Bài viết gần đây của Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Hossein Nabilou thuộc Đại học Luxembourg về những thách thức pháp lý tiềm ẩn khi phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương cho thấy lợi ích của tiền điện tử vượt xa những hạn chế.
Gần đây, nhà cung cấp dịch vụ tài chính toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, J.P. Morgan đã công bố ra mắt JPM Coin. JPM Coin là một loại tiền kỹ thuật số nội bộ cho các nhà đầu tư tổ chức sử dụng để chuyển tiền nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Thanh toán xuyên biên giới hoặc chuyển tiền có một số nhược điểm lớn có thể khắc phục bằng cách sử dụng tiền điện tử. Thời gian và chi phí hoạt động có thể được rút ngắn đáng kể. Bằng cách chọn thanh toán thông qua các loại tiền kỹ thuật số và thực hiện chúng trong môi trường an toàn, những vấn đề này có thể được khắc phục.
Nhà bán lẻ hàng may mặc toàn cầu H&M tuyên bố họ sẽ chấp nhận tiền điện tử như một hình thức thanh toán cho các nhà phân phối. Giải pháp chuyển tiền toàn cầu này được thiết lặp để tránh thời gian chờ đợi thanh toán lâu và nó cho thấy cần có một tùy chọn thanh toán quốc tế nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Hiện tại, ít nhất 19 quốc gia khác nhau đã thử nghiệm ý tưởng về CBDC hoặc họ đang trong quá trình nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này. Cộng hòa Quần đảo Marshall đang tạo ra tiền kỹ thuật số Sovereign (SOV) tuân thủ đầy đủ quy định và sẽ được đấu thầu hợp pháp trên đảo nhỏ Thái Bình Dương. Ngân hàng trung ương Riksbank của Thụy Điển cũng đi khá xa trong việc nghiên cứu ra mắt hình thức kỹ thuật số e-Krona của tiền fiat Krona.
Vậy, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành là gì?
CBDC là gì ?
CBDC (Central Bank Digital Currency) tạm dịch: Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành, kiểm soát và đảm bảo bởi Ngân hàng Trung Ương của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có chủ quyền (tương tự như tiền fiat). Về mặt lý thuyết, CBDC tạo ra một cơ chế kỹ thuật số mới để giải quyết thời gian chuyển tiền thực giữa 2 bên và giúp giao dịch xuyên biên giới một cách dễ dàng, loại bỏ sự trung gian thanh toán của các ngân hàng thương mại như hiện tại.
CBDC được dự định là có thể trao đổi 1:1 với các hình thức tiền khác (như tiền giấy, coin và tiền gửi tại ngân hàng). Chúng có thể được phát hành dưới hình thức thay thế có thể đổi thành tiền tệ fiat được giữ bởi một ngân hàng trung ương và phải trả theo yêu cầu cho chủ sở hữu. CBDC cũng có thể được phát hành như một hình thức cung ứng tiền mới bên cạnh việc phát hành tiền giấy của ngân hàng trung ương truyền thống.
Xã hội không tiền mặt
Trong quá trình lịch sử, tiền tệ đã có rất nhiều thay đổi. Ví dụ, đô la Mỹ được giới thiệu là đơn vị tiền tệ cho Hoa Kỳ vào năm 1775. Vào năm 1900, khi Đạo luật Tiêu chuẩn Vàng được ban hành, đô la Mỹ không còn được vàng hỗ trợ. Năm 1971, Tổng thống Nixon đã hủy bỏ việc chuyển đổi quốc tế từ đô la Mỹ sang vàng, chấm dứt tiêu chuẩn vàng. Ngày nay, đô la Mỹ nhận được sự tin tưởng của quốc gia với vai trò là tiền fiat.
Thời gian trôi qua với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã thúc đẩy mọi người hướng tới thanh toán trực tuyến và di động, gây sụt giảm tiền mặt trong lưu thông. Các quốc gia trên lục địa châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore đang đi đầu trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử hơn thanh toán bằng tiền mặt. Lý do chính khiến ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank khám phá CBDC cũng là vì suy giảm lưu thông tiền giấy và tiền xu.
Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) là một hình thức tiền kỹ thuật số được chấp nhận rộng rãi, có thể được đấu thầu hợp pháp. CBDC sẽ hoạt động như một đại diện kỹ thuật số của tiền tệ fiat quốc gia và sẽ được một lượng dự trữ tiền tệ phù hợp dưới dạng vàng hoặc ngoại hối hỗ trợ. CBDC sẽ được cơ quan tiền tệ chính thức của một quốc gia là Ngân hàng Trung ương phát hành. Để một loại tiền kỹ thuật số được đấu thầu hợp pháp, luật pháp chính thức cần có quy định điều chỉnh phù hợp.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng cân nhắc đến những lợi ích và hạn chế của CBDC. Một số quốc gia đã thí điểm CBDC, trong khi những nước khác đang thực hiện nghiên cứu sâu rộng về chủ đề này. Các Ngân hàng Trung ương ở một số nước tuyên bố họ sẽ không khám phá CBDC.
Lợi ích
Một số lợi ích của CBDC bao gồm:
Tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện là một phương tiện để giảm đáng kể tình trạng nghèo đói toàn cầu. Ở một số quốc gia, việc truy cập vào tài khoản ngân hàng có thể gặp khó khăn. Theo một báo cáo nghiên cứu vào năm 2017, 1/3 dân số thế giới trưởng thành không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc phương tiện thanh toán di động. Phát hành CBDC có nghĩa là điều chỉnh luật pháp và nêu rõ các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng tiền điện tử.
Nếu tiền điện tử được coi là hợp pháp, điều đó có nghĩa là những người không có tài khoản ngân hàng có thể chuyển tiền hợp pháp thông qua ví tiền điện tử. Họ có thể yêu cầu thanh toán công việc bằng các loại crypto. Điều này sẽ giúp tăng cường tài chính toàn diện và hy vọng đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu năm 2030 của Liên Hợp Quốc là chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức ở mọi nơi.
Tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian
Việc thanh toán cho ai đó ở một quốc gia khác có thể rất tốn kém và mất thời gian. Một số ngân hàng tính phí cho mỗi giao dịch hoặc họ tính tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền. Trong một số trường hợp, có thể mất vài ngày để hoàn tất thanh toán và chuyển tiếp đến người nhận, đặc biệt là do thiếu khả năng hoạt động 24/7 giữa các ngân hàng. Thanh toán bằng tiền kỹ thuật số có khả năng được gửi gần như ngay lập tức từ người gửi đến người nhận với chi phí thanh toán (quốc tế) thông thường của ngân hàng. Như vậy, triển khai CBDC sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết hiệu quả chi phí và thời gian của các giao dịch tài chính xuyên biên giới.
Hạn chế
Hạn chế tiềm năng đối với CBDC có thể là:
CBDC giúp tránh né các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Các quốc gia đang tranh chấp với Hoa Kỳ bị hạn chế thương mại hiện đang ưu tiên khám phá tiền điện tử. Ví dụ điển hình là Venezuela với tiền điện tử quốc gia Petro được hỗ trợ bằng dầu mỏ. Ngoài ra, các nguồn tin còn cho biết Iran đang ấp ủ dự án tiền điện tử của riêng mình. Đình đám nhất có lẽ là Trung Quốc đã lên kế hoạch cho CBDC từ năm 2018. Với mục đích phát hành để tránh đối mặt với các biện pháp trừng phạt hợp pháp làm mất uy tín của tiền mã hóa. Các nhà quản lý Hoa Kỳ thậm chí đã đi xa đến mức giới thiệu một dự luật mới trong Quốc hội nhằm mục đích trừng phạt tất cả mọi người khuyến khích hoặc giúp Iran tạo ra một loại tiền kỹ thuật số.
Đột biến rút tiền gửi
Trong thời kỳ bất ổn tài chính, có nhiều khả năng mọi người muốn rút tiền từ tài khoản ngân hàng và đổi sang tiền giấy. Trong bối cảnh tiền kỹ thuật số, việc rút tiền có thể thuận tiện hơn vì khách hàng thực hiện giao dịch dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, việc giới thiệu CBDC đột ngột có thể thúc đẩy đột biến rút tiền gửi của những người muốn rút tiền để đổi lấy tiền điện tử, điều này có thể dẫn đến vấn đề các ngân hàng không có đủ tiền mặt để thực hiện các lệnh rút tiền.
Các vấn đề xuyên biên giới
Khi CBDC được phổ biến trong dân chúng, người nước ngoài có thể tiếp cận nó không? Nếu có, câu hỏi đặt ra là liệu người nhận có tuân thủ phòng chống rửa tiền hay không? Một vấn đề khác là giao dịch có thể được thực hiện với những người sống trong lãnh thổ bị trừng phạt.
Ngân hàng Dự trữ một phần
Các ngân hàng kiếm được rất nhiều tiền khi cho vay phần lớn tiền gửi của khách hàng. Khi khách hàng lựa chọn CBDC, ngân hàng không thể cho vay nhiều tiền, vì lượng cung tiền trong tài khoản của họ ít hơn. Bởi vì các ngân hàng trung ương chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào việc phát hành và phân phối ‘tiền’ giúp họ có được nhiều quyền lực hơn so với các ngân hàng truyền thống. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn của ngành ngân hàng.
City coin
Ở quy mô nhỏ hơn một chút, ngoài các ngân hàng trung ương khám phá CBDC, cũng có một số hội đồng thành phố tuyên bố tạo ra tiền điện tử. Thành phố tư nhân Liberstad ở Na Uy tuyên bố họ đang phát hành tiền điện tử ‘chính chủ’ phối hợp với City Chain Labs. City Coin sẽ là hình thức thanh toán chính thức duy nhất tại thị trấn tư nhân.
Thành phố thủ đô Vienna của Áo đang phát hành The Vienna Token, một token kỹ thuật số để khuyến khích công dân và cung cấp cho họ tùy chọn thúc đẩy hoàn thuế. The Vienna Token được tạo ra với sự hợp tác của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Vienna.
Các thành phố khác như Dubai (UAE), Calgary (Canada), Orania (Nam Phi) và Naples (Ý) cũng đang khám phá tiền điện tử như một hình thức thanh toán.
Kết luận
Như vậy, ngành công nghiệp tiền điện tử đã đi được một chặng đường dài. Quay trở lại năm 2017, CEO Jamie Dimon của J.P Morgan đã gọi Bitcoin là trò lừa đảo và gần 2 năm sau đó, công ty phát hành tiền điện tử của riêng mình để sử dụng nội bộ. J.P. Morgan đã tạo ra blockchain Quorum tập trung vào doanh nghiệp của riêng họ. Ngoài ra, các tập đoàn và ngân hàng lớn cũng đang thử nghiệm công nghệ blockchain. Chưa dừng lại ở đó, sẽ càng có nhiều doanh nghiệp hơn áp dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vưc khác nhau của mô hình kinh doanh.
Trong một biên bản họp gần đây của IMF mang tên “Khai sáng tiền kỹ thuật Ngân hàng Trung ương”, tổ chức UN về hợp tác chính sách tiền tệ đã nêu:
“Nhìn chung, còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về lợi ích ròng của CBDC. Các ngân hàng trung ương nên xem xét hoàn cảnh quốc gia cụ thể, chú ý cẩn thận đến các rủi ro và giá trị tương đối của các giải pháp thay thế. Cần phân tích sâu hơn về tính khả thi của công nghệ và chi phí vận hành”.
Điều này cho thấy họ chưa hoàn toàn sẵn sàng phê duyệt CBDC, nhưng họ có thể làm như vậy sau khi nghiên cứu sâu hơn hoặc khi quốc gia đưa ra kế hoạch chắc chắn để ban hành CBDC.
- Công ty con của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyển dụng kỹ sư Blockchain cho CBDC
- CBDC Trung Quốc sẽ cung cấp tính ẩn danh cần thiết trong các giao dịch
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Hackernoon