Bitcoin là mạng Proof of Work*, lần đầu tiên ra đời vào ngày 3/1/2009 khi Satoshi Nakamoto khai thác genesis block, tạo ra loại tiền điện tử đầu tiên. Trong những năm kể từ đó, một số địa chỉ ví đã tích lũy được phần lớn nguồn cung.
Theo Blockchain Council, hơn 19,71 triệu Bitcoin đã được trao cho thợ đào dưới dạng phần thưởng block. Whitepaper (sách trắng) của Nakamoto chỉ ra rằng chỉ có 21 triệu Bitcoin có sẵn, có nghĩa là hầu hết Bitcoin đã được lưu hành.
Dữ liệu của BitInfoCharts cho thấy khoảng 1,86% địa chỉ ví (hơn 1 triệu ví) nắm giữ hơn 90% tổng số BTC hiện đang lưu hành. Những cá nhân hoặc tổ chức này nắm giữ lượng lớn tiền điện tử được gọi là cá voi.
Danh sách những người nắm giữ lượng lớn Bitcoin | Nguồn: BitInfoCharts
CEO Caroline Bowler của sàn giao dịch Úc BTC Markets cho biết bất kỳ sự tập trung quyền sở hữu BTC nào vào một số ít địa chỉ đều mang lại cả thách thức và lợi ích.
“Một mặt, nó làm dấy lên lo ngại về việc thao túng thị trường, tập trung hóa và hạn chế thanh khoản. Mặt khác, nó mang lại cho những người nắm giữ lớn này sức ảnh hưởng đáng kể trên thị trường, lợi thế chiến lược và cơ hội độc quyền”.
Theo Bowler, đối với hệ sinh thái BTC rộng lớn hơn, sự tập trung của tiền điện tử nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực liên tục nhằm thúc đẩy phân cấp và tăng cường sự ổn định của thị trường để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến phân phối tài sản không đồng đều.
Whitepaper BTC ban đầu của Nakamoto đã đề xuất hệ thống phi tập trung cho các giao dịch ngang hàng mà không cần thông qua tổ chức tài chính hoặc trung gian. Mục tiêu của cha đẻ Bitcoin bí ẩn là giành lại quyền kiểm soát tài chính từ tay giới thượng lưu.
Theo dữ liệu từ Exploding Topics, chỉ hơn 46 triệu ví BTC có giá trị ít nhất là 1 đô la. Chưa đến một nửa số ví này có tiền điện tử trị giá hơn 100 đô la.
Số dư ví Bitcoin | Nguồn: Exploding Topics
Dữ liệu của BitInfoCharts chỉ hiển thị 4 ví chứa từ 100.000 đến 1 triệu BTC, tổng cộng là 688.681 BTC. Top 100 chủ sở hữu lớn nhất tiếp theo sở hữu tổng cộng 2.464.633 BTC. Như vậy, 104 địa chỉ này chiếm khoảng 15,98% tổng nguồn cung.
Bowler suy đoán rằng nếu toàn bộ nguồn cung BTC do một nhóm nhỏ cá voi tích lũy, nó sẽ thay đổi toàn bộ hệ sinh thái.
“Tập trung 100% Bitcoin vào một số địa chỉ về cơ bản sẽ làm thay đổi động lực của hệ sinh thái Bitcoin. Nó sẽ tập trung quyền kiểm soát, làm suy yếu các nguyên tắc cốt lõi của phân cấp và có khả năng dẫn đến thao túng thị trường, mất niềm tin và tăng cường giám sát pháp lý”.
Đồng thời, Bowler nhấn mạnh những holder lý thuyết này có thể có quyền lực chưa từng có đối với mạng BTC và tương lai của nó. Cô tin rằng kết quả này sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của BTC và thúc đẩy người dùng hướng tới các lựa chọn thay thế phi tập trung hơn.
“Nếu 100% Bitcoin nằm trong tay một số ít người, có khả năng sự quan tâm và phát triển trên mạng sẽ giảm dần. Quan điểm của Bitcoin là nó phổ quát để giao dịch và được những người bình thường sử dụng. Nếu mất đi sự phổ quát đó, một giải pháp thay thế có thể sẽ xuất hiện”.
Kiểm soát thị trường chưa từng có nhưng không nhiều
Phillip Lord, chủ tịch của ứng dụng thanh toán bằng tiền điện tử Oobit, nói rằng nếu một số ít địa chỉ sở hữu phần lớn BTC, những cá voi lớn nhất sẽ giành được nhiều quyền kiểm soát hơn trên thị trường, nhưng họ vẫn không thể thay đổi Bitcoin Network hoặc giao thức.
“Tập trung hóa có khả năng tác động đến thị trường, vì những địa chỉ này có thể ảnh hưởng đến giá Bitcoin thông qua các giao dịch lớn. Tuy nhiên, việc sở hữu một phần Bitcoin đáng kể như vậy không cung cấp quyền kiểm soát trực tiếp đối với giao thức hoặc khả năng thay đổi code”.
Cá voi đã có ảnh hưởng đáng kể đến động lực thị trường BTC, với lượng nắm giữ khổng lồ mang lại cho họ sức mạnh để thay đổi cung và cầu. Do đó, các trader và những người khác trong không gian có xu hướng để mắt đến mọi giao dịch của cá voi.
Khi cá voi tăng lượng BTC dự trữ, giá có xu hướng tăng cao, trong khi bán bớt một phần nắm giữ của họ có thể dẫn đến sụt giảm.
Nguồn: CryptoQuant/Cryto India
Lord cho biết có sự khác biệt giữa BTC với tư cách là tiền điện tử và mạng Bitcoin, đóng vai trò là cơ sở hạ tầng phi tập trung của dự án.
Trong khi các cá nhân có thể sở hữu BTC dưới dạng token, mạng Bitcoin hoạt động dựa trên các nguyên tắc kiến trúc phi tập trung.
Lord cho rằng giao thức hoặc code có thể được thay đổi, nhưng đòi hỏi một quy trình đồng thuận phi tập trung, không kiểm soát hầu hết BTC. Các thay đổi được đề xuất thông qua Bitcoin Improvement Proposals (Đề xuất cải tiến Bitcoin – BIP), sau đó cộng đồng sẽ thảo luận và đánh giá.
“Để thay đổi được thực hiện, nó phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thợ đào, nhà phát triển và nhà vận hành node. Sau khi có đủ sự đồng thuận, những thay đổi sẽ được tích hợp vào phiên bản mới của phần mềm Bitcoin mà người dùng có thể chọn áp dụng. Nếu đa số đáng kể chấp nhận phiên bản mới, những thay đổi đó sẽ trở thành một phần của giao thức Bitcoin”.
Mô hình quản trị dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng
Jonathan Hargreaves, giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu tại hệ sinh thái Web3 Elastos, nơi đã phát triển giải pháp Bitcoin layer 2, nhận xét rằng tập trung tài sản trong 1% ví lớn nhất là vấn đề kinh tế toàn cầu trọng tâm.
Theo dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Oxfam International có trụ sở tại Vương quốc Anh, 81 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 50% dân số thế giới cộng lại.
Nếu BTC đi theo con đường đó, Hargreaves cho biết “sự tập trung có thể dẫn đến tập trung hóa”. Điều đó có khả năng thay đổi “các nguyên tắc nền tảng của Bitcoin”, nhằm mục đích xác định lại giao kèo xã hội hướng tới sự đồng thuận toàn cầu.
Tuy nhiên, anh nghĩ rằng số lượng BTC không cung cấp thêm quyền kiểm soát mạng và lợi ích bổ sung duy nhất là sự giàu có. Hargreaves cho biết:
“Bitcoin và các loại tiền tệ phi tập trung ban đầu hứa hẹn sẽ có sự tham gia rộng rãi hơn, nhưng mục tiêu này đã không thành hiện thực như mong đợi. Tuy nhiên, mô hình quản trị của Bitcoin không cấp cho holder quyền thay đổi cơ chế cốt lõi. Các nguyên tắc chính như giới hạn 21 triệu coin và tính chất không lạm phát là bất biến, vì vậy lợi ích của 1% này chỉ giới hạn ở cơ hội tạo ra của cải”.
Một số khía cạnh như code BTC đã được sửa đổi hoặc xóa bỏ trước đây. Ví dụ, Operation Concatenate (OP_CAT), một opcode cho phép người dùng kết hợp hai bộ dữ liệu thành một tập lệnh giao dịch duy nhất, đã bị Nakamoto vô hiệu hóa vào năm 2010 vì lo ngại về bảo mật.
Hargreaves cho biết mô hình quản trị dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng, bao gồm các nhà phát triển, nhà vận hành node, thợ đào, team phát triển cốt lõi và kỹ thuật viên, giống như các dự án nguồn mở điển hình.
“Bản thân việc tập trung quyền sở hữu có thể không gây ra mối đe dọa trực tiếp, nhưng việc tập trung vốn có thể làm xói mòn những nguyên tắc này theo thời gian. Tuy nhiên, các bên liên quan trong cộng đồng này, bao gồm cả Nakamoto, có thể sẽ chống lại các nỗ lực gây ảnh hưởng hoặc mua chuộc sự đồng thuận. Do đó, tôi thấy sở hữu 100% BTC không hẳn là mối đe dọa mà là nỗ lực mua mạng Bitcoin”.
Không có gì ngăn cản cá voi nắm giữ tất cả Bitcoin
Sasha Ivanov, nhà sáng lập hệ sinh thái Waves Tech, cho biết ở giai đoạn này, không có cơ chế nào cung cấp “phân phối công bằng và ngăn chặn phân phối tài sản theo nguyên tắc Pareto truyền thống”, tức là những holder hàng đầu có tất cả BTC.
Anh cho rằng các địa chỉ cá voi có nguồn cung lớn nhất của một tài sản nhất định sẽ mang lại cho họ lợi ích vật chất vì họ có thể gián tiếp kiểm soát giá và tham gia thao túng thị trường.
“Những người nắm giữ lớn có đủ phương tiện tài chính để điều chỉnh sự phát triển theo hướng mà họ thấy phù hợp. Nó có thể dẫn đến tập trung hoàn toàn Bitcoin vì cộng đồng sẽ không có nguồn lực để chống lại các khuyến khích tài chính và sẽ hoàn toàn được thúc đẩy bởi tầm nhìn của một nhóm những người nắm giữ giàu có”.
*Proof of Work (PoW) là một cơ chế đồng thuận trên blockchain tăng cường độ chính xác của việc xác thực thông tin mạng lưới thông qua việc thưởng cho các thợ đào khi họ cung cấp sức mạnh tính toán cho toàn bộ hệ thống. Cơ chế này được tạo ra để ngăn chặn chi tiêu hai lần trong các hệ thống thanh toán kỹ thuật số, thường được gọi là thuật toán đồng thuận hoặc cơ chế đồng thuận, bởi vì chúng cần nhiều bên đạt được sự đồng thuận mà không cần phải tin tưởng lẫn nhau.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Nợ quốc gia của Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại với hơn 35 nghìn tỷ USD, Bitcoin có thể là giải pháp tiềm năng?
- Solana gần đạt mức cao hàng năm sau khi tăng 27% trong tháng 7 và giá SOL ghi nhận “đáy đôi”
- IBIT của BlackRock chiếm toàn bộ dòng vào Bitcoin ETF giao ngay trong bối cảnh thị trường trì trệ
Minh Anh
Theo Cointelegraph