Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) phải duy trì chế độ thắt chặt tiền tệ của mình. Tuy nhiên, với lạm phát không có dấu hiệu chậm lại, có thể còn nhiều đau đớn hơn trong thời gian sắp tới trước khi thị trường tiền điện tử bước vào giai đoạn phục hồi đáng kể.
Tiền điện tử đầu hàng
“Thị trường đã chạm đáy chưa?” có lẽ là câu hỏi trăn trở của bất kỳ ai vào lúc này, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhất đến các nhà quản lý quỹ phòng hộ khổng lồ. Tình trạng hỗn loạn của các tín hiệu vĩ mô và chỉ báo kỹ thuật càng làm hạn chế khả năng xác định những gì đang diễn ra trong nền kinh tế nói chung và thậm chí trong thị trường tiền điện tử có nhịp độ nhanh hơn nói riêng. Nhưng, chúng ta hãy thử loại bỏ các tín hiệu nhiễu và cùng tìm hiểu xem thị trường chạm đáy hay chưa.
Đầu tiên là các tin tức tốt lành. Một số chỉ báo kỹ thuật lớn nhấp nháy tín hiệu mua trong những tuần gần đây, chứng minh cho kịch bản thị trường crypto có lẽ đã tìm thấy mức thấp nhất. Lời/Lỗ ròng chưa thực hiện (NUPL), Đáy chu kỳ Pi và Puell Multiple đều đã đạt các mức từng đánh dấu đáy trong các chu kỳ trước đây. Mặc dù các chỉ báo kỹ thuật này đôi khi có hồ sơ theo dõi còn nhiều điểm đáng ngờ, nhưng chắc chắn đáng chú ý khi chúng cùng đưa ra tín hiệu nhất quán như hiện tại.
Nguồn: LookIntoBitcoin
Ngoài ra, cách thị trường tiền điện tử phản ứng với các tin tức kinh tế vĩ mô cũng đáng được xem xét. Thị trường cho thấy những bước chuyển đáng kể sau khi dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6 đạt mức cao mới trong 40 tháng là 9,1%. Nhiều người tham gia thị trường dự kiến tiền điện tử sẽ bắt đầu giảm giá sau tin tức này. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Kể từ khi phát hành dữ liệu CPI, crypto tăng cao hơn, loại bỏ bất kỳ ai cố gắng bán Short chậm trễ. Tương tự, quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào rạng sáng thứ 5 (theo giờ Việt Nam) và tăng trưởng GDP âm được công bố sau đó đã đẩy tiền kỹ thuật số lên cao hơn, cho thấy thị trường hiện có lẽ đã được “định giá” trong xu hướng kinh tế suy thoái hiện tại.
Mặt khác, ngay cả khi những người tham gia thị trường đã ngừng quan tâm đến tình hình kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, điều đó không có nghĩa là sẽ không có thêm nỗi đau ập đến. Sự thật thẳng thắn là lạm phát vẫn đang leo thang và Fed cam kết giảm xuống mức có thể chấp nhận được. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sau đợt tăng lãi suất hôm thứ 5 rằng tình hình “trở nên thích hợp để làm chậm tốc độ tăng”, nhưng ông cũng để ngỏ khả năng tăng “thậm chí mạnh hơn” nếu cần. Lãi suất liên tục tăng cùng với việc bán tháo các tín phiếu kho bạc của Fed và cổ phiếu được bảo đảm bằng thế chấp sẽ thắt chặt dòng tiền và gần như chắc chắn gây cản trở cho các tài sản có rủi ro như tiền điện tử.
Một vấn đề vĩ mô lớn khác là giá năng lượng – cụ thể là ở châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraine và hệ quả tẩy chay năng lượng của Nga đã làm trầm trọng thêm tỷ lệ lạm phát toàn cầu vốn dĩ đã đáng báo động. Mùa đông đang đến gần và có khả năng nhiều quốc gia châu Âu sẽ không có năng lượng để sưởi ấm. Theo đó, giá cả chắc chắn tăng vọt đến mức người dân bình thường không đủ khả năng chi trả. Nếu lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga tiếp tục kéo dài, châu Âu sẽ phải phụ thuộc năng lượng vào Hoa Kỳ trong những tháng tới.
Nhưng chưa dừng lại ở đó. Trong những tháng gần đây, đồng euro suy yếu đáng kể so với đô la Mỹ do quyết định tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ của Fed. Đồng thời, có vẻ như các quốc gia châu Âu sẽ cần mua năng lượng của Hoa Kỳ để duy trì hoạt động của nền kinh tế và sưởi ấm. Điều này đẩy Hoa Kỳ vào thế “đã khó nay còn khó hơn”.
Nhìn chung, Hoa Kỳ có hai lựa chọn: thực hiện các biện pháp để củng cố đồng euro so với đô la Mỹ bằng cách bơm thanh khoản vào nền kinh tế châu Âu hoặc để các nước châu Âu vỡ nợ do chi phí năng lượng leo thang. Hãy nhớ rằng nhiều quốc gia châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ lượng nợ đáng kể của Hoa Kỳ, có nghĩa là nếu họ vỡ nợ, điều đó cuối cùng cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của cường quốc lớn nhất thế giới.
Do đó, Fed có thể phải chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ để tránh thảm họa ở châu Âu. Hiện tại, Hoa Kỳ còn một khoảng thời gian từ bây giờ cho đến mùa đông để có thể tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, châu Âu sẽ sớm đạt đến điểm phá vỡ và Fed buộc phải giảm bớt một số áp lực bằng cách tạm dừng hoặc thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại, do đó làm suy yếu đồng đô la.
Câu hỏi cuối cùng là liệu thị trường sẽ đi xuống trước khi Fed buộc phải “quay xe”? Rất ít khả năng tiền điện tử sẽ sớm tạo ra mức thấp mới khi xem xét tình trạng thanh trừng đòn bẩy nghiêm trọng đẩy giá Bitcoin xuống dưới 18.000 đô la. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn có thể quay lại các mức đó nếu tình hình vĩ mô trở nên tồi tệ hơn.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Dự đoán giá Bitcoin hàng tuần: BTC đã thoát khỏi móng vuốt gấu chưa?
- Tiền điện tử tỏa sáng bất chấp các điều kiện vĩ mô tồi tệ
- Changpeng Zhao: Tiền điện tử điều chỉnh là cần thiết và thị trường đã lành mạnh hơn
Minh Anh
Theo Crypto Briefing