Hàn Quốc có thị trường sàn giao dịch lớn thứ ba tính theo khối lượng hàng ngày sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2018.
Vào tháng 12/2017, nhu cầu về tiền điện tử đã đạt mức cao kỷ lục tại Hàn Quốc mà mọi người hay gọi là “Kimchi Premium”. Theo đó, các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào tài sản mã hóa. Giá chênh lệnh của Bitcoin tại thị trường tăng tới 54%.
Kể từ đó, hai chính sách quan trọng của chính phủ Hàn Quốc là cấm người nước ngoài giao dịch tiền điện tử ở Hàn Quốc và yêu cầu sàn giao dịch thực hiện các quy trình KYC đã mang lại sự ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, cho đến nay, khối lượng hàng ngày trên các sàn giao dịch lớn nhất Hàn Quốc đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy sự trì trệ về giá, nhu cầu và lợi ích chung đối với loại tài sản này.
Ví dụ, khối lượng hàng ngày của Bithumb (nền tảng giao dịch lớn nhất ở Hàn Quốc) cũng như UPbit đã giảm 83% kể từ tháng 10/2018, từ 1.2 triệu BTC xuống còn 200,000 BTC.
Tất nhiên, sự sụt giảm này không chỉ là hiện tượng xảy ra ở Hàn Quốc. Bitcoin đã giảm khoảng 55% từ mức cao kỷ lục 19,961 đô la trên các sàn giao dịch lớn như Coinbase, BitMEX và Bitfinex, trong khi các loại tiền điện tử thay thế lớn khác như Ethereum và XRP đã giảm 85 đến 97% so với đô la Mỹ.
Nguyên nhân gây giảm khối lượng Bitcoin trên sàn giao dịch ở Hàn Quốc
Các yếu tố chính gây sụt giảm khối lượng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác trên 3 sàn giao dịch hàng đầu của Hàn Quốc dường như là sự mơ hồ trong khung pháp lý quy định việc kinh doanh tiền điện tử, sự sụt giảm đột ngột của giá Bitcoin vào tháng 1/2018 và sự sụt giảm đáng kể của altcoin.
Trong thời kỳ đỉnh cao của thị trường bò, tầng lớp trung lưu của Hàn Quốc trở nên phát cuồng với tiền điện tử. Đối với thế hệ millennial và nhiều nhà đầu tư thuộc tầng lớp ‘có của để dành’, crypto là niềm hy vọng làm giàu tiếp theo, sau khi đất nước bùng nổ bất động sản. Khi thị trường giảm, người dân có thu nhập trung bình chịu tổn thất nặng nề sau khi đầu tư rủi ro vào tiền kỹ thuật số như Bitcoin.
Trước tình hình như vậy, các cơ quan chính quyền của Hàn Quốc chắc chắn không giúp được gì. Vào tháng 1/2018, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Park Sang-ki cho biết giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước sẽ bị cấm. Cụ thể:
“Có rất nhiều mối quan tâm liên quan đến tiền mã hóa. Bộ tư pháp về cơ bản đang chuẩn bị dự luật cấm giao dịch tiền điện tử thông qua các sàn giao dịch”.
Bộ trưởng Bộ tài chính Hàn Quốc sau đó nói rằng sẽ không có lệnh cấm như vậy và chính phủ Hàn Quốc dần dần tiến tới điều chỉnh không gian, hợp pháp hóa các sàn giao dịch. Tuyên bố này khiến các nhà đầu tư bối rối về lập trường chính thức của chính phủ.
Tuy nhiên, sự suy giảm về khối lượng cũng một phần do chính bản thân sàn giao dịch. Trong khi Bithumb và UPbit là các nền tảng lớn nhất ở Hàn Quốc với margin lớn thì UPbit đã phục vụ rộng rãi cơ sở đầu tư và trader lớn hơn bằng cách hỗ trợ phần lớn các ngân hàng ở Hàn Quốc.
Ngược lại, thông qua quan hệ đối tác chiến lược với một ngân hàng lớn có tên Nonghyup, Bithumb chỉ có thể hỗ trợ tiền gửi và rút tiền Won thông qua Nonghyup.
Về mặt lý thuyết, UPbit sẽ đạt khối lượng cao hơn đáng kể so với Bithumb vì nó hỗ trợ các ngân hàng lớn ở Hàn Quốc. Điều này đã được chứng minh trong suốt 6 tháng qua. Từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, UPbit ghi nhận khối lượng cao hơn Bithumb, đặc biệt là trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7, khi giá Bitcoin đạt mức cao hàng năm xấp xỉ 14,000 đô la.
Sự sụt giảm đột ngột về khối lượng trên UPbit trong nửa cuối năm 2018 dường như là do bị điều tra cáo buộc công ty có hoạt động wash trade và gian lận của văn phòng công tố viên. Vào cuối năm 2018, sau cuộc đột kích của văn phòng công tố Hàn Quốc về các khoản phí vào tháng 5, hoạt động giao dịch trên UPbit đã giảm gần 80%.
Các văn phòng công tố viên sau đó đã khởi kiện 4 cựu stakeholder của sàn giao dịch vào tháng 12, buộc công ty phải đóng cửa hợp tác điều tra. Sau đó, UPbit đã dần hồi phục.
Vào tháng 12/2018, nhóm UPbit cho biết:
“Vụ kiện này có liên quan đến một số giao dịch trong thời gian 3 tháng, từ ngày 24/9 đến ngày 31/12 (Ngày mở dịch vụ: 24/10). Đó là khi công ty chúng tôi đang chuẩn bị và vừa ra mắt dịch vụ Upbit. Tất cả các giao dịch diễn ra trên Upbit sau khoảng thời gian đó không liên quan đến vụ việc.
Trong 8 tháng điều tra, công ty chúng tôi đã thành thật giải thích với Văn phòng Công tố về vụ án. Upbit không cam kết wash trade (giao dịch chéo), lệnh mã hóa (cung cấp thanh khoản) hoặc giao dịch gian lận. Công ty đã không giao dịch tiền điện tử mà công ty không sở hữu và nhân viên cũng không được hưởng lợi từ giao dịch đó”.
Cuộc điều tra UPbit mở rộng do Dunamu điều hành – công ty có mối quan hệ chặt chẽ với Kakao vì KakaoStock luôn là sàn giao dịch hàng đầu của đất nước – có khả năng làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư tại địa phương vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ tài sản mã hóa tại thời điểm cuộc điều tra được bắt đầu lần đầu tiên.
Khối lượng có thể phục hồi không?
Kể từ năm 2018, một làn sóng sàn giao dịch mới ở Hàn Quốc đã xuất hiện với sự hỗ trợ của một số ngân hàng lớn nhất nước này. Chẳng hạn, Gopax được ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong cả nước Shinhan Bank hỗ trợ và cho phép chủ tài khoản ngân hàng Shinhan rút tiền gần như ngay lập tức.
Khi cơ sở hạ tầng sàn giao dịch được cải thiện và tính minh bạch liên quan đến các dịch vụ ngân hàng tăng lên, niềm tin của các nhà đầu tư có thể phục hồi trong dài hạn.
Bên cạnh đó, sau khi phát hành hướng dẫn của G7 và Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Hàn Quốc cũng đã tiến tới việc thiết lập các khuôn khổ rõ ràng hơn cho cả các nhà đầu tư và sàn giao dịch, tạo môi trường ổn định hơn cho các doanh nghiệp.
Các cơ quan tài chính ở Hàn Quốc đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của FATF, yêu cầu sàn giao dịch dưới quyền quản lý phải tuân theo các yêu cầu được cơ quan giám sát tài chính của G7 đặt ra.
Hai trong số nhiều yêu cầu của FATF đối với các công ty được coi là “nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa” là hủy bỏ niêm yết các loại tiền điện tử ẩn danh và triển khai hệ thống KYC chặt chẽ hơn để ngăn chặn rửa tiền. Theo FATF:
“Nhận thấy sự cần thiết phải giảm thiểu các rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến các hoạt động của tài sản mã hóa, FATF đặt ra yêu cầu thực hiện chi tiết hơn để điều chỉnh và giám sát hiệu quả các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa”.
Các sàn giao dịch lớn ở Hàn Quốc như Bithumb, UPbit và Korbit đã tuân theo các hướng dẫn được thiết lập trong cuộc họp toàn thể của FATF vào tháng 2/2019.
Vào tháng 9/2019, UPbit cho biết họ đã hủy niêm yết các loại tiền điện tử tập trung vào quyền riêng tư để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc của FATF. Korbit cũng không cho phép giao dịch Monero và các loại tiền điện tử ẩn danh khác, trong khi Monero vẫn được niêm yết trên Bithumb với một cặp giao dịch Won Hàn Quốc.
Mong đợi thay đổi trong bối cảnh giao dịch Hàn Quốc
Bithumb cũng có vấn đề cần nhắc lại. Theo tờ báo địa phương đưa tin, Bithumb có thể thực hiện tái cấu trúc thông qua thỏa thuận mua lại từ cựu giám đốc điều hành, khi thỏa thuận mua lại sàn giao dịch của BXA Consortium gặp trở ngại.
Như ZDNet Korea đưa tin vào tháng 10/2018, BXA Consortium đã đồng ý mua 51% BTC Holding Company (Bithumb) với mức định giá 345 triệu đô la. BXA Consortium đã trả khoảng 112 triệu đô la trong số 345 triệu đô la và trì hoãn giao số tiền còn lại đến ngày 30/9. Tuy nhiên, công ty đã không hoàn thành giao dịch vào ngày thỏa thuận. Nếu cựu CEO Kim Jae-wook của Bithumb hoàn thành thỏa thuận đó, công ty của Vidente sẽ nắm giữ 32.74% Bithumb, trở thành cổ đông lớn nhất.
Như vậy, vị trí hàng đầu trong thị trường sàn giao dịch có thể bị hạ bệ. Bất chấp tỷ lệ thống trị của Bithumb và UPbit, các sự cố mà cả hai công ty gặp phải như giằng co thỏa thuận mua lại giữa Bithumb và BXA Consortium cũng như cuộc điều tra về UPbit vào cuối năm ngoái đã mang lại những tai tiếng khó gột rửa.
Hàn Quốc có khả năng vẫn là thị trường sàn giao dịch lớn
Dựa trên dữ liệu do Coinhills công bố, đồng Won của Hàn Quốc là nội tệ được giao dịch nhiều thứ ba cho Bitcoin, chiếm 3.05% thị trường Bitcoin toàn cầu.
Với việc chính phủ tiến tới thiết lập các khung pháp lý rõ ràng, thị trường tiền điện tử của Hàn Quốc có tiềm năng mở rộng trong suốt những năm tới với sự hỗ trợ từ chính quyền khu vực.
Thành phố đô thị Busan, đảo Jeju là các khu tự trị ở Hàn Quốc đã thành lập khu kinh tế đặc biệt cho các công ty liên quan đến blockchain và tiền điện tử để phát triển ngành công nghiệp tiền điện tử địa phương.
Do đó, mặc dù khối lượng tiền điện tử hàng ngày giảm đáng kể trên khắp các sàn giao dịch hàng đầu của đất nước nhưng với sự hỗ trợ từ chính phủ, thị trường tiền mã hóa của Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì vị thế chủ chốt ở châu Á.
- Các quan chức lừa đảo của sàn giao dịch Coinup đã bị bỏ tù ở Hàn Quốc
- Mỹ bắt giữ hàng trăm người và đánh sập trang web khiêu dâm trẻ em lớn nhất thế giới cho thanh toán bằng Bitcoin tại Hàn Quốc
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Longhash