Mặc dù bitcoin và những đồng tiền kĩ thuật số khác có vẻ kỳ lạ, chúng có một số đặc điểm giống với tiền mặt thông thường. Dưới đây là một số khía cạnh bitcoin giống với tiền mặt mà bạn thường sử dụng hằng ngày, cho dù về nguyên tắc hay trong thực tế.
1. Không có giá trị nội tại
Các nhà kinh tế học Aleksander Berentsen và Fabian Schär giải thích trong một bài báo gần đây của St. Louis Fed Review rằng các đơn vị bitcoin không có giá trị nội tại. Về thuật ngữ kinh tế, một vật thiếu giá trị nội tại nghĩa là bản thân nó không có giá trị riêng. Nhưng như các tác giả đã lưu ý, “các đồng tiền độc quyền quốc gia, như đồng đô la Mỹ, đồng euro và đồng franc Thụy Sĩ, cũng không có giá trị nội tại”.
Hãy cùng làm sáng tỏ điều này.
Tiền tệ kỹ thuật số tồn tại dưới dạng dữ liệu. Tiền mặt trong ví của bạn được tạo thành nhờ sự pha trộn của 75% bông và 25% lanh. Cả hai đều không có giá trị nội tại.
Hãy so sánh với tiền dưới dạng hàng hóa, như vàng hoặc bạc. Hoặc như tiền đại diện, giấy chứng nhận hoặc mã thông báo có thể được dùng để trao đổi cho một mặt hàng cơ sở như vàng. Vì Hoa Kỳ đã ra khỏi chế độ bản vị vàng từ lâu, tiền giấy trong ví của bạn không còn đại diện cho vàng, dù bạn vẫn có thể dùng nó để mua hàng hóa và dịch vụ.
Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng đồng đô la là hợp pháp. Trái phiếu do Cục Dự trữ Liên bang phát hành cũng là tiền danh nghĩa.
Cách định nghĩa bitcoin vẫn đang có nhiều tranh cãi: Tiền tệ? Tài sản? Đầu tư? Dù bạn nhìn nhận theo góc độ nào thì các đơn vị bitcoin vẫn không có giá trị nội tại.
2. Có nguồn cung hữu hạn
Cục Dữ trữ Liên bang không in tiền. Tuy nhiên, Cục Dữ trữ có thể tăng hoặc giảm lượng tiền cơ sở. Về cơ bản, lượng tiền cơ sở bao gồm số dư dự trữ mà các tổ chức lưu ký (như các ngân hàng) nắm giữ cùng với Cục Dữ trữ, cộng với tiền tệ trong lưu thông.
Còn 20 đô la Mỹ mà bạn quên trong túi áo của bạn thì sao? Thực ra thì, nó vẫn được xem là tiền trong lưu thông.
Có bao nhiêu đơn vị tiền tệ Hoa Kỳ? Theo Ban Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, còn số này vào khoảng 1,63 nghìn tỷ đô la tính đến ngày 21 tháng Ba. Trong số đó, 1,59 nghìn tỷ đô la là trái phiếu mà Cục Dự trữ Liên bang ban hành.
Tuy 1 nghìn tỷ đô la hoặc hơn không có vẻ như là khan hiếm, sự khan hiếm là một trong những đặc tính cốt lõi của tiền. Để duy trì giá trị của nó, tiền phải có nguồn cung hạn chế. Cục Dự trữ Liên bang, đóng vai trò là ngân hàng trung ương của quốc gia, cẩn trọng trong việc điều chỉnh nguồn cung đô la để duy trì sự ổn định giá cả và tỉ lệ có việc làm tối đa.
Không có ngân hàng trung ương nào kiểm soát nguồn cung bitcoin. Giá bitcoin biến động, đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, có một giới hạn trên cho khối lượng của nó. Theo ghi chú của Berentsen và Schär, khi tạo ra đồng tiền này, nó đã được lên kế hoạch để số lượng đơn vị có thể cuối cùng hội tụ ở mức 21 triệu.
3. Không có các tổ chức trung gian
Berentsen và Schär giải thích rằng nguồn gốc của bitcoin xuất phát từ một tờ giấy trắng được ban hành dưới cái tên Satoshi Nakamoto. Trong tài liệu đó, tác giả (hoặc nhóm các tác giả) mô tả một tầm nhìn: “Một phiên bản tiền điện tử hoàn toàn ngang hàng sẽ cho phép các khoản thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này sang bên khác mà không phải thông qua một tổ chức tài chính”.
Theo cách đó, bitcoin được thiết kế với nhiều đặc điểm giống với tiền mặt.
Tiền mặt không yêu cầu trung gian xử lý giao dịch. Không giống như thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ứng dụng, không bên thứ ba nào quản lí tài khoản của bạn.
Hơn nữa, Berentsen và Schär đã viết rằng, “Không có mối quan hệ tín dụng phát sinh giữa người mua và người bán. Đây là lý do tại sao các bên liên quan có thể ẩn danh”.
Theo tapchibitcoin.vn/stlouisfed