CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã quay trở lại Capitol Hill để điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 23/10 về kế hoạch phát hành đồng Libra và cố gắng giải tỏa các mối lo ngại xoay quanh các biện pháp điều chỉnh của Facebook. Đây là phiên điều trần đầu tiên của Zuckerberg trước Quốc hội kể từ lần cuối cùng đến Capitol Hill vào tháng 4/2018 sau vụ vi phạm dữ liệu Cambridge Analytica.
Mark Zuckerberg tại Quốc hội Mỹ ngày 23/10
Thật không may, có rất ít nhà lập pháp và người dùng hài lòng tại phiên điều trần. Nhiều người nghĩ nguyên nhân là do Quốc hội thiếu hiểu biết về tầm quan trọng đáng kể của Facebook tại Silicon Valley và Zuckerberg không thể giải thích cho hàng tỷ người dùng về thiện chí giúp đỡ thế giới của mình.
Nên đóng cửa Facebook?
Mặc dù không có gì ngạc nhiên khi Mark phải đối mặt với một loạt câu hỏi thù địch từ Quốc hội nhưng Đại diện Dân chủ California, chủ tịch Maxine Waters của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã khiến mọi người trầm trồ sau khi đặt câu hỏi cho CEO Facebook. Cô khẳng định Libra sẽ “tạo ra nhiều mối quan ngại”, Facebook sắp hết thời và có lẽ nên đóng cửa toàn bộ công ty.
Phát triển thịnh vượng theo từng ngày, Facebook tiếp tục chứng minh sức mạnh để trở thành người dẫn đầu thị trường và hàng tỷ người dùng trên toàn cầu đã tin tưởng vào gã khổng lồ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, bằng hoạt động giám sát liên tục đối với các phương thức thu thập dữ liệu và các giao thức bảo mật nội bộ của công ty, Quốc hội không chỉ quan tâm đến dấu chân kỹ thuật số của người tiêu dùng, mà còn cả Facebook. Waters tuyên bố:
“Có lẽ anh tin rằng mình trội hơn cả luật pháp và có vẻ như anh đang đẩy mạnh quy mô công ty cũng như sẵn sàng vượt qua bất kỳ ai, kể cả đối thủ cạnh tranh, phụ nữ, người da màu, người dùng Facebook và thậm chí nền dân chủ của chúng ta để có được những gì anh muốn”.
Waters giải thích thêm rằng “thực tế, Facebook đã châm ngòi cho cuộc thảo luận nghiêm túc về việc liệu có nên đóng cửa Facebook hay không?”.
Facebook chưa từng hoạt động kinh doanh trong không gian tiền kỹ thuật số
Tại phiên điều trần, Mark cố gắng nhấn mạnh rằng Facebook không kiểm soát Hiệp hội Libra. Nhưng trong mắt các nhà lập pháp thì điều này không khác gì lời nói dối vì thực tế Facebook từng phải chịu trách nhiệm về các chính sách thu thập dữ liệu và hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người dùng trước khi bắt đầu suy nghĩ về việc mở rộng sang không gian tiền kỹ thuật số.
Zuckerberg tuyên bố trước Quốc hội rằng “Facebook ủng hộ trì hoãn ra mắt Libra cho đến khi giải quyết đầy đủ các lo ngại về quy định của Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, trước khi giải quyết dự án tiền điện tử của Facebook, các nhà lập pháp vẫn cần phải xem lại bằng chứng thống kê và số liệu được cung cấp theo yêu cầu giải quyết gần đây của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ sau cuộc điều tra về thực tiễn bảo mật dữ liệu của công ty.
“Tôi tin rằng đây là thứ cần được xây dựng, nhưng có lẽ chúng tôi không phải là người đưa ra thông điệp lý tưởng vào lúc này. Trong một vài năm qua, chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề”, Zuckerberg bày tỏ trước Quốc hội. Ngoài ra, anh còn lưu ý mục đích của Libra cũng như sứ mệnh của công ty là trao quyền vào tay người dùng.
Không! Hãy quên đi những lo ngại về quy định của Hoa Kỳ và “sứ mệnh” trao quyền cho mọi người, bởi vì điều đó không đúng. Tất cả chỉ là những lời mị dân. Thật hoang tưởng khi nghĩ rằng có thể trao quyền kiểm soát cho người dùng của công ty. Facebook hầu như không thể giải quyết các giao thức bảo mật nội bộ của riêng mình đối với dữ liệu người dùng, nhưng họ lại muốn vươn ra toàn cầu để tiếp tục mở rộng quyền truy cập vào nhiều thông tin tài chính hơn trong một thế giới tiền mới. Quả là phi lý!
Hãy nhìn thẳng vào sự thật là Facebook chưa sẵn sàng tham gia vào thế giới tiền tệ kỹ thuật số. Bảy trong số hai mươi tám đối tác ban đầu và những người ủng hộ dự án trước đây như PayPal, Mastercard, Visa và eBay cũng đồng ý với quan điểm này và gần đây đã ly khai khỏi chương trình thanh toán của Libra.
Khi được Quốc hội hỏi tại sao các đối tác cũ của Libra lại rời đi, Zuckerberg trả lời đó là “một dự án đầy rủi ro và họ đã suy xét rất nhiều khía cạnh”. Vâng, thế là đủ rồi, phiên điều trần có lẽ nên kết thúc tại đây.
Phát biểu về những lo ngại đối với lời trình bày gần đây của Zuckerberg, CEO Parul Gujral và cũng là người sáng lập công ty Snowball có trụ sở tại San Francisco, tự xưng là công ty tự động hóa đầu tư tiền điện tử thông minh (Smart Crypto Investment Automation) đầu tiên trong thời đại tiền kỹ thuật số nói:
“Tôi tin rằng mọi người sẽ có thể chuyển tiền quốc tế mà không cần người trung gian, không có phí giao dịch cao và không bị trì hoãn. Tôi cũng tin rằng nếu bạn dính líu đến tiền của người khác, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm. Đây là lý do tại sao Snowball quyết định trở thành cố vấn đầu tư và nhận ủy thác đăng ký theo quy định. Facebook nên tuân thủ quy định để xây dựng lại niềm tin mà họ đã đánh mất”.
Ứng dụng di động Snowball đã được Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ chấp thuận vào đầu năm nay với tư cách là cố vấn đầu tư có đăng ký, trở thành một trong những nền tảng đầu tiên đăng ký với SEC, cho phép công ty đưa ra khuyến nghị đầu tư thông qua ứng dụng di động.
Team phát triển Snowball bao gồm một nhóm các doanh nhân có danh tiếng tốt như triệu phú đi từ hai bàn tay trắng Parul Gujral, Jason Stone, Michael Bucci – cũng là người có tầm ảnh hưởng đối với Instagram và một nhóm cựu kỹ sư trưởng của CEX.io, Deloitte. Tất cả họ đều là những người có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực đầu tư.
Nói về khẳng định của Waters rằng Facebook nên đóng cửa, Parul Gujral lại nhấn mạnh quy định:
“Libra chỉ có thể tồn tại nếu nó tuân thủ quy định và tập trung nỗ lực vào các quốc gia đang phát triển. Với sự ra đời của WiFi toàn cầu, 2.7 tỷ người sẽ có quyền truy cập internet và những người này cần một ID, một cách để vay tiền, xây dựng lịch sử tín dụng và giao dịch qua internet”.
Tính thuận tiện sẽ luôn chiến thắng tính bảo mật
Tôi đã khẳng định điều đó ngay từ đầu và tôi sẽ tiếp tục lặp lại cho đến cuối đời. Vâng, tính tiện lợi sẽ luôn chiến thắng tính bảo mật và không có ngoại lệ.
Khi Facebook ra đời, nó đã sẵn sàng, thiện chí và có thể cung cấp cho thế giới điều chưa từng có: kết nối toàn cầu tức thời. Nhưng ngược lại, thế giới phải trả giá bằng những thông tin cá nhân và nhạy cảm nhất cho công ty và các dịch vụ của bên thứ ba, là những người sử dụng nó để “phát triển” dịch vụ của họ hiệu quả hơn.
Sau khi xem và nghe lời trình bày của Zuckerberg, thật công bằng khi nói rằng Quốc hội vẫn chưa nhận được câu trả lời xứng đáng. Kể từ tháng 4/2018, câu hỏi của Quốc hội rõ ràng hơn một chút đối với Zuckerberg, nhưng họ vẫn không thực sự nhận được bất cứ điều gì mới mẻ từ CEO Facebook. Như vậy, gã công nghệ khổng lồ vẫn không hoàn toàn hiểu được bức tranh toàn diện lớn hơn.
Các nhà lập pháp và các nhà quản lý vẫn đang xoáy sâu vào vai trò của phương tiện truyền thông xã hội, marketing trực tuyến và tiền mã hóa trong thời đại kỹ thuật số ngày nay. Nhưng những gì chúng ta cần hiểu về cuộc điều tra hiện tại của Quốc hội đối với Facebook và sự xem xét kỹ lưỡng xung quanh đó không phải là về tiền kỹ thuật số và cũng không phải về Hiệp hội Libra.
Thay vào đó, các nhà lập pháp muốn làm rõ nhiệm vụ và mục đích cơ bản của Facebook trong 15 năm kể từ khi thành lập. Tôi gần như có thể đảm bảo với bạn rằng trả lời ngày hôm nay của Facebook sẽ hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là ‘xoắn não’ hơn và cố gắng tránh né câu hỏi đó.
Chúng ta đang được thừa hưởng thành tựu của những người đi trước?
Người dùng Facebook đang được thừa hưởng thành tựu của những người đi trước. Không còn là cộng đồng thực thi quyền tự do ngôn luận theo Bản sửa đổi lần thứ nhất, thay vào đó, hành vi của công ty trông giống như lừa đảo hơn khi muốn khán giả và người dùng tin rằng họ thực sự giữ quyền kiểm soát thông tin và đang bị đối xử công bằng.
Khi được Quốc hội hỏi liệu anh có sẵn sàng thực hiện vai trò của một “người điều hành nội dung” hay không, Zuckerberg đã từ chối. Sau đó, khi được hỏi về vai trò của Facebook với Libra, Zuckerberg tiếp tục nhấn mạnh sự độc lập của mình với Hiệp hội. “Tôi đã không kiểm soát Hiệp hội Libra”, anh chia sẻ.
Đối với các biện pháp bảo mật dữ liệu của Facebook, người dùng phải tuân thủ vô số các các quy định trong Điều khoản dịch vụ của công ty nhưng không có nhiều biện pháp kiểm soát hoặc khắc phục cho họ.
Những lo ngại được nêu ra chứng tỏ thái độ bức xúc, vì nền tảng hỗ trợ khách hàng của công ty hoạt động không hiệu quả để kết nối với người dùng trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Nó khiến người dùng ảo tưởng rằng họ có một phương tiện kiểm soát và một con đường giao tiếp với công ty.
Trên thực tế, cần chờ 45 giây để nhận được email của khách hàng bày tỏ mối quan tâm và công ty thường trích dẫn việc không thể giúp bạn do thiếu bằng chứng vi phạm và yêu cầu liên kết với Trung tâm trợ giúp FAQ vô dụng. Tại sao như vậy? Đơn giản là sói không quan tâm đến ý kiến của cừu. Đặc biệt là khi có hàng tỷ người trong số họ trải rộng trên toàn cầu.
Ngừng bướng bỉnh và nhờ giúp đỡ
Biện pháp duy nhất để giải quyết mọi vấn đề là cần ban hành luật và điều chỉnh sâu hơn đối với hoạt động giám sát công chúng của Facebook và cách công ty tiếp cận hoạt động kinh doanh. Nhưng, có một giải pháp đơn giản hơn cho công ty: Tiếp cận các chuyên gia và nhờ giúp đỡ. Đừng xấu hổ về điều đó.
GDPR của Liên minh châu Âu
Theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu, thực sự có “quyền lãng quên”. Với 99 điều luật, GDPR là khung pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân EU đối với các giao dịch xảy ra trong khối các quốc gia thành viên EU.
Như vậy, một công ty như Facebook phải có khuôn khổ giống như GDPR để giải quyết trách nhiệm của công ty đối với các gã truyền thông xã hội hoặc các điều khoản như lệnh thanh toán FTC chống lại Facebook.
Dừng lựa chọn nội dung
Nếu Văn kiện sửa đổi đầu tiên là tất cả những gì cần tin tưởng thì Facebook cũng như chính phủ Hoa Kỳ không nên bóp méo không gian mạng và tham gia vào việc kiểm soát nội dung trên nền tảng.
Bước tiếp theo mà Quốc hội cần làm để điều chỉnh một công ty như Facebook là phải ban hành quy định yêu cầu tất cả gã khổng lồ truyền thông xã hội nhất định chỉ định người điều hành nội dung chịu trách nhiệm quản lý nội dung cuối cùng trên toàn hệ thống.
Hiện tại, sẽ rất thú vị để chờ xem liệu dự án Libra sẽ bị trì hoãn hay ‘tuyên bán tử’? Dù bằng cách nào, Quốc hội cần nghiêm túc xem xét đề xuất của Facebook hoặc xác định lại luật pháp và quy định cho các gã truyền thông xã hội.
Thêm hiệu ứng “Snowball” vào Libra?
Trên quan điểm cá nhân và với tư cách đại diện của Snowball, Gujral bày tỏ mong muốn hỗ trợ Facebook và dự án Libra nếu có cơ hội:
“Snowball có thể giúp Libra như một nền tảng tích hợp để di chuyển thanh khoản vào tài sản ổn định, hỗ trợ thị trường mới nổi đặc biệt là cộng đồng ở Hoa Kỳ, là những người đang có nhu cầu bao gồm tài chính cho chu kỳ thế hệ tài sản tiếp theo vào năm 2020 và xa hơn nữa.”
- Năm quốc gia EU đồng tâm hợp sức ngăn chặn dự án Libra của Facebook
- Chính quyền Trung Quốc cảnh báo Libra của Facebook có thể tiếp tay cho việc chuyển tiền xuyên biên giới bất hợp pháp
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph