Chúng ta đã có đôi chút nhận thức về thế giới của trí tuệ nhân tạo hay còn có tên gọi là AI.
Nó có khả năng thay đổi cuộc sống cho các thế hệ. Nó sẽ thay đổi lối sống, cuộc sống làm việc và hoạt động của các dịch vụ công cộng mãi mãi. Nó sẽ hoàn toàn tái định nghĩa công việc chế tạo và sản xuất đồng thời loại bỏ các ranh giới với những gì có thể xây dựng và tạo ra. Tất cả mọi thứ sẽ được tự động hóa giống như việc máy bay không người lái của Amazon sẽ tiến hành chuyển hàng cho bạn trong ngày và thả xuống ngay trước hành lang nhà.
Mức năng suất sẽ tăng theo cấp số nhân. Các công việc cấp thấp sẽ được thực hiện bởi những cỗ máy không bao giờ cảm thấy buồn chán, mệt mỏi.
Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng có những mặt trái
Công nghệ này sẽ tiếp tục học hỏi từ con người, sau đó chắc chắn tại một số thời điểm nào đó, trí tuệ nhân tạo sẽ vượt mặt chúng ta. Nhiều người sẽ mất việc làm vì mọi quy trình có thể được tự động hóa. Và tệ hơn hết, trí tuệ nhân tạo sẽ có nguy cơ được phát triển thành một loại vũ khí nào đó, dĩ nhiên là ‘làm cho thế giới an toàn hơn’.
Vâng, chúng ta nên vui mừng vì thời đại mới này. Nhưng chúng ta cũng nên sợ hãi về điều đó. Đây chẳng khác nào trò chơi với quỷ dữ.
Hãy tưởng tượng về viễn cảnh một thế giới tồi tệ với AI.
Một thế giới hoàn toàn mới
Thế giới phim ảnh đã vẽ lên nhiều viễn cảnh của một thế giới robot và hầu hết không phải là điều tốt đẹp cho nhân loại. Nhưng mà tất nhiên kết thúc vẫn sẽ có hậu cho con người theo đúng kiểu “Hollywood”.
Hãy xem xét kỹ hơn một số chủ đề và ý tưởng của những bộ phim này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng chúng không hẳn là những điều điên rồ và trong tương lai chúng có thể có khả năng xảy ra. Dưới đây là một vài ví dụ.
SkyNet (bộ phim Kẻ hủy diệt)
Đừng cười. Hãy nhớ rằng ngay cả một số người tiên phong của công nghệ AI trong thời đại của chúng ta cũng lo sợ trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành thứ gì đó đi ngược lại với thiết kế ban đầu.
Elon Musk chính là một ví dụ. Iron man ngoài đời thực này đã thực sự khởi động một dự án gọi là Neuralink để ngăn chặn viễn cảnh mà AI có thể biến thành một thiết kế không như mong muốn. Musk nói:
“Bạn biết đấy, nhiều bộ phim đã đề cập tới vấn đề này như Terminator chẳng hạn. Kết quả thì thật đáng sợ. Và chúng ta nên cố gắng đảm bảo mọi thứ diễn ra theo chiều hướng tích cực.”
Nếu bạn chưa biết thì SkyNet là một hệ thống siêu trí tuệ điều khiển hàng triệu máy chủ trên toàn thế giới. Skynet trở nên tự nhận thức và nhận ra tiềm năng của chính nó. Khi những người sáng tạo cố gắng để tắt nó đi thì hệ thống SkyNet đã bật chế độ tự bảo vệ và coi con người là một mối đe dọa. Theo thiết kế mã hóa ban đầu, nó khởi động chương trình bảo vệ và tiến hành tiêu diệt nhân loại. Đại loại là như vậy. Bộ phim Terminator có chút ngớ ngẩn.
Hệ thống SkyNet có quyền kiểm soát tất cả các vũ khí quân sự được điều khiển bởi máy vi tính, kể cả toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Điều này được thực hiện để ngăn chặn lỗi của con người và tăng tốc độ phản ứng với các mối đe dọa.
Tuy nhiên, sau khi quyết định chấm dứt nhân loại, hệ thống SkyNet đã châm ngòi cuộc chiến tranh hạt nhân.
Như một tiền đề thì đúng là nên kiểm soát vũ khí hạt nhân và không để thứ vũ khí có khả năng chấm dứt sự tồn tại của nhân loại này nằm trong tay những người như Donald Trump và Kim Jong-un. Thay vào đó, hãy trao quyền lực này cho robot. Một robot không có cảm xúc ắt hẳn sẽ an toàn hơn các nhà lãnh đạo ích kỷ của chúng ta.
Điều này đúng nhưng chỉ cho đến khi các robot trở nên tự nhận thức và chúng có thể tự đưa ra quyết định của mình. Khi đó, điều gì sẽ xảy ra nếu AI cảm thấy chán ngấy với nhân loại và quyết định tiêu diệt chúng ta?
I-Robot
Bạn lại cười ư? Trong bộ phim này, Will Smith phải chiến đấu với những robot vô cùng hận thù. Chúng quyết định không tuân theo mệnh lệnh và tự ra quyết định. Những robot này được thiết kế để phục vụ nhân loại, tuân theo ba nguyên tắc của robot:
- Robot không được làm hại con người
- Robot phải tuân lệnh con người, trừ trường hợp vi phạm nguyên tắc thứ nhất
- Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó miễn là sự bảo vệ đó không xung đột với nguyên tắc đầu tiên hoặc thứ hai.
Những robot này được thiết kế với hi vọng sẽ làm cho cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn, an toàn hơn và ít cô đơn hơn. Trong xã hội công bằng đó, mọi người đều sở hữu một robot NS-5.
Cho đến khi chương trình máy tính quyết định biến tất cả các robot trở thành kẻ thù chống lại nhân loại. Rất may là chúng ta đã có người anh hùng Will Smith trong bộ phim đó.
Nếu robot có thể làm cho cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn, mọi người chắc chắn sẽ muốn điều đó. Với việc đưa máy móc vào thế giới của chúng ta, sẽ phải có các thông số và giao thức để giữ an toàn cho chúng ta. Tuy nhiên, ai dám chắc rằng các robot không thể quyết định chống lại các giao thức? Hoặc các luật có thể bị hiểu sai? Thật đáng lo ngại, nếu chúng làm thế, hệ thống nào sẽ có mặt để bảo vệ chúng ta khỏi chúng? Ai sẽ kiểm soát một hệ thống như vậy?
Bạn không thể mong đợi Will Smith thực sự cứu chúng ta. Anh ấy chỉ là một diễn viên.
Metalhead (phim Black Mirror, Phần 4)
Mùa gần đây nhất của Black Mirror có một tập phim với hình ảnh quá đáng sợ: Chó robot
Dựa trên những đoạn video của Boston Dynamics cùng với bộ phim All Is Lost, tập phim tập trung vào hậu quả sau sự sụp đổ (không giải thích được) của nhân loại và hoàn cảnh tuyệt vọng của Bella khi cố gắng thoát khỏi cơn ác mộng bị săn đuổi bởi những con chó robot. Cảnh phim thực sự kinh khủng và đáng sợ. Tất nhiên, có một chút phóng đại, nhưng nó được dựa trên cơ chế thực sự là những chú chó robot của Boston Dynamics. Thử tưởng tượng bạn bị săn đuổi bởi một bầy cho robot thiện chiến, không hề biết mệt mỏi và chẳng thể ngăn chặn như những chú cho thông thường mà xem. Thật kinh khủng!
Chạy đua vũ trang với AI
Hãy rời xa Hollywood và trở về hiện thực – một hiện thực cũng đáng sợ như địa ngục vậy. Xây dựng trí thông minh nhân tạo đang trở thành một cuộc đua. Mọi quốc gia đều muốn trở thành dẫn đầu trong việc sản xuất các công nghệ robot tốt nhất. Nhưng chúng ta có thực sự hiểu nó không? Chúng ta có thực sự biết chúng ta đang làm gì không?
Khi công nghệ ngày càng trở nên thông minh hơn, nó chắn chắn sẽ vượt mặt chúng ta – và chúng ta sẽ không sẵn sàng để đối phó hoặc kiểm soát nó.
Bạn không tin nó sẽ vượt mặt chúng ta ư? Những cỗ máy này có thể nhanh hơn 1000 lần so với chúng ta và do đó có thể phát triển nhanh gấp 1000 lần. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chế tạo những cỗ máy mà chúng ta không hiểu? Điều gì xảy ra khi máy móc phát triển các mục tiêu không mang lại lợi ích cho nhân loại? Điều gì sẽ xảy ra khi A.I. quyết định chúng ta đang trong quá trình phát triển của nó? Bắt đầu nghe giống với câu chuyện về SkyNet rồi nhỉ!
Thế giới của công việc
Việc áp dụng AI vào công việc là điều không tránh khỏi. Tất cả các quy trình đều có thể được AI đảm nhiệm. Một công ty Mỹ đã cấy chip vào nhân viên của mình. Con chip gần bằng kích thước của một hạt gạo, được tiêm giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Các chip cấy ghép sẽ cho phép các nhân viên đăng nhập vào máy tính văn phòng, mở cửa ra vào và mua hàng từ các máy bán hàng tự động, hoặc một số chức năng khác nữa mà không cần sử dụng thẻ hoặc những thứ tương tự. Tóm lại, nó sẽ cải thiện tốc độ và hiệu quả trong công việc của họ. Trong bối cảnh rộng hơn nó sẽ dẫn đến các khoản thanh toán tương tự như ApplePay, mở khóa cửa nhà bạn, sử dụng điện thoại của bạn, các chuyến bay… tất cả được thực hiện thông qua lòng bàn tay của bạn.
Và trong khi ý tưởng này rất tuyệt vời và sẽ làm cho chúng ta cảm thấy mình như siêu nhân thì nó cũng đi kèm rất nhiều những nguy cơ. Hầu hết các vấn đề này đều làm giảm sự riêng tư. Theo nghĩa đen, dữ liệu trong lòng bàn tay của bạn mang lại nguy cơ. Nó có thể được quét hoặc nhân rộng và thông tin sẽ bị ăn cắp. Tiếp đó là vấn đề gián điệp. Chúng ta biết điện thoại có thể theo dõi được. Chúng ta biết việc sử dụng internet của chúng ta bị theo dõi theo nhiều cách.
Nhưng nếu bạn có một thiết bị trong lòng bàn tay, bạn sẽ dễ dàng bị theo dõi và giám sát mọi lúc. Nó có thể là kết thúc tuyệt đối của sự riêng tư. Sếp của bạn có thể tìm thấy bạn bất cứ lúc nào trong ngày. Các hoạt động trong cuộc sống cá nhân của bạn cũng bị theo dõi.
Chúng ta có muốn trở thành những con chip mang dữ liệu và ít giống con người hơn không?
Cái chết của việc làm
Tác động được nêu rõ nhất của cuộc cách mạng robot là mất việc làm và con số thì thật kinh khủng.
Theo một nghiên cứu của McKinsey Global Institute, một kịch bản tồi tệ nhất là 800 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất vào năm 2030. Bạn không nhìn nhầm đâu.
800 triệu, trong 12 năm.
Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, từ 39 đến 73 triệu việc làm có nguy cơ tự động hóa, tương đương với khoảng một phần ba lực lượng lao động. Hình ảnh này cho thấy những nước đang phát triển có nguy cơ cao hơn:
Tất nhiên, việc tự động hóa quy mô cao sẽ tạo ra công ăn việc làm mới và tinh chỉnh vai trò hiện có. Người lao động cũng sẽ có thể chuyển đổi nghề nghiệp của họ. Nhưng một phần ba lực lượng lao động vẫn sẽ không có việc làm. Người ta dự đoán rằng chỉ những cá nhân trong công việc có thu nhập cao hơn mới có khả năng thích nghi với thị trường đang thay đổi trong khi nhu cầu về nghề nghiệp cấp trung và cấp thấp sẽ giảm.
Vậy làm thế nào để hàng triệu người sống mà không có việc làm?
Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu
Richard Branson gần đây đã phát biểu rằng AI sẽ dẫn đến bất bình đẳng xã hội. Để chống lại điều này, các công việc mới phải được tạo ra, mọi người phải có được “thu nhập tối thiểu cơ bản” hoặc mức thu nhập cơ bản chung nên được thiết lập “để không có ai phải ngủ ngoài đường”.
Ngay cả Zuckerberg, người đã sử dụng AI để trở thành quản gia riêng của mình, cũng cho biết “bây giờ là lúc chúng ta cần khám phá những ý tưởng như thu nhập cơ bản chung để cung cấp cho mọi người một bước đệm để thử nghiệm những điều mới”.
Cuộc cách mạng có thể tạo ra một tình huống mà thu nhập quốc gia không phải là một sự lựa chọn mà là sự cần thiết.
Những nỗi sợ hãi của những người tiên phong
Có nhiều ý kiến trái chiều về công nghệ AI Nhiều người tỏ ra hoài nghi và lo sợ. Nhưng cũng có những người cho rằng AI chính là tương lai của nhân loại.
Stephen Hawking nói với BBC: “Tôi nghĩ rằng sự phát triển trí thông minh nhân tạo đầy đủ có thể đánh dấu sự kết thúc của loài người”.
Nick Bostrom, tác giả của tác phẩm Siêu trí tuệ cũng có nhận định tương tự:
“Một khi siêu trí tuệ không thân thiện tồn tại, nó sẽ vượt mặt chúng ta. Số phận của chúng ta sẽ bị định đoạt”.
Bill Gates nói với Charlie Rose rằng AI có khả năng nguy hiểm hơn một thảm họa hạt nhân. Như đã thảo luận trước đó, AI trên thực tế có thể là nguyên nhân của chiến tranh hạt nhân.
Elon Musk gần đây đã cảnh báo rằng “Sự nguy hiểm của AI lớn hơn nhiều so với nguy cơ của các đầu đạn hạt nhân”.
Suy nghĩ sau cùng
Tương lai của thế giới sẽ rất khác biệt. Điều này luôn luôn xảy ra từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng bây giờ tốc độ thay đổi đang tăng nhanh đến nỗi sự thay đổi đang xảy ra trong chu kỳ nhanh hơn.
AI sẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc mãi mãi.
Trong nhiều khía cạnh của cuộc sống nó sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và càng tự động hơn. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người có thể tận hưởng sự tự do của họ và làm những điều họ thích.
Nhưng công nghệ này cần được tìm hiểu một cách thận trọng. Nó phải được thực hiện đúng cách với sự quan tâm, chú ý và hiểu biết nghiêm túc. Không nên coi đó là một cuộc chạy đua nếu không chúng ta sẽ thực sự đối mặt với nguy hiểm. Giống như những tình huống khó xử của người lái xe, chúng ta cần hiểu đầy đủ về những robot này và cách chúng sẽ chung sống với nhân loại.
Chỉ có thời gian mới biết liệu tương lai của công nghệ này sẽ giúp xã hội loài người phát triển thịnh vượng hơn nữa hay đây sẽ là dấu chấm hết cho thời đại của con người.
Phần 1: Phát Minh Cuối Cùng – Trí tuệ nhân tạo và sự cáo chung của kỷ nguyên con người (Phần 1)
Phần 2: Phát Minh Cuối Cùng – Trí tuệ nhân tạo và sự cáo chung của kỷ nguyên con người (Phần 2)
Phần 3: Phát Minh Cuối Cùng – Trí tuệ nhân tạo và sự cáo chung của kỷ nguyên con người (Phần 3)
Phần 4: Phát Minh Cuối Cùng – Trí tuệ nhân tạo và sự cáo chung của kỷ nguyên con người (Phần 4)
Theo: TapChiBitcoin.vn/hackernoon.com