Sự bất đồng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ‘kỳ phùng địch thủ’ Alexey Navalny đã tăng lên một mức mới vào tuần trước và các khoản quyên góp Bitcoin cho nhà bất đồng chính kiến này cũng vậy.
Alexey Navalny – Chính trị gia người Nga
Navalny, một chính trị gia người Nga và là người chỉ trích Putin, cũng là một nhà gây quỹ Bitcoin thành công ở Nga, nhận được 657 BTC quyên góp trong 5 năm qua. Tốc độ quyên góp tăng nhanh vào tuần trước, sau khi Navalny bị bắt ở Moscow và nhóm của anh ta đã công bố báo cáo điều tra mô tả khu đất rộng 168 mẫu, sang trọng với cung điện có lẽ thuộc về Putin.
Hoạt động quyên góp Bitcoin không phổ biến ở Nga và chỉ có một số tổ chức phi lợi nhuận huy động tiền bằng tiền điện tử. Trong số đó, chiến dịch gây quỹ của Navalny có vẻ là hiệu quả nhất, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, Bitcoin chỉ chiếm không quá 10% đến 15% tổng số tiền quyên góp.
Trong tuần kể từ khi Navalny bị bắt, ví của anh ta đã nhận được gần 3.7 BTC, trị giá khoảng 119,600 đô la vào thời điểm viết bài, gấp 3 lần so với 2 tuần đầu tiên của tháng 1. Con số này cũng nhiều hơn so với số tiền quyên góp mà ví nhận được trong cả năm 2020, theo hãng tin tức tiền điện tử Protos.
Leonid Volkov là người đang điều phối công việc của mạng lưới tình nguyện viên Navalny cho biết:
“Cả khoản quyên góp Bitcoin và fiat đều tăng vọt sau khi phát hành kết quả điều tra và Navalny bị bắt giữ. Trong đó, phần trăm của Bitcoin tăng lên một chút do có một vài khoản quyên góp lớn”.
Theo nguồn tin, một trong những khoản quyên góp lớn là 1 Bitcoin đến từ triệu phú người Nga Evgeny Chichvarkin sống lưu vong và là bạn của Navalny.
Hàng chục nghìn người Nga đã xuống đường để phản đối việc bắt giữ Navalny trong cuộc biểu tình được xem là lớn nhất cả nước sau gần một thập kỷ. Hơn 3,000 người đã bị tạm giữ tính đến thứ 7, ngày 23/1.
Theo luật pháp hiện hành của Nga, tất cả các cuộc biểu tình trên đường phố đều bị cơ quan chức năng xử phạt. Trong những năm gần đây, một số người biểu tình đã bị bắt giữ và bỏ tù vì tiến hành các cuộc biểu tình ôn hòa. Điều này đã ngăn cản nhiều người Nga tham gia những hoạt động như vậy cho đến khi nổ ra cuộc biểu tình ngày 23/1.
Chuyến về quê đầy khó khăn
Sự ủng hộ dành cho Navalny cũng như sự phẫn nộ của công chúng đối với chính quyền Nga được thổi bùng kể từ khi anh trở về từ Đức, sau khi dành vài tháng để hồi phục do bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok.
Ngay sau khi tỉnh dậy từ cơn mê tại phòng khám Charite ở Berlin, nhóm của Navalny cùng với Bellingcat và CNN đã công bố cuộc điều tra chỉ ra các sĩ quan FSB (cơ quan mật vụ) của Nga bị cáo buộc dàn xếp vụ đầu độc.
Navalny cũng tuyên bố sẽ trở lại Nga sau khi bình phục. Sau đó, cơ quan giám sát nhà tù của Nga đã yêu cầu thu hồi lệnh ân xá cho Navalny và đưa anh ta vào tù vì một vụ án hình sự năm 2015 đã bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu lật lại vào năm 2017.
Trong chuyến trở lại Moscow, Navalny đã được nhiều hãng tin tức phát sóng hành trình chi tiết, khi máy bay rời Berlin và hướng đến Moscow vào chủ nhật, ngày 17/1. Hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo, Navalny đến khu vực kiểm soát hộ chiếu và bị bắt ở đó. Sau một phiên tòa được bố trí bên trong đồn cảnh sát mà không có nhà báo độc lập nào được phép vào, Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình trên đường phố.
Navalny bị kết án 30 ngày tù. Volkov thông báo các cuộc biểu tình phản đối mới sẽ được tổ chức vào ngày 31/1 và ngày 2/2.
- Julian Assange sẽ không bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, cộng đồng tiền điện tử quyên góp hàng trăm ngàn đô la Bitcoin cho WikiLeaks
- Tổng thống Putin ký lệnh yêu cầu các quan chức Nga báo cáo số lượng tiền điện tử nắm giữ
- Cựu CEO của Goldman Sachs: Các cơ quan quản lý nên “nạp thêm Oxy” để chạy đua với Bitcoin
Thùy Trang
Theo Coindesk