Một trong những làn sóng lớn đầu tiên của Bitcoin và sự chấp nhận tiền mã hóa là khi phố Wall bắt đầu xem Bitcoin như một tài sản đầu cơ hứa hẹn đem lại lợi nhuận khổng lồ. Cộng đồng bị chia rẽ khi một số người sẵn sàng chấp nhận những rủi ro trong khi số khác lại lo sợ.
Tuy nhiên, hiện tại, ngân hàng và tiền mã hóa, đặc biệt là khía cạnh blockchain của đồng tiền kỹ thuật số, đã thu hút những người mới đến. Các ngân hàng như Goldman Sachs từ việc không để tâm đến công nghệ này cũng đã bước chân vào thị trường.
Ngay cả JP Morgan cũng đã thực hiện các bước tiến lớn trong việc áp dụng và phát triển blockchain, bao gồm việc xây dựng blockchain và nền tảng hợp đồng thông minh của riêng mình, Quorum.
Mặc dù thái độ của các tổ chức ngân hàng đối với Bitcoin và blockchain đã thay đổi đáng kể nhưng một số người vẫn còn tương đối cảnh giác với công nghệ blockchain trên Bitcoin.
Ngân hàng thế giới
Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tài chính khác đang trong quá trình khám phá những lợi thế mà công nghệ blockchain có thể mang lại cho những nhu cầu cụ thể của họ.
Ngân hàng Thế giới đang xem blockchain như một phương tiện tiềm năng để xây dựng và khôi phục niềm tin vào các tổ chức tài chính. Niềm tin ấy vốn đã giảm mạnh trên khắp thế giới trong những năm gần đây.
Ngân hàng phát triển đa phương lớn nhất thế giới này đang cho ra mắt một ‘phòng thí nghiệm blockchain’ trong nỗ lực để thí điểm các dự án có thể cải thiện việc quản lý và các vấn đề xã hội ở các nước đang phát triển.
Theo Vincent Launay, chuyên gia tài chính và cơ sở hạ tầng tại ngân hàng thì phòng thí nghiệm này đã được ra mắt vào tháng 06/2017. Nó được xem như là một cách để tổ chức thử nghiệm và xem xét tiềm năng của blockchain trong việc chấm dứt đói nghèo trên thế giới cũng như cách nó có thể giúp khách hàng của họ rời bỏ công nghệ không phù hợp hiện tại. Launay nói với Cointelegraph:
“Mục đích là để hiểu rõ hơn về cách blockchain có thể giúp các nước khách hàng của chúng tôi rời bỏ các công nghệ hiện có. Phòng thí nghiệm hiện đang nghiên cứu về proof of concept trong giai đoạn này.
Một số trường hợp sử dụng mà chúng tôi đang xem xét là thanh toán xuyên biên giới, quản lý đất đai và giao dịch tín dụng carbon.
Thách thức hiện nay là phải trang bị lại kiến thức cho một số nhân viên của Ngân hàng Thế giới để họ có thể hỗ trợ khách hàng trong việc cung cấp các giải pháp blockchain. Ngân hàng Thế giới là một tổ chức lớn, vì vậy phải mất thời gian, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu nó”.
Launay đề cập rằng phòng thí nghiệm có thể hợp tác với các chuyên gia trong ngành như Microsoft, Amazon hoặc Consensys để phát triển các giải pháp mới cho khách hàng của Ngân hàng Thế giới. Điều này một lần nữa cho thấy ý tưởng của công nghệ blockchain đang lan tỏa rộng sâu vào các công ty lớn. Tuy nhiên, ông nói rằng chưa có điều gì là chính thức cả.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Một tổ chức chính thức xem xét công nghệ blockchain là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù không phải là một ngân hàng theo nghĩa thông thường, nhưng tổ chức này cũng nhìn thấy những lợi ích trong công nghệ blockchain.
Christine Lagarde, người đứng đầu IMF nói rằng blockchain và tiền điện tử có tiềm năng phát triển trên quy mô toàn cầu, nhưng nó cần thời gian.
“IMF đã xem xét công nghệ này rất nhiều. Tổ chức này đã xuất bản hai bản báo cáo về tiền mã hóa nêu rõ nhận thức về tiền tệ kỹ thuật số và cách chúng mang đến những cơ hội lớn, cùng những thách thức”.
Cuộc đua trong sự chờ đợi và xem xét
Công nghệ Blockchain đã được nhiều tổ chức khác nhau xem xét để áp dụng trong các lĩnh vực. Và bây giờ điều này cũng đang xảy ra với các ngân hàng.
Farzam Ehsani, trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ blockchain tại Rand Merchant Bank và hiện là đồng sáng lập và CEO của VALR, nói rằng hầu hết các tổ chức tài chính lớn giờ đây có một số sáng kiến blockchain trong công ty của họ. Ehsani nói với Cointelegraph:
“Nhiều tổ chức tài chính đang dành thời gian để nghiên cứu blockchain. Tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều các tổ chức tài chính đang bắt đầu công nhận tài sản tiền tệ kỹ thuật số. Chúng tôi đang nghe nhiều hơn về việc các tổ chức này bắt đầu cung cấp tài sản tiền kỹ thuật số cho khách hàng của họ.
Tất cả các ngân hàng đều nhận ra rằng họ cần bước chân vào không gian này. Họ nhận ra rằng đây là một sự phát triển đang diễn ra và họ chẳng muốn bỏ lỡ.
Trong vai trò của mình tại Rand Merchant Bank, Ehsani giải thích rằng đã có nhiều thử nghiệm khi công ty tìm cách sử dụng công nghệ mới nhất một cách đầy đủ nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng khác cũng cố gắng để khai thác tiềm năng của blockchain trong lĩnh vực tài chính thì chưa ai đã thành công trong việc tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh mà mang lại doanh thu hoặc giảm chi phí”.
Ehsani nói thêm:
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều ở Rand Merchant Bank. Chúng tôi đã xây dựng một số mạng lưới blockchain của chính mình để hiểu công nghệ này và hợp tác những người khác trong ngành công nghiệp này để khám phá các thuật toán đồng thuận. Chúng tôi đã tiền hành fork blockchain Bitcoin, tiến hành hoán đổi nguyên tử trên một blockchain Ethereum được phép và khám phá các hợp đồng thông minh với các công cụ tài chính.
Hiện tại, ngân hàng Dự trữ liên bang cùng với một số ngân hàng thanh toán ở Nam Phi, đang bận rộn với Dự án Khoka. Dự án này nhằm mục đích nhân rộng thanh toán bù trừ và thanh toán liên ngân hàng bằng cách sử dụng công nghệ sổ cái phân phối. Có rất nhiều thứ đang được thực hiện và chúng có thể sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế”.
Ngân hàng đang thay đổi
Rõ ràng là các ngân hàng kiên quyết không bỏ lỡ một cái gì đó mà có thể là mô hình thay đổi trong tương lai gần. Công nghệ này có khuynh hướng tài chính và có tính đột phá. Hơn nữa, với việc các ngân hàng hiểu rõ về các khoản lợi nhuận thì rõ ràng họ đã nhận ra rằng không nên bỏ lỡ công nghệ này.
Ngân hàng là một phần gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Các ngân hàng đã phát triển ở một tốc độ thận trọng nhưng bây giờ chúng đang đối mặt với những sự thay đổi to lớn.
Launay giải thích rằng ở các nước đang phát triển có một số lượng lớn những người không sử dụng ngân hàng và đang tuyệt vọng tiềm kiếm thứ gì đó phù hợp.
“Dân số không có ngân hàng là một thị trường khổng lồ đối với các đồng tiền mã hóa – khoảng 2,5 tỷ người. Mọi người không có tài khoản ngân hàng và có thể không bao giờ cần. Họ có thể nhảy thẳng vào ví tiền điện tử bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của họ. Ngành công nghiệp kiều hối cũng sẽ bị cản trở bởi các đồng tiền mã hóa khi mà việc tính phí 5 đến 9% khoản tiền gửi tiền tới châu Phi sẽ không còn được chấp nhận nữa.
Các ngân hàng có lẽ sẽ phải thích ứng và nhanh tay hơn. Họ có thể đề nghị lưu trữ các đồng tiền mã hóa cho những khách hàng, người mà có thể không đủ hiểu biết về công nghệ để sử dụng ví riêng của họ”.
Thật vậy, điều đó đã xảy ra khi xuất hiện rất nhiều những tin đồn về sàn giao dịch được mở bởi những người chơi lớn, như Barclays và Goldman Sachs. Những tin đồn có thể bị bác bỏ, nhưng không có lửa làm sao có khói.
Launay nói thêm:
“Các ngân hàng mới có thể không nhất thiết phải giống như các ngân hàng cũ, hãy nhìn vào WeChat ở Trung Quốc. Ngân hàng này sẽ trở thành một ứng dụng”.
Cần những người đổi mới
Các ngân hàng đang từng bước tiếp cận công nghệ blockchain một cách thận trọng. Những quy định và nghĩa vụ đối với cổ đông thúc đẩy họ cần có những người đổi mới.
Ehsani nói:
“Nhiều ngân hàng đang sử dụng cách tiếp cận là chờ đợi, đó là bởi vì rất nhiều trong số họ không có những kiến thức để hiểu được xu hướng hoặc công nghệ này mạnh mẽ như thế nào. Một vài trong số họ đang bắt đầu tham gia quan hệ đối tác với các công ty khởi nghiệp blockchain.
Các ngân hàng khác nhau đang sử dụng các chiến lược khác nhau. Một số ngân hàng chắc chắn đang chờ đợi. Họ không muốn là người đầu tiên vì nó được coi là quá mạo hiểm và họ không muốn gây nguy hiểm cho trạng thái pháp lý của họ, cũng như danh tiếng trên thị trường. Vì vậy họ phải chờ xem những gì người khác sẽ làm như thế nào và nếu họ phải trả phí bảo hiểm để mua một sự khởi đầu, thì họ sẽ làm điều đó”.
Một tương lai thú vị
Các ngân hàng đã thay đổi thái độ về blockchain và các loại tiền kỹ thuật số. Nhưng mọi thứ hiện tại mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Các ngân hàng có một chặng đường dài để chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ, nhưng khi xã hội thay đổi và nhu cầu của mọi người tăng lên thì các ngân hàng nhận ra họ phải phát triển. Nếu điều đó có nghĩa là họ phải tiến tới áp dụng công nghệ blockchain.
Sẽ rất thú vị để dõi theo những động thái của các ngân hàng và công nghệ blockchain. Có lẽ ngân hàng sẽ trở thành một ứng dụng – và đối với những người có ví tiền điện tử, thực sự nó đã là như vậy.
- Vượt qua thách thức tích hợp Ngân hàng Blockchain
- Ngân hàng lớn nhất Châu Âu, Banco Santander có được thỏa thuận trị giá 700 triệu đô la để sử dụng công nghệ IBM, bao gồm cả blockchain
- Ngân hàng Mitsubishi Nhật Bản sẽ ra mắt mạng thanh toán Blockchain vào năm 2020
Sn_Nour
Theo Tapchibitcoin.vn