Bitcoin đã trở thành công cụ thử nghiệm về tính hiệu lực của nhiều lý thuyết tiền tệ. Lý thuyết nào chứng minh được khả năng lý giải Bitcoin thì được tăng độ tin cậy và ngược lại. Ví dụ như Nicolás Cachanosky và Casey Pender gần đây đã đưa ra nhận định rằng Bitcoin và các đồng tiền số khác có thể được giải thích tương ứng với tầm nhìn của Friedrich Hayek về hệ thống tiền tệ tư nhân như ông đề cập trong quyển “The Denationalisation of Money”.
Nếu Bitcoin là một phương thức thử nghiệm, sẽ khá hay ho để đặt nó vào một cuộc tranh luận hấp dẫn về tiền tệ hồi đầu thế kỷ 20 giữa Joseph Shield Nicholson và Benjamin Anderson trên chủ đề những thứ có thể trở thành tiền. Cả hai nhà kinh tế học đều không nằm trong hàng ngũ nhà kinh tế vĩ đại của nhân loại nhưng những ý tưởng họ đưa ra tranh luận là rất quan trọng và trường tồn. Nicholson đã đặt giả thuyết rằng: có thể đưa vào lưu thông sự vật vô dụng nhất trong trí tưởng tượng của ông – bộ xương của loài chim dodo. Sức mua ban đầu của những bộ xương chim sẽ được xác định cơ học bằng cách tham chiếu số lượng xương và “tốc độ lưu thông” của chúng.
Anderson không tán thành với giả thuyết rằng một vật vô dụng có thể biến thành tiền, và ông đã dành hẳn một chương trong quyển “The Value of Money” để phê bình thí nghiệm tưởng tượng của Nicholson. Nicholson đã tưởng tượng khung cảnh như thế này: 10 thương gia, mỗi người sở hữu một món từ thể loại hàng hoá tương tự, và 1 thương nhân muốn mua tất cả mọi thứ bằng chiếc ví tiền rủng rỉnh chứa 100 cái xương chim dodo. Khi thị trường mở cửa kinh doanh, thương nhân có xương dodo sẽ đề nghị mua hàng hóa của 10 thương gia với giá 10 cái xương mỗi món.
Anderson nâng tầm lời phản bác Nicholson. Có lý do gì để người ta từ bỏ hàng hóa có giá trị của mình đổi lấy xương chim dodo vô giá trị? Có lẽ người thương nhân biết các thương gia có thể lấy xương của anh ta. Nhưng tại sao họ phải làm vậy? Anderson viết: “Trên thực tế, giả thuyết đó đang cho rằng xương chim sẽ lưu thông bởi vì chúng sẽ lưu thông”, nhưng câu trả lời đó hầu như không giải mã bí ẩn làm thế nào tạo giá trị cho loại tiền tệ mới.
Từ trái sang: Chân dung hai nhà kinh tế học tiền tệ Joseph Shield Nicholson và Benjamin Anderson.
Để giải quyết vấn đề lưu thông của Anderson, cần một công cụ đã được định giá cho một số trường hợp sử dụng khác không liên quan đến mục đích tiền tệ của nó. Có lẽ công cụ này cũng được sử dụng như một loại hàng hóa, hoặc có thể chuyển đổi sang mặt hàng khác, hoặc chính phủ yêu cầu nó thanh toán các khoản thuế. Bất kể trong trường hợp nào thì người A không cần chấp nhận token như phương thức thanh toán bởi vì anh ta muốn đánh tráo nó cho người B, rồi người B mong người C chấp nhận nó, cứ thế tiếp tục. Thay vì vậy, người A có thể chấp nhận token đó vì nó đã có giá trị vì một số lý do nào khác.
Lịch sử thường ủng hộ lý thuyết của Anderson. Những đồng tiền mới luôn được đúc từ kim loại quý thay vì phương tiện vô giá trị nội tại như giấy. Theo nghiên cứu năm 1956 của George Selgin về hầu hết các loại tiền giấy mới đều được liên kết với phương tiện trao đổi đã thiết lập với tỷ giá trao đổi cố định. Ví dụ như khi phát hành thì đồng euro đã được gán cố định với 12 đồng tiền quốc gia ban đầu. Ngay cả cuộc thử nghiệm tiền giấy khét tiếng nhất thế giới là ngân hàng Banque General của John Law cũng bắt đầu bằng những tờ giấy đổi được xu vàng.
Nghiên cứu của Selgin viết vào năm 1994, khá lâu trước khi tiền tệ kỹ thuật số xuất hiện. Cho đến sau năm 2008, mùa nở rộ của hàng ngàn đồng tiền số từ Bitcoin cho đến Dentacoin hay Sexcoin dường như rốt cuộc đã ủng hộ giả thuyết của Nicholson. Giống như những bộ xương chim dodo của Nicholson, các token kỹ thuật số này không có giá trị gì ngoài khả năng được trao đổi, và chúng cũng không tồn tại với một tỷ giá trao đổi cố định ngang với một loại hàng hóa hay tiền tệ hiện có. Thị trường tiền số do vậy chịu đả kích bởi vấn đề lưu thông của Anderson, và điều này nên (ít nhất là theo lý thuyết) loại trừ các thực thể đồng tiền số đó. Tuy nhiên mọi người đã và đang giao dịch tiền số ở mức giá khá tích cực. Các nhà phân tích thị trường tiền số như Chris Burniske thậm chí áp dụng lối logic kiểu Nicholson, phương trình trao đổi tiền tệ, nhằm định đoạt giá trị hợp lý cho Bitcoin.
Giá trị tích cực của Bitcoin không phải trên trời rơi xuống. Nếu một nhóm nội bộ làm việc cùng nhau để tạo ra một loạt giao dịch Bitcoin, người bên ngoài có thể sẽ quan sát thấy bản ghi giá cả tích cực và bị đánh lừa để tiếp cận những token bản chất vô dụng. Trong bài nghiên cứu có tên “Getting off the Ground: The Case of Bitcoin”, William Luther phân tích các thông điệp còn sót lại trên các danh sách thảo luận Bitcoin trong buổi đầu phát triển, trong đó minh họa cách những người sớm chấp nhận đồng tiền số đã hiểu ra tầm quan trọng của việc phối hợp nhằm khởi động giá Bitcoin.
Lý thuyết tiền tệ của Anderson dường như không đạt kết quả khả quan qua bài thử nghiệm Bitcoin, điều này buộc chúng ta đặt câu hỏi về truyền thống phát hành tiền xu mới chứa kim loại quý, hoặc tiền giấy dùng đổi lấy công cụ có giá trị hiện có. Từ giờ trở đi tại sao các quốc gia không tạo ra những loại tiền pháp định mới chẳng từ cái gì cả, giống như cách Bitcoin vươn lên bằng nỗ lực của chính nó?
Tôi khá cảnh giác trước việc sử dụng Bitcoin để thử nghiệm lý thuyết tiền tệ dù đó có là lý thuyết của Hayek, Anderson hay bất kỳ ai khác. Không chỉ Bitcoin mà còn có hàng trăm hoặc có lẽ là hàng ngàn đồng tiền số khác được hình thành và phát triển trong thập kỷ vừa qua. Sự xuất hiện của những loại tiền mới này có vẻ dễ dàng đến mức đáng nghi ngờ. Dù trong lịch sử tiền tệ chưa từng có trường hợp tiền xương chim dodo, trong dòng chảy rộng lớn của lịch sử tài chính chắc chắn đã từng có một loại tàn sản kiểu ấy. Mấy tờ IOU (giấy nợ) vô dụng như thư dây chuyền và lời hứa hão từ những mô hình lừa đảo Ponzi và mô hình đa cấp đã phát sinh qua nhiều thế kỷ. Tiền kỹ thuật số có thể mang nhiều điểm chung với những hiện tượng xấu này nhưng lại ít giống các hiện tượng tiền tệ khác như đô la, tiền giấy, và tiền xu.
Thực tế này phần nào được khẳng định bởi quan sát cho thấy tiền số không thể hiện cùng mô hình giao dịch của phương tiện trao đổi truyền thống. Đồng tiền số lớn nhất là Bitcoin chỉ được chấp nhận bởi một số ít các nhà bán lẻ lớn. Khi trao đổi tiền số thì người tham gia dường như có động lực đầu cơ nhiều hơn chứ không phải để thanh toán hàng hoá và dịch vụ. Người ta không sử dụng tiền số nhiều để mua hàng khiến tôi tin rằng Bitcoin cũng như các đồng tiền số khác chưa thể được xem là hiện tượng tiền tệ, và vì vậy các nhà kinh tế học tiền tệ không có nghĩa vụ lý giải nó. Tôi chỉ có thể nói, hiện tại lời phê bình của Anderson về lý thuyết xương chim dodo của Nicholson âu cũng là hợp lý.
Xem thêm:
- Tương lai Bitcoin: Là Tiền tệ hay Bước đệm cho những điều vĩ đại hơn – Phần 1 (Giới thiệu)
Theo Tapchibitcoin.vn/AIER.