Người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình New Zealand – Duncan Garner đã chỉ trích những kẻ lừa đảo vì đã sử dụng hình ảnh của mình để dụ các nạn nhân vào một vụ lừa đảo đầu tư Bitcoin béo bở.
Theo Newshub, Garner đã buộc phải công khai tố cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội, rằng dự án lừa đảo đã sử dụng hình ảnh của mình để lừa người dân bỏ tiền của họ vào dự án.
Phát biểu trong chương trình buổi sáng của mình, The AM Show, Garner phủ nhận mọi liên quan đến các chương trình đầu tư Bitcoin lừa đảo:
“Tôi xin thông báo rằng, tôi không hề tham gia vào các chương trình pump Bitcoin trên Facebook hay các chương trình làm giàu nhanh chóng. Đó không phải là tôi.”
Không phải là người hâm mộ của crypto và Bitcoin
Garner làm rõ bản thân đã nhận được câu hỏi từ những người thắc mắc về cuộc sống tài chính của mình vì họ đã thấy quảng cáo pump Bitcoin trên mạng xã hội. Ông nói thêm:
“Chúng không phải là xe của tôi, tôi không tham gia vào các chương trình Bitcoin – Tôi không có dính dáng gì đến loại coin đó và đã không sử dụng Facebook trong vài năm qua.”
Mặc dù vậy, việc sử dụng hình ảnh của Duncan Garner dường như đang tràn lan trên Facebook.
Trên Medium, chương trình đầu tư tiền điện tử tuyên bố sẽ sử dụng “hệ thống Bitcoin Evolution Duncan Garner” để kiếm “13.000 USD trong 24 giờ”.
Hệ thống giao dịch Bitcoin tuyên bố sử dụng một phần mềm đặc biệt có khả năng tạo ra lợi nhuận khủng với độ chính xác cao.
Kế hoạch lừa đảo liên tục thay đổi địa chỉ web khi những kế hoạch khác bị “bắn hạ”. Mặc dù tuyên bố cung cấp “Phần mềm Bitcoin Evolution” miễn phí, nhưng chúng lại yêu cầu phí giao dịch là 250 USD.
Bắt đầu với 250 USD và trở thành triệu phú trong 60 ngày
Một trong những trang lừa đảo bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 1.300 USD hàng ngày, người dùng yên tâm rằng họ có thể trở thành triệu phú trong vòng 02 tháng đầu tiên khi tham gia bằng cách dành ra chưa đến 20 phút để tham gia kế hoạch.
Chúng quảng cáo rằng, phần mềm giao dịch có tỷ lệ chính xác 99,4%.
Garner không phải là người nổi tiếng duy nhất tại New Zealand bị những kẻ lừa đảo sử dụng hình ảnh để dụ dỗ những nạn nhân không ngờ tới. Ba tháng trước, có thông tin rằng hình ảnh của người giàu nhất New Zealand – Richard Graeme Hart, cũng đã được sử dụng để quảng cáo cho một vụ lừa đảo đầu tư Bitcoin.
Hình ảnh của Thủ tướng New Zealand – Jacinda Ardern, trước đây cũng đã được sử dụng bởi những kẻ lừa đảo tiền điện tử.
- Scammer Bitcoin Canada lừa gạt công dân Hoa Kỳ 230,000 đô la bằng một Twitter giả mạo
- Ả Rập Saudi cảnh báo về scammer crypto quảng bá các dự án giả danh chính phủ
Việt Cường
Tạp chí Bitcoin | CCN