Nhiều chính phủ trên thế giới đang xem xét lại các chương trình “thị thực vàng” (golden visa) – hình thức cho phép các nhà đầu tư giàu có, bao gồm cả lãnh đạo trong ngành tiền điện tử, được cấp quyền cư trú hoặc quốc tịch.
Các chương trình thị thực vàng cho phép người nộp đơn nhận quyền công dân sau khi đầu tư một khoản tiền, thường lên tới hàng trăm nghìn USD, vào quỹ đầu tư hoặc bất động sản trong nước. Dù hình thức này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và thu hút nhân tài toàn cầu, một số quốc gia hiện đang cân nhắc lại chiến lược này.
Vào tháng 5, Tòa án Liên minh châu Âu đã ra phán quyết tuyên bố chương trình hộ chiếu vàng của Malta là bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu cho rằng chương trình Nhập tịch Malta dành cho các nhà đầu tư đặc biệt (MEIN) đã thương mại hóa quyền công dân châu Âu. Trước đó, Cộng hòa Síp và Bulgaria đã chấm dứt các chương trình thị thực vàng lần lượt vào năm 2021 và 2022.
Việc sở hữu nhiều hộ chiếu và quốc tịch là điều hấp dẫn với các nhà đầu tư tiền điện tử, đặc biệt khi các quốc gia đang triển khai các chính sách thuế và quy định thân thiện với crypto. Tuy nhiên, việc sở hữu hộ chiếu thứ hai, thậm chí thứ ba, đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Thị thực vàng ngày càng bị siết chặt
Thị thực vàng từ lâu đã được xem là cách hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Alessandro Palombo, đồng sáng lập và CEO của Bitizenship – công ty tư vấn hợp tác với chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha – chia sẻ:
“Đây là mối trao đổi đôi bên cùng có lợi: quốc gia nhận được đầu tư và tăng trưởng, còn nhà đầu tư được hưởng quyền cư trú, khả năng di chuyển mở rộng và trong một số trường hợp là con đường nhập tịch.”
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu về chương trình “Trump Gold Card” – tương tự như “đặc quyền thẻ xanh nâng cấp”, ông cho rằng kế hoạch này sẽ thu hút những người giàu tới Mỹ, “chi tiêu nhiều, nộp nhiều thuế và tạo ra nhiều việc làm”.
Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia nhỏ, vốn ít cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chương trình này có thể bị lạm dụng. Ví dụ, trong trường hợp của Bulgaria, các nghị sĩ châu Âu lo ngại chương trình đã tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng và rửa tiền. Theo công ty truyền thông Al Jazeera, các nhà đầu tư hưởng lợi lớn nhất từ chương trình này đến từ Trung Quốc, Nga và Trung Đông.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện đột ngột của giới đầu tư giàu có cũng có thể tạo ra những hệ lụy kinh tế cho người dân địa phương.
Ngày 3/4, Tây Ban Nha tuyên bố hủy bỏ chương trình thị thực vàng vì lo ngại giá nhà tăng phi mã, vượt ngoài khả năng chi trả của người dân. Con đường nhập tịch thông qua chương trình này chủ yếu là đầu tư bất động sản – yếu tố mà các nhà lập pháp tin rằng đang góp phần gây ra khủng hoảng nhà ở.
Tại Bồ Đào Nha, quốc gia được mệnh danh là “thủ phủ crypto của châu Âu”, chương trình thị thực vàng cũng đang đối mặt với các chính sách thắt chặt hơn. Palombo chia sẻ rằng Bồ Đào Nha đang tiến tới các chính sách hạn chế hơn, bao gồm siết điều kiện cư trú và nhập tịch.
Dù là vì lý do an ninh, chống rửa tiền (đặc biệt kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra) hay do áp lực kinh tế từ việc dòng tiền lớn đổ vào thị trường địa phương, nhiều chương trình thị thực vàng đang dần bị thu hẹp.
Tại sao thị thực vàng lại hấp dẫn với nhà đầu tư tiền điện tử?
Thị thực vàng đặc biệt hấp dẫn với giới đầu tư crypto giàu có và thường xuyên di chuyển, bởi họ có thể nhận quyền cư trú, thậm chí cả quyền công dân, trong khi yêu cầu thời gian lưu trú thực tế rất thấp.
Trong một số trường hợp, người nộp đơn chỉ cần ở lại quốc gia đó khoảng 5 ngày mỗi năm nhưng vẫn được hưởng các quyền lợi như công dân.
Thậm chí, một số chương trình thị thực vàng đã tích hợp tiền điện tử trực tiếp vào cấu trúc đầu tư. Tại Bồ Đào Nha, chương trình Bitcoin Eco Golden Visa cho phép nhà đầu tư tiếp cận Bitcoin và các công ty địa phương thông qua một quỹ đầu tư, đồng thời được hưởng các quyền lợi của chương trình thị thực vàng Bồ Đào Nha.
Tại El Salvador, quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, một đạo luật năm 2023 quy định rằng bất kỳ ai đầu tư 1 triệu USD bằng Bitcoin hoặc Tether (USDT) sẽ được cấp quốc tịch.
Tại Ý, Bitizenship đang triển khai một lộ trình thị thực vàng cho phép nhà đầu tư nhận quyền cư trú nếu đầu tư 250.000 euro vào một startup Bitcoin trong nước.
Rõ ràng, nhu cầu đối với các chương trình thị thực gắn với tiền điện tử đang gia tăng, đặc biệt tại các quốc gia có chính sách thân thiện với crypto. Cơn sốt xoay quanh một chương trình thị thực vàng mới liên quan đến crypto đã dẫn đến một “thảm họa truyền thông” vào đầu tháng này, khi TON Foundation vội vàng công bố một chương trình thị thực vàng dành cho UAE.

TON Foundation – tổ chức đứng sau mạng lưới The Open Network được phát triển bởi ứng dụng nhắn tin Telegram – đã tuyên bố vào đầu tháng 7 rằng nhà đầu tư có thể nhận được “thị thực vàng 10 năm chỉ với phí xử lý một lần là 35.000 USD”, bên cạnh khoản staking 100.000 USD trên blockchain của The Open Network trong 3 năm.
Ngay sau đó, ba cơ quan quản lý của UAE gồm Cơ quan Liên bang về Nhận dạng, Quốc tịch, Hải quan và An ninh Cảng, Cơ quan Chứng khoán và Hàng hóa (SCA) và Cơ quan Quản lý Tài sản Ảo (VARA) đã đồng loạt ra tuyên bố bác bỏ thông tin trên.
TON sau đó đã đính chính rằng thông báo bị đưa ra quá sớm, đồng thời khẳng định tổ chức này đang làm việc độc lập với một “đối tác được cấp phép” để xây dựng chương trình, trong khi quyền phê duyệt cuối cùng vẫn thuộc về các cơ quan quản lý của UAE.
Các lựa chọn đầu tư trong các chương trình thị thực vàng có thể đang mở rộng – chẳng hạn như Bitcoin Eco Golden Visa tại Bồ Đào Nha hoặc mô hình đầu tư startup crypto tại Ý. Tuy nhiên, xu hướng chung là các chương trình thị thực vàng đang ngày càng bị siết chặt và thu hẹp phạm vi áp dụng.
Từ năm 2020, ít nhất 9 quốc gia đã ra quyết định chấm dứt chương trình này, bao gồm: Anh, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bulgaria, Síp, Montenegro, Moldova và Malta.
Palombo nhận định:
“Những gì hợp pháp hôm nay có thể trở thành bất hợp pháp chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng. Xu hướng này đang gia tăng nhanh chóng. Thị thực vàng, vốn từng phổ biến, giờ đang dần trở thành hàng hiếm.”
- Cá voi đang mua gì sau thành công Tuần lễ tiền điện tử của Mỹ?
- Thị trường tiền điện tử điều chỉnh, hơn 700 triệu USD bị thanh lý – 85,3% là lệnh Long
Itadori
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Donald Trump
- TON Foundation