Trong năm 2025, làn sóng các công ty niêm yết mua Bitcoin (BTC) ngày càng mạnh mẽ. Thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp đã tích cực đưa BTC vào bảng cân đối kế toán. Khi giá Bitcoin tăng, không chỉ giá trị tài sản của họ tăng theo, mà giá cổ phiếu cũng bay cao nhờ niềm tin của thị trường.
Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu các công ty này có đủ sức chống chọi khi thị trường bước vào chu kỳ suy giảm?
Sự tham gia của tổ chức – Con dao hai lưỡi với Bitcoin
Kể từ khi Michael Saylor – đồng sáng lập Strategy – khởi xướng phong trào mua Bitcoin, nhiều công ty lớn đã noi theo. Dean Chen (Bitunix) nhận định dòng vốn tổ chức đã biến Bitcoin thành “vàng kỹ thuật số” trong mắt giới đầu tư:
“Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2025, dòng vốn ròng vào các ETF Bitcoin dành cho tổ chức đã vượt 5 tỷ USD. Quỹ IBIT của BlackRock hiện đang quản lý hơn 85 tỷ USD tài sản, góp phần đẩy BTC tăng hơn 26% từ đầu năm.”
Tuy nhiên, theo John Glover (CIO tại Ledn), dù sự tham gia của tổ chức đã giúp giảm biến động của Bitcoin, nhưng họ cũng là nhóm đầu tư có xu hướng “bán trước, nghĩ sau” khi gặp rủi ro. Họ chịu áp lực từ cổ đông, báo cáo tài chính theo quý, và không hành động dựa trên lý tưởng.
“Khi căng thẳng tăng lên, họ sẽ không ngần ngại xả hàng.”
Chen cũng cảnh báo: nếu thị trường đảo chiều, các quỹ định lượng và giao dịch tần suất cao sẽ là những người đầu tiên rút lui. Tuy nhiên, một số chuyên gia như Marcin Kazmierczak (Redstone) lại cho rằng chính các tổ chức đã mang đến tư duy đầu tư dài hạn và quản trị rủi ro bài bản hơn cho thị trường tiền mã hóa.
Đằng sau các mô hình tài trợ để tích lũy Bitcoin
Các công ty lớn thường sử dụng vay nợ để mua BTC – chiến lược giúp mở rộng tài sản nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Theo Redbox Global, đến năm 2028, các công ty như MARA Holdings và Strategy sẽ phải đối mặt với bức tường đáo hạn nợ trị giá 12,8 tỷ USD.
“Dù đang nắm giữ hơn 725.000 BTC, họ vẫn đang đốt tiền mỗi quý để theo đuổi chiến lược vay nợ – bán cổ phiếu – mua Bitcoin. Nếu giá cổ phiếu lao dốc, họ có thể buộc phải bán tháo BTC để xoay vòng vốn.”
Chen tiết lộ Strategy đã huy động hơn 42 tỷ USD kể từ năm 2020 để mua BTC với giá trung bình 71.268 USD. Chiến lược này hiệu quả trong thị trường tăng giá, nhưng lại khiến doanh nghiệp dễ tổn thương khi thị trường đảo chiều, đặc biệt nếu trái phiếu chuyển đổi đến thời điểm bắt buộc chuyển đổi.
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt 30% và giá tài sản giảm 20%, nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng hơn 40%.
Tuy nhiên, Glover cho rằng các công ty có cơ cấu tài chính bền vững – như lãi suất vay thấp, thời gian đáo hạn linh hoạt – vẫn có thể trụ vững trong thị trường gấu. Nhưng với những cái tên mới, chưa có nội lực mạnh, việc bị buộc phải bán Bitcoin để trả nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Chỉ cần nhìn vào khoản giảm giá 97 triệu USD của Tesla để hiểu việc ‘ôm BTC mà không có chiến lược’ nguy hiểm thế nào.”
Nếu tổ chức bắt đầu bán tháo – Chuyện gì sẽ xảy ra với Bitcoin?
Một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay là sự tập trung BTC vào tay một số công ty lớn. Hiện 3 công ty đại chúng đang nắm giữ tổng cộng khoảng 695.000 BTC – tương đương hơn 3,3% nguồn cung toàn cầu.
“Khi một công ty sở hữu gần 3% tổng cung BTC như Strategy, đó không chỉ là lợi thế mà còn là mối nguy. Nếu họ bị buộc phải bán do áp lực tài chính, làn sóng bán tháo lan rộng sẽ khiến thanh khoản cạn kiệt và giá lao dốc ngoài tầm kiểm soát”, Glover cảnh báo.
Và khi BTC giảm mạnh, không chỉ Bitcoin bị ảnh hưởng. Lịch sử cho thấy altcoin và meme coin có thể giảm mạnh gấp 2–3 lần so với BTC khi dòng tiền lớn rút khỏi thị trường.
“Nếu các công ty kho bạc xả hàng quy mô lớn, các mức hỗ trợ chính bị phá vỡ, tâm lý hoảng loạn sẽ lan nhanh và đẩy thị trường vào chu kỳ suy giảm kéo dài hàng tháng”, Chen nói.
Điều gì quyết định khả năng trụ vững của các công ty giữ Bitcoin?
Ngoài yếu tố thị trường, các chuyên gia còn liệt kê một số rào cản vĩ mô như:
- Lãi suất tăng khiến chi phí vay vốn cao hơn, các công ty dùng nợ để mua BTC dễ bị bóp nghẹt thanh khoản.
- Lạm phát hoặc xung đột địa chính trị có thể làm thay đổi tâm lý thị trường – người thì coi BTC là “hầm trú ẩn”, người lại thấy rủi ro cao.
- Áp lực cổ đông: Nếu giá cổ phiếu lao dốc vì BTC, cổ đông có thể yêu cầu bán tài sản để bảo toàn vốn.
Chen cũng lưu ý nếu các chính sách pháp lý như Đạo luật Clarity được thông qua, chi phí tuân thủ giảm sẽ hỗ trợ các công ty duy trì chiến lược BTC lâu dài.
Dù chiến lược đầu tư Bitcoin của các tổ chức hiện đang phát huy hiệu quả, nhưng thị trường gấu sẽ là bài test thực sự. Những ai chuẩn bị kỹ, có cấu trúc vốn vững vàng, chiến lược dài hạn rõ ràng sẽ vượt qua. Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ quá mức và dựa dẫm hoàn toàn vào giá BTC sẽ là người thua cuộc.
“Thị trường gấu không thể xóa sổ Bitcoin – nhưng nó sẽ cho chúng ta biết ai thật sự tin vào tương lai của tài sản này”, Glover kết luận.
- Các công ty kho bạc Bitcoin khơi mào đợt suy thoái tiếp theo của thị trường crypto?
- Các công ty kho bạc Bitcoin không gây tác động quá nhiều đến giá cả thị trường
Annie
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- BlackRock
- BTC
- MARA Holdings
- Michael Saylor
- Strategy
- Tesla