Bất chấp việc Bitcoin (BTC) giảm 2,5% trong 24 giờ qua xuống gần 101.600 USD, gây ra gần 200 triệu USD thanh lý vị thế long, báo cáo mới nhất từ Bitfinex Alpha cho thấy các chỉ số on-chain vẫn duy trì xu hướng tích cực.
Đợt điều chỉnh này diễn ra sau khi BTC phục hồi mạnh từ vùng đáy gần 74.000 USD lên đỉnh gần nhất 105.660 USD, chỉ cách đỉnh lịch sử 109.590 USD khoảng 3,6%. Tính đến thời điểm hiện tại, giá BTC vẫn giao dịch quanh 102.606 USD, giảm 1,53% trong ngày theo dữ liệu từ Tạp Chí Bitcoin và vẫn duy trì trên ngưỡng 100.000 USD – lần đầu tiên vượt mốc này trong hơn ba tháng.
Đà phục hồi phản ánh sự chuyển dịch tâm lý vĩ mô rộng hơn, đặc biệt là sau cuộc họp chính sách tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nơi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng điều chỉnh linh hoạt trong tương lai. Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận hoạt động kinh tế có dấu hiệu chững lại và nhu cầu tiêu dùng yếu đi, tạo điều kiện cho một chính sách lãi suất cân bằng hơn.
Song song đó, căng thẳng thuế quan Mỹ – Trung đang hạ nhiệt, giúp giảm rủi ro địa chính trị và hỗ trợ các tài sản có tính phòng thủ như Bitcoin, vốn đang thể hiện mức độ bền vững tốt hơn so với thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây.
Sức mạnh từ dòng vốn thực và áp lực bán suy giảm
Sự thay đổi trong bối cảnh vĩ mô đã tái cấu trúc luồng vốn trong thị trường tiền điện tử. Theo báo cáo, vốn hóa thực tế (realized cap) của Bitcoin – đại diện cho tổng giá vốn của toàn bộ nguồn cung lưu hành – vừa đạt kỷ lục mới 889 tỷ USD, phản ánh niềm tin nhà đầu tư ngày càng tăng và dòng vốn mới đang hỗ trợ đà tăng thay vì chỉ là hoạt động giao dịch đòn bẩy ngắn hạn.
Trong 30 ngày qua, realized cap của BTC đã tăng 2,1%, cho thấy động lực tăng trưởng đến từ dòng tiền thực. Đồng thời, lượng BTC đang thua lỗ chưa hiện thực hóa (unrealized loss) đã giảm mạnh. Trong đợt điều chỉnh tháng 3 – 4, có hơn 5 triệu BTC (tương đương 25% nguồn cung hoạt động) rơi vào trạng thái thua lỗ. Con số này hiện chỉ còn khoảng 700.000 BTC, tức dưới 3%, báo hiệu cấu trúc thị trường đang nghiêng về phía có lợi nhuận – một yếu tố từng hỗ trợ các giai đoạn tăng giá bền vững trước đây.
Dòng tiền tổ chức trở lại mạnh mẽ
Báo cáo cũng chỉ ra vai trò ngày càng lớn của tổ chức trong đợt phục hồi này. Các quỹ ETF Bitcoin giao ngay tại Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 920 triệu USD dòng tiền vào trong hai tuần qua, trong đó quỹ IBIT của BlackRock chiếm hơn một nửa. Khoảng 70-80% giao dịch ETF diễn ra trong khung giờ giao dịch chính thức của thị trường Mỹ (10h sáng – 4h chiều theo giờ miền Đông), cho thấy đây là dòng vốn phân bổ có hệ thống, không phải giao dịch mang tính đầu cơ ngắn hạn.
Đáng chú ý, dòng vốn ETF ngày càng tách biệt khỏi biến động giá ngắn hạn. Sự phân kỳ này, kết hợp với dòng tiền ổn định và môi trường vĩ mô đang tái cân bằng, đã giúp thị trường Bitcoin duy trì ổn định bất chấp điều chỉnh nhẹ gần đây.
Hành vi mua vào mang tính hệ thống từ tổ chức đang đóng vai trò như “mức hỗ trợ mềm” cho Bitcoin, giúp hạn chế đà giảm và tạo đáy giá vững chắc. Diễn biến trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng củng cố xu hướng rủi ro tăng: lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 9 điểm cơ bản trong tuần, chỉ số DXY rơi xuống dưới 104,5, trong khi kỳ vọng lạm phát (đo bằng hợp đồng hoán đổi 5Y5Y) vẫn được neo giữ ổn định – tất cả góp phần tạo điều kiện thanh khoản thuận lợi cho tài sản số.
Nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục hỗ trợ, vùng giá hiện tại của Bitcoin có thể trở thành nền tảng tích lũy mới cho chu kỳ tăng tiếp theo.
- Chuyên gia dự báo Bitcoin sẽ tiếp tục tạo ATH mới trong năm 2025
- Bitcoin và ETH sắp phải chịu cơn ác mộng thanh lý?
- Bitcoin dưới tay chính phủ và tổ chức: Hợp pháp hóa lịch sử hay mối đe dọa phi tập trung?
Thạch Sanh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Bitfinex
- BlackRock
- BTC
- Fed
- Jerome Powell
- Tạp Chí Bitcoin