Sau khi công bố thông báo ra mắt Libra, Facebook đã phải hứng chịu ‘rìu búa’ dư luận khá nhiều.
Công ty truyền thông xã hội buộc phải bảo vệ dự án trên đồi Capitol về những lo ngại liên quan đến quy định xung quanh quyền riêng tư dữ liệu và việc sử dụng bất hợp pháp. Trong khi đó, G-7 đã cảnh báo nó có rủi ro pháp lý ‘nghiêm trọng’.
Libra là một phép thử về hệ thống tiền tệ trong thời đại kỹ thuật số và chắc chắn đã được so sánh với các loại tiền điện tử phổ biến như Bitcoin. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu Libra thậm chí có thể được gọi là tiền điện tử hay không.
Ngoài việc cả hai đều đi kèm với một white paper và được gọi là tiền điện tử thì Libra và Bitcoin thực sự rất khác nhau. Bài viết này sẽ nêu bật những điểm khác nhau chính giữa hai loại tiền điện tử này.
Công nghệ khác nhau
Một trong những khác biệt lớn nhất là công nghệ cơ bản đằng sau cả hai loại tiền tệ.
Với Bitcoin, các giao dịch được ghi lại ẩn danh trên một sổ cái công khai được gọi là blockchain. Về cơ bản, nó là một cơ sở dữ liệu được duy trì bởi một mạng máy tính, trên đó các giao dịch được bảo mật theo cách khiến nó hầu như không thể bị giả mạo.
Tim Draper: Tiền điện tử sẽ mang lại lợi ích cho thế giới
Libra cũng sử dụng một hình thức blockchain hoặc công nghệ sổ cái phân tán. Nhưng không giống như Bitcoin, blockchain của Libra được cấp phép – ít nhất là bây giờ. Có nghĩa là các giao dịch chỉ có thể được một nhóm các bên đáng tin cậy thêm vào.
Đó là chính là Hiệp hội Libra, một tập đoàn gồm các công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ bao gồm Visa và Uber. Các thành viên của mỗi tổ chức phi lợi nhuận đã đầu tư tối thiểu 10 triệu đô la vào dự án. Ido Sadeh Man, người sáng lập và chủ tịch của Saga Foundation cho biết:
“Libra sẽ tạo ra một cấu trúc tập trung được quản lý bởi một ‘hiệp hội’ không được quyền lựa chọn bao gồm của các tổ chức lớn đã mua quyền bỏ phiếu”.
Nó khác với mạng Bitcoin, có thể được truy cập và duy trì bởi bất kỳ ai có đủ phần cứng và quyền truy cập vào internet. Trong một bài đăng trên blog gần đây, Peter Van Valkenburgh, giám đốc phòng nghiên cứu chính sách của Coin Center cho biết:
“Tiền điện tử được xác định bởi tính độc lập so với các trung gian đáng tin cậy. Chúng tôi tin rằng Libra không phải là một loại tiền điện tử vì nó cho phép sử dụng sổ cái và phụ thuộc vào một công ty phát hành đáng tin cậy để nắm giữ và quản lý quỹ tài sản hỗ trợ tiền tệ”.
Các trường hợp sử dụng khác nhau
White paper của Bitcoin mô tả loại tiền ảo này là một hệ thống thanh toán ngang hàng, cho phép mọi người trao đổi tiền mà không cần thông qua ngân hàng.
Ngày nay, BTC thường được sử dụng như một hình thức đầu tư, với thuật ngữ “HODL” là một cụm từ tiếng lóng phổ biến trong ngành để mô tả việc mua và đầu tư vào tiền điện tử trong dài hạn. Nó thường được gọi là “vàng kỹ thuật số”.
Mnuchin: Các nhà quản lý Hoa Kỳ phản đối hoạt động tiền điện tử bất hợp pháp
Mục đích chính của Libra là được sử dụng để thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền. Đồng tiền này được gắn với nhiều loại tiền tệ được chính phủ hỗ trợ và các tài sản khác, để tránh sự biến động mất giá thường thấy ở các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ether.
Được nhiều người trong ngành gọi là “stablecoin”, Libra hướng đến việc duy trì giá trị ổn định. David Marcus, CEO Facebook dẫn đầu sáng kiến blockchain trước đây từng nói rằng nó sẽ hoạt động “giống như một loại tiền tệ truyền thống” hơn là một loại tiền điện tử.
Charles Charles Hayter, đồng sáng lập và CEO của nền tảng so sánh tiền kỹ thuật số CryptoCompare trả lời phỏng vấn như sau: “Bitcoin và Libra đều đại diện cho các giai đoạn phát triển tiền tệ nhưng theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bitcoin không được cấp phép, phi tập trung hóa hoàn toàn, giảm phát và biến động. Libra được cấp phép, tập trung hơn, chịu sự chi phối của cung và cầu, được gắn với các loại tiền fiat”.
“Được điều chỉnh bởi cung và cầu” có nghĩa là Facebook và các công ty đối tác có thể điều chỉnh nguồn cung để phù hợp với số lượng tài sản dự trữ khác, duy trì giá cả ổn định ngay cả khi nhu cầu thay đổi.
Mặt khác, Bitcoin có nguồn cung cố định. Tổng số Bitcoin sẽ được đúc là 21 triệu.
“Nguồn cung Bitcoin là cố định và không thể phản ứng với nhu cầu của thị trường. Libra được tạo hoặc đốt khi một trong những người bán lại được Libra ủy quyền ký gửi hoặc rút tiền từ dự trữ của nó”, Sadeh Man của Saga Foundation cho biết.
Các vấn đề pháp lý khác nhau
Coin của Facebook đã trở thành tâm điểm chú ý khi nói về việc điều tiết tiền điện tử. Nhưng một số lo ngại về dự án blockchain của công ty có thể được các nhà quản lý gộp lại với các tài sản kỹ thuật số khác.
Theo Van Valkenburgh của Coin Center, sẽ có vấn đề khi nảy sinh sự khác biệt giữa Libra và một loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Trong khi Bitcoin loại trừ sự cần thiết của các trung gian tài chính, mô hình Libra phụ thuộc vào các công ty thành phần của Hiệp hội Libra. Ông cho rằng:
“Một hệ thống không có trung gian là một hệ thống không có rủi ro trung gian và do đó không cần đặt ra quy định nhằm bảo vệ chống lại các loại rủi ro do các trung gian đưa ra”.
Theo white paper của Libra, Hiệp hội Libra hiện có 28 thành viên sáng lập và hy vọng sẽ đạt được 100 thành viên vào thời điểm ra mắt. Token dự kiến sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2020.
Van Valkenburgh cho biết thêm mặc dù mạng Bitcoin có liên quan đến ‘thợ đào’ – là những người ghi lại các giao dịch nhưng sẽ không hợp lý khi điều chỉnh họ bởi vì họ là những người giám sát đáng tin cậy của các quỹ người dùng. Mặt khác, sàn giao dịch và ví tiền đòi hỏi phải được giám sát theo quy định.
Facebook đối mặt với sự sợ hãi trong phiên điều trần về Libra trước Ủy ban Hạ viện
Các câu hỏi về mức độ phù hợp của Libra với các quy định tài chính hiện hành đã được đưa ra tại phiên điều trần vào thứ 4 vừa qua. Marcus của Facebook đã trình bày về việc liệu Libra có thể được coi là bảo mật tài chính hay không. Theo ông, điều đó là không thể. Nhưng Marcus cho biết nó có thể được coi là một mặt hàng.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Jay Clayton trả lời phỏng vấn vào năm ngoái rằng các loại tiền điện tử như Bitcoin không thể được xem là chứng khoán. Ông cho rằng tiền điện tử là “tiền thay thế cho các loại tiền có chủ quyền”, giống như đồng đô la Mỹ và đồng Euro.
Hayter của CryptoCompare khẳng định nếu Facebook và các đối tác của mình cố gắng vượt qua các rào cản pháp lý đi kèm với Libra thì tiền tệ “chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, có thể làm lu mờ Bitcoin”.
Theo Andy Bryant, CEO của sàn giao dịch doanh nghiệp bitFlyer tại châu Âu, Libra có thể bắt đầu thuyết phục mọi người rằng có những cách lưu trữ giá trị khác so với sử dụng tiền fiat như đồng đô la Mỹ. Ông cho rằng “nếu đó là tất cả những gì Libra đạt được, tôi nghĩ đó sẽ là một bước tiến tuyệt vời”.
- Nghị sĩ chống Bitcoin: Libra có thể gây thiệt hại như vụ khủng bố 11/09
- Libra đáng sợ đến mức khiến các chính trị gia bất ngờ ‘chộp lấy’ Bitcoin
Thùy Trang
Tạp chí Bitcoin | CNBC