Thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại về một làn sóng tài chính tiêu cực trên toàn cầu, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường crypto. Các chuyên gia phân tích đang gióng hồi chuông cảnh báo khi lợi suất trái phiếu tăng vọt vào thời điểm những cấu trúc tài chính lâu đời có dấu hiệu rạn nứt.
Khủng hoảng trái phiếu Nhật có thể lan rộng ra toàn cầu
Chỉ trong vòng 45 ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm đã tăng tới 100 điểm cơ bản, đạt mức cao kỷ lục 3,2%. Trong khi đó, trái phiếu 40 năm – vốn được xem là tài sản “an toàn” – đã mất hơn 20% giá trị, gây ra khoản lỗ hơn 500 tỷ USD trên thị trường.
Theo nhà phân tích Financelot, thanh khoản thị trường trái phiếu đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008 – một tín hiệu đáng lo ngại cho thấy nguy cơ khủng hoảng tài chính đang cận kề.

Nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ sự thay đổi đột ngột trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Sau nhiều năm theo đuổi chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, BOJ bất ngờ rút lui, khiến lượng cung đổ dồn ra thị trường và đẩy lợi suất tăng cao.
Hiện BOJ đang nắm giữ 4,1 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ, tương đương 52% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường. Việc nắm giữ quy mô lớn này đã “bóp méo” mức định giá và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Tổng nợ công của Nhật hiện đã cán mốc 7,8 nghìn tỷ USD, đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP lên mức kỷ lục 260%, gấp hơn hai lần Mỹ.

Kết quả là GDP thực của Nhật giảm 0,7% trong quý I năm 2025, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo 0,3%. Trong khi đó, lạm phát CPI tháng 4 đã tăng lên 3,6%, còn tiền lương thực tế giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ “đình lạm” – lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng chậm.
“Nhật Bản cần một cuộc tái cơ cấu kinh tế lớn”, The Kobeissi Letter cảnh báo, nhấn mạnh sự mong manh trong mô hình kinh tế hiện tại.
Bitcoin nổi lên như tài sản trú ẩn an toàn
Khi các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu phản ứng trước loạt tín hiệu nguy hiểm từ thị trường tài chính Nhật Bản, sự chú ý đang chuyển dần sang tiền điện tử – đặc biệt là Bitcoin. Đồng tiền kỹ thuật số tiên phong này đang ngày càng thể hiện vai trò như một kênh trú ẩn tiềm năng trước biến động trái phiếu.
Chiến lược “carry trade” với đồng Yên – trong đó nhà đầu tư vay vốn với lãi suất thấp bằng đồng Yên để đầu tư vào tài sản lợi suất cao ở nước ngoài – đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo tờ Wolf Street, lợi suất trái phiếu Nhật tăng vọt trong khi nền kinh tế suy yếu đã “siết chặt” các vị thế đòn bẩy cao này.
“Mớ hỗn độn khổng lồ này đang quay trở lại và giáng đòn chí mạng vào thị trường”, Wolf Street bình luận, đồng thời cho rằng việc cố gắng thoát khỏi các giao dịch carry trade có thể kích hoạt làn sóng rút vốn toàn cầu khỏi tài sản rủi ro.
Biến động đã bắt đầu hiện rõ: khi lợi suất tại Nhật và Anh tăng, nhu cầu nắm giữ Bitcoin cũng tăng mạnh tại cả hai thị trường.
“Có phải trùng hợp khi cả Anh và Nhật đều đang chứng kiến nhu cầu tiếp cận Bitcoin tăng vọt hay không?”, nhà phân tích James Van Straten đặt câu hỏi, đồng thời lấy dẫn chứng về việc lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm đang tiệm cận mức cao nhất trong vòng 27 năm qua.
Trong khi đó, Cauê Oliveira – Giám đốc nghiên cứu tại BlockTrendsBR – cũng xác nhận mối tương quan tích cực giữa biến động trái phiếu và dòng tiền đổ vào Bitcoin. Quan điểm này đã được Andre Dragosche – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Âu của Bitwise – đồng tình.
“Rất nhiều nhà đầu tư lớn đang xoay chuyển danh mục từ trái phiếu sang BTC”. Oliveira nhận định.

Tính đến thời điểm viết bài, Bitcoin đang được giao dịch quanh mức 110.000 USD, giảm nhẹ 0,34% trong 24 giờ qua.
Tuy nhiên, vai trò “trú ẩn” của Bitcoin cũng đi kèm những rủi ro nhất định. Theo một phân tích gần đây về chiến lược “carry trade” với đồng Yên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu việc thoát vị thế diễn ra một cách hỗn loạn, không chỉ thị trường truyền thống mà ngay cả crypto cũng có thể chịu áp lực bán tháo, nhất là khi USD mạnh lên và dòng tiền rút khỏi tài sản rủi ro tăng cao.
Dẫu vậy, xét về dài hạn, cuộc khủng hoảng nợ công của Nhật có thể củng cố vai trò của Bitcoin như một hàng rào chống bất ổn tiền tệ. Khi các tài sản truyền thống vốn được coi là “an toàn” như trái phiếu chính phủ dài hạn bắt đầu suy yếu, ngày càng có nhiều tổ chức lớn xem tài sản kỹ thuật số là lựa chọn thay thế hợp lý.
- Dự báo táo bạo: Chuyên gia ấn định thời điểm Bitcoin đạt $200.000 trong năm 2025
- Công ty thực phẩm châu Á DDC Enterprise mua 21 BTC
Justin
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.