tác. Mặc dù dự án được quảng cáo là có khả năng tương tác cực kỳ tốt, nhưng trên thực tế điều này chỉ đúng với các blockchain khác được xây dựng bằng Substrate. Mọi blockchain “bên ngoài” như Bitcoin hoặc Ethereum phải có cầu nối để kết nối với Relay Chain của Polkadot. Rất may, các giao thức cầu nối cho Polkadot như ChainX đang chứng kiến mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên và có rất nhiều loại tiền điện tử vốn hóa trung bình và thậm chí vốn hóa lớn được xây dựng dựa trên Substrate.

Ngay cả với những lo ngại này, khó có thể dự đoán về những diễn biến tiêu cực cho Polkadot. Dự án quá tốt và nó chỉ mới bắt đầu. Tiềm năng phát triển của mạng cũng như việc định giá token DOT đều rất lạc quan và có thể chỉ cần đạt được đủ sự chấp nhận cũng như mức đầu tư để đưa nó đến sao Hỏa (thậm chí có thể theo nghĩa đen, một ngày nào đó!).

Thùy Trang

Theo Coinbureau

MỚI CẬP NHẬT

Ví Dogecoin lớn ngừng hoạt động gây phẫn nộ trong cộng đồng

Trong một diễn biến gây bất ngờ cho nhiều thành viên của đội quân DOGE, một người đề xuất DOGE đã tố giác ví...

Công ty con của Kraken là gã khổng lồ thầm lặng trong tăng trưởng...

Công ty con của Kraken, CF Benchmarks đã đóng vai trò quan trọng trong sự phổ biến ngày càng tăng của các quỹ Bitcoin...

Giá Coin hôm nay 04/05: Bitcoin thành công đòi lại $ 60.000, altcoin và...

Bitcoin thành công đòi lại $ 60.000 với mức tăng mạnh mẽ, khép nến hàng ngày gần sát khu vực $ 63.000 sau chuỗi...

GBTC của Grayscale ghi nhận ​​dòng vốn vào đầu tiên kể từ tháng 1

Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), quỹ Bitcoin ETF lớn nhất tính theo tài sản được quản lý, đã chứng kiến ​​dòng tiền mới 6,3 triệu...

Game Solana ‘Nyan Heroes’ trở lại với phần thưởng Play-to-Airdrop mở rộng

Sau quá trình thử nghiệm bản demo pre-alpha đầu tiên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, game bắn súng anh hùng phong...
saga

Saga tiết lộ airdrop “cấp sức mạnh trên 9.000” đầu tiên với số token...

Saga, một blockchain layer 1 tập trung vào game, gần đây đã tạo ra rất nhiều sự cường điệu cho việc ra mắt mainnet...

Phân tích kỹ thuật ngày 4 tháng 5: BTC, ETH, BNB, SOL, XRP, DOGE,...

Phe bò Bitcoin (BTC) đang cố gắng quay trở lại bằng cách duy trì giá bên mức quan trọng về mặt tâm lý ở...

LayerZero yêu cầu sybil airdrop farmer tự báo cáo địa chỉ trước ngày 17/5

LayerZero, một giao thức cho phép kết nối giữa các blockchain không tương thích, đã tạo điều kiện cho các *sybil airdrop farmer tự...

CEO Skale cho rằng game Web3 sẽ không tồn tại sau 5 năm nữa

Jack O'Holleran, CEO Skale, một mạng mở rộng quy mô Ethereum, khá tự tin rằng trong vòng 5 năm tới sẽ không còn nghe...
Tăng sức mạnh cho danh mục đầu tư của bạn

[QC] Tăng sức mạnh cho danh mục đầu tư của bạn: Đầu tư vào...

 Thị trường tiền điện tử gần đây đã bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều loại tiền điện tử đã trải qua sự suy...

Trader mất 70,5 triệu USD trong vụ lừa đảo đầu độc địa chỉ, mức...

Công ty bảo mật blockchain, Cyvers Alert, đã báo cáo rằng, một trader giấu tên đã mất 1.155 Wrapped Bitcoin (WBTC), tương đương 70,5...

Hệ sinh thái Polkadot phát triển mạnh trong Q1 2024 khi vốn hoá thị...

Quý đầu tiên của năm 2024 khá ấn tượng đối với hệ sinh thái Polkadot khi ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trên...
Top 3 token đang được cá voi đang mua

[QC] Top 3 token đang được cá voi mua: Shiba Inu (SHIB), Cardano (ADA)...

 Điều gì khiến cá voi trở nên đặc biệt ngoài khoản đầu tư khối lượng lớn của chúng? Có lẽ họ có con mắt...

SEC Hoa Kỳ trì hoãn ra quyết định về 7RCC Spot Bitcoin và Carbon...

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã trì hoãn ra quyết định đối với quỹ ETF được đề xuất tập...

Dogecoin vượt trội hơn XRP, ADA về số liệu quan trọng – Giá DOGE...

Trong bối cảnh memecoin bùng nổ trong bốn tháng đầu năm 2024, DOGE đã vượt trội hơn XRP, ADA và một số altcoin lớn...

Giá Toncoin tăng 140% trong Q1 2024 khi TVL của hệ sinh thái TON...

The Open Network (TON), hệ sinh thái L1 được liên kết với Telegram, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 1.182% về TVL trong...