Vào tuần này của một năm trước, các nhà đầu tư đã mô tả Bitcoin là tương lai của tiền tệ và Ethereum là công cụ quan trọng nhất trên thế giới cho nhà phát triển. Khi đó, NFT bùng nổ, Coinbase giao dịch ở mức kỷ lục và Miami Heat của NBA vừa mới bước vào mùa giải đầu tiên tại FTX Arena mới được đổi tên.
Hóa ra, đó là thời kỳ đỉnh cao của tiền điện tử.
Sau 12 tháng kể từ khi Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại gần 69.000 đô la, hai coin kỹ thuật số lớn nhất đã mất 3/4 giá trị, đồng thời sụp đổ cùng với các cổ phiếu công nghệ rủi ro nhất. Ngành công nghiệp này từng được định giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la nhưng hiện chỉ còn chưa đến 900 tỷ đô la.
Tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử | Nguồn: CoinMarketCap
Thay vì hoạt động như một hàng rào chống lạm phát đang ở gần mức cao nhất trong 40 năm, Bitcoin được chứng minh là một tài sản đầu cơ khác, được thổi phồng bởi các nhà truyền giáo đứng đằng sau nó và lao dốc khi sự nhiệt tình tan chảy cùng với các nhà đầu tư sợ hãi.
Với khoản chi 135 triệu đô la vào năm ngoái cho một thỏa thuận kéo dài 19 năm với sân vận động Miami Heat, sàn giao dịch FTX có được quyền đặt tên sẵn sàng đi vào sử sách cùng với một thương hiệu khác từng có logo của mình trên một cơ sở thể thao: Enron.
Trong tuần này, FTX đã lao dốc từ mức định giá 32 tỷ đô la xuống bờ vực phá sản khi thanh khoản cạn kiệt, khách hàng yêu cầu rút tiền và sàn giao dịch đối thủ Binance rút lui khỏi thỏa thuận không ràng buộc để mua lại công ty. Nhà sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried, đã thừa nhận vào thứ 5 rằng anh ấy không vui”.
Katie Talati, giám đốc nghiên cứu tại Arca, một công ty đầu tư tập trung vào tài sản kỹ thuật số, cho biết:
“Bây giờ nhìn lại, tâm lý phấn khích và giá cả của tài sản rõ ràng đã vượt lên chính nó và giao dịch vượt xa mọi giá trị cơ bản. Vì suy thoái quá nhanh và tàn bạo, nhiều người tuyên bố tài sản kỹ thuật số đã chết”.
Cho dù tiền điện tử có bị diệt vong mãi mãi hay cuối cùng sẽ phục hồi, như Talati dự đoán, cuộc tắm máu năm 2022 đã phơi bày nhiều sai sót của ngành và như một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư cũng như công chúng về lý do tồn tại các quy định tài chính. Các vụ phá sản diễn ra nhanh chóng và dữ dội kể từ giữa năm, khiến khách hàng có tài khoản tiền điện tử không thể truy cập vào tiền của họ và thậm chí nhiều trường hợp cố gắng lấy lại tiền dù chỉ là chút ít.
Nếu đây thực sự là tương lai của ngành tài chính, thì nó trông khá ảm đạm.
Tiền điện tử được cho là mang lại sự minh bạch. Tất cả các giao dịch trên blockchain đều có thể được theo dõi. Người dùng không cần các tổ chức tập trung (ngân hàng) vì đã có sổ cái kỹ thuật số để phục vụ như một nguồn chân lý duy nhất.
Nhưng đáng tiếc, câu chuyện đó không còn đúng nữa.
Michael Saylor, chủ tịch điều hành của MicroStrategy, một công ty công nghệ sở hữu 130.000 Bitcoin, cho biết:
“Là một Bitcoiner, chúng tôi cảm thấy như đang bị mắc kẹt trong một mối quan hệ rối loạn chức năng với tiền điện tử và chúng tôi muốn thoát ra. Ngành công nghiệp cần phải phát triển và các cơ quan quản lý đang vào cuộc. Tương lai của ngành là các tài sản kỹ thuật số đã đăng ký được giao dịch trên các sàn chịu sự quản lý, nơi mọi nhà đầu tư đều có được sự bảo vệ mà họ cần”.
Saylor đã có vài lời phát biểu trên CNBC “Squawk on the Street” khi thất bại của FTX làm chao đảo thị trường tiền điện tử. Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trong tuần này, trước khi tăng trở lại vào thứ 5. ETH cũng giao dịch thấp hơn và SOL – một coin phổ biến khác được các nhà phát triển sử dụng và được Bankman-Fried chào mời đã giảm hơn một nửa.
Cổ phiếu gắn liền với tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng. Sàn giao dịch Coinbase giảm 20% trong 2 ngày, trong khi ứng dụng giao dịch Robinhood có Bankman-Fried là một trong những nhà đầu tư lớn nhất đã giảm 30% trong cùng thời gian.
Tuần trước, Coinbase đã báo cáo doanh thu sụt giảm hơn 50% trong quý 3 so với một năm trước đó và lỗ 545 triệu đô la. Vào tháng 6, sàn giao dịch đã cắt giảm 18% lực lượng lao động của mình.
“Chúng tôi đang tích cực cập nhật và đánh giá các kế hoạch và chuẩn bị để giảm chi phí hoạt động hơn nữa nếu điều kiện thị trường xấu đi”, Alesia Haas, giám đốc tài chính của Coinbase, cho biết trong hội nghị báo cáo thu nhập trực tuyến vào ngày 3/11.
Bắt đầu như thế nào?
Tình hình suy thoái bắt đầu vào cuối năm 2021. Đó là lúc tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng đột biến và làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tăng chi phí đi vay khi bước sang năm mới. Bitcoin đã giảm 19% trong tháng 12, do các nhà đầu tư xoay vòng vốn vào các tài sản được coi là an toàn hơn trong một nền kinh tế đầy biến động.
Xu hướng bán tháo tiếp tục diễn ra vào tháng 1, đẩy Bitcoin giảm 17% và ETH -26%. David Marcus, cựu giám đốc tiền điện tử tại Meta – công ty mẹ của Facebook, đã sử dụng một cụm từ sẽ sớm đi vào từ điển. Marcus viết trong một tweet vào ngày 24/1:
“Trong mùa đông tiền điện tử, những doanh nhân giỏi nhất xây dựng những công ty tốt hơn. Đây là thời điểm một lần nữa tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tế thay vì pump token”.
Mùa đông tiền điện tử đã không thực sự diễn ra trong vài tháng sau đó. Các thị trường thậm chí còn ổn định trong một thời gian ngắn. Sau đó, vào tháng 5, stablecoin chính thức trở nên không ổn định.
Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số được thiết kế để duy trì chốt giá 1:1 với đô la Mỹ, hoạt động như một loại tài khoản ngân hàng cho nền kinh tế tiền điện tử và cung cấp kho lưu trữ giá trị tốt, trái ngược với biến động mà Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác gặp phải.
Khi TerraUSD (UST) và token chị em của nó là LUNA giảm dưới mốc 1 đô la, tâm lý hoảng sợ một lần nữa bị kích hoạt. Chốt giá bị phá vỡ hoàn toàn. Niềm tin biến mất. Hơn 40 tỷ đô la tài sản đã bị xóa sổ trong vụ sụp đổ của LUNA. Đột nhiên, không đầu tư gì vào tiền điện tử hóa ra lại là an toàn nhất.
Các loại tiền điện tử hàng đầu cũng không thể tránh khỏi thảm họa, với Bitcoin giảm 16% chỉ trong một tuần, thấp hơn một nửa so với mức đỉnh 6 tháng trước đó. Về mặt vĩ mô, lạm phát không có dấu hiệu giảm bớt và ngân hàng trung ương vẫn cam kết tăng lãi suất theo yêu cầu để làm chậm đà tăng giá tiêu dùng.
Vào tháng 6, thị trường chạm đến đáy.
Nền tảng cho vay Celsius tạm dừng rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt”. Binance cũng có hành động tương tự, trong khi công ty cho vay tiền điện tử BlockFi cắt giảm 20% nhân sự sau khi tăng hơn 5 lần kể từ cuối năm 2020.
Quỹ phòng hộ tiền điện tử nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) đã vỡ nợ với một khoản vay trị giá hơn 670 triệu đô la và FTX đã ký thỏa thuận cho phép họ mua BlockFi bằng một phần nhỏ so với mức định giá tư nhân cuối cùng của công ty.
Bitcoin đã có tháng tồi tệ nhất được ghi nhận vào tháng 6, mất khoảng 38% giá trị. ETH giảm mạnh hơn 40%.
Biểu đồ giá ETH 1 ngày | Nguồn: Tradingview
Sau đó là liên tiếp những vụ phá sản.
3AC có trụ sở tại Singapore đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 7, chỉ vài tháng sau khi tiết lộ họ có 10 tỷ đô la tài sản. Chiến lược của công ty được đánh giá là rủi ro, bao gồm vay tiền từ khắp nơi trong ngành, sau đó quay vòng và đầu tư số vốn đó vào các dự án tiền điện tử khác, thường là các dự án tiền điện tử mới.
Sau khi 3AC sụp đổ, công ty môi giới tiền điện tử Voyager Digital cũng tiếp bước vì khoản nợ lớn của 3AC được vay từ Voyager. Cụ thể, Voyager Digital đệ đơn phá sản vào tháng 7, sau đó thông báo kế hoạch khôi phục tiền điện tử của người dùng có thể phụ thuộc vào nguồn tiền từ thủ tục tố tụng với Three Arrows Capital. 3AC đã không trả được khoản vay 15.250 Bitcoin và 350 triệu USDC.
“Chúng tôi thực sự tin tưởng vào tương lai của ngành nhưng biến động kéo dài trên thị trường tiền điện tử và sự kiện vỡ nợ của Three Arrows Capital buộc chúng tôi phải thực hiện hành động mang tính quyết định này”, CEO Stephen Ehrlich của Voyager cho biết vào thời điểm đó.
Tiếp theo là Celsius, nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 7. Tài liệu gửi lên tòa án cho thấy Celsius đã chủ động tuyên bố phá sản theo Chương 11, cho phép công ty tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cấu trúc nợ và ưu tiên lợi ích của chủ nợ lên trên người dùng. Số lượng tài sản được công ty khai báo trong hồ sơ là từ 1 đến 10 tỷ USD – trong đó chỉ có 167 triệu USD là tiền mặt, với mức nợ cũng nằm trong khoảng này. Số tiền này sẽ được sử dụng để “hỗ trợ các hoạt động”. Đồng thời, công ty đã trả cho khách hàng tiền lãi lên tới 17% để lưu trữ tiền điện tử của họ trên nền tảng. Họ cho các đối tác sẵn sàng trả mức lãi suất cao ngất ngưởng vay những tài sản đó. Mô hình này sụp đổ do thanh khoản cạn kiệt.
Trong khi đó, Sam Bankman-Fried (SBF) tự biến mình trở thành một vị cứu tinh trong ngành. Chàng trai 30 tuổi sống ở Bahamas sẵn sàng tiếp nhận mớ hỗn loạn và củng cố ngành công nghiệp, khẳng định FTX đang ở vị trí tốt hơn các công ty cùng ngành vì họ tích trữ tiền mặt, giữ chi phí vận hành thấp và tránh cho vay. Với giá trị tài sản ròng trên giấy tờ lên đến 17 tỷ đô la, cá nhân anh đã mua 7,6% cổ phần của Robinhood.
SBF được một số người mệnh danh là “JPMorgan của tiền điện tử”. Anh nói với Kate Rooney vào tháng 9 rằng công ty có khoảng 1 tỷ đô la để chi cho các gói cứu trợ nếu có cơ hội phù hợp nhằm giữ chân những người chơi quan trọng.
“Sẽ không tốt cho bất kỳ ai về lâu dài nếu chúng tôi thực sự đau đớn và gặp khó khăn. Điều đó không công bằng với khách hàng và sẽ không tốt cho quy định. Nó sẽ không tốt cho bất cứ điều gì. Từ góc độ dài hạn, hệ sinh thái, khách hàng và mọi người cần được hoạt động ở nơi mà không phải lo sợ về những ẩn số không xác định sẽ làm nổ tung tất cả bằng cách nào đó”, Bankman-Fried nói.
Đến cuối cùng, câu nói đó gần như thể Bankman-Fried đang mô tả số phận của chính mình.
Quá trình lao dốc choáng váng của FTX bắt đầu vào cuối tuần qua sau khi CEO Binance Changpeng Zhao thông báo sẽ bán token FTT. Lý do được cho là Alameda Research, quỹ phòng hộ của Bankman-Fried, nắm giữ lượng lớn FTT trên bảng cân đối kế toán của mình.
“Quyết định thanh lý FTT của chúng tôi chỉ là quản lý rủi ro sau khi rời khỏi, rút kinh nghiệm từ LUNA. Chúng tôi đã ủng hộ trước đây, nhưng chúng tôi sẽ không giả vờ yêu đắm đuối sau khi ly hôn. Chúng tôi không chống lại bất cứ ai. Nhưng chúng tôi sẽ không hỗ trợ những người vận động hành lang chống lại các công ty trong ngành khác sau lưng họ”.
Tuyên bố công khai của Zhao không chỉ khiến giá FTT lao dốc mà còn thôi thúc khách hàng của FTX tìm đường tháo chạy. Bankman-Fried cho biết trong một tweet hôm thứ 5 rằng các khách hàng đã yêu cầu rút khoảng 5 tỷ đô la, mà anh gọi là “lớn nhất với một biên độ khổng lồ”. Thiếu nguồn dự trữ để trang trải cho cú bank run (rút tiền hàng loạt) ảo, FTX đã tìm đến Zhao để được giúp đỡ.
Vào ngày 11/11/2022, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 ở Delaware, Hoa Kỳ và cho biết họ có hơn 100.000 chủ nợ. Bankman-Fried đã từ chức. Thay thế cho anh ta bây giờ là John J. Ray III, luật sư phụ trách vụ thanh lý đình đám Enron.
Chỉ trong vài ngày, FTX đi từ mức định giá 32 tỉ đô la đến phá sản khi thanh khoản cạn kiệt, khách hàng yêu cầu rút tiền và sàn giao dịch đối thủ Binance đã từ bỏ thỏa thuận mua lại công ty. Nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried thừa nhận ông đã bị chơi xỏ.
Biểu đồ giá FTT 4 giờ | Nguồn: Tradingview
Diễn biến sau đó
Binance đã công bố thỏa thuận không ràng buộc để mua lại FTX vào thứ 3, trong một thỏa thuận có thể sẽ là thảm khốc đối với FTX mà các nhà đầu tư cổ phần chuẩn bị cho việc sẽ bị xóa sổ. Nhưng Binance đã “quay xe” 1 ngày sau đó. Công ty cho biết: “Ban đầu, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ khách hàng của FTX bằng cách cung cấp tính thanh khoản, nhưng vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng giúp đỡ của chúng tôi”.
Bankman-Fried kể từ đó đã tranh giành hàng tỷ đô la để cố gắng thoát khỏi tình trạng phá sản. Anh nói rằng mình cũng đang làm việc, duy trì thanh khoản để khách hàng có thể rút tiền.
Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital, công ty đầu tiên ủng hộ FTX vào năm 2021 với mức định giá 18 tỷ đô la, cho biết họ đang ghi nhận khoản đầu tư 213,5 triệu đô la vào FTX “giảm xuống còn 0”. Công ty đầu tư tiền điện tử Multicoin Capital đã nói với các đối tác hạn chế vào thứ 3 rằng mặc dù họ có thể lấy khoảng 1/4 tài sản của mình từ FTX nhưng các quỹ vẫn bị mắc kẹt ở đó chiếm 15,6% tài sản của quỹ và không có gì đảm bảo tất cả sẽ được phục hồi.
Ngoài ra, Multicoin cho biết họ cũng bị thiệt hại vì vị trí lớn nhất của họ là SOL, đang giảm giá trị vì “thường được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của SBF”. Công ty cho biết họ đang bám sát luận điểm của mình và tìm kiếm các tài sản có thể “hoạt động tốt hơn phiên bản beta của thị trường qua các chu kỳ thị trường”.
“Chúng tôi không phải là những trader ngắn hạn hay theo động lực và chúng tôi không hoạt động trong thời gian ngắn. Mặc dù tình hình này rất đau đớn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược của mình.
Nhưng chắc chắn điều đó sẽ không dễ dàng.
Ryan Gilbert, nhà sáng lập công ty liên doanh fintech Launchpad Capital, nhận xét thế giới tiền điện tử đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin sau sự cố FTX. Trong khi đã có một năm đầy biến động, Bankman-Friedman từng là nhà lãnh đạo đáng tin cậy, người cảm thấy thoải mái khi đại diện cho ngành tại Capitol Hill.
Trong một thị trường không có ngân hàng trung ương, công ty bảo hiểm hoặc bất kỳ sự bảo vệ của tổ chức nào, niềm tin là điều tối quan trọng.
“Một câu hỏi đặt ra là liệu sự tin tưởng có thể tồn tại trong ngành ở giai đoạn này của cuộc chơi không? Ở một mức độ lớn, khái niệm về niềm tin đã bị phá sản vì một số công ty này”, Gilbert cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 5.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi kênh Tiktok của Tạp Chí Bitcoin tại đây: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Từ Hiệp sĩ trắng có trong tay 26 tỷ đô la tới âm nợ – Toàn cảnh cuộc đời “Lên voi xuống Chó” của Sam Bankman-Fried
- SBF xây dựng “cửa hậu” riêng để rút ruột FTX – Wrap token do FTX/ Alameda phát hành không thể quy đổi được nữa
- Những ngày tuyệt vời nhất đang chờ Cardano ở phía trước khi ít bị ảnh hưởng bởi thất bại của FTX
Minh Anh
Theo Decrypt