Ông Diệp Khắc Cường cho rằng mình bị iFan lợi dụng, nhưng liệu đó đã đủ để ông đứng ngoài những bê bối của hệ thống đa cấp này?
Hệ thống đa cấp iFan chỉ mới bị chú ý khi hàng chục người mang biểu ngữ xuống đường, tố iFan lừa đảo số tiền lên đến 15.000 tỷ vào ngày 08/04 vừa qua trước cổng công ty Modern Tech
Trong văn bản mang tên “đơn tố cáo lừa đảo” của nhóm nạn nhân gửi đến cơ quan chức năng có nhắc đến tên ông Diệp Khắc Cường, công ty Modern Tech, Lê Ngọc Tuấn (Tuấn Cam), Vũ Hữu Lợi – ông trùm đa cấp.
Trước đó, ông Diệp Khắc Cường thành lập nền tảng Showbiz Store (một sản phẩm của công ty VFan do Cường đặt tại Mỹ), ra mắt ứng dụng Đàm Vĩnh Hưng, xuất hiện cùng ca sỹ này tại sự kiện ngày 7/10/2017.
Theo nhiều video đăng tải công khai trên YouTube, Diệp Khắc Cường còn xuất hiện tại các cuộc họp mặt “nhà đầu tư” của iFan (khi đó họ vẫn chưa biết mình có thể trở thành nạn nhân). Tại đây, ông Cường vẽ ra viễn cảnh đồng tiền số iFan có thể được sử dụng trên nền tảng ShowbizStore, mua bán album, vé, bài hát… của các ca sỹ, khởi đầu là Đàm Vĩnh Hưng và sau đó có thể vươn tầm khu vực.
Tự quay video thanh minh, mời báo chí đến để trần tình
Sáng ngày 11/4, ông Diệp Khắc Cường tổ chức một cuộc họp báo không được cấp phép ở quận 10, TP.HCM. Tại đây, ông Cường cho rằng mình là “công cụ của iFan”.
Theo ông Cường, từ giữa tháng 9/2017, một nhóm người, trong đó đứng đầu là Vũ Hữu Lợi (được cho là một trong những lãnh đạo của iFan), tiếp cận ông đặt vấn đề và mang ê kíp đến hợp tác, phát triển mạng lưới.
Khi ông Lợi đặt vấn đề hợp tác, phía ông Cường muốn tạo ứng dụng thư viện số để cung cấp cho fan hâm mộ nền tảng, bán nội dung giải trí. Các ứng dụng của ca sỹ (chẳng hạn “Mr. Đàm ông hoàng nhạc Việt”) sẽ là nơi để tiêu thụ đồng tiền số iFan bằng cách mua nội dung do ông Lợi cung cấp.
Sau đó, ông Cường nói rằng mình phát hiện phía iFan dùng tên tuổi những người ca sĩ không liên quan đưa lên để phát triển mạng lưới, chiêu dụ thêm nhà đầu tư. Theo ông Cường, việc làm này là sai tinh thần ban đầu, vì bản thân nghệ sĩ chỉ là đối tác, sản xuất nội dung, không quảng bá hình ảnh iFan. “Tôi cho rằng đó là hoạt động không lành mạnh”, ông Cường nói.
Tại buổi họp báo, ông Cường cho biết chưa ký kết hợp tác với iFan. Tại các buổi nói chuyện tại Vũng Tàu, ông chỉ giới thiệu về công nghệ mà công ty ông phát triển.
Nạn nhân nói gì về Diệp Khắc Cường?
Xuất hiện và thuyết trình trong hai buổi họp mặt nhà đầu tư của iFan, ông Diệp Khắc Cường diễn thuyết mạch lạc về những tính năng, tiềm lực của nền tảng quản lý nghệ sĩ VFan. Ông nói về tương lai của một ứng dụng lưu trữ mọi “tài sản” của một người nghệ sĩ như hình ảnh, âm nhạc, video, tin tức…
“Không có bất kỳ ca sĩ nào cưỡng lại được sự hấp dẫn của app. Chỉ cần ứng dụng này thì không cần phải chơi với ai nữa”, ông Cường tuyên bố tại một sự kiện của iFan.
“Diệp Khắc Cường cũng nói mà. Đỗ Hữu Lợi cũng đứng lên nói mà. Hôm trước đấy cũng mời cả Đàm Vĩnh Hưng đến”. Một nạn nhân giấu tên ở quận 9, TP.HCM
“Tôi đầu tư vì nghĩ dự án này của Diệp Khắc Cường, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nên sẽ không lừa tôi đâu. Lòng tham ai cũng có nhưng phải tham cho hợp lý. Nhờ dự án (ShowbizStore – PV) của ông Cường mà iFan trở nên hợp lý”, chị L. – một nạn nhân của iFan đang sống ở quận 9, TP.HCM nói. Người này cho rằng chính tên tuổi và dự án của Diệp Khắc Cường đã khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chơi “tất tay”.
“Nếu không có Diệp Khắc Cường, iFan chẳng ai quan tâm. Ông Cường nên nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng khi xuất hiện của mình ở iFan”, N.T. Huỳnh, một nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ.
“Diệp Khắc Cường cũng nói mà. Đỗ Hữu Lợi cũng đứng lên nói mà. Hôm trước đấy cũng mời cả Đàm Vĩnh Hưng đến”, một nạn nhân giấu tên chia sẻ lý do vì sao mình bị lừa tin vào hệ thống đa cấp iFan. Người này có học vị cao và tự nhận am hiểu về tiền mã hóa.
Chung nhận định với anh Huỳnh và chị L, hầu hết nạn nhân của iFan mà Zing.vn liên hệ, tiếp xúc đều cho biết họ tin vào iFan nhờ Diệp Khắc Cường và các ngôi sao, người nổi tiếng. Theo đó, ông Cường có vai trò là “công cụ” tạo dựng niềm tin cho iFan, dù sau đó một mực rũ bỏ mọi liên hệ với tổ chức này.
Ngày 12/4, nói với Zing.vn, ông Hồ Xuân Văn – Tổng Giám đốc Modern Tech, cho biết mình và các nhà sáng lập cũng là nạn nhân của ông Cường, được mời đến các sự kiện để nói về tiền kỹ thuật số. Do vậy, Modern Tech bị các nhà đầu tư iFan hiểu lầm có liên quan đến hệ thống này. Đây là thông tin đưa ra từ phía ông Xuân Văn, chưa được kiểm chứng.
Ông Cường làm gì ở hệ thống đa cấp nghìn tỷ iFan?
Ông Cường tự nhận mình xuất hiện tại sự kiện iFan với tư cách “kêu gọi đầu tư cho VFan” – một công ty sở hữu nền tảng ShowbizStore, với sản phẩm đầu tiên là ứng dụng “Mr Đàm, ông hoàng nhạc Việt”. Nhà đầu tư iFan kỳ vọng đồng tiền số của hệ thống này sẽ được đưa vào sử dụng trong ShowbizStore. Hay nói cách khác, họ mong chờ cuộc “hôn phối” giữa iFan và VFan.
Trong quá trình chia sẻ, ông nói về tiềm năng mạnh mẽ của dự án của VFan. Một số chi tiết, ông Cường dường như đã mập mờ, khiến các nhà đầu tư hiểu sai.
Chi tiết thứ nhất, ông Cường khẳng định tại buổi gặp gỡ báo chí rằng tất cả cam kết hợp tác với iFan chỉ dừng lại ở dạng hợp đồng “miệng”. Tuy nhiên, phần backdrop (phông nền) buổi gặp gỡ nhà đầu tư lại ghi “Ứng dụng công nghệ blockchain 4.0 vào vFan” với logo iFan trên cùng như thể cả hai bên (iFan của Đỗ Hữu Lợi và VFan của ông Cường) đã có quan hệ đối tác.
Thứ nhì, trong đoạn video ghi nhận buổi gặp gỡ nhà đầu tư, Diệp Khắc Cường còn tự thay mặt iFan, công bố hợp tác cái gọi là “dự án quốc gia”. “Cái các anh chị đầu tư (chỉ tay vào iFan) cho dự án quốc gia, giá nó sẽ lên nữa”, ông Cường đứng nói trước các nhà đầu tư.
Thứ ba, trong một video khác, ông Cường cũng lên tiếng mời các nhà đầu tư của iFan đến sự kiện ra mắt ứng dụng Đàm Vĩnh Hưng. Tại sự kiện này, tên dự án ShowbizStore của ông Cường (từng nhiều lần xuất hiện ở cuộc họp iFan) cũng được in trên backdrop sân khấu sự kiện. Bản thân ông Diệp Khắc Cường cũng đứng cạnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và trả lời phỏng vấn báo chí.
Thứ tư, chỉ một ngày sau sự kiện của Đàm Vĩnh Hưng, đến 8/10/2107, ông Cường tự quay một video phát trên YouTube, tuyên bố mình không liên quan đến iFan. Nhưng đoạn video này chỉ nhắc đến iFan đúng một lần ở đoạn ông Cường thừa nhận có hợp tác với iFan. Và theo ông Cường iFan là “ứng dụng tích điểm” để “đổi lấy” nội dung trên ứng dụng của ca sĩ. Ông Cường không nhắc đến tiền số hay hai chữ “mua bán”.
Ngoài ra, trong thông cáo gửi báo chí ngày 12/4, ông Cường khẳng định mình không liên quan, tham gia hoạt động kinh doanh của công ty “Model Teck”. Không hiểu đây là vô tình hay cố ý. Bởi công ty đang vướng vào vụ tố cáo lừa đảo 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư iFan là “Modern Tech”, không phải “Model Teck” như ông Cường ghi trong thông cáo báo chí.
Ứng dụng Mr. Đàm “đóng băng” từ lâu
Không chỉ tham gia kêu gọi vốn tại iFan, ông Diệp Khắc Cường còn mang ứng dụng Mr. Đàm đi kêu gọi đầu tư với Blocform, một dự án tiền số thanh toán dịch vụ giải trí. Tại sự kiện tổ chức bởi Blocform, ông Cường cũng chia sẻ lại những nội dung tương tự tại sự kiện iFan.
Bên cạnh đó, Blocform cũng đang xử dụng những hình ảnh mới nhất của ông Cường trên trang web của mình. Ông Cường cũng xuất hiện tại sự kiện của Blocform hồi tháng 12. Tuy nhiên chưa có thông tin ông Cường có hay không tham gia dự án này.
Thực tế, ứng dụng “Mr. Đàm – Soái ca nhạc Việt” (ban đầu là “Ông hoàng nhạc Việt) mà ông Cường đem đi kêu gọi đầu tư ở khắp nơi gần như “đóng băng” kể từ khi ra mắt, không có cập nhật gì thêm về ca sĩ này.
Chưa dừng ở đó, lượt tải khủng 40 triệu mà ông này vẽ ra (dựa trên con số fan của Đàm Vĩnh Hưng) chỉ dừng lại mức 10.000 lượt tải trên Google Play. Ngoài ra theo dữ liệu từ Vinabiz.org, công ty Showbiz Store cũng đã ngừng hoạt động nhưng chưa thực hiện đóng mã số thuế.
Là ‘cừu’ hay ‘sói’ trong vụ iFan?
Vậy Diệp Khắc Cường là “cừu” hay “sói” trong đường dây đa cấp iFan? Dưới đây là video cho thấy những lần ông này xuất hiện ở sự kiện iFan, nói về triển vọng của đồng tiền này, mời nhà đầu tư đến sự kiện Đàm Vĩnh Hưng và công bố dự án lớn “cấp quốc gia”. Phần kết luận dành cho cơ quan chức năng, và chính những nạn nhân đang tố ông Cường.
Sn_Nour
Theo Tapchibitcoin.vn/Zalo.me
Xem thêm:
- Ifan có thực sự lừa đảo 32.000 người và chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng hay không?
- IFAN: Bộ Công an chính thức điều tra vụ lừa đảo 15.000 tỷ
- Thủ tướng ra lệnh kiểm soát Tiền ảo đa cấp sau vụ ifan