Nhiều nhà phân tích và đại diện ngành công nghiệp tiền điện tử dự đoán rằng sự tích hợp ngày càng tăng của thanh toán blockchain với các ứng dụng nhắn tin sẽ trở thành chất xúc tác cho làn sóng tiếp theo của việc áp dụng công nghệ sổ cái phân tán chính thống (DLT).
Tuy nhiên, các nhà phê bình đang cảnh báo rằng các khoản thanh toán blockchain được tích hợp với các ứng dụng nhắn tin có thể sẽ làm suy yếu nhiều giá trị cốt lõi làm nền tảng cho tiền điện tử. Họ dự đoán rằng hoạt động kinh tế của phần lớn các cá nhân có thể sẽ được thực hiện với sự dàn xếp tập trung hóa từ một số ít các công ty lớn. Đổi lại, họ có thể thu được lợi nhuận từ khối lượng dữ liệu tài chính sẽ được mang lại thông qua việc áp dụng hàng loạt khoản thanh toán DLT được tích hợp với các ứng dụng nhắn tin.
Các ứng dụng nhắn tin thúc đẩy làn sóng chấp nhận tiền điện tử tiếp theo
Bill Barhydt, CEO và nhà sáng lập công ty dịch vụ tài chính Abra, đã tuyên bố rằng các ứng dụng nhắn tin “có thể đại diện cho giao diện hướng tới người tiêu dùng tốt nhất cho các khoản thanh toán dựa trên tiền điện tử hiện nay”.
Tuy nhiên, Barhydt khẳng định rằng sự thành công của thanh toán blockchain dựa trên trình nhắn tin sẽ yêu cầu tích hợp các khoản thanh toán DLT vào “trải nghiệm người dùng cốt lõi” của các ứng dụng nhắn tin này:
“Các khoản thanh toán dựa trên tin nhắn sẽ chỉ thành công nếu các ứng dụng nhắn tin thực sự tích hợp thanh toán vào trải nghiệm người dùng cốt lõi như cách WeChat đã làm ở Trung Quốc. Đó hoàn toàn không phải là vấn đề của tiền điện tử, DLT hay thậm chí là ngân hàng, đó là vấn đề về cam kết thiết kế phù hợp xung quanh use case ‘gửi tiền’ mà hầu hết các ứng dụng nhắn tin đều không thể nắm bắt được. Một khi họ đáp ứng được vấn đề này, người dùng sẽ có thể gửi tiền qua ứng dụng nhắn tin dễ dàng”.
WhatsApp đang khám phá các dịch vụ thanh toán ở Indonesia
Vào ngày 20/08/2019, Reuters đã công bố một báo cáo trích dẫn các nguồn tin nặc danh cho rằng người đưa tin WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook đã tham gia các cuộc đàm phán với một số công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu của Indonesia. Trong số đó có công ty unicorn đầu tiên của Indonesia, Go-Jek; công ty thanh toán di động Dana; và startup fintech Ovo – các thỏa thuận giữa WhatsApp và ba công ty dự kiến sẽ hoàn tất ngay sau đó.
Không muốn nêu tên các công ty tham gia đàm phán, một phát ngôn viên của Facebook đã xác nhận rằng WhatsApp đang thảo luận về các khoản thanh toán với các công ty tài chính của Indonesia, ông nêu rõ:
“WhatsApp đang đàm phán với các đối tác tài chính ở Indonesia về các khoản thanh toán, tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và chúng tôi không có gì để chia sẻ thêm trong giai đoạn này”.
Thông báo sau đó từ CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, rằng các khoản thanh toán WhatsApp sẽ sớm được triển khai tại “một số quốc gia”, đại diện của Facebook cho biết thêm: “Như Mark đã nói vào đầu năm nay, chúng tôi đang tìm cách mang thanh toán kỹ thuật số tiếp cận với nhiều quốc gia hơn”.
Theo các nguồn tin nặc danh được trích dẫn bởi Reuters, nền tảng thanh toán WhatsApp của Indonesia ban đầu dự kiến sẽ được phát hành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, họ đã lùi ngày ra mắt dự tính vào năm 2020. Để ra mắt thành công, theo kế hoạch nền tảng cũng dự kiến sẽ đòi hỏi cần được phê duyệt theo quy định từ ngân hàng trung ương quốc gia, Ngân hàng Indonesia.
Dự kiến, nền tảng thanh toán từ Indonesia của WhatsApp nhằm mục đích để xây dựng một mô hình tiềm năng cho Facebook sử dụng để tìm cách nhắm mục tiêu các ngành công nghiệp thanh toán trong các khu vực pháp lý với các khung pháp lý thù địch với tiền điện tử hoặc Libra. Do quy định tài chính nghiêm ngặt ở Indonesia, có tin đồn cho rằng nền tảng thanh toán WhatsApp, sẽ độc quyền hỗ trợ thanh toán qua ví kỹ thuật số địa phương. WhatsApp cũng sẽ sớm triển khai một nền tảng thanh toán ở Ấn Độ – hợp tác với các tổ chức tài chính địa phương như ICICI Bank, Axis Bank, HDFC Bank và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ.
Facebook ra mắt thanh toán dựa trên blockchain
Thật vậy, Facebook được coi là công ty có lợi thế nhất để chiếm thị phần đáng kể trong ngành thanh toán blockchain bằng cách tích hợp DLT với các dịch vụ ứng dụng nhắn tin ở phương Tây.
Tin đồn rằng Facebook đang phát triển một loại tiền kỹ thuật số, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2018, khi các phương tiện truyền thông trích dẫn các nguồn tin nặc danh cho rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội đang rất nghiêm túc về dự án này. Trong cùng tuần đó, phó chủ tịch mảng sản phẩm tin nhắn của Facebook, David Marcus, đã chuyển từ bộ phận lãnh đạo Messenger của Facebook sang khám phá “cách thức tận dụng blockchain tốt nhất trên Facebook”.
Trong tháng 6 năm 2019, Facebook cuối cùng đã công bố cụ thể về loại tiền điện tử được đề xuất của mình, với tên gọi là Libra, sẽ được lưu trữ và giao dịch từ ví Calibra của công ty hoặc ví của bên thứ ba. Calibra sẽ được tích hợp vào tất cả các nền tảng chính thuộc sở hữu của Facebook, như Messenger, WhatsApp và Instagram.
Libra dự kiến sẽ bao gồm một stablecoin được hỗ trợ bởi một rổ tiền gửi ngân hàng, chứng khoán chính phủ ngắn hạn và tiền tệ quốc gia được giữ trong Libra Reserve. Libra sẽ chịu sự chi phối của các thành viên sáng lập Libra Association, bao gồm Facebook, Visa, Uber và Andreessen Horowitz. Các thành viên sáng lập được yêu cầu đầu tư 10 triệu đô la, trong đó họ nhận được Libra Investment Token để kiếm cổ tức từ tiền lãi được tạo ra từ các tài sản trong Libra Reserve – bên cạnh việc bỏ phiếu cho các quyền liên quan đến quản trị dự án.
Sự thống trị của Libra có thể thúc đẩy sự tập trung hóa các khoản thanh toán
Akbar Thobhani, CEO của SFOX, hy vọng rằng Libra có thể không ảnh hưởng đáng kể đến mọi người trong thời gian ngắn – mặc dù ông tin rằng dự án có thể châm ngòi cho sự xuất hiện của nền kinh tế ứng dụng mới, tương tự như khi điện thoại thông minh lần đầu tiên nổi lên trên thị trường. Tuy nhiên, CEO SFOX cảnh báo rằng Libra có thể sẽ là chất xúc tác để đẩy mạnh sự tập trung hóa, ông nói:
“Rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp này có thể chính à vai trò của một cây cầu dẫn đến tập trung hóa: tương lai của tiền điện tử và tài chính phụ thuộc vào các giải pháp mở và Facebook có thể có nguy cơ bị nhiều người dùng xa lánh nếu họ cố gắng biến hệ sinh thái tiền điện tử của mình thành một nơi tách biệt với thế giới”.
Khi được hỏi về nguy cơ tập trung hóa gây ra do sự ra đời của Libra, Barhydt của Abra đã đưa ra một câu hỏi tu từ:
“Làm sao điều này tồi tệ hơn việc tin tưởng Wells Fargo và các công ty khác – những công ty đã thể hiện một sự không đáng tin hoàn toàn khi nói đến việc quản lý quỹ tiêu dùng và có chính sách đúng đắn với khách hàng của họ?”
Theo Gregory Magarshak, nhà sáng lập nền tảng phát triển ứng dụng QBIX, vấn đề thực sự là “liệu tiền điện tử phi tập trung có đủ khả năng để có được sự áp dụng rộng rãi như một phương tiện thanh toán hay không”. Magarshak nói rằng:
“Nếu tiền mã hóa không thực hiện được điều này, thì không gian thanh toán sẽ thuộc về các công ty mạng xã hội lớn, giống như thuộc về các ngân hàng theo truyền thống”.
Matthew Commons, CEO của công ty tuân thủ dữ liệu blockchain Cambridge Blockchain, đã nói rằng việc tích hợp một loại tiền kỹ thuật số vào ứng dụng Messenger của Facebook có thể sẽ dẫn đến việc Calibra bị giám sát bởi cùng một bộ máy quản lý như các tổ chức tài chính về khía cạnh Know Your Customer – KYC, ông bày tỏ:
“Bằng cách tích hợp tiền điện tử, các công ty công nghệ này có thể sẽ được quy định là ‘Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo’, có cùng nghĩa vụ như các tổ chức tài chính. Điều này bao gồm thu thập một tập hợp lớn hơn các dữ liệu ‘nhận biết khách hàng’ về người dùng của họ, cũng như dữ liệu nhận dạng cho bất kỳ đối tác giao dịch nào liên quan đến thanh toán trên 1000 đô la. Hướng dẫn gần đây của Lực lượng đặc nhiệm Tài chính liên chính phủ (FATF) có vẻ đã làm khá rõ vấn đề này”.
Vào tháng 7, Benoit Coeure, chủ tịch đội ngũ quốc tế làm việc với stablecoin của G-7, đã khẳng định rằng Libra sẽ không được phép ra mắt nếu không có sự nhúng tay của các cơ quan quản lý.
Libra tìm cách cạnh tranh với WeChat Pay và Alipay
Thông qua Libra, Facebook đang tìm cách cạnh tranh với các ứng dụng nhắn tin nổi tiếng như WeChat, ứng dụng của họ cung cấp các dịch vụ liên quan đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày – bao gồm cả thanh toán. Tại Trung Quốc, cứ 10 giao dịch thì có 9 giao dịch được thực hện thông qua các nền tảng thanh toán hiện đang được điều hành bởi Alibaba và WeChat.
Trong khi WeChat trước đây đã thử nghiệm các ứng dụng cho DLT, nền tảng này đã cấm các khoản thanh toán tiền mã hóa trên nền tảng của nó vào tháng 5 năm 2019. Năm ngoái, Ma Huateng – CEO và nhà sáng lập Tencent và công ty con của nó, WeChat – đã tuyên bố rằng công ty không có ý định phát hành một loại tiền kỹ thuật số nào cả.
Trong khi chủ sở hữu của Tencent và Alibaba, Ant Financial, dường như không quan tâm đến Libra, sự thống trị của nền tảng đối với lĩnh vực thanh toán tại Trung Quốc có thể sớm phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một nền tảng thanh toán dựa trên blockchain khác được xây dựng bởi ngân hàng trung ương Trung Quốc – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Theo một báo cáo được công bố bởi South China Morning Post, các nhà phân tích đang mong đợi thị phần của WeChat Pay và Alipay sẽ giảm khi người gửi tiền “chuyển đổi một số giao dịch thanh toán của họ sang tiền kỹ thuật số do PBOC phát hành”.
- Thành công của một dự án Blockchain có thể tạo đà cho việc niêm yết trên sàn giao dịch
- Smartphone IMpulse K1: Cuộc cách mạng điện thoại dựa trên Blockchain trong năm 2019
Huyền Đinh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph