Các tài sản rủi ro đang có một năm khó khăn trên diện rộng và thật công bằng nếu quy trách nhiệm chính cho tình hình kinh tế vĩ mô. Nhiều yếu tố cùng kết hợp đã làm bùng phát lạm phát ở các nền kinh tế phát triển và buộc ngân hàng trung ương phải có hành động đáp trả.
Do đó, một số sự kiện như lạm phát, thông báo lãi suất, bảng lương và bài phát biểu từ các cơ quan quản lý tiền tệ (đặc biệt là ở Hoa Kỳ) đã có tác động đến giá tài sản rủi ro trên toàn cầu. Khi tin xấu nổ ra, tình trạng hỗn loạn lan rộng trên các loại tài sản và khu vực khác nhau. Đến giữa tháng 9, tất cả chỉ số chứng khoán chính của các nước phát triển đều ghi nhận mức lợi nhuận âm hai chữ số (tính từ đầu năm đến nay – YoY).
Trong những thời điểm hỗn loạn như thế này, tiền điện tử bị tổn hại nghiêm trọng. Nasdaq Crypto Index (NCI) đại diện cho hiệu suất của các loại tiền điện tử có liên quan nhất đã giảm 52,3% YoY tính đến ngày 12/9. Trong cuộc khủng hoảng này, crypto cũng thể hiện tương quan cao chưa từng có với các tài sản rủi ro truyền thống, nhất là cổ phiếu của các công ty công nghệ, là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong những trường hợp như vậy, cần đặt câu hỏi liệu mùa đông tiền điện tử có phải là hậu quả của kịch bản vĩ mô hay không?
Để có được câu trả lời, các nhà phân tích sử dụng mô hình hồi quy đơn giản để hiểu các cú sốc vĩ mô ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận NCI. Lợi nhuận Nasdaq 100 (NDX) có tương quan cao với tiền điện tử là biến số đại diện cho những thay đổi trong bối cảnh vĩ mô. Phương pháp tiếp cận theo hướng dữ liệu cũng chỉ ra 2 ngày ngoại lệ cần có cách xử lý đặc biệt. Sử dụng lợi nhuận hàng ngày từ ngày 1/3 đến ngày 12/9 cho thấy nếu NDX thay đổi 1%, có thể mong đợi thay đổi 1,27%. Xem xét NDX đã giảm 21,9% tính đến ngày 12/9, suy ra rằng lợi nhuận -27% của NCI là do tình hình kinh tế vĩ mô trực tiếp gây ra. Đây chắc chắn là một con số đáng kể, nhưng vẫn còn phải giải thích mức giảm 34,6%. Liệu tình hình vĩ mô có “vô can” đối với mức giảm còn lại này không? Mô hình cung cấp cho chúng ta một số manh mối.
Hai ngày ngoại lệ được xác định hoàn toàn bằng các tiêu chí theo dữ liệu. Nhưng xem xét kỹ hơn, có một số câu chuyện ý nghĩa xoay quanh những ngày này. Ngày đầu tiên là 9/5 trùng với hệ sinh thái stablecoin theo thuật toán Terra sụp đổ và ngày thứ hai là 13/6 cùng ngày khi nền tảng cho vay tiền điện tử tập trung hàng đầu Celsius tạm dừng dịch vụ rút tiền. Theo mô hình, hai ngày này là nguyên nhân dẫn đến mức giảm 22,4% và ngày thứ hai chiếm 2/3 mức giảm.
Cả Terra và Celsius đều là những ví dụ về các thảm họa kinh tế kinh điển: khủng hoảng tiền tệ và các tác nhân sử dụng đòn bẩy quá nhiều bị phá sản. Những tình huống như vậy thường xảy ra khi tâm lý lo ngại rủi ro tăng lên (chính xác là những gì xảy ra trong các cuộc khủng hoảng lớn và lan rộng). Một câu nói nổi tiếng được cho là của Warren Buffett khá phù hợp khi mô tả ý tưởng này:
“Bạn sẽ không tìm ra ai đang bơi khỏa thân cho đến khi thủy triều rút xuống”.
Mặc dù không công bằng khi đổ hết lỗi cho môi trường vĩ mô đối với những sự kiện này, nhưng thật khó để tin rằng nó không có vai trò quan trọng thông qua việc đẩy nhanh các vòng xoáy tử thần và khuếch đại hiệu ứng lan tỏa trên phần còn lại của hệ sinh thái. Vì vậy, có thể phân loại hai trường hợp này là các sự kiện cụ thể về tiền điện tử được vĩ mô thúc đẩy.
Sau khi loại bỏ ảnh hưởng của hai ngày ngoại lệ, chúng ta nhận được lợi nhuận -15,5%, có thể được xem là hiệu suất tiền điện tử thuần túy. Nếu bạn gọi đó là mùa đông thì có lẽ bạn sống khá gần đường xích đạo. Biểu đồ dưới đây cho thấy các quỹ đạo khác được mô hình hóa:
NCI và các kịch bản khác | Nguồn: João Marco Braga da Cunha
Tất cả những công cụ thống kê trên đều tuyệt vời, nhưng nó có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư đã chứng kiến một nửa thị trường tan chảy? Đầu tiên, mặc dù có tương quan cao, nhưng mối liên hệ giữa tình hình vĩ mô hiện tại và tương lai của công nghệ tiền điện tử, blockchain là cực kỳ yếu. Không có lý do gì để tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ có tác động đến kết quả dài hạn của các khoản đầu tư crypto.
Thứ hai, các sự kiện cụ thể về tiền điện tử được vĩ mô thúc đẩy tác động đáng kể đến giá hoàn toàn mang tính kỹ thuật và không ảnh hưởng đến nền tảng của luận điểm đầu tư. Có thể kỳ vọng tác động của chúng sẽ bị đảo ngược trong trung hạn.
Thứ ba, hệ sinh thái tiền điện tử vẫn ổn. Cuộc khủng hoảng đã cuốn trôi một số tác nhân xấu và các dự án được thiết kế sai lầm, nhưng tất cả các trụ cột vẫn còn nguyên vẹn. Các giao thức tài chính phi tập trung hoạt động như mong đợi. Ethereum vừa hoàn thành bản cập nhật lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử. Các giải pháp layer 2 đang phát triển. Ngày càng có nhiều người chấp nhận NFT và các hình thức văn hóa kỹ thuật số khác…
Tiền điện tử suy thoái không phải chỉ vì vĩ mô. Nhưng có khả năng chúng ta sẽ có một mùa thu thoải mái nếu không phải chịu đựng khủng hoảng. Và tại sao chúng ta lại phải hoài nghi về khả năng xảy ra mùa hè tiền điện tử sau khi tình trạng hỗn loạn vĩ mô suy giảm? Có người đã nói rằng:
“Để đánh giá vẻ đẹp của một bông tuyết, bạn cần phải chịu đựng cái lạnh”.
Vì vậy, để có được làn da rám nắng trong mùa hè tiền điện tử, bạn phải phơi nắng.
Theo dõi kênh Tiktok của Tạp Chí Bitcoin tại đây: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Do Kwon hết hạn hộ chiếu vào ngày 19/10, giá LUNA gặp rắc rối
- CEO JP Morgan dự đoán cổ phiếu có thể giảm thêm 20% – Điều này sẽ ảnh hưởng đến Bitcoin như thế nào?
- Bitcoin mất 19.000 đô la khi ETH giảm dưới 1.300 đô la
Đình Đình
Theo Cointelegraph