Giao thức Uniswap tạo điều kiện hoán đổi tài sản tiền điện tử phi tập trung thông qua thiết kế kiểu nhà tạo lập thị trường tự động (AMM). Giao thức đang trở thành một trong những trụ cột của hệ sinh thái DeFi trên Ethereum.
Không giống như các sàn giao dịch phi tập trung dựa trên sổ lệnh, bất kỳ người dùng nào cũng có thể hoạt động như một nhà cung cấp thanh khoản trong sàn giao dịch phi tập trung (DEX) kiểu AMM.
Để làm điều này, người dùng chỉ phải gửi tiền điện tử vào các pool đại diện cho các thị trường khác nhau. Đổi lại, người dùng kiếm được tiền hoa hồng từ phí hoặc tiền thưởng khuyến khích pool. Do đó, giá của tài sản không còn bị tùy thuộc vào giá bán (ask) và giá thầu (bid) được đặt trong sổ lệnh.
Tại Uniswap, khi người dùng trở thành nhà cung cấp thanh khoản bằng cách gửi tiền của họ vào một pool, họ sẽ nhận được một token đại diện cho phần stake đó. Mỗi khi ai đó thực hiện trao đổi thông qua giao thức, họ phải trả phí là 0,3%.
Các khoản phí này được phân phối cho các nhà cung cấp thanh khoản dựa trên số lượng tài sản mà họ đã gửi vào pool.
Tóm lại, Uniswap cho phép người dùng hoán đổi ETH và các token ERC20 mà không cần người trung gian. Nền tảng cũng hỗ trợ người dùng đóng góp thanh khoản vào hệ thống bằng chính tài sản của họ. Đổi lại, họ nhận được tiền hoa hồng được tạo ra từ mỗi lần hoán đổi như một phần thưởng.
Sơ lược về lịch sử
Trong một bài đăng trên Reddit vào năm 2017, người sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã đề xuất lập trình một sàn giao dịch phi tập trung thông qua các hợp đồng thông minh. Loại sàn này được thiết kế theo kiểu nhà tạo thị trường tự động hoạt động độc quyền trên một blockchain.
Lấy cảm hứng từ ý tưởng này, Hayden Adams, một cựu kỹ sư cơ khí đã mất việc tại Siemens, quyết định bắt tay vào thực hiện vào tháng 10/2017. Phiên bản đầu tiên được gọi là Uniswap, sẵn sàng hoạt động vào tháng 11/2017 với một thanh khoản duy nhất và nhà cung cấp hoán đổi đơn giản.
Uniswap hoạt động như thế nào?
Uniswap là giao thức tạo điều kiện cho việc trao đổi token trên Ethereum. Token luôn do người dùng sở hữu và vì nó hoạt động trên blockchain nên không cần thiết phải tin tưởng vào các bên thứ ba.
Giao thức loại bỏ sổ lệnh và thay vào đó duy trì dự trữ thanh khoản của các token khác nhau trong hợp đồng thông minh. Bằng cách này, các giao dịch được thực hiện trực tiếp dựa trên các khoản dự trữ.
Giá được đặt tự động bằng cách sử dụng cơ chế tạo thị trường tích không đổi. Hệ thống này hoạt động với hằng số (x * y = k), giữ cho tổng dự trữ ở trạng thái cân bằng tương đối.
Pool dự trữ được lấy từ mạng lưới các nhà cung cấp thanh khoản cung cấp token cho hệ thống. Đổi lại, mỗi nhà cung cấp thanh khoản (LP) lấy một phần tiền hoa hồng tương ứng cho mỗi giao dịch.
Ví dụ: sau khi thêm 1.000 DAI và 10 ETH, pool thanh khoản hiện có 10.000 DAI và 100 ETH. Vì số lượng cung cấp bằng 10% tổng thanh khoản, hợp đồng đúc và gửi cho nhà tạo lập thị trường “token thanh khoản” (LP token), cho phép họ hưởng 10% tổng số pool thanh khoản.
Các token này là một công cụ kế toán để theo dõi LP có được bao nhiêu. Nếu những người khác sau đó thêm hoặc rút coin, token thanh khoản mới sẽ được đúc hoặc đốt để tỷ lệ phần trăm tương đối trong pool thanh khoản của mọi người vẫn giữ nguyên.
Nhà tạo lập thị trường tự động (AMM) hoạt động như thế nào?
AMM hoạt động bằng cách sử dụng pool thanh khoản. Pool là quỹ trong đó người dùng gửi tài sản của họ. Những tài sản này luôn được gửi theo cặp để tạo ra thị trường.
Ví dụ: nếu có ý định tạo thị trường trao đổi giữa ETH và DAI, người dùng phải gửi cùng một số tiền của hai loại tiền tệ vào pool đã nói. Nếu 1 ETH trị giá 100 DAI và người dùng gửi 10 ETH vào pool này, họ cũng sẽ phải thêm 1.000 DAI.
Công thức quan trọng cần xem xét là x * y = k, trong đó x và y là số lượng crypto trong pool thanh khoản và k là tích số. Uniswap lấy hai số lượng này và nhân chúng lên (1.000 x 10 = 10.000). Kể từ đây, bất kỳ hoạt động nào được thực hiện phải giữ cho tích không đổi giữa hai loại tiền tệ.
Ưu và nhược điểm của AMM
Một trong những vấn đề chính của AMM là trượt giá. Độ trượt giá là chênh lệch giữa giá kỳ vọng của một giao dịch và giá mà giao dịch được thực hiện.
Vẫn sử dụng ví dụ trước, nhưng trong trường hợp ai đó muốn mua 2 ETH. Tự động thay vì 10 ETH, sẽ có 8. Vì tích giữa số lượng ETH và DAI phải không đổi và bằng 10.000, nên cấu hình pool mới phải là 1.250 DAI x 8 ETH = 10.000.
Do đó, 2 ETH đó sẽ có giá 250 DAI (1.250 DAI sau – 1.000 DAI ban đầu) hoặc 125 DAI cho 1 ETH. Trong trường hợp này, giá thực của mỗi ETH là 100 DAI, nhưng cuối cùng, người dùng phải trả 125 cho mỗi ETH. Đây là trượt giá.
Trượt giá sẽ càng lớn khi lệnh càng lớn. Trong trường hợp này, 2 ETH đại diện cho 20% tổng dự trữ và mức trượt cuối cùng là 25%. Rõ ràng, không ai muốn trả nhiều hơn 25% so với giá trị thị trường của một token.
Một trong những cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề là có nguồn dự trữ lớn hơn. Bằng cách này, các lệnh phải ngày càng lớn hơn để trượt giá là đáng kể.
Tuy nhiên, hệ thống có một lợi thế lớn. Nó có thể cung cấp thanh khoản cho dù quy mô lệnh lớn đến mức nào hay pool thanh khoản nhỏ như thế nào. Trong khi các lệnh lớn hơn có xu hướng bị trượt giá quá mức, hệ thống không bao giờ phải lo lắng về việc hết thanh khoản. Nó sẽ luôn hoạt động theo đúng nghĩa đen.
Vấn đề tổn thất tạm thời
Một vấn đề khác với AMM là tổn thất tạm thời (IL). IL là hệ quả của việc AMM hoạt động dựa trên cơ chế tích không đổi. Trong trường hợp một pool chứa 10 ETH và 1000 DAI (tức là 1 ETH = 100 DAI) thì tích giữa hai số lượng này (10 * 1000 = 10.000) phải không đổi.
Vấn đề sẽ lớn hơn với các tài sản có tính biến động cao và tương quan kém. Ví dụ: giá của ETH tăng từ 100 đến 150 đô la. Trong trường hợp đó, hợp đồng bây giờ sẽ phản ánh 1.224 DAI và 8,17 ETH (áp dụng công thức được giải thích ở trên, 1.224 * 8,17 = 10.000 (tích không đổi) và 1.224 / 8,17 = 150, giá mới).
Nếu người dùng muốn rút số tiền đó từ pool thanh khoản, họ sẽ cần có 1.224 DAI và 8,17 ETH tại thời điểm đó. Tổng giá trị thị trường ở đây là 2.450 đô la, trong khi số tiền được gửi vào lúc đầu đã bị rút; đáng lẽ họ sẽ nhận được 1.000 + 10 * 150 = 2.500. Do đó, 50 đô la lợi nhuận sẽ bị mất vào tay nhà cung cấp thanh khoản.
Đương nhiên, nếu giá quay trở lại 100 đô la một lần nữa, mọi thứ sẽ cân bằng lại. Đó là lý do tại sao hiện tượng này được gọi là tổn thất tạm thời. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những vấn đề khó chịu nhất của hệ thống Uniswap. Không ai thích cung cấp thanh khoản để đổi lấy việc mất giá.
Uniswap V2: Phiên bản mới thứ nhất
Vào tháng 5/2020, Uniswap phát hành phiên bản thứ hai (V2). Trong Uniswap V1, ETH và bất kỳ token ERC20 nào khác tạo nên tất cả các pool thanh khoản. Người dùng có thể trao đổi bất kỳ ERC20 nào để lấy bất kỳ ERC20 nào khác nhưng luôn theo một lộ trình thông qua ETH.
Vì ETH là tài sản có tính thanh khoản cao nhất nên điều này có nghĩa là ít rủi ro hơn cho nền tảng trong những ngày đầu ra đời. Theo đó, nó trở thành lựa chọn tốt nhất cho Uniswap V1. Uniswap V2 đã giới thiệu dự trữ với các cặp ERC-20/ERC-20 mà không cần thông qua ETH.
Các cặp ERC20/ERC20 trực tiếp giúp cải thiện giá, giảm số lượng tiền phí cho mỗi giao dịch. Ví dụ: để đi từ DAI đến USDC trong V1, lộ trình sẽ có các bước sau: DAI/ETH và ETH/USDC.
Với phiên bản V2 của Uniswap, giao dịch này có thể được thực hiện trực tiếp từ DAI sang USDC.
V2 đã triển khai chức năng mới cho phép nguồn cấp dữ liệu giá on-chain có tính phi tập trung cao và chống giả mạo. Ngược lại, V1 không thể được sử dụng một cách an toàn như một oracle giá vì giá có thể thay đổi đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn.
Token UNI
Vào tháng 9/2020, Uniswap cuối cùng đã tung ra token của mình. Mỗi ví đã từng kết nối và sử dụng Uniswap đã được thưởng 400 UNI, khoảng 12.000 đô la hiện nay.
Ngoài airdrop, Uniswap cũng tung ra chương trình khai thác thanh khoản để phân phối token của mình. Tất cả những người đóng vai trò là nhà cung cấp thanh khoản trong một số cặp tiền nhất định nhận được 5 triệu UNI.
UNI về cơ bản là một token quản trị cho phép người nắm giữ bỏ phiếu về các đề xuất cải thiện giao thức. Ví dụ, thông qua quản trị, bạn có thể bỏ phiếu để phân bổ UNI cho các khoản tài trợ, quan hệ đối tác chiến lược và chương trình khác.
Uniswap V3: AMM linh hoạt nhất từ trước đến nay
Vào ngày 23/3, Uniswap đã công bố phiên bản mới nhất Uniswap V3, ngày phát hành là ngày 5/5. Có lẽ tính năng sáng tạo nhất của V3 là các vị trí thanh khoản tập trung, một mô hình gợi nhớ đến Quỹ dự trữ cấp giá (Fed Price Reserve — FPR) của Kyber Network.
Trong phiên bản trước, một nhà cung cấp thanh khoản đã gửi tài sản của mình vào pool để bán ở bất kỳ mức giá nào, từ 0 đến vô cùng. Trong phiên bản mới này, người dùng có toàn quyền kiểm soát các phạm vi giá mà anh ta muốn cung cấp thanh khoản.
Nhờ đó, LP có thể cung cấp thanh khoản với hiệu suất sử dụng vốn cao hơn tới 4.000 lần so với Uniswap V2, thu được lợi nhuận cao hơn từ vốn người dùng. Điều này làm tăng hiệu quả của hệ thống và do đó gây trượt giá.
Mặc dù vậy, hệ thống thanh khoản tập trung này làm tăng tổn thất tạm thời.
Ngoài ra, V3 còn kết hợp nhiều mức phí. Điều này sẽ cho phép các LP được bù đắp thỏa đáng ở nhiều mức độ rủi ro khác nhau. Một khía cạnh thú vị khác là người dùng có thể chuyển đổi token LP thành NFT.
Các oracle của Uniswap hiện nay dễ dàng hơn và rẻ hơn nhiều để tích hợp. Nhờ những cải tiến về thiết kế này, chi phí cho mỗi giao dịch trên V3 sẽ rẻ hơn một chút so với V2.
Cuối cùng, giao thức sẽ sớm kết hợp giải pháp layer 2. Hệ thống được chọn là hệ thống optimistic roll-up của Optimism, sẽ làm cho các giao dịch rẻ hơn đáng kể.
Những tính năng này làm cho V3 trở thành AMM linh hoạt và hiệu quả nhất từng được thiết kế.
Uniswap V3: Phản ứng trái chiều
Việc công bố V3 đã tạo ra rất nhiều kỳ vọng trong cộng đồng DeFi. Nó cũng đã vấp phải những lời chỉ trích.
Thứ nhất, với Uniswap V3, giao thức không thưởng token UNI và duy trì nó ở trạng thái đơn giản như một token quản trị.
Mặt khác, hệ thống thanh khoản tập trung buộc các nhà cung cấp thanh khoản phải tích cực hơn và liên tục thiết kế lại các chiến lược của họ. Hoạt động của nó phức tạp hơn, mang lại lợi thế cho các nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp trong khi gây bất lợi cho những người dùng ít kinh nghiệm.
Lời chỉ trích đáng nói nhất đối với V3 là giấy phép mà nó sẽ hoạt động. Code sẽ không còn mở cho cộng động. Bản fork của V3 sẽ không còn hợp pháp trong 2 năm nữa. Code có thể truy cập được nhưng không sử dụng cho mục đích thương mại.
Vào mùa hè năm 2020, câu chuyện Sushiswap đã fork Uniswap gây nhiều sự chú ý. Trong quá trình này, nó đã sử dụng chiến thuật “khai thác ma cà rồng”, hút hàng tỷ đô la từ Uniswap và đe dọa sự thống trị của DEX này.
Sau sự kiện đó, có vẻ như team nghiên cứu không muốn thấy điều gì đó tương tự xảy ra nữa. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phá vỡ đặc tính của hệ sinh thái DeFi, với mã nguồn hoàn toàn mở và có sẵn cho bất kỳ ai.
- Hai chất xúc tác thúc đẩy đường xoắn ốc đi xuống của Bitcoin
- Các nhà điều hành Ripple từ chối cung cấp hồ sơ giao dịch quốc tế cho SEC
- Đây là những altcoin sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp Uniswap v3 tháng sau, theo Tyler Swope
Đình Đình
Theo Beincrypto