Pi Network đang đối mặt với thách thức lớn khi gần một nửa tổng số node của mạng này tập trung tại Việt Nam. Sự tập trung cao độ này, cộng thêm việc các quy định về tiền điện tử tại Việt Nam đang ngày càng siết chặt, đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về mức độ phi tập trung và tính ổn định dài hạn của dự án.
Ngoài ra, việc đội ngũ phát triển nắm giữ phần lớn nguồn cung Pi Coin (PI) càng làm gia tăng mối quan ngại từ cộng đồng.
Tương lai của Pi Network liệu có đang bị đe dọa?
Theo dữ liệu từ PiScan, Việt Nam hiện đang là nơi đặt 154 trong tổng số 319 node toàn cầu của Pi Network, chiếm đến 48,2%. Tại thời điểm cập nhật, trong số 76 node đang kết nối, 33 node đến từ Việt Nam, tiếp tục cho thấy mức độ chi phối lớn của quốc gia này đối với hệ thống mạng lưới.

Đáng lưu ý, Pi Network hiện chỉ có hai node xác thực (validator), và cả hai đều thuộc sở hữu của đội ngũ phát triển – một vấn đề nghiêm trọng về tính tập trung, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính minh bạch và toàn vẹn của mạng lưới.
Thêm vào đó, sự tập trung về mặt địa lý của các watcher node tại Việt Nam cũng làm dấy lên mối lo về tính công bằng và phi tập trung thực sự, khi người dùng từ một quốc gia có thể nắm quyền kiểm soát quá lớn đối với hoạt động của toàn mạng.
Khung pháp lý tại Việt Nam làm tình hình thêm phức tạp. Theo quy định hiện hành, các loại tiền mã hóa như Pi Coin không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo rằng người dùng Pi Coin để thanh toán có thể bị xử phạt.
“Mọi cá nhân hoặc tổ chức sử dụng tiền mã hóa, bao gồm Pi Coin, để thực hiện giao dịch thanh toán sẽ bị xử phạt theo Điều 26, Khoản 6 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm d, Khoản 15, Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206”, cơ quan chức năng nhấn mạnh trong thông báo vào tháng 3.
Không dừng lại ở đó, chính quyền Việt Nam đã từng cảnh báo người dân về các rủi ro tiềm ẩn của Pi Network, thậm chí vào năm 2023 đã tiến hành điều tra dự án vì nghi ngờ mô hình kinh doanh không minh bạch.
Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã đề xuất một khung quản lý mới nhằm siết chặt hoạt động tiền điện tử, trong đó bao gồm quy định chỉ cho phép các tổ chức được cấp phép mới được lưu ký tiền mã hóa. Nếu được thông qua, chính sách này có thể ảnh hưởng đến hoạt động khai thác Pi tại quốc gia này, qua đó gây ra bất ổn cho hạ tầng vận hành của toàn bộ mạng lưới.
Bên cạnh vấn đề địa lý và pháp lý, cấu trúc phân bổ token của Pi Network cũng khiến nhiều người lo ngại. Dữ liệu từ PiScan cho thấy các ví thuộc sở hữu của Pi Foundation đang nắm giữ hơn 60,7 tỷ Pi, tức hơn 60% trong tổng cung tối đa 100 tỷ Pi.

Tình trạng này càng làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và đi ngược lại tinh thần phi tập trung mà tiền điện tử hướng tới.
“Chừng nào đội ngũ còn nắm giữ lượng coin khổng lồ như thế, thì mạng lưới này không bao giờ thực sự phi tập trung”, một người dùng bình luận trên Reddit.
Chưa dừng lại, theo một báo cáo gần đây, một thành viên của Pi Network – hay còn được gọi là Pioneer – còn cáo buộc rằng đội ngũ phát triển đang âm thầm bán coin nội bộ, làm suy giảm lòng tin của cộng đồng.
Đối với một dự án tự quảng bá là hệ sinh thái “do người dùng làm chủ và phi tập trung”, thì việc giải quyết những lỗ hổng về cấu trúc như hiện tại là điều bắt buộc nếu muốn giữ vững uy tín và đảm bảo sự ổn định lâu dài.
- Tại sao niêm yết Pi Network trên Coinbase quan trọng hơn Binance?
- Pi Network lao dốc 35% – Liệu có thể lật ngược tình thế?
Justin
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Pi Network