Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã công bố các hành động mới nhắm vào nền kinh tế Nga và các cá nhân giàu có khi một báo cáo cho thấy các đồng minh của Vladimir Putin đã cố gắng lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng tiền điện tử ở nước ngoài.
Trong một thông báo hôm thứ 6, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu sẽ thực hiện các hành động bổ sung nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế do cuộc xâm lược quân sự của Tổng thống Vladimir Putin đối với Ukraine. Thông báo bao gồm cấm nhập khẩu các hàng hóa của Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga và hướng dẫn Bộ Tài chính Hoa Kỳ giám sát các nỗ lực của nước này nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt hiện có.
“Các hành động mở rộng của Bộ Tài chính chống lại Nga yêu cầu tất cả người dân Hoa Kỳ tuân thủ quy định trừng phạt bất kể giao dịch được thực hiện bằng tiền fiat truyền thống hay tiền ảo. Bộ Tài chính đang theo dõi chặt chẽ mọi nỗ lực trốn tránh hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga, bao gồm cả việc sử dụng tiền ảo và cam kết sử dụng các cơ quan thực thi rộng rãi của mình để chống lại hành vi vi phạm và thúc đẩy sự tuân thủ”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tweet vào ngày 11/3:
“Tôi đã có một cuộc trò chuyện quan trọng với Tổng thống Biden, gửi đến ông đánh giá về tình hình trên chiến trường, thông báo về tội ác của Nga đối với dân thường. Chúng tôi đã nhất trí về các bước tiếp theo để hỗ trợ việc bảo vệ Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga”.
Chính sách của Hoa Kỳ là một trong các nỗ lực phối hợp với Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia G7 nhằm “tăng cường sức ép chung lên Putin” và áp đặt hạn chế tài chính bổ sung đối với quốc gia này. Vào thứ 4, Ủy ban Châu Âu cho biết các quốc gia thành viên của họ đồng ý sửa đổi quy định với mục tiêu đảm bảo “hiệu quả hơn rằng không thể trốn tránh các lệnh trừng phạt Nga, bao gồm cả Belarus”, đặc biệt đề cập đến việc có thể sử dụng tài sản tiền điện tử.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các quan chức sẽ đưa ra nhiều biện pháp chống lại Nga bắt đầu từ thứ 7. Mặc dù nhiều thành viên EU không nói sẽ áp đặt hạn chế đối với dầu và khí gas do Nga sản xuất tương tự như các biện pháp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hồi đầu tuần, nhưng Von der Leyen cho biết sẽ có một “lệnh cấm lớn” đối với các khoản đầu tư của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Các cơ quan quản lý và bộ phận thuộc chính phủ ở nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp kinh tế chống lại Nga cũng cảnh báo cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử về các hành động thực thi có thể xảy ra.
Bloomberg đã đưa tin vào thứ 6 rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm đóng băng hoặc thu giữ tiền điện tử của những người Nga giàu có cũng như điều tra ngân hàng và công ty tiền điện tử hỗ trợ các thực thể bị trừng phạt rửa tiền. Tại Vương quốc Anh, Cơ quan quản lý tài chính và Văn phòng thực thi lệnh trừng phạt tài chính đã phát hành một tuyên bố chung cảnh báo các công ty tiền điện tử “có vai trò trong việc đảm bảo lệnh trừng phạt được tuân thủ”.
Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh cho biết:
“Các quy định trừng phạt tài chính không phân biệt giữa tiền điện tử và các dạng tài sản khác. Việc sử dụng crypto để lách lệnh trừng phạt kinh tế là một hành vi phạm tội”.
Các biện pháp kinh tế chống lại Nga diễn ra nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân như chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs và công ty thẻ tín dụng Visa, Mastercard đều đã cắt đứt quan hệ với quốc gia này trong 7 ngày qua.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp (DOJ) đã thành lập một đội đặc nhiệm có tên KleptoCapture, sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt Nga cũng như nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai giúp che giấu tiền của họ, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử, một quan chức cấp cao của DOJ cho biết hôm thứ Sáu.
Mặc dù một số quan chức Hoa Kỳ nhận xét các cá nhân và doanh nghiệp Nga sẽ gặp khó khăn khi sử dụng tiền điện tử để trốn tránh lệnh trừng phạt đột ngột và toàn diện như vậy, một báo cáo hôm thứ 6 từ Reuters cho thấy họ có thể chuyển sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để tìm giải pháp. Tờ báo đưa tin nhiều công ty tiền điện tử tại nước này đã nhận được các câu hỏi về việc sử dụng tiền điện tử để mua tài sản hoặc thanh lý lượng lớn tiền kỹ thuật số.
Một nhà môi giới bất động sản giấu tên có công ty hợp tác với một công ty tiền điện tử cho biết:
“Chúng tôi đã thấy rất nhiều người Nga và thậm chí cả người Belarus đến Dubai, mang theo bất cứ thứ gì họ có thể, kể cả tiền điện tử”.
Một số sàn giao dịch đã từ chối yêu cầu từ Ukraine về việc chặn tất cả địa chỉ của người dùng Nga. Tuy nhiên, Coinbase và Kraken (cả hai đều có trụ sở chính tại Hoa Kỳ) cho biết họ sẽ đóng băng tài sản của các cá nhân có tên trong lệnh trừng phạt. Sàn giao dịch Binance cho biết người dùng có tài khoản từ các ngân hàng Nga bị trừng phạt sẽ không thể sử dụng chúng, cũng như nền tảng này không nhận thanh toán từ thẻ Mastercard và Visa được phát hành ở Nga.
Tình hình giữa Nga và Ukraine vẫn đang căng thẳng. Trong khi Ukraine đang phải hứng chịu các cuộc tấn công ném bom của Nga kể từ ngày 24/2, Mykhailo Fedorov – Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước này tiếp tục đưa ra các tweet kêu gọi công ty dịch vụ tài chính (bao gồm cả những công ty liên quan đến tiền điện tử) và các công ty lớn ngừng kinh doanh với Nga:
“Ngày nay, toàn thể thế giới dân chủ đoàn kết chống lại Nga ở phương diện kinh tế để trừng phạt những kẻ xâm lược đẫm máu. Tôi kêu gọi Tether, Paoloardoino dừng mọi giao dịch với người Nga vì hòa bình!”.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Larva Labs gây chấn động khi thông báo bán IP CryptoPunks – Doanh số NFT tăng vọt 1.200%
- Ukraine kêu gọi Tether và Bitfinex chặn người dùng Nga
- Fiat – Crypto: Đâu là con đường “lách luật” khả thi cho Nga?
Đình Đình
Theo Cointelegraph