Năm 2021 được định hình là một năm quan trọng đối với Bitcoin khi giá tăng vọt đến 42.000 đô la – cao hơn gấp đôi mức cao nhất mọi thời đại (ATH) gần 20.000 đô la của năm 2017. Trong khi những người ủng hộ HODL vui mừng và người phản đối dần thay đổi quan điểm, điều quan trọng cần lưu ý là đã có rất nhiều thay đổi trên thế giới kể từ năm 2017, khiến cho đợt tăng giá này rất khác biệt so với lần trước.
Không chỉ đại dịch lan rộng toàn cầu và tình trạng hỗn loạn chính trị đang diễn ra, nhiều thứ khác đã thay đổi trong vài năm qua, ngay cả trong mô hình thu nhỏ của Bitcoin.
Bitcoin, không phải Shitcoin
Vào năm 2017, Bitcoin giống như một loại thuốc mồi cho tất cả các loại tiền điện tử. Mọi người không nhất thiết phải coi Bitcoin như khoản đầu tư dài hạn. Họ sử dụng vua crypto để giao dịch altcoin và tham gia vào các ICO – đánh bạc vận may với hy vọng trở nên giàu có.
Năm 2017 là lần đầu tiên công chúng chính thống tiếp xúc với tài sản tiền điện tử và khi điều đó xảy ra, có những chuyển biến hoang dã đến bất ngờ. Gần như không có quy định điều chỉnh và bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào có một số tiền nhất định đều có thể tạo ra token và niêm yết nó trên sàn giao dịch. Các biện pháp bảo vệ người dùng không tồn tại và đột nhiên mọi người đều trở thành chuyên gia đánh giá “các khoản đầu tư” giai đoạn đầu dựa trên blockchain.
Điều này dẫn đến cơn sốt ICO. Tất cả mọi người từ tài xế Uber đến nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm ở Silicon Valley trở nên mù quáng bởi sự cường điệu và đua nhau nhảy vào những khoản đầu tư về cơ bản là không có lợi. Ở khía cạnh tiêu cực, đây có thể là cách phần lớn những người không sở hữu coin ngày nay nhớ đến Bitcoin và tiền điện tử. Bài báo “Mọi người đều trở nên giàu có một cách nực cười và bạn thì không” dưới đây của New York Times là hình ảnh thu nhỏ của cơn hưng phấn tiền điện tử năm 2017.
Rất nhiều sự cường điệu và tiền kiếm được trong năm 2017 không liên quan đến Bitcoin, vì vậy vốn chảy từ tiền fiat sang Bitcoin và sau đó chảy vào khá nhiều loại tiền điện tử khác. Từ đó, về cơ bản mọi chuyện trở nên tồi tệ, do những người tạo ra token/nhà đầu tư ban đầu lấy tiền của mọi người bằng cách bán hàng loạt. (Nhắc nhở: Satoshi chưa bao giờ bán bất kỳ Bitcoin nào). Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2018, hơn 86% tất cả các ICO được niêm yết vào năm 2017 đã giảm xuống dưới giá niêm yết ban đầu và những người sáng lập có khả năng phải ngồi tù hoặc tận hưởng sự giàu có bất minh ở một bãi biển trên hòn đảo xa xôi nào đó.
Lần này, mọi thứ đã khác. Dòng tiền từ fiat sang Bitcoin vẫn ở đó. Tỷ lệ thống trị thị trường của Bitcoin ở mức thấp nhất mọi thời đại trong thời kỳ hưng thịnh cao điểm vào năm 2017 và hiện tại, nó gần như gấp đôi so với thời điểm đó.
Tỷ lệ thống trị thị trường của Bitcoin | Nguồn: Tradingview
Khối lượng altcoin tương đối thấp, đặc biệt là với các nhà đầu tư bán lẻ. Những người đang tìm hiểu về altcoin, đặc biệt là ETH, là những người có kinh nghiệm, không phải người mới.
Hầu hết hoạt động giao dịch diễn ra trong tài chính phi tập trung (DeFi) trên blockchain Ethereum (các sàn giao dịch phi tập trung do cá voi chi phối, đòi hỏi kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật để sử dụng) và trong các thị trường phái sinh (hợp đồng tương lai, quyền chọn CME/Bakkt cho người chơi tổ chức và các sàn giao dịch phái sinh nước ngoài như BitMEX).
Bây giờ, Bitcoin không còn được sử dụng để giao dịch hoặc như một phương thức để chuyển vốn vào các tài sản tiền điện tử khác. Thay vào đó, nó sẽ được tích lũy trong dài hạn.
Tích lũy chứ không phải giao dịch
Trong 2 năm qua, Bitcoin trị giá hơn 30 tỷ đô la đã được tích lũy trong dài hạn. Hiện có tổng cộng 2,814 triệu Bitcoin đang được tích lũy ở các địa chỉ – tương đương 15,16% tổng số Bitcoin đang lưu hành.
62,31% tổng số Bitcoin đang lưu hành không được chuyển đi trong hơn 1 năm và chưa đến 15% trong số đó được giao dịch tích cực trên các sàn. Số lượng Bitcoin đó chưa được HODL kể từ trước năm 2017. Như bạn có thể thấy, con số này giảm mạnh trong đợt tăng giá khi giao dịch altcoin/đầu tư ICO phổ biến.
Phần trăm nguồn cung Bitcoin hoạt động lần cuối từ 1 năm trước trở lên (cam) | Nguồn: Glassnode
Thay vì giao dịch Bitcoin, mọi người có xu hướng tích lũy nhiều hơn theo thời gian và giữ nó lâu dài (hay còn gọi là “xếp chồng sats”). Điều này được thể hiện rõ ràng không chỉ thông qua dữ liệu on-chain chưa qua xử lý và các dòng tiền qua sàn giao dịch, mà còn thông qua hành vi của người dùng.
Mọi người đang xem xét giá trị trung bình theo chi phí đô la (DCA), mua khi giá giảm thấp và nhận lại phần thưởng Bitcoin. Các sản phẩm Bitcoin tiêu dùng nhận thấy nhu cầu đó và nhanh chóng bắt kịp thị trường:
– Cash App, Rive và Swan DCA: Mua x bitcoin mỗi khoảng thời gian y.
– Ryze Accumulate: Tự động mua khi giá giảm thấp và tích lũy nhiều Bitcoin hơn bằng cách tính DCA.
– Lolli và Fold: Nhận lại Bitcoin khi mua hàng ngày.
Nhưng tại sao lại có sự thay đổi từ giao dịch Bitcoin sang tích lũy theo thời gian?
Có 2 lời giải thích quan trọng không kém cho sự thay đổi này:
– Môi trường kinh tế vĩ mô do COVID gây ra. Các ngân hàng trung ương đang in tiền không giới hạn và lãi suất gần bằng hoặc dưới 0. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, do đó vốn đang chảy vào các hàng rào chống lạm phát như Bitcoin, vàng và bất động sản. Trái phiếu vô giá trị. Tiền fiat đang mất giá từng ngày. Và chúng ta đã thấy hai đồng tiền sụp đổ trong năm qua (của Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon). Mọi người đang phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính hiện tại cũng như lạm phát fiat bằng cách tích lũy Bitcoin.
– Thuyết nhân chủng học và tiền tệ: Sự phát triển của Bitcoin. Tất cả tiền được sử dụng đều tuân theo một lộ trình phát triển: sưu tầm, lưu trữ giá trị, phương tiện trao đổi và cuối cùng là đơn vị tài khoản/tài sản dự trữ.
Giống như vàng, vỏ sò và hạt, Bitcoin bắt đầu như một món đồ sưu tầm. Sự khan hiếm của nó, sự đắt đỏ không thể kiểm soát được của tính sáng tạo và cái giá mà người khác sẵn sàng trả cho nó là những thứ mang lại giá trị cho Bitcoin đối với một người bình thường.
Do vậy, BTC đã được giao dịch rất nhiều từ năm 2016 đến năm 2018 dưới dạng một hàng hóa/vật sưu tầm đầu cơ, tuân theo các mô hình kinh tế học hành vi tương tự như thẻ bóng chày, hợp đồng tương lai dầu và thịt lợn.
Giờ đây, Bitcoin đang phát triển thành một kho lưu trữ giá trị – là phương thức sẽ duy trì sức mua, bảo tồn và tăng trưởng tài sản theo thời gian. Kim loại quý, tài sản sinh lãi, đất sản xuất, … là những kho lưu trữ giá trị truyền thống.
Bitcoin đang gia nhập thể loại này. Bằng chứng là người dùng, các công ty đại chúng và nhà đầu tư tổ chức đều mua Bitcoin như một vật lưu trữ giá trị trong môi trường lạm phát.
Nhà đầu tư tổ chức, không phải bán lẻ
Đợt tăng giá năm 2017 được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư bán lẻ – những người hàng ngày cố gắng tham gia vào Bitcoin và kiếm tiền. Các nhà đầu tư thông minh chủ yếu nghĩ rằng đó là một trò lừa đảo, ngoại trừ một số người bảo thủ đáng chú ý như Chamath Palihapitiya và anh em sinh đôi nhà Winklevoss.
Hình ảnh trên đây là các bài báo do tờ Bloomberg phát hành. Tiêu đề “Jamie Dimon chỉ trích Bitcoin là trò lừa đảo” được phát hành vào ngày 12/9/2017 và tiêu đề “JPMorgan cho biết Bitcoin có thể tăng đến $146K trong dài hạn” được đăng tải vào ngày 4/1/2021 cho thấy những thay đổi quan điểm về vua tiền điện tử theo thời gian.
Bây giờ, người dùng hàng ngày không chú ý nhiều như trước đây nữa. Một phần là do họ kiệt sức sau vụ sụp đổ ‘Thứ năm đen tối” hồi tháng 3/2020 và mọi người hiện không quan tâm đến Bitcoin. Một phần là do các phương tiện truyền thông tập trung đưa tin những vấn đề cấp bách như vắc xin COVID-19, kích thích kinh tế, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ…
Mặt khác, các nhà đầu tư tổ chức đang dẫn đầu cuộc biểu tình này, đưa giá lên hơn gấp 10 lần từ 4.000 đô la vào tháng 3/2020 đến mức cao nhất mọi thời đại mới gần 42.000 đô la.
Một báo cáo của Fidelity từ tháng 6, ngay sau khi công bố kích thích tài chính không giới hạn, cho thấy hơn 35% các nhà đầu tư tổ chức nhìn nhận giá trị của Bitcoin và họ ít quan tâm hơn đến sự biến động giá cũng như thao túng thị trường so với trước đây.
Những người chơi tổ chức lớn như JPMorgan Chase & Co., Deutsche Bank, Citibank và Guggenheim Partners đã công khai ủng hộ Bitcoin. Grayscale hiện sở hữu hơn 630.000 BTC (3% tổng nguồn cung), chủ yếu thay mặt cho các nhà đầu tư tổ chức được công nhận.
Tài sản thuộc quyền quản lý của Grayscale Bitcoin Trust | Nguồn: The Block
Công ty bảo hiểm MassMutual đã đặt 100 triệu đô la tài sản của mình vào Bitcoin. Các nhà đầu tư huyền thoại Paul Tudor Jones và Stan Druckenmiller cũng tiết lộ vị thế Bitcoin cá nhân như một kho lưu trữ giá trị. Các công ty giao dịch công khai Square và MicroStrategy đưa Bitcoin vào kho dự trữ và nhiều công ty khác sẽ theo sau.
Danh sách một số công ty đầu tư vào Bitcoin | Nguồn: Bitcoin Treasuries
Một trong những nguyên nhân đã giúp xu hướng này trở nên khả thi là cơ sở hạ tầng và quy định được cải thiện đáng kể.
Vào năm 2017, ngay cả khi một công ty đại chúng muốn mua Bitcoin trị giá 500 triệu đô la, không có bất kỳ cách nào dễ dàng để thực hiện điều đó và việc lưu trữ sẽ là một cơn ác mộng về bảo mật và vận hành. Mọi chuyện bây giờ hoàn toàn khác. Gã khổng lồ MicroStrategy đã có thể âm thầm mua khoảng 38.000 BTC với mức trượt giá tối thiểu và những người tham gia thị trường không nhận thấy điều đó.
Các ngân hàng hiện có thể custody (lưu ký) Bitcoin và các giải pháp custody cấp tổ chức đã được xây dựng từ năm 2017 bởi nhiều công ty như Coinbase, Gemini, Fidelity, Anchorage, BitGo,…. Các nhà cung cấp thanh khoản B2C2, Genesis Trading và Jump Trading, cũng như các bàn OTC (ví dụ Cumberland), tất cả đều có dịch vụ thực thi và định tuyến lệnh như hiện có trong các thị trường truyền thống.
Nhiều công ty trong số này đang chạy đua để củng cố dịch vụ và xây dựng nền tảng môi giới tương tự APEX Clearing cho các thị trường truyền thống và để nắm bắt nhu cầu tổ chức ngày càng tăng.
Sự gia tăng các nhà đầu tư tổ chức đã hợp pháp hóa Bitcoin cho trader hàng ngày. Mối quan tâm bán lẻ đang bắt đầu tăng đột biến, mặc dù vẫn chưa đạt được như năm 2017.
Mối quan tâm về Bitcoin trên Google Trends | Nguồn: Google
Kết luận
Tóm lại, những thay đổi xu hướng từ tích cực giao dịch sang tích lũy lâu dài, kết hợp với sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tổ chức cũng như những tỷ phú giàu có lão làng ở Wall Street đang làm cho chu kỳ tăng giá lần này khác xa so với bất kỳ chu kỳ tăng giá nào trước đó trong lịch sử của Bitcoin.
Vua tiền điện tử không còn là một món đồ sưu tập đầu cơ mà mọi người đánh cược với hy vọng kiếm tiền nhanh chóng. Thay vào đó, nó đang trở thành một kho lưu trữ giá trị thực sự thay thế cho vàng mà các tổ chức, tập đoàn và người dùng đang tích lũy để bảo vệ và tăng trưởng tài sản của họ theo thời gian trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị bất ổn như hiện nay.
- Ethereum có thể chứng kiến một động thái bùng nổ cao hơn sau khi phục hồi 20%
- Altcoin phục hồi trong khi Bitcoin bị cản trở bởi mức kháng cự $ 34K
- Nếu muốn thoát khỏi đà giảm ngắn hạn thì Bitcoin phải đòi lại mức giá này
Minh Anh
Theo Bitcoin Magazine