Theo Bộ Công an, hình thức hoạt động của Công ty tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Đôi điều về ERG
Eagle Rock Global (ERG) tự giới thiệu là Công ty tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, có trụ sở tại quần đảo Virgin (Anh); tập trung mạnh mẽ vào 05 lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là Trading (thương mại), Mining (khai thác crypto), Game (trò chơi trực tuyến), Paid to Click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), Ecommerce (thương mại điện tử); mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử, tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn tới 180 %/năm.
ERG hoạt động như thế nào?
Mô hình gây quỹ cộng đồng hiện đại này thường dựa trên ba loại tác nhân: người khởi xướng dự án đề xuất ý tưởng hoặc dự án được tài trợ, các cá nhân hoặc nhóm ủng hộ ý tưởng và một tổ chức kiểm duyệt đưa các bên cùng nhau đưa ra ý tưởng.
Hình thức hoạt động kinh doanh của ERG là: Nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG thì phải cài đặt ứng dụng (thường gọi là app) do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tham gia vào một trong 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/gói đến 01 triệu USD/gói. Lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6 %/tháng đến 15 %/tháng, tương đương 180 %/năm.
Mô hình hoạt động của ERG
Nhà đầu tư có hai hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Công ty tài chính công nghệ ERG: Thứ nhất là chuyển tiền VNĐ vào tài khoản của người bán (là các thành viên của ERG) để mua “USD ảo” được hiển thị trên tài khoản ERG khởi tạo của mình; Thứ hai là chuyển các loại tiền điện tử (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin) tích hợp được vào ví ERG để đầu tư.
Ngoài ra, mỗi một gói đầu tư đều có gói hoa hồng giới thiệu (giống mô hình đa cấp). Ví dụ, nếu nhà đầu tư trước mời được khách hàng khác đầu tư gói 50.000 USD vào hệ thống, thì người giới thiệu sẽ được nhận 6% hoa hồng cho F1, 5% cho F2 và 3% cho F3…
Bộ Công an cảnh báo scam
Theo Bộ Công an, Công ty tài chính công nghệ ERG thực chất hoạt động theo mô hình Ponzi – vay của người sau trả cho người trước. Công ty này không được cơ quan nào của Anh cấp phép; các trang web hoạt động kinh doanh của công ty này cũng không đăng ký hoạt động tại Việt Nam; ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp…
Với hình thức hoạt động này, mô hình sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Bộ Công an cũng khuyến cáo, hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số nào. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của Công ty tài chính công nghệ ERG, vì nhà đầu tư không biết, không xác thực được tên công ty, trụ sở công ty này ở đâu; những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ đầu tư qua môi giới, sau khi gửi tiền thì không được nhận bất cứ giấy tờ hay biên lai gì.
Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được Công ty tài chính công nghệ ERG trả lãi bằng tiền USD “ảo” có trong ứng dụng ERG được cài đặt trong điện thoại; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán USD “ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống ERG, không bán được ra ngoài hệ thống. Trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng ERG bị sập, nhà đầu tư sẽ mất tiền, tương tự như một số sàn tiền ảo bị sập hồi đầu năm 2018 khiến cho nhiều người tại Việt Nam bị mất trắng các khoản tiền đã đầu tư…
Bộ Công an lưu ý thêm:
“Hiện tại, các đồng tiền mã hóa không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào trên thế giới; Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền điện tử nào; Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng hành lang pháp lý quản lý đối với tiền điện tử, tiền ảo và tài sản ảo; các giao dịch nộp tiền để tham gia bằng tiền mã hóa này có tính ẩn danh cao nên rất khó có thể xác thực danh tính của người sở hữu tiền mã hóa…. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản…”.
- Onecoin Việt Nam : Mr Ngọc bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì bị cáo buộc lừa đảo mua vàng miếng trong vụ án 16 triệu đô la
- Thái Lan bắt giữ một nghi phạm của băng đảng người Thái gốc Việt trong vụ lừa đảo tiền ảo trị giá 500 triệu Baht gây chấn động
Annie
Tạp chí Bitcoin