Ngày càng nhiều doanh nghiệp truyền thống bắt đầu thử nghiệm tài sản kỹ thuật số như một phần trong chiến lược quản lý kho bạc, cho thấy sự thay đổi trong cách các công ty nhìn nhận vai trò của tiền điện tử trong quản trị tài chính.
Chỉ riêng trong tuần này, các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau — từ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng cho đến một công ty dệt may gần 80 năm tuổi tại Nhật Bản — đã công bố phân bổ tài sản vào các token như BTC, ETH, XRP và SOL.
Hôm thứ Tư, Nature’s Miracle, một công ty công nghệ nông nghiệp, cho biết sẽ phân bổ tối đa 20 triệu USD vào XRP như một phần trong chiến lược kho bạc doanh nghiệp, trở thành một trong những công ty mới nhất chuyển sang nắm giữ altcoin.
Cũng trong ngày hôm đó, Upexi — một công ty sản xuất hàng tiêu dùng — tiết lộ đã mua 83.000 SOL, trị giá khoảng 16,7 triệu USD, cho kho bạc doanh nghiệp của mình.
Trước đó một ngày, Kitabo — công ty Nhật Bản hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may và tái chế, đồng thời là công ty đại chúng — đã công bố kế hoạch mua 800 triệu yên Nhật, tương đương khoảng 5,6 triệu USD Bitcoin cho quỹ dự trữ doanh nghiệp.

Xu hướng doanh nghiệp nắm giữ Bitcoin và rủi ro tiềm ẩn
Sự gia tăng số lượng các công ty nắm giữ Bitcoin trong kho bạc đã mở rộng phạm vi lựa chọn tài sản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi xu hướng này lan rộng, các nhà phân tích cảnh báo rằng các rủi ro đầu tư và rủi ro thị trường cũng đang gia tăng.
Theo một báo cáo công bố vào tháng 6 bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Breed, chỉ một số ít công ty kho bạc Bitcoin có khả năng tồn tại lâu dài. Báo cáo cảnh báo rằng chỉ cần giá Bitcoin giảm nhẹ cũng có thể kích hoạt “vòng xoáy tử thần” với các công ty sử dụng đòn bẩy quá mức — những công ty này buộc phải bán BTC để trả nợ, tạo ra vòng lặp giảm giá kéo dài và khiến nguồn tín dụng doanh nghiệp cạn kiệt.

Không chỉ vậy, các công ty nắm giữ tài sản kỹ thuật số còn có thể đối mặt với các vụ kiện tụng tốn kém nếu thị trường tiền điện tử không đạt kỳ vọng hoặc nếu giá cổ phiếu – theo các chỉ số tài chính truyền thống – sụt giảm nghiêm trọng.
Các công ty nắm giữ altcoin còn tiềm ẩn rủi ro lớn hơn, vì phần lớn các token này mang tính lạm phát và có thể mất đến 90% giá trị sau mỗi chu kỳ thị trường. Chúng thường chỉ đạt đỉnh một lần duy nhất trong mỗi chu kỳ tăng trưởng.
“Nhiều người đang so sánh làn sóng các công ty mua Bitcoin làm tài sản kho bạc với những cơn sốt altcoin trước đây — khi một dự án dẫn đầu, theo sau là một cái tên mạnh thứ hai, rồi đến hàng loạt bản sao chất lượng thấp. Theo logic này, có thể cho rằng cơn sốt đã đến hồi kết.
Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là cổ phiếu của các công ty kho bạc Bitcoin có một mức sàn giá trị — chính là lượng Bitcoin mà họ nắm giữ (NAV). Khi thị trường hạ nhiệt, giá cổ phiếu có thể giảm về gần mức NAV, nhưng khó rơi sâu hơn. NAV lại phụ thuộc vào giá Bitcoin, không phụ thuộc vào độ nổi tiếng của công ty, và có thể tiếp tục tăng.
Trong khi đó, altcoin không có mức sàn, dễ mất hơn 90% giá trị và sụp đổ hoàn toàn khi dòng tiền mua vào biến mất.
Vì vậy, khung tư duy thông thường về “cơn sốt altcoin” không áp dụng được cho xu hướng này. Đây không phải là lúc để bi quan về Bitcoin hay các công ty kho bạc Bitcoin,” Viktor, một người sáng tạo nội dung và thành viên cộng đồng, chia sẻ trên X.
- Cơn sóng thần ETH sắp ập đến: Các công ty âm thầm tích lũy lượng Ethereum khổng lồ
- Các công ty niêm yết gia tăng nắm giữ Ethereum, tổng giá trị vượt 3,2 tỷ USD
Thạch Sanh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.