Với gia đình, anh là Ross Ulbricht. Với bạn thuê cùng nhà, anh là Joshua Terry. Với Chính phủ Mỹ “The Dread Pirate Roberts” là tên tội phạm thành lập và điều hành trang web chợ đen trị giá cả tỉ USD mang tên Silk Road (Con đường tơ lụa). Bản thân câu chuyện của bên công tố về một đứa trẻ thông minh, sáng dạ hiếm thấy khi lớn lên đã trở thành trùm tội phạm của một chợ đen tầm cỡ toàn cầu đã đủ thú vị, hấp dẫn để Hollywood dựng lên cả chục bộ phim.
Lịch sử của Silk Road : Câu chuyện về ma túy, tống tiền và Bitcoin
Hai mặt chân dung
Tháng 1/2011, Ross William Ulbricht, hay còn gọi là Dread Pirate Roberts, DPR hay Silk Road, thành lập một trang web mang tên Silk Road, cho phép người dùng khắp thế giới mua và bán ma túy cũng như các hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp mà không ai biết danh tính và không lo bị cơ quan thực thi pháp luật sờ gáy. Công tố khẳng định: Ulbricht chính là Dread Pirate Roberts và Dread Pirate Roberts chính là Ulbricht. Công việc của bồi thẩm đoàn 12 thành viên là xác định xem điều này đúng hay sai.
Bản thân tên trùm trang web Ross Ulbricht là một bức phác họa mơ hồ. Trước khi bị bắt vào tháng 10/2013, gã sống một cuộc đời khá mờ nhạt. Ulbricht lớn lên ở ngoại ô Austin, rồi chuyển tới San Francisco sống trong một căn hộ thuê với giá 1.000 đô la cùng ba người bạn. Anh đề nghị bạn thuê cùng nhà gọi mình là Josuha. Với bạn bè, anh là một hướng đạo sinh đại bàng (Eagle Scout), yêu thích yoga, sống đơn giản.
Ulbricht tốt nghiệp Đại học Texas năm 2006 với tấm bằng cử nhân vật lý. Về sau, anh ta lấy bằng cử nhân ngành kỹ sư và khoa học vật liệu ở Trường đại học bang Pennsylvania. Là người có khuynh hướng theo chủ nghĩa tự do, Ulbricht từng tìm cách trở thành người đại diện của ứng cử viên tổng thống lúc bấy giờ là nghị sĩ Ron Paul.
Còn theo các công tố viên, mặt sau của chân dung đó là một nhân vật thế giới ngầm nhẫn tâm, sẵn sàng dùng mọi biện pháp để bảo vệ đế chế ma túy của mình. Tất cả bắt đầu từ khi Ulbricht đột ngột chuyển hướng mối quan tâm của mình, tuyên bố sẽ không đi theo lĩnh vực vật lý nữa mà tập trung vào kinh tế học trong môi trường ảo. Năm 2011, lúc trang web Silk Road đi vào hoạt động, Ulbricht từng khoe: “Tôi đang tạo ra một mô hình mô phỏng kinh tế để cho phép mọi người có trải nghiệm như là sống trong một thế giới không bị áp đặt”.
Ngày 27/1/2011, Ulbricht ẩn danh để công bố tuyệt phẩm Silk Road của mình với thế giới trên trang web buôn “nấm ảo giác”. Anh giả vờ là người vừa phát hiện ra trang web mới mang tên Silk Road và hỏi mọi người nhận xét về nó. Khi không có nhiều người quan tâm, Ulbricht mò vào diễn đàn BitcoinTalk.org để quảng cáo lại và gây chấn động ở đây. Chỉ trong vài tháng, các thành viên xôn xao với khả năng một người có thể mua ma túy an toàn qua trang web này. Dần dần, nó được coi là nơi an toàn nhất để buôn bán ma túy trực tuyến, được ví như Amazon của thế giới ngầm. Cách vào Silk Road được người này rỉ tai cho người kia.
Silk Road ban đầu chỉ có vài trăm người sử dụng. Nhưng khi blog Gawker xuất hiện bài viết về Silk Road, con số đó đã lên tới hơn 10.000. Thỉnh thoảng máy chủ của Silk Road bị sập vì quá nhiều người truy cập. Silk Road đã biến thành một kiểu công ty làm ăn sinh lời lớn. Trang web nổi tiếng đến mức ngày 1/7/2011, Roberts đã tính phí 10 bitcoin đối với người dùng muốn bán ma túy.
Silk Road là nơi mua bán đủ thứ, từ các loại ma túy, súng ống, tài liệu mật cho đến thời trang nhái hàng hiệu. Tuy nhiên, Silk Road cũng có giới hạn. Ulbricht đặt ra quy định không cho ai buôn bán tranh ảnh khiêu dâm trẻ em và thẻ tín dụng ăn cắp. Nhiều người cho rằng anh muốn điều hành chợ đen này với chút “lương tâm”. Nhưng thực ra, Ulbricht biết rằng việc mình hốt bạc từ điều hành buôn bán ma túy trên Silk Road đã khiến anh có quá nhiều kẻ thù, do đó không muốn mua thêm đối thủ trong lĩnh vực thẻ tín dụng giả.
Theo đơn kiện chống Ulbricht, có 1.229.465 giao dịch trên trang Silk Road tính từ ngày 6/2/2011 đến 23/7/2013, liên quan tới 146.946 tài khoản người mua và 3.877 tài khoản người bán. Tổng doanh thu là 9.519.664 bitcoin, tương đương 1,2 tỷ USD. Silk Road thu hoa hồng 614.305 bitcoin, tức 79,8 triệu USD. Lúc bắt giữ Ulbricht, FBI tịch thu được 3,6 triệu USD dạng bitcoin và Silk Road sập từ đó. Xem thêm: Bitcoin là gì ?
Tên trùm máu lạnh
Không chỉ quản lý Silk Road như kiểu một công ty đơn thuần, Ulbricht được cho là đã dùng nhiều thủ đoạn xã hội đen để bảo vệ Silk Road và bản thân. Công tố viên cho rằng Ulbricht ý thức rõ về tính bất hợp pháp của công việc làm ăn của mình. Do đó, trong quá trình điều hành Silk Road, anh sử dụng những phương pháp công nghệ hết sức tinh vi để che giấu mối liên hệ nào giữa trang web với danh tính thật. Là một ông trùm máu lạnh, Ulbricht ra lệnh giết chết tất cả những người dám vượt mặt hắn.
Có lần, Ulbricht đồng ý trả 80.000USD để khử một người có thể ảnh hưởng tới việc làm ăn của hắn . Thế nhưng, hắn không biết người mà anh thuê để giết cộng sự chính là Jared Der-Yeghiayan, đặc vụ của Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa, lập tài khoản với tư cách là người môi giới trên trang Silk Road dưới cái tên “cirrus”. Tính đến khi Ulbricht bị bắt, Der-Yeghiayan đã vào vai này được hai tháng.
Công việc của đặc vụ này là làm nhân viên hỗ trợ cho chợ đen trực tuyến. Trong thời gian đó, đặc vụ này mỗi ngày làm việc từ 10 đến 12 tiếng và được trả tiền công khoảng 1.000 USD/tuần bằng đồng bitcoin từ tài khoản Silk Road của một người có biệt danh DPR.
Lý do Ulbricht muốn khử một người quản trị Silk Road vì người này bị đặc vụ liên bang bắt do buôn lậu ma túy. Người mà Ulbricht muốn trừ khử là Curtis Clark Green, nhân viên cố vấn khách hàng về cách sử dụng và xử lý các chất cấm trên Silk Road. Sau đó Ulbricht quyết định “giải quyết” Green. Khi đặc vụ Der-Yeghiayan được thuê khử Green với giá 40.000USD, một tuần sau, anh gửi cho Ulbricht một bức ảnh giả về cái chết của Green và được trả thêm 40.000 đô la nữa.
Lúc Ulbricht bị bắt, anh đang ngồi tại chi nhánh Glen Park của Thư viện San Francisco, nói chuyện với “cirrus” về việc cần phải giảm bớt giọng điệu của một đoạn viết đưa lên diễn đàn Silk Road. Đột nhiên, sau lưng Ulbricht có hai người, một nam một nữ, đang cãi nhau. Khi Ulbricht ngẩng đầu lên thì người phụ nữ đã túm lấy hắn, còn người đàn ông chộp lấy chiếc máy tính xách tay đang mở.
Họ thực ra là hai đặc vụ FBI và giả vờ cãi nhau để Ulbricht sao lãng. Họ có nhiệm vụ tịch thu máy tính của Ulbricht trong trạng thái mở và không bị mã hóa. Họ nghi rằng ổ cứng máy tính sẽ bị mã hóa khi anh ta nhanh tay bấm một phím nào đó hoặc tắt máy tính. Chiếc Samsung 7ooz của Ulbricht đúng là được bảo vệ bằng phần mềm mã hóa. May mắn là đặc vụ FBI có thể tịch thu nó khi nó đang ở tình trạng “tơ hơ”.
Chiếc máy tính là một “mỏ vàng” với các nhân viên điều tra. Họ thu được vô số thông tin, từ các trang ghi chép kế toán, mật mã riêng, lịch sử trò chuyện, và quan trọng nhất là cuốn nhật ký. Nhật ký được Ulbricht chia thành nhiều tập tin, sắp xếp có tổ chức trong nhiều thư mục theo năm, theo quý, theo tháng và theo tuần, trong đó anh ghi chép tỉ mẩn hoạt động hằng ngày của Silk Road.
Cuộc đấu trí cân não
Sau khi bị bắt ngày 1/10/2013, Ulbricht bị cáo buộc 7 tội danh như: phân phối ma túy qua Internet, âm mưu thực hiện, hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi xâm nhập máy tính, âm mưu rửa tiền… Các tội danh mà Ulbricht bị cáo buộc không có gì lạ nhưng vụ xét xử Silk Road là vụ đầu tiên liên quan tới một chợ ma túy trên Internet ra được đến tòa. Các chợ đen trực tuyến khác đã bị đóng cửa, kẻ cầm đầu bị truy tố nhưng chưa vụ nào được đưa và xét xử như vụ Silk Road. Vụ việc này sẽ đặt ra tiền lệ quan trọng về sau vì nó sẽ thể hiện quan điểm của Chính phủ Mỹ về những công cụ bí mật như trình duyệt Tor và những công nghệ kiểu như đồng bitcoin. Tor là phần mềm khiến người ta không thể xác định được vị trí máy tính chủ và máy tính truy cập cũng như các trang web thuộc mạng lưới Tor. Còn đồng tiền mã hóa bitcoin hóa ra là phương pháp hỗ trợ rất tốt giao dịch ẩn danh.
Như đã nói ở trên, vụ xét xử Ulbricht xoay quanh cái tên Dread Pirate Roberts. Tháng 2/2012, Ulbricht được cho là bắt đầu dùng biệt hiệu Dread Pirate Roberts. Cái tên này là một nhân vật trong cuốn “The Princess Bride” (Cô dâu công chúa) của William Goldman, về một gã cướp biển đeo mặt nạ, đê tiện, chuyên mặc đồ đen và về sau hóa ra là Westly – người yêu thời thơ ấu của nhân vật nữ chính. Dread Pirate Roberts trong cuốn tiểu thuyết không phải là một người cố định.
Westly thừa kế cái tên này từ Dread Pirate Roberts đời trước, người này nhường tên cho Westly sau khi giải nghệ. Do đó cái tên này không chỉ một người nào đó cụ thể, mà là một danh tiếng, một cái mặt nạ, một tính cách. Trong vụ Silk Road, luật sư bào chữa cho Ulbricht nói rằng Dread Pirate Roberts là nhiều người khác nhau, rằng Ulbricht đúng là có lập Silk Road nhưng không phải là Dread Pirate Roberts.
Để làm rõ được liệu Ulbricht có phải là Dread Pirate Roberts cần phải có thời gian cho bồi thẩm đoàn. Toàn bộ bằng chứng mà công tố viên đưa ra đều là thông tin điện tử: dấu vết kỹ thuật số, địa chỉ IP, tài khoản thư điện tử, lịch sử chat, các đoạn đăng trên Internet, tin nhắn, giao dịch bằng đồng bitcoin.
Ngay từ đầu, tranh luận giữa bên công tố và luật sư bào chữa đã diễn ra căng thẳng. Về vụ thuê giết Green cũng như cáo buộc Ulbricht từng thuê giết 5 người khác, luật sư của Ulbricht cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy thân chủ của họ dính đến âm mưu giết người này hay có ai đó bị giết do Ulbricht ra lệnh. Trong thực tế, anh ta không bị cáo buộc tội giết người hay âm mưu giết người. Vụ thuê giết Green chỉ được coi là một thông tin liên quan tới các cáo buộc buôn bán ma túy trên Silk Road.
Bên công tố giải thích về cách làm thế nào họ lật mặt được Dread Pirate Roberts: họ lần ra địa chỉ IP của Silk Road thông qua một đoạn mã xuất hiện trên trang web, từ đó xác định và tịch thu máy chủ của Silk Road ở Iceland. Còn luật sư của Ulbricht phản đối giải thích này vì cho rằng điều đó không phù hợp với cấu trúc nội bộ trang web và lịch sử truy cập của Silk Road.
Trong thực tế, FBI đã không phát hiện ra địa chỉ IP thông qua chỗ rò rỉ mã nói trên mà họ vào thẳng địa chỉ IP đó. FBI không tiết lộ họ dùng công cụ gì để thực hiện điều đó. Do không có lời giải thích phù hợp, nhiều người kết luận rằng FBI đã dùng một phương pháp phi pháp để xác định vị trí của Silk Road. Câu hỏi được đặt ra là liệu những bằng chứng mà FBI có được sau khi dò tìm ra Silk Road bằng biện pháp bất hợp pháp có được coi là bằng chứng trước tòa?
Bên bào chữa đã xoáy vào điểm này để gây bất lợi cho công tố viên. Tuy nhiên, tòa vẫn đồng ý coi những bằng chứng mà FBI lấy được là hợp pháp vì Ulrbricht không thừa nhận quyền sở hữu máy chủ ở Iceland.
Vụ án mở ra một kỷ nguyên mới trong luật pháp Mỹ, thử thách khả năng đối phó với hoạt động tội phạm trực tuyến của Chính phủ Mỹ trong bối cảnh ngày càng có nhiều công nghệ ra đời để trốn sự quản lý. Cuối cung, Ulbricht đã bị kết 2 án tù chung thân, vĩnh viễn không có cơ hội ” trở về làm người tử tế “.
Ross Ulbricht là ai ? Tiểu sử nhà sáng lập Silk Road – Người bôi bẩn đồng Bitcoin
Nguồn: http://antg.cand.com.vn