Ngày 2.7, Quốc hội Mỹ đã viết cho CEO Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành Sheryl Sandberg và CEO của Calibra David Marcus một bức thư yêu cầu dừng việc phát triển tiền mã hóa Libra. Cho tới khi các nhà lập pháp hoàn tất việc phân tích mục đích của Facebook khi phát hành Libra, tương lai của loại tiền mã hóa này vẫn còn trong màn sương mờ.
Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg và David Marcus
Vẫn chưa rõ liệu đây là hành động vô vọng, hay là biểu hiện của việc chính phủ sẽ nghiêm túc cân nhắc sự hiện diện của Libra. Tuy vậy có một điều rõ ràng: kế hoạch của Facebook bất đắc dĩ phải dừng lại.
Quay trở lại thời điểm sách trắng Libra vừa được công bố ngày 17.6, tất cả mọi người, bất kể có hoạt động trong giới tiền mã hóa hay không, đều xôn xao bàn tán về nó. Có một chi tiết hầu như ai cũng quan tâm: mỗi đối tác của Facebook sẽ cần phải bỏ ra 10 triệu USD để có thể tham gia vào Hiệp hội Libra – tổ chức sẽ vận hành tiền mã hóa Libra.
Tuy vậy theo tờ New York Times, vẫn chưa có công ty nào trả khoản tiền này và rất nhiều doanh nghiệp khác chần chừ mở hầu bao để thể hiện sự cam kết của mình. Như vậy một vấn đề bắt đầu nảy sinh: Liệu các thành viên của Hiệp hội Libra, theo như tuyên bố ban đầu của Facebook là những tên tuổi lớn như Mastercard, PayPal, Visa, eBay, Spotify, Uber, Vodafone, Coinbase, Andreessen Horowitz… sẽ sẵn sàng tiếp tục cuộc chơi?
Trong tháng 7.2019, Hiệp hội Libra sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Geneva để thắt chặt thỏa thuận không ràng buộc của 27 doanh nghiệp thành viên. Nhiều chuyên gia tin rằng với áp lực đến từ chính phủ và giới công nghệ, nhiều công ty sẽ tháo chạy.
Niềm tin này xuất phát từ sự hoài nghi về mục đích và phương thức vận hành của Facebook. Trong 15 năm hoạt động, Facebook đã có được con số khổng lồ hai tỉ người dùng thông qua các mạng xã hội Facebook, WhatsApp và Instagram. Với hành trình tăng trưởng chóng mặt như vậy, không mấy ngạc nhiên khi Facebook muốn thực hiện kế hoạch Libra đầy tham vọng càng nhanh càng tốt.
Thế nhưng ngay sau khi sách trắng của Libra được công bố, chủ tịch Uỷ ban Tài chính Hạ viện Mỹ kêu gọi thực hiện một phiên điều trần cho những sai phạm trước đó của Facebook liên quan tới bảo mật dữ liệu người dùng. Như vậy trong ngày 17.7 tới, người đại diện của công ty này sẽ lại một lần nữa đối mặt với Quốc hội Mỹ.
Đặt giả định Facebook là một công ty minh bạch, chân thật và cực kỳ thận trọng thì sự ra đời của Libra cũng sẽ khiến chính phủ Mỹ phải do dự. Không như nhiều loại tiền mã hóa neo giá vào một đơn vị tiền tệ quốc tế nhất định, chẳng hạn như Tether và Gemini đều neo giá vào đô la Mỹ, Libra lại được neo giá theo một “nhóm tài sản ít biến động, chẳng hạn như tiền ký gửi ngân hàng và các trái phiếu chính phủ ngắn hạn ổn định do các ngân hàng trung ương có danh tiếng và ổn định phát hành.” Danh sách cụ thể các nhóm tài sản này vẫn chưa được tiết lộ.
Nói cách khác, giá trị của Libra không liên quan tới đô la Mỹ, và điều này khiến tương lai của đô Mỹ trở nên bất ổn. Một khi đồng Libra trở nên phổ biến, các rổ tài sản khi ấy có thể bỏ qua đô la Mỹ và Libra sau cùng có thể vượt trội hơn hẳn so với tiền tệ chính thức của nước Mỹ.
Bitcoin, loại tiền mã hóa đầu tiên và được tin tưởng nhất đã tồn tại được cả thập kỷ cũng đã và đang trải qua tình trạng tương tự. Nhiều chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp vẫn tỏ ra e ngại với loại tiền này. Sẽ như thế nào nếu các doanh nghiệp hàng đầu cùng chung tay xây dựng một loại tiền mã hóa mới đủ sức cạnh tranh với Bitcoin?Tuy vậy chưa hẳn tất cả các doanh nghiệp đều có ý định tháo lui khỏi dự án tiền mã hóa của Facebook. Các nền tảng nhắn tin chính là đối tượng có khả năng tạo chất xúc tác để các tài sản mã hóa cũng như các nền tảng thanh toán, ví và ứng dụng đi kèm trở nên phổ biến hơn.
“Facebook là một trong những công ty có quyền lực và sức ảnh hưởng nhất hành tinh. Với Libra, họ có thể vươn xa hơn nữa. Nhưng điều này có thực sự xảy ra hay không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời,” đối tác chính của Gumi Cryptos Miko Matsumura nhận định.