Trong một cuộc phỏng vấn với Cointelegraph tại sự kiện Token2049, bà Dea Markova — Giám đốc chính sách của Fireblocks — cho biết ngày càng nhiều quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ, bao gồm cả Singapore, đang thể hiện sự quan tâm đến các stablecoin không neo theo đồng đô la Mỹ, dù hiện tại thanh khoản của các loại tài sản này vẫn còn hạn chế.
Bà Markova nhấn mạnh rằng cuộc cạnh tranh giữa stablecoin phi USD và các loại stablecoin neo theo đô la không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là vấn đề về chủ quyền tài chính. Bà so sánh tình hình hiện tại với căng thẳng trước đây giữa các chính phủ và các tập đoàn thanh toán Hoa Kỳ như Visa và Mastercard. “Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một mô hình tương tự với stablecoin — quy mô có thể nhỏ hơn, nhưng rõ ràng stablecoin đang nổi lên như một chiến địa mới về chủ quyền quốc gia,” bà nói.
Tại châu Âu, các stablecoin neo theo đô la như USDT và USDC đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là từ các ngân hàng trung ương. Mặc dù phần lớn các dự án này tuân thủ quy định, nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng cứng rắn từ giới quản lý. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gây áp lực nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng euro kỹ thuật số, do lo ngại về ảnh hưởng hệ thống mà các stablecoin neo đô la có thể gây ra trong khu vực đồng euro.
Ngày 29/4, Ngân hàng Trung ương Ý công bố báo cáo cảnh báo rằng việc các stablecoin neo đô la phụ thuộc vào trái phiếu kho bạc Mỹ có thể làm gia tăng các rủi ro hệ thống trong nền tài chính toàn cầu.

Hiện tại, thị trường stablecoin toàn cầu vẫn bị thống trị bởi các token neo theo đô la Mỹ, dẫn đầu là USDT của Tether và USDC của Circle. Theo dữ liệu từ DefiLlama, hai loại stablecoin này chiếm khoảng 210,9 tỷ USD trong tổng vốn hóa 241,8 tỷ USD của toàn bộ thị trường — tương đương 87,2%. Toàn bộ 10 stablecoin lớn nhất hiện nay đều gắn với đồng đô la Mỹ.
UAE dẫn đầu về tư duy quản lý stablecoin
Bà Markova cũng ghi nhận rằng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), đặc biệt là Abu Dhabi, đang đi trước các khu vực khác về tư duy quản lý đối với stablecoin. Khác với châu Âu, Abu Dhabi không yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải đăng ký kinh doanh hay có giấy phép hoạt động tại địa phương. Thay vào đó, chính quyền sẽ đánh giá từng loại stablecoin toàn cầu để quyết định có cho phép các sàn giao dịch trong nước cung cấp hay không. Theo bà Markova, cách tiếp cận này “hợp lý hơn nhiều vì nó giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận thanh khoản và hệ thống thanh toán toàn cầu.”
Vào tháng 12/2024, Abu Dhabi chính thức công nhận USDT là tài sản kỹ thuật số hợp pháp. Đến ngày 29/4/2025, Circle cũng nhận được giấy phép hoạt động tại đây cho stablecoin USDC. Song song đó, các tổ chức tại Abu Dhabi đang phối hợp để phát hành một stablecoin mới neo theo đồng dirham và được quản lý chặt chẽ.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
Youtube: https://www.youtube.com/@tapchibitcoinvn
- Lượng stablecoin chạm mốc kỷ lục 236 tỷ đô la – Bệ phóng đưa Bitcoin vươn tới 100.000 đô la không?
- Citigroup dự báo thị trường stablecoin đạt 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030
- Stablecoin là tương lai của các giao dịch thương mại điện tử toàn cầu
Vương Tiễn