Giá trị tiền mã hóa hiện vẫn thấp hơn 75% so với cuối năm 2017, nhưng một trào lưu mới đang tiếp thêm sức sống cho thế giới tiền mã hóa, đó là DeFi – Decentralized Finance, tài chính phi tập trung.
DeFi là khái niệm mô tả việc các công ty tiền mã hóa có thể tái tạo các công cụ tài chính truyền thống theo cấu trúc phi tập trung, vượt tầm kiểm soát của các công ty và chính phủ. Với những cáo buộc về việc sử dụng sai mục đích đối với tiền điện tử được kiểm soát tập trung, việc tranh luận về các ứng dụng phi tập trung hiện trở nên phù hợp hơn.
Bitcoin và Ethereum là những ứng dụng DeFi nguyên thủy. Bitcoin được xem như vàng, khoản đầu tư giá trị bảo vệ tài sản trước lạm phát. Ethereum được cho là công cụ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp gọi vốn.
Nhưng các ứng dụng mới hơn đang chiếm lĩnh nội dung thảo luận về DeFi. “Đồng tiền ổn định” Dai là một token kỹ thuật số như Bitcoin, đặt mục tiêu trở thành đồng tiền toàn cầu mà các ngân hàng trung ương không thể chạm tới. Không giống Bitcoin, giá trị của Dai được neo vào đô la Mỹ, làm giảm đáng kể sự biến động vẫn đang ngăn cản bitcoin đi vào các giao dịch mua sắm hàng ngày. Compound là phiên bản tiền mã hóa của quỹ thị trường tiền tệ, giúp người dùng kiếm lãi. Dharma cho phép phát hành và bảo lãnh nợ để đạt lợi tức đầu tư.
“Mục tiêu của DeFi là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng toàn cầu bằng phương thức mở, không cần xin phép,” theo Alex Pack, đối tác điều hành tại Dragonfly Capital. “Cơ hội này chỉ xuất hiện sau mỗi 50 năm.”
Theo Deshpande, hiệu ứng mạnh mẽ nhất của các ứng dụng DeFi sẽ hình thành trong thời gian dài. Ông lấy ví dụ về Venezuela, nơi giá dầu giảm mạnh và việc chính phủ in thêm lượng tiền khổng lồ đã làm sụp đổ nền kinh tế, với chỉ số lạm phát vượt quá 1.000.000% vào năm ngoái, theo IMF.
“Quản lý tại các ngân hàng trung ương cũng chỉ là con người, và sẽ phạm sai lầm,” Desandande viết trên blog năm 2018. Các ứng dụng tài chính phi tập trung “có thể làm cho các hệ thống tài chính minh bạch hơn, linh hoạt hơn và ít mong manh hơn.”
Jill Carlson, cựu giao dịch viên của Goldman Sachs và lãnh đạo chiến lược tại công ty blockchain Chain, sáng lập Open Money Initiative, đã nghiên cứu cách Venezuela sử dụng tài sản mã hóa để chống lạm phát phi mã. “Tiền mã hóa không cứu được Venezuela,” bà cho biết. Nhưng số ít người dân sử dụng bitcoin như một công cụ bảo vệ trước lạm phát và gửi tiền cho thành viên gia đình ở các quốc gia khác.
Dai, ứng dụng DeFi được sử dụng rộng rãi nhất ngoài Bitcoin và Ethereum, đã tăng đột biến trong sáu tháng qua, dù mức độ chấp nhận vẫn còn rất thấp. Có khoảng 21.000 người sở hữu và vào đầu tháng 4, số lượng giao dịch đạt đỉnh điểm hằng ngày là 13.490 lượt, tăng từ mức dưới 500 giao dịch trung bình hằng ngày trong vài tháng đầu tiên sau khi ra mắt cuối năm 2017.
Theo Alex Pack, phần mềm của Dai rất phức tạp, gồm hơn 1.000 dòng mã, “là con số rất lớn trong lĩnh vực tiền mã hóa”. Đó là các quy tắc khởi tạo và duy trì hệ thống. Ví dụ: để tạo ra đồng Dai mới trị giá 100 USD, người dùng phải thế chấp số ether (loại tiền tệ Ethereum) trị giá 150 USD đồng thời trả lãi suất hoặc “phí ổn định”, vì họ đang vay mượn Dai khi tạo ra nó. Dai có chị em là đồng MKR, và những người nắm giữ MKR bỏ phiếu để xác định lãi suất của Dai.
Dai có 2% giá trị của ether, khoảng 400 triệu USD. Compound có lượng ether trị giá khoảng 34 triệu USD, Dharma có khoảng 10 triệu USD.
Đồng tiền ổn định Tether (USDT) được ứng dụng và chấp nhận nhiều hơn – vượt mức 44.000 giao dịch vào ngày 4.4, theo Coin Metrics. Nhưng đồng USDT không phải phi tập trung và do iFinex, một công ty ở Hong Kong quản lý, công ty này gần đây bị cáo buộc chuyển tiền từ đồng tether của mình để bù lại 850 triệu USD bị mất trên sàn giao dịch Bitfinex của họ. Những sự cố như vậy khiến tiền tệ phi tập trung càng hấp dẫn hơn.
Bất chấp tiềm năng ứng dụng rộng khắp của Dai, người ta chủ yếu sử dụng nó như các khoản cược đòn bẩy lớn hơn cho Ethereum. Nhà đầu tư có thể thế chấp ether để mượn Dai, rồi dùng Dai đó để mua thêm ether. Ngoài ra, những trader không muốn dùng loại tiền mã hóa dễ bốc hơi có thể đổi lấy Dai thay vì một đồng tiền pháp định. Dai cũng đang được dùng làm tiền tệ tại “các cộng đồng thiếu thốn tài chính, như ở Nam Mỹ,” theo Rune Christensen, CEO của Maker Foundation, tổ chức phi lợi nhuận đã viết phần mềm cho Dai.
Những rủi ro lớn nhất của các ứng dụng DeFi? “Các hợp đồng thông minh có thể bị hack,” Pack nói. “Có thể có một lỗ hổng đâu đó. Nhưng dần dần, nhiều người sẽ tin tưởng vào mã nguồn mở và dõi theo nó.” Christensen lưu ý rằng phần mềm của Dai đã được các công ty nghiên cứu bảo mật uy tín như Trail of Bits kiểm tra bốn lần.
Dù trào lưu DeFi có nhiều người hâm mộ nhưng một số nhà giao dịch không nghĩ rằng nó sẽ tạo ra khác biệt lớn. “Về mặt công nghệ thì thật tuyệt vời,” Jeff Dorman, giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Arca cho biết. Nhưng theo ông, đồng tiền ổn định do một công ty lớn tạo ra và có nhiều người dùng sẽ đầy hứa hẹn hơn. Ông cũng cho biết Facebook đang nghiên cứu một loại tiền mã hóa như vậy.
Dorman không nghĩ rằng đồng tiền của Facebook sẽ được tập trung hóa. “Đó là lý do vì sao có rất nhiều người theo chủ nghĩa tự do và vô chính phủ đang gia nhập thế giới tiền mã hóa,” ông nói. “Họ thấy một tương lai không tưởng, nhưng không phải là điều một sớm một chiều. Hãy “đi bộ trước khi chạy”.”
- Lợi ích của việc cho vay không cần lòng tin (deFi)
- Binance Research : Báo cáo tổng quan về thị trường Tài chính phi tập trung (deFi) , nơi thay đổi thế giới tài chính trong tương lai
Theo Forbes