Trong khi thế giới tiếp tục quay cuồng với việc trí tuệ nhân tạo đã đi được bao xa sau những dự án như ChatGPT, các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây tuyên bố họ có thể bẻ khóa mã hóa bằng máy tính lượng tử — điều mà các nhà khoa học cho rằng phải mất nhiều năm nữa mới xảy ra.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xuất bản một “bài báo khoa học” vào tháng trước cho biết họ đã sử dụng máy tính lượng tử để xâm nhập thuật toán RSA tiêu chuẩn mà nhiều ngành (như ngân hàng, điện thoại di động và lưu trữ dữ liệu) sử dụng cho các biện pháp mã hóa của họ.
Theo Financial Times, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiết lộ họ đã sử dụng thuật toán của mình để phân tích một số có 48 bit trên một máy tính lượng tử có 10 qubit (bit lượng tử) và chưa thử mở rộng để hoạt động trên một hệ thống lớn hơn nhiều.
Mặc dù tuyên bố làm dấy lên một số lo ngại về công nghệ bảo mật tiên tiến nhất, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng bước đột phá này là không thể – ít nhất vào thời điểm hiện tại.
“Một đồng nghiệp của chúng tôi gọi đó là trò lừa bịp lớn nhất mà anh ấy từng thấy trong khoảng 25 năm. Bản thân bài nghiên cứu không công bố bất cứ điều gì thực sự mới”, CEO & Đồng sáng lập Global Quantum Intelligence Andre Konig cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Konig gọi các tuyên bố của bài viết là cường điệu hóa và sắp đặt phương pháp, cách tiếp cận hiện có, thiếu bằng chứng về khái niệm có thể chứng minh thành công phá vỡ các tiêu chuẩn mã hóa hiện tại.
Mã hóa là gì?
Mã hóa giúp bảo vệ thông tin không bị truy cập ngay cả khi thông tin đó bị chặn bởi hacker, các tác nhân độc hại hoặc các quốc gia cố lấy cắp dữ liệu cá nhân hoặc tài chính. Phương tiện xáo trộn và sắp xếp lại thông tin an toàn này là chìa khóa cho các blockchain như Bitcoin và tiền điện tử nói chung, nơi lưu trữ những thông tin như chi tiết giao dịch trên sổ cái phi tập trung có thể truy cập rộng rãi qua internet.
Máy tính lượng tử là gì?
Máy tính lượng tử sử dụng cơ học lượng tử để thực hiện các thao tác trên dữ liệu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với máy tính hiện đại. Mạnh hơn gấp nhiều lần so với một máy tính để bàn trung bình, máy tính lượng tử thiên về mật mã chuyên tính toán, nhưng khó xây dựng, lập trình và sử dụng. Với tốc độ và sức mạnh xử lý “khủng khiếp”, những người đam mê tiền điện tử lo sợ một ngày nào đó có thể phá vỡ mã hóa được sử dụng để bảo mật Bitcoin.
“Một số người trong ngành gọi nó là Y2Q”, Konig cho biết.
Y2Q là thời điểm không xác định trong tương lai khi điện toán lượng tử đạt được bước đột phá vào thị trường chính thống — tham khảo cách “Y2K” được sử dụng vào cuối những năm 1990 trong ngành công nghiệp máy tính. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp coi nửa đêm ngày 31 tháng 12 năm 1999 là ngày mà các máy tính trên toàn thế giới sẽ ngừng hoạt động, gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Konig nói rằng trong khi các nhà nghiên cứu không biết khi nào Y2Q sẽ xảy ra, ngành công nghiệp đang khám phá khả năng một ngày nào đó máy tính lượng tử sẽ ra đời.
“Tôi nghĩ rằng sẽ mất khoảng 10 năm để xảy ra. Nhưng nếu bạn là một trong những nhà cung cấp có thông tin quan trọng, bạn cần phải lo lắng về điều đó ngay hôm nay”.
Mối đe dọa đối với Bitcoin
Bitcoin chưa bao giờ bị hack thành công, nhưng nhiều người coi các cuộc tấn công Brute force bằng điện toán lượng tử là công cụ có khả năng ai đó sẽ sử dụng để đánh sập Bitcoin.
Theo công ty an ninh mạng Kaspersky, tấn công Brute force sử dụng thử và sai để đoán các chuỗi như thông tin đăng nhập và khóa mã hóa, hoạt động thông qua tất cả các kết hợp có thể với hy vọng tìm thấy kết quả khớp. Với công nghệ hiện tại, các cuộc tấn công này sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để thành công.
Về mặt lý thuyết, điện toán lượng tử có thể gỡ rối mã hóa phức tạp trong vòng vài giờ hoặc vài phút. David Schwed, COO của công ty bảo mật blockchain Halborn, cho biết:
“Nó sẽ phá hủy hoàn toàn thị trường. Nhưng không chỉ là tiền điện tử mà là bất cứ thứ gì được mã hóa, cho dù bạn đang phá vỡ ECDSA (Thuật toán Chữ ký số Đường cong Elliptic) hay phá vỡ RSA, bạn sẽ có thể phá vỡ bất kỳ mã hóa nào”.
Schwed tin rằng nếu các nhà nghiên cứu thành công trong việc phát triển điện toán lượng tử, mục tiêu đầu tiên không phải là tiền điện tử mà là kho dữ liệu mã hóa khổng lồ bị rò rỉ và đánh cắp mà các quốc gia đã tích lũy trong nhiều năm.
“Họ chỉ chờ ngày giải mã được dữ liệu đó. Đối với tôi, điều đó đáng lo ngại nhiều hơn, không nhất thiết tiền điện tử. Người Trung Quốc sẽ không nói với chúng ta rằng họ có thể phá vỡ mã hóa nếu đúng như vậy. Họ sẽ chỉ phá vỡ mã hóa và làm bất cứ điều gì họ sẽ làm với nó”.
Schwed và Konig đồng ý việc công bố khả năng phá vỡ mã hóa sẽ là điều kỳ lạ đối với một quốc gia.
Ai đang nghiên cứu máy tính lượng tử?
Trong khi máy tính lượng tử có thể còn nhiều năm nữa mới trở thành mối đe dọa đối với mã hóa và tiền điện tử, một số công ty như Google, Microsoft, Amazon, Raytheon và Lockheed Martin đã tham gia cuộc đua đưa máy tính lượng tử ra thị trường.
“Tôi nghĩ cực kỳ khẩn cấp. Bởi vì cho dù phải mất 5 năm, 10 hay thậm chí 15 năm, thì việc vá hệ thống của bạn sẽ tiêu tốn nguồn lực đáng kể. Vì vậy, bạn thực sự phải bắt đầu ngay hôm nay”.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- BNB có thể giảm hơn 80% từ mức hiện tại, theo KOL Capo
- Tại sao máy tính lượng tử sẽ không phá vỡ ngành công nghiệp tiền điện tử?
- Máy tính lượng tử và tiền điện tử
Đình Đình
Theo Decrypt