Vào cuối tháng 11/2023, các cơ quan quản lý tài chính tại Philippines đã thông báo cho Binance rằng, họ đang hoạt động tại quốc gia này mà không có giấy phép.
Cơ quan cho biết Binance không được phép bán hoặc chào bán chứng khoán trong nước và cảnh báo công dân không nên sử dụng nền tảng này. Nếu không giải quyết được vấn đề vào cuối tháng 2/2024, chính phủ sẽ chặn hoạt động của sàn giao dịch và hiện tại đã sắp đến thời hạn này.
Phát ngôn viên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch quốc gia (SEC Philippines) cho biết trong tuần này rằng, cơ quan quản lý đang đánh giá tác động của việc cấm Binance sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nguồn vốn của các chủ tài khoản tại Philippines.
Các quan chức đang “làm việc với các cơ quan chính phủ khác về thủ tục hạn chế hoạt động của các thực thể chưa đăng ký ở Philippines”.
Binance chưa công khai giải quyết vấn đề
Cộng đồng tiền điện tử tại Philippines, dự kiến sẽ có 14 triệu người dùng vào năm 2028, vẫn không chắc chắn liệu SEC sẽ thực hiện theo ý định của mình hay sẽ cấp gia hạn cho Binance.
Luis Buenaventura, trợ lý phó chủ tịch tại GCash và là nhà đồng sáng lập nền tảng giao dịch tiền điện tử BloomX ở Philippines cho biết: “Tôi đã cố gắng liên hệ với SEC nhưng vẫn chưa thực sự nhận được phản hồi. Cộng đồng không biết liệu điều đó có thực sự xảy ra vào cuối tháng này hay không”.
Binance hiện cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.
Hành động tiềm năng này đánh dấu giai đoạn hỗn loạn đối với Binance khi sàn giao dịch nỗ lực vượt qua “sự cố” vào tháng 11 tại Mỹ.
Công ty thừa nhận đã vi phạm luật ngân hàng và đồng ý nộp phạt 4,3 tỷ USD. Sàn giao dịch cũng bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới, Richard Teng, để thay thế nhà đồng sáng lập Changpeng Zhao, người cũng đã nhận tội vi phạm luật ngân hàng Hoa Kỳ.
Teng hứa sẽ làm tốt hơn trong việc tuân thủ các quy định trên toàn thế giới.
Ngay tuần sau đó, Philippines nổi lên như trường hợp thử nghiệm cho Teng và Binance 2.0. Tuy nhiên, cho đến nay, nền tảng dường như vẫn chưa giải quyết được các vấn đề được cơ quan quản lý nêu ra.
Đội quân bán hàng
SEC Philippines đã chỉ trích Binance vì đã sử dụng một đội ngũ “nhân viên bán hàng, nhà môi giới, đại lý, đại diện, nhà quảng bá, nhà tuyển dụng, người có ảnh hưởng, người chứng thực và người hỗ trợ” để thúc đẩy sàn giao dịch.
Các quan chức cảnh báo các nhà quảng bá rằng, họ có thể phải đối mặt với án tù lên tới 21 năm và phạt 5 triệu peso, tương đương $ 90.000, nếu tiếp tục quảng cáo cho Binance.
Cơ quan này cũng yêu cầu Google và Meta ngừng hiển thị quảng cáo Binance cho người dùng Philippines.
Vào tháng 12, Kelvin Lee, người đứng đầu SEC, cho biết trong một cuộc thảo luận rằng, lệnh cấm đối với Binance sẽ có hiệu lực ba tháng sau khi khuyến nghị được ban hành vào ngày 29/11. Nhưng cơ quan này không loại trừ khả năng gia hạn lệnh cấm.
Nếu lệnh cấm được ban hành, cộng đồng tiền điện tử ở Philippines dự đoán nó sẽ có hiệu lực vào khoảng ngày 29/2. Một số người, như luật sư Rafael Padilla, đã tuyên bố rằng chính quyền không thể cấm Binance nếu không có lệnh của tòa án.
Buenaventura cho biết không có thông tin mới nào từ SEC hoặc Ủy ban Viễn thông Quốc gia, những cơ quan sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện lệnh cấm.
Người thay đổi cuộc chơi
Theo Buenaventura, khi Binance bùng nổ ở Philippines vào năm 2019, nó đã thay đổi cuộc chơi. BloomX là nhà cung cấp đầu tiên trên Binance P2P ở Philippines đạt kỷ lục giao dịch 1 triệu USD.
Theo Buenaventura, nền tảng P2P của Binance có thể cung cấp phí giao dịch thấp hơn nhiều so với các sàn giao dịch trong nước, thường tính phí khoảng 2%.
Buenaventura cho biết: “Có nhu cầu thực sự lớn đối với các giao dịch tiền điện tử có giá tốt”.
Binance P2P cho phép người dùng giao dịch với nhau, mức chênh lệch được nén xuống 0,5%, với 0,1% hoa hồng sẽ được chuyển đến Binance.
Đây được xem là tính năng hấp dẫn và Binance nhanh chóng trở thành nền tảng giao dịch phổ biến nhất đất nước.
BloomX cuối cùng đã rời Binance P2P để tránh khoản phí 0,1% đó và giao dịch trực tiếp hơn với khách hàng. Nhưng Buenaventura cũng lưu ý một số vấn đề khác với nền tảng này: phần lớn các nhà cung cấp không có giấy phép kinh doanh.
Sàn giao dịch trong nước gặp khó khăn
Ngoài ra, mức hoa hồng tương đối thấp của Binance khiến các sàn giao dịch trong nước khó lòng cạnh tranh, đặc biệt khi họ cũng phải trả tiền cho các giấy phép và nghĩa vụ tuân thủ mà Binance không có.
Ngoài Binance, Buenaventura chỉ ra rằng các sàn giao dịch quốc tế không có giấy phép khác chưa được SEC điều tra.
Nếu không có Binance trong bức tranh, phí giao dịch có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, Buenaventura hy vọng rằng áp lực thị trường sẽ khiến giá giảm.
Ông nói: “Có lẽ phí giao dịch sẽ không dừng ở mức 0,5% vì sàn phải tuân thủ nhiều quy định khác nhau, nhưng hy vọng nó sẽ đưa giá xuống mức hợp lý hơn. Điều đó có lợi cho người chơi trong nước vì các sàn giao dịch thực sự đã gặp khó khăn khi xin cấp những giấy phép này, cũng như chịu không ít rắc rối trong việc tuân thủ các quy định”.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Bitcoin ETF thu hút dòng vốn 136 triệu đô la trong ngày 20 tháng 2
- Cái kết cho vụ kiện Binance-DOJ: Có khả năng bị giám sát 5 năm, CZ có thể ngồi tù 18 tháng
- Hoa Kỳ điều tra ứng dụng iOS của Binance Trust Wallet
Việt Cường
Theo DL News