Khi chính phủ Trung Quốc đàn áp một số sàn giao dịch phục vụ trader tại nước này, nhiều khách hàng trong số đó đã tìm đường đến Binance trong vài ngày qua.
Số lượng Bitcoin di chuyển từ Huobi đến Binance đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi giám đốc điều hành Robin Zhu của Huobi bị cáo buộc mất liên lạc vào ngày 2/11. Theo dữ liệu được CryptoQuant cung cấp, tổng cộng 18,652 Bitcoin, trị giá gần 300 triệu đô la, được chuyển từ Huobi sang Binance từ ngày đó cho đến 11/11.
Dòng tiền Bitcoin từ Huobi đến Binance đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ ngày 2/11 | Nguồn: CryptoQuant
Colin Wu, một phóng viên tiền điện tử người Trung Quốc nói trên WeChat:
“Rất nhiều người dùng truy cập Binance vì người dùng Trung Quốc quen thuộc hơn với Binance và các giám đốc điều hành của Binance đều ở nước ngoài”.
CEO Changpeng Zhao mang quốc tịch Canada, anh rời khỏi Trung Quốc cùng cha mẹ từ năm 4 tuổi, vì vậy, các chính sách của chính quyền Trung Quốc không thể tác động mạnh tới anh như OKEx hay Huobi.
Người phát ngôn của Binance cũng từ chối bình luận về tác động mà cuộc đàn áp của Trung Quốc có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của họ.
Trong nhiều tháng qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã gây áp lực cho nhiều nền tảng giao dịch phục vụ chủ yếu khách hàng sở tại. Một số sàn này dường như có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc mặc dù không chính thức.
Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Zhu kể từ khi tin đồn bắt đầu lan truyền vào đầu tháng 11 rằng anh đã bị “quan chức địa phương” bắt giữ. Giá của Huobi Token (HT) đã giảm xuống mức thấp 3.744 đô la vào ngày 3/11, thua lỗ 11,3% từ 4.22 đô la vào ngày 1/11, theo Messari.
Tại sàn giao dịch đối thủ OKEx, tất cả các dịch vụ rút tiền vẫn bị đình trệ sau khi cho biết người giữ khóa cá nhân cần thiết để cho phép rút tiền đã mất liên lạc do phải hợp tác với cơ quan điều tra ở Trung Quốc. Token OKB của OKEx đã mất gần 30% giá trị thị trường sau khi tin tức này được đưa ra.
Các sàn giao dịch khác cũng đang cảm nhận được sức nóng. Vào ngày 9/11, người điều hành sàn giao dịch TokenBetter phục vụ chủ yếu cho người dùng Trung Quốc báo cáo “đang bị điều tra”. Nền tảng của TokenBetter đã dừng dịch vụ rút tiền vào ngày 16/10.
Đây không phải là hành động đầu tiên của các cơ quan quản lý ở Trung Quốc nhằm trấn áp sàn giao dịch tiền điện tử. Các sàn giao dịch Bitcoin đã nhận được lệnh đóng cửa doanh nghiệp ở Trung Quốc sau khi quốc gia này cấm các hoạt động giao dịch tiền điện tử vào năm 2017.
Huobi hiện có trụ sở tại Seychelles, trong khi OKEx ở Malta. Không rõ các hoạt động kinh doanh chính của Binance được đặt ở đâu – giám đốc điều hành Changpeng Zhao của Binance nói rằng địa điểm của công ty anh là “phi tập trung”.
Huobi đã không trả lời câu hỏi về việc Zhu hiện đang ở đâu, nhưng trong một tin nhắn WeChat, phó chủ tịch Ciara Sun của Huobi Global Markets viết rằng tất cả các hoạt động tại công ty là “bình thường”. Cô tiếp tục:
“Đừng nghe những lời đồn đại. Huobi có quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người tung tin đồn”.
Nhiều người cho rằng OKEx đã mất liên lạc với một trong những người giữ khóa dựa vào tin tức về việc bắt giữ đồng sáng lập Star Xu. Với việc giám đốc điều hành của Huobi bị cáo buộc bị bắt, người dùng lo sợ những điều tương tự sẽ xảy ra với Huobi – mặc dù sàn đã nhiều lần đảm bảo vẫn duy trì hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin Tạp Chí Bitcoin nhận được rằng việc OKEx không thể rút được tiền không phải lý do tới từ cảnh sát Trung Quốc, mà đây chính là chủ ý của Star Xu nhằm gây áp lực với chính các thành viên hội đồng quản trị OKEx phải tìm cách cứu mình ra khỏi vòng lao lý, nếu không tất cả sẽ cùng chết. Bởi anh hoàn toàn có thể gặp luật sư và ký bất kì tờ giấy ủy quyền khóa riêng của sàn cho các lãnh đạo khác, nếu anh muốn. Jay Hao, CEO của OKEx cũng luôn nói bóng gió rằng đây là sự việc “cá nhân” của Star Xu, rằng không liên quan tới sàn. Và tất nhiên Xu cũng chẳng dại để mình chịu tội một mình, anh quyết không đưa khóa riêng cho Jay chừng nào những “đồng đội” chưa cứu anh ra khỏi tù. Đây cũng là lá bùa hộ mệnh duy nhất của anh trong thời điểm này. Vì vậy, khi nào OKEx có thể rút được tiền là tùy thuộc vào tình hình pháp lý cũng như đàm phán với nội bộ công ty, không phải với chính quyền.
Hãy so sánh, Robin Zhu là nhà đồng sáng lập, một trong 2 lãnh đạo cấp cao nhất của Huobi, anh bị bắt nhưng Huobi không hề hấn, vẫn nạp rút bình thường, còn Star Xu, anh thực ra không điều hành trực tiếp OKEx, nhưng khi anh bị bắt thì sàn lại không thể hoạt động bình thường.
Đó chính là điều bất bình thường.
Trung Quốc thắt chặt fintech
Nhiều nguồn tin thân cận với OKEx và Huobi khẳng định cuộc đàn áp mới có liên quan đến kế hoạch chống rửa tiền và gian lận của Trung Quốc mà không có bất kỳ mối liên hệ nào với việc Trung Quốc triển khai tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), hay còn gọi là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Giám đốc điều hành và đối tác Felix Wang tại công ty nghiên cứu đầu tư tài chính Hedgeye trả lời trong một cuộc phỏng vấn:
“Trung Quốc không muốn các sản phẩm nhân dân tệ kỹ thuật số phá vỡ những gì đã có trong hệ thống tài chính. Chính phủ muốn khuyến khích đổi mới và phát triển. Họ chỉ muốn đàn áp những sản phẩm mà họ cho là gây hiểu lầm cho công chúng”.
Các sàn giao dịch không phải là mục tiêu duy nhất của cơ quan quản lý Trung Quốc trong những tháng gần đây. Có lẽ trường hợp nổi tiếng nhất là đợt IPO của Ant Group đã bị đình chỉ trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông sau khi người sáng lập công ty Jack Ma chỉ trích các cơ quan quản lý của Trung Quốc trong một bài phát biểu vào ngày 24/10.
Tình hình sẽ sớm thay đổi?
Theo người sáng lập và giám đốc điều hành Hao Wang của công ty môi giới tiền điện tử CyberX có trụ sở tại Hồng Kông, kết quả tích cực và lâu dài của cuộc đàn áp đối với các sàn giao dịch là có thể khuyến khích cơ quan quản lý ở Trung Quốc thúc đẩy một số loại quy trình tuân thủ đối cho sàn giao dịch thay vì cấm họ. Wang bình luận:
“Hầu hết những người dùng tháo chạy khỏi Huobi cuối cùng sẽ chuyển sang các sàn giao dịch nhãn trắng (white-label) vì hầu hết trader ở Châu Á hiện không có quyền truy cập vào nền tảng giao dịch tuân thủ quy định”.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn ngành công nghiệp fintech của mình, những người khác cũng lo ngại điều đó sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp fintech nói chung – bao gồm cả blockchain – do các công ty như vậy mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Wang nói:
“Tâm lý rất xấu đối với tất cả các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đang muốn làm ăn với Trung Quốc vào thời điểm này. Mọi người rất lo lắng khi Trung Quốc đưa ra các quy định tài chính vi mô đó. Họ đang nghĩ rằng đây sẽ là một phần của cuộc đàn áp lớn hơn đối với fintech, thanh toán liên quan đến tài chính và có thể là blockchain”.
- Tỷ lệ thống trị Bitcoin (BTCD) đã giảm xuống sau khi không vượt qua mức kháng cự
- Bitcoin hiện là tài sản lớn thứ 20 thế giới tính theo vốn hóa thị trường, lớn hơn cả PayPal, Verizon và Citigroup
- PayPal chính thức mở giao dịch cho tiền điện tử ở Hoa Kỳ, tăng giới hạn mua hàng tuần lên $ 20k
Thùy Trang
Theo Coindesk