Walmart hiện đang sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm dựa trên Hyperledger Fabric của Linux Foundation. Cùng với IBM, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã thử nghiệm 2 proof-of-concept (bằng chứng về khái niệm) để kiểm tra hệ thống của họ.
Dự án đầu tiên liên quan đến việc chủ động truy tìm nguồn gốc của những quả xoài được bán trên khắp các cửa hàng Walmart ở Mỹ. Và dự án còn lại truy tìm nguồn gốc thịt lợn được bán trong các cửa hàng ở Trung Quốc. Từ những hiệu quả ghi nhận được, nhóm nghiên cứu tại Walmart tuyên bố rằng đây là những dự án thật sự hiệu quả. Nhờ sử dụng hệ thống mới này, thời gian cần thiết để truy tìm nguồn gốc xuất xứ của một loại hàng hoá đã giảm từ 7 ngày xuống chỉ còn 2,2 giây.
Vậy, tại sao họ lại phải nỗ lực làm những việc này? Câu trả lời là vì trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, thế giới đã chứng kiến một vụ bê bối về an toàn thực phẩm nguy hiểm nhất thế giới: một lượng lớn sữa và sữa bột (trên khắp Trung Quốc) chứa melamine, một chất rắn màu trắng có nguồn gốc từ cyanamide, có thể gây ra tình trạng chậm phát triển ở trẻ em.
Do uống sữa có chứa chất này, hơn 300.000 người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần, 6 trẻ chết vì sỏi thận và tổn thương nội tạng (54.000 trẻ em khác phải nhập viện với các triệu chứng tương tự).
Điểm đáng quan ngại của sự kiện này là bất cứ khi nào phát hiện sữa có chứa melamine, thường phải mất nhiều ngày (hoặc thậm chí vài tuần) để tìm ra nguồn gốc của sữa. Nếu có thể truy tìm nguồn gốc hàng hoá nhanh hơn, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã có thể hành động nhanh hơn để bảo vệ mạng sống và sức khoẻ của người tiêu dùng.
Giờ đây, nhờ hệ thống blockchain do Walmart cung cấp, Hyperledger Fabric, đã có khả năng truy tìm nguồn gốc của hơn 25 sản phẩm từ 5 nhà cung cấp khác nhau. Về vấn đề này, công ty đã tuyên bố rằng họ sẽ sớm yêu cầu tất cả các nhà cung cấp rau của mình áp dụng hệ thống mới này để tăng tính minh bạch trong hoạt động cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm nội bộ. Bên cạnh đó, Karl Bedwell, Giám đốc cấp cao của Walmart Technology, cũng đã chỉ ra:
“Tạo ra một hệ thống (truy xuất nguồn gốc) cho toàn bộ hệ sinh thái cung cấp thực phẩm là một thách thức trong nhiều năm và không ai tìm ra nó. Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ blockchain rất phù hợp với vấn đề này, vì nó tập trung vào sự tin tưởng, bất biến và minh bạch.”
Walmart đang khám phá thị trường chuỗi cung ứng Trung Quốc
Vài tháng trước, vào ngày 25 tháng 6, Walmart Trung Quốc – kết hợp với CCFA (China Chain Store & Franchise Association), PwC, công ty trách nhiệm hữu hạn Inner Mongolia Kerchin và VeChain – đã tạo ra một nền tảng truy xuất nguồn gốc trên blockchain VeChainThor.
Trong Hội thảo Hệ thống Truy xuất Nguồn gốc An toàn Thực phẩm Trung Quốc 2019, hệ thống này cũng đã được giới thiệu vào thời điểm Walmart Trung Quốc công bố lô hàng đầu tiên gồm 23 sản phẩm. Đến nay, hệ thống đã được thử nghiệm và cho ra mắt.
Trong 5-6 tháng tới, nền tảng này dự kiến sẽ mở rộng thêm 10 loại sản phẩm, bao gồm sản phẩm thịt tươi, gạo, nấm và dầu ăn. Các nhà nghiên cứu tại Walmart tin rằng, hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm mới của họ sẽ cho người dùng thấy nguồn gốc của 50% trong tổng số thịt tươi và 40% các loại rau đang được bày bán trong cửa hàng.
Từ quan điểm thuần túy về mặt kỹ thuật, công nghệ chuỗi khối của VeChain sẽ cho phép Walmart triển khai chiến lược truy xuất nguồn gốc liền mạch và sử dụng công nghệ phi tập trung này với quy mô lớn. Chỉ cần quét một sản phẩm, khách hàng sẽ có được một loạt dữ liệu liên quan đến các mặt hàng mà họ quan tâm, bao gồm cả nguồn sản xuất (tức vị trí địa lý ban đầu), quy trình hậu cần, báo cáo kiểm tra sản phẩm cũng như các đặc điểm đáng quan tâm khác.
Walmart tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp mới
Vào khoảng mùa hè năm 2018, Walmart cùng với 9 công ty tên tuổi lớn khác đã hợp tác với IBM để tạo ra một hệ sinh thái blockchain hoàn toàn mới. Mục đích của hệ sinh thái này là theo dõi nguồn cung thực phẩm tương ứng trên toàn cầu thông qua việc sử dụng một nền tảng phi tập trung thống nhất được gọi là Blockchain Food Trust.
Một số công ty nổi bật hiện tham gia vào hệ sinh thái này bao gồm Nestlé SA, Dole Food Co., Driscoll’s Inc., Golden State Food, Kroger Co. và Unilever NV. Mục tiêu của Food Trust là tăng cường khả năng xác định các vấn đề liên quan đến thu hồi thực phẩm (đặc biệt là khi bùng phát virus).
Trước đây, Frank Yiannas, Phó giám đốc an toàn thực phẩm của Walmart, đã đề cập đến Food Trust, cho rằng hệ thống này cũng tương đương với hệ thống theo dõi của FedEx. Trong khi nhiều bên liên quan cho rằng Food Trust là đối thủ cạnh tranh, thì Chris Tyas của Nestlé tin rằng các công ty đang hợp tác để củng cố niềm tin của người tiêu dùng của họ. Trong khi đó, IBM đã chỉ ra rằng Food Trust có năng lực để lưu trữ dữ liệu liên quan đến hơn 1 triệu mặt hàng – bao gồm các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như bí ngô đóng hộp, đùi gà, v.v.
Vào năm 2018, khi một lô rau xà lách bị nhiễm E.coli được cho lên kệ ở nhiều cửa hàng tạp hóa nằm trên 5 tiểu bang khác nhau ở Mỹ, khiến gần 200 người bị nhiễm virus.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sự việc như vậy hoàn toàn có thể tránh được nếu có hệ thống theo dõi để xác định nguồn gốc của rau xanh bị nhiễm bệnh trong vài giờ sau khi dịch bệnh bùng phát. Yiannas chỉ ra rằng, đã phải mất nhiều năm để thị trường thực phẩm toàn cầu tích hợp các giải pháp công nghệ blockchain vào các khuôn khổ hiện hành của họ, và việc áp dụng các nền tảng như vậy có thể ngăn chặn sự bùng phát của các vấn đề dịch bệnh.
Các sáng kiến khác
Phân phối thuốc: Vài tháng trước, IBM và Walmart đã công bố quyết định hợp tác với KPMG và Merck để xây dựng thí điểm một blockchain cung ứng thuốc. Trong đó, KPMG được giao vai trò giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tuân thủ quy định, trong khi Merck và Walmart sẽ giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến phân phối thuốc.
Với hệ thống mới này, mỗi kiện thuốc có thể được theo dõi (sử dụng khóa định danh duy nhất) trong chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, các loại thuốc cũng sẽ có hồ sơ riêng của từng giao dịch liên quan đến các lô hàng khác nhau được phân phối trong chuỗi cung ứng – qua đó cho phép nhân viên báo cáo thuế thu nhập, và quá trình kiểm toán cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Hệ thống liên lạc với máy bay không người lái dựa trên blockchain: Vào tháng 8 năm 2018, Walmart đã nộp bằng sáng chế đến Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Mỹ (U.S. Patent and Trademark Office), bằng sáng chế này liên quan đến một hệ thống dựa trên máy bay không người lái mới, được mã hóa và lưu trữ các thông số hoạt động của từng thiết bị trên không. Thông tin này có thể được chuyển đến một máy bay không người lái khác – có thể giải mã, đọc và cài đặt cấu hình cho chính nó dựa trên các tham số mới được gửi. Nói một cách đơn giản, bản thiết kế bằng sáng chế này sẽ đặt nền móng cho một hệ thống thông tin liên lạc giữa các phương tiện phức tạp như máy bay không người lái.
Cuối cùng là vào năm 2017, nhà bán lẻ khổng lồ này đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến việc tạo ra một blockchain cho phép giao hàng trên hệ thống không người lái ở Mỹ.
Walmart không phải là đơn vị tiên phong
Trong vài năm gần đây, một số công ty cao cấp – như Anheuser Busch InBev và Alibaba – đã bắt đầu đưa các hệ thống dựa trên blockchain vào hoạt động kinh doanh của họ.
Ví dụ, gần đây, công ty mẹ của Budweiser là AB InBev đã hợp tác với BanQu, một công ty fintech (công nghệ tài chính) khởi nghiệp của Mỹ để giúp nông dân châu Phi theo dõi chính xác doanh số sản phẩm nông nghiệp của họ bằng công nghệ blockchain. Hệ thống mới cho phép nông dân biết được cách thức AB InBev làm việc, nhờ đó họ có thể có được cái nhìn toàn diện hơn về doanh thu của lúa mạch, cao lương và sắn, cũng như nhận thanh toán bằng ứng dụng di động đơn giản.
- VeChain (VET) công bố hợp tác với gã khổng lồ bán lẻ Walmart, giá đang tăng 40%
- VeChain đạt 1 triệu giao dịch, làm nổi bật việc áp dụng Blockchain trong thế giới thực
Kim Tuyến
Tạp Chí Bitcoin | Cointelegraph