Nếu có ai đó bảo bạn rằng: “Hãy đưa cho chúng tôi 230 đô la, và bạn sẽ có gà ăn cả đời, ngay cả khi bạn đã chết.” thì bạn có tin không? Nghe có mùi vi diệu nhưng trở ngược về năm 1996, tại một thị trấn nhỏ ở Chennai, Ấn Độ, một lời mời chào như thế đã được tung ra.
Một tay nọ đã đi khắp nơi phát tờ rơi quảng cáo đến các bà nội trợ với nội dung đại loại như trên. Tuy số tiền 230 đô la không phải là một con số nhỏ, nhưng đổi lại mỗi chủ nhật hàng tuần, mỗi người đăng ký sẽ được giao đến 2 kg thịt gà tươi ngon suốt cả đời. Đặc biệt hơn, sau khi người đó mất, con cái của họ cũng sẽ được thừa hưởng quyền lợi này. Nói chung, một khi đã ra tiền, tất cả các thế hệ con cháu chắt chút chít của người đó sẽ được ăn gà mãi mãi, chỉ trừ tận thế.
Dĩ nhiên, ban đầu, “khôn như mày quê tao đầy” là suy nghĩ của những cư cân địa phương. Những thứ gì tự nhiên dễ dàng quá hay để lại nghi ngờ, và tay kia cũng dư sức hiểu được chuyện đó. Phải có chút chim mồi đâu đây chứ! Thế là 5 bà nội trợ may mắn (và có lẽ là chém gió nhất) ở địa phương được trao tặng 5 suất ăn gà miễn phí. Trong suốt ba tuần lễ sau đó, gà luôn được giao đến đúng hẹn vào mỗi ngày chủ nhật, kèm theo đó là chất lượng tuyệt hảo. Thông thường thì 1 đồn 10, 10 sẽ đồn 100, thế nhưng qua tay ngũ đại phong nữ, 1 đồn phát ra ngay 1.000 người. Dân cư khắp nơi trong thị trấn bắt đầu đứng ngồi không yên. Đây chính là bài học tâm lý số hai, khi ai cũng như ai thì không có gì, nhưng tự nhiên có đứa hơn mình là bắt đầu thấy quê cái mặt nó.
Dòng người xếp hàng dài dằng dặc đổ đến gặp tay thánh gà nọ, thế nhưng không phải ai thánh cũng tiếp. Tuyên bố rằng để đảm bảo phục vụ thật tốt những khách hàng đang có, thánh chỉ cho phép số lượng người đăng ký cực kì nhỏ giọt. Hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) đã thế càng đẩy cho mọi người tìm đến đông hơn. Cuối cùng, vì cảm thông trước sự nhiệt tình của mọi người, “sau bao ngày tìm kiếm cực khổ tôi đã tìm được nguồn gà chất lượng đảm bảo cung cấp cho tất cả mọi người.” Gần như tất cả những ai không ăn chay trong vùng đều đổ đến đăng ký, và để đổ thêm dầu vào lửa, chốt hạ những cái đầu còn đang băn khoăn, một thông báo bồi thêm “trước tình hình đăng ký quá đông của mọi người, tôi dự tính sẽ tăng giá thêm 30% vào tháng tới.” Đỉnh điểm cơn điên loạn ghi nhận số tiền đăng ký ăn gà cả đời lên đến hơn 1,1 triệu đô la. Thánh gà và cư dân trong vùng những tưởng sẽ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi cho đến khi…
Một ngày đẹp trời nọ, mọi người bàng hoàng nhận ra văn phòng công ty đóng cửa im lìm. Còn thánh gà, ai cũng biết, đã cao chạy xa bay cùng cả triệu đô la. Thông thường, người ta thường có xu hướng đề phòng những tay có điệu bộ vô cùng khả nghi. Thế nhưng, thánh gà đã chứng minh một điều rằng: nếu đã tu thành chánh quả tâm pháp Tâm lý bí thuật, những tay lừa đảo vẫn có thể lừa thẳng trước thanh thiên bạch nhật mà nạn nhân vẫn tự nguyện trao tiền.
Trở lại với lending coin, tôi nghĩ không cần phải nói thêm về câu “Đừng dạy nhà giàu tiêu tiền.” Có lẽ 70% các NĐT trong hệ thống lending coin đều hiểu nó là lừa đảo, nhưng ai trong số họ cũng đều nhảy vào với 1 tâm lý lướt sóng ăn non trước khi nó sập. Lướt lần 1 ngon ăn, thoát ra rồi nhưng thấy sao lending vẫn phát triển mạnh nữa, lần 2 lướt hết tài sản, và không thoát ra được…
“Lừa đảo bí mật chỉ là cò con, lừa đảo công khai mới là huyền thoại.”