Sự cường điệu về Bitcoin đang lan rộng. Giá của tiền điện tử đã tăng vọt nhờ sự lạc quan xung quanh việc ra mắt các quỹ ETF, thu hút được nhiều nhà đầu tư mới.
Bên cạnh đó, sự kiện halving vào tháng 4 được thiết kế để giảm nguồn cung Bitcoin mới và giữ cho tài sản này khan hiếm, về mặt lý thuyết, sẽ khiến BTC trở nên có giá trị hơn.
Nhưng đằng sau sự hưng phấn là những nguy hiểm đang rình rập.
Lần halving thứ tư và các lần halving sau đó đang đặt ra điều mà Giám đốc điều hành của Gryphon Digital Mining, Rob Chang, mô tả là mối đe dọa hiện hữu, khi Bitcoin có thể dần dần mất đi sự phi tập trung của nó.
Chang nói: “Bản chất của Bitcoin nằm ở tính phi tập trung, mang lại bức tường chống lại sự kiểm duyệt và kiểm soát trung tâm”.
Bitcoin, không giống như đồng USD, không bị kiểm soát bởi bất kỳ thực thể đơn lẻ nào như công ty, ngân hàng hoặc chính phủ, mà là bởi một mạng lưới máy tính rộng lớn.
“Việc mất đi đặc điểm quan trọng đó, nguyên lý trung tâm trong tầm nhìn của Satoshi Nakamoto, không chỉ làm suy yếu nguyên tắc nền tảng mà còn khiến mạng lưới gặp rủi ro bảo mật ngày càng cao… và làm xói mòn lòng tin cũng như tính toàn vẹn mà Bitcoin hướng tới”.
Tình phi tập trung suy yếu
Khi halving xảy ra, có thể vào ngày 20 tháng 4, thợ đào Bitcoin, những người duy trì blockchain, sẽ phải chịu áp lực.
Phần thưởng của họ sẽ giảm từ 6,25 xuống còn 3,25 BTC mỗi khi họ tạo một block mới. Trung bình, khoảng 144 block được “khai thác” mỗi ngày, tương đương với khoảng 450 BTC sẽ được tạo ra mỗi ngày sau halving, giảm từ ngưỡng 900 BTC trước đó.
Nhà phân tích David Han của Coinbase lập luận trong báo cáo vào cuối tháng 1: “Lần halving tiếp theo sẽ làm suy yếu khả năng tồn tại của các công ty khai thác độc lập, phi tổ chức trong việc duy trì lợi nhuận, điều này có thể góp phần hơn nữa vào việc hợp nhất của ngành công nghiệp”.
Marathon Digital Holdings, công ty khai thác Bitcoin được giao dịch công khai lớn nhất ở Mỹ, cho rằng họ đang tập trung nâng cấp các cơ sở khai thác mới.
Điều đáng lo ngại là sự hợp nhất này sẽ gây ra hiệu ứng Domino, có khả năng dẫn đến kịch bản trong đó Bitcoin nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của một số hoặc thậm chí một tổ chức khai thác.
Han viết: “Về lâu dài, tỷ suất lợi nhuận khai thác giảm là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự phi tập trung trong hoạt động khai thác Bitcoin”.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Hậu quả có thể là thảm họa đối với tiền điện tử lớn nhất thế giới.
Chang lưu ý rằng, nếu mạng lưới nằm dưới sự kiểm soát của một thực thể cụ thể, Bitcoin sẽ phải đối mặt với “các cuộc tấn công 51%”, thuật ngữ trong ngành để mô tả việc tiếp quản đa số blockchain.
Trong trường hợp xấu nhất, công ty kiểm soát có thể tùy ý quyết định, chẳng hạn như chi nhiều Bitcoin hơn số tiền họ thực sự sở hữu; nó cũng có thể đảo ngược các giao dịch Bitcoin mà họ không chấp thuận.
Hoặc các nhà đầu tư sợ hãi có thể bán tháo số lượng Bitcoin nắm giữ hàng loạt do sự không đáng tin cậy của công nghệ.
Mối đe dọa lâu dài
Sẽ phải mất một khoảng thời gian sự độc quyền hình thành trên mạng lưới Bitcoin.
Đó là bởi vì không có máy tính của công ty nào có hỏa lực mạnh như vậy. Ngay cả 80.000 cỗ máy trong cơ sở của Marathon tại một thị trấn nhỏ ở Texas cũng hầu như không gây ảnh hưởng gì.
“Marathon cho đến nay là công cụ khai thác công khai lớn nhất nhưng chỉ chiếm 5% hashrate toàn cầu”, giám đốc tăng trưởng của Marathon, Adam Swick, tiết lộ.
Swick nói thêm: “Lượng vốn và tài sản trong thế giới thực, công cụ khai thác, máy biến áp, địa điểm cần có để tập trung khai thác, nâng cao hashrate Bitcoin ngày nay dường như không thể được tiếp cận bởi bất kỳ thực thể đơn lẻ nào”.
Chang cho biết, hiện tất cả các công ty khai thác Bitcoin công khai lớn cộng lại sẽ chỉ sở hữu khoảng 20% mạng lưới.
Mặc dù vậy, theo Mike Cohen, giám đốc điều hành của công ty khai thác tư nhân, Pow.re, đó vẫn là một mối đe doạ lâu dài, khi xu hướng vẫn đang ngày càng trở nên tập trung.
Cohen cho rằng, đó sẽ là một kết quả nghịch lý nếu ngành công nghiệp này trở nên hiệu quả hơn.
Dấu hiệu lạc quan
Nhưng có những dấu hiệu lạc quan đối trọng với mối đe dọa hợp nhất đang rình rập.
Zack Voell, nhà nghiên cứu Bitcoin, nói rằng: “Vẫn có các thợ đào cấp vi mô đang hoạt động và thường thì họ thậm chí không quan tâm đến lợi nhuận. Họ có thể chấp nhận chi trả hóa đơn tiền điện hàng tháng trong suốt một năm vì họ muốn có Bitcoin”.
Ông đồng thời lưu ý rằng, các hoạt động khai thác ở đất nước Bhutan đã không được chú ý trong một thời gian dài. Ngoài ra, hoạt động khai thác cũng đang tăng lên ở Châu Phi.
Taras Kulyk, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp phần cứng khai thác, SunnySide Digital, cho biết công ty của ông đã vận chuyển nhiều giàn máy đào đến các nước châu Phi, nơi có cơ sở thủy điện lớn.
“Một ngôi làng ở Châu Phi không cần 10 megawatt điện. Vì vậy, đã có những ngôi làng sẽ bỏ ra một ít tiền mặt để mua một vài công cụ khai thác Bitcoin và thay vì tích luỹ tiền tiết kiệm bằng nội tệ đang mất giá, họ lại kiếm được Bitcoin”.
Đầu vào cao hơn
Tuy nhiên, Cohen của Pow.re bày tỏ sự nghi ngờ về việc các thợ đào cấp vi mô có thể đóng góp nhiều như vậy cho mạng lưới.
“Ngay cả khi một triệu cá nhân mua hàng triệu máy móc, liệu họ có thể so sánh với một công ty khai thác lớn hay không?”, ông đặt ra câu hỏi.
Việc phát triển một hoạt động nhỏ thành cơ sở lớn cũng ngày càng khó khăn hơn. Chang, Giám đốc điều hành của Gryphon Digital Mining, cho biết: “Thời kỳ ‘người mới tham gia’ đã kết thúc. Chúng tôi là một trong những người cuối cùng có thể làm được điều đó”.
Được thành lập vào năm 2020, Gryphon trở thành công ty đại chúng vào ngày 9/2. Chang ước tính rằng một thợ đào giờ đây sẽ cần huy động tới 100 triệu USD để làm được điều tương tự, một viễn cảnh khó khăn.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- 8 sự kiện trong tháng 3 có thể tàn phá thị trường tiền điện tử
- CryptoQuant: Đà tăng giá của Bitcoin chưa đạt đến đỉnh điểm
- Liệu ETH có thể vượt qua mức 4.800 đô la trong chu kỳ này không?
Việt Cường
Theo DL News