Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế nghi ngờ rằng đây là chiêu của ông Maduro: Nói về kết quả tươi đẹp để thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền vì ‘sợ vuột mất cơ hội tốt’ (hiệu ứng FOMO).
Ngày 20/2, dự án gọi vốn bằng tiền kỹ thuật số đình đám nhất của thế giới vào lúc này – ICO ‘quốc gia’ của Venezuela đã chính thức được bấm nút khởi động với vòng mở bán sớm (Presale) bắt đầu diễn ra. Đó sẽ là 82 triệu đồng tiền PTR( Petro) được bán ra, là 6 tỷ đô la được kỳ vọng thu về và một giấc mơ ‘thịnh vượng trở lại’ của một đất nước Nam Mỹ đang ngập ngụa trong nợ nần và các lệnh cấm vận quốc tế.
Vì những cách trở trong tiếp cận thông tin nên đến hôm nay, tức là sau khoảng 2 ngày vòng Presale bắt đầu, những kết quả đầu tiên của kỳ ‘gọi vốn quốc gia’ mới được công bố trên các phương tiện truyền thông. Từ những số liệu của trang tin nổi tiếng trong giới tiền tệ mã hóa là coindesk, số vốn gọi được trong ngày đầu của dự án này ngay lập tức đã biến nó thành dự án huy động vốn qua tiền kỹ thuật số thành công nhất trong lịch sử.
ICO lớn nhất lịch sử, ‘đồng tiền thách thức cả Siêu nhân’… hay là chiêu tạo FOMO của Tổng thống Venezuela?
Theo đó, chính ông Nicolas Maduro – vị Tổng thống đứng sau toàn bộ chiến dịch ICO của Venezuela – đã xác nhận rằng đất nước ông đã thu về 735 triệu đô la ngay trong ngày đầu tiên bán đồng Petro ra công chúng.
Nếu lời nói này là đúng, ICO của Venezuela chắc chắn là dự án khủng nhất từ trước đến nay. Dù mới bán được 2 ngày và chưa xong, nó đã thu về số tiền nhiều hơn cả ICO đạt kỷ lục về số vốn gọi được cho đến lúc này là Tezos (hơn 230 triệu đô la).
Lời tuyên bố này thật đến mức ông Maduro đã làm giống như cách mà người đồng nghiệp tại Mỹ của mình hay thực hiện là lên tài khoản Twitter cá nhân để loan tin báo cho toàn thế giới.
Ông này rất tự tin: “Hôm nay, một đồng tiền kỹ thuật số mới ra đời và nó có thể thách thức cả Siêu nhân”
Tất nhiên, 7 dòng chữ ngắn ngủi của một dòng trạng thái trên Twitter không đủ để cung cấp những bằng chứng khiến người ta tin con số 735 triệu USD là thật. Điều duy nhất mà công chúng có thấy là, đây chính là lời khẳng định của một vị nguyên thủ quốc gia.
Chính vì thế, có nhiều cơ quan truyền thông quốc tế tỏ ý nghi ngờ tuyên bố hùng hồn của ông Maduro. Cả Reuters và Associated Press đều nhấn mạnh rằng ông Maduro không hề đưa ra dẫn chứng xem những ai đã bỏ tổng cộng tới 735 triệu USD để mua Petro trong mấy ngày qua.
Giới truyền thông còn đặt nghi vấn ông Maduro đang cố tạo tâm lý FOMO (nguyên văn coindesk: struck bullish notes about the initiative) cho các nhà đầu tư đang ‘ngắm nghía’ đồng Petro.
Có thể, vị Tổng thống đang cố nói lên một kết quả tốt đẹp về những ngày đầu đợt ICO, trước là để các nhà đầu tư thấy vậy mà quyết định ‘mau mau’ bỏ tiền cho ICO này vì tâm lý ‘sợ vuột mất cơ hội tốt’. Cũng như cho dư luận thấy kế hoạch giúp đất nước Venezuela thoát cấm vận bằng ICO của ông đi đúng hướng.
Hãng tin AP trích dẫn lời của ông nói về đồng Petro: “Chúng tôi đang có những bước tiền lớn trong thế kỷ 21”. Còn chính ông thì cũng nói: “Petro là cách để Venezuela đổi mới, hướng tới các hình thức tài chính quốc tế mới”.
Tài liệu chào bán Petro của Chính phủ Venezuela thì nhấn mạnh rằng Chính phủ này sẽ cam kết thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số này ở thị trường quốc nội, cũng như nỗ lực thúc đẩy thế giới chấp nhận nó. Nội các ông Maduro thì nói rằng họ có kế hoạch thu hút đầu tư từ Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Trung Đông, châu Âu và Mỹ.
Nợ 4 tỷ đô la nhiều năm, gọi vốn 1 ngày đã có gần 750 triệu đô la: Những thương vụ ‘easy-money’ cho những đất nước nợ nần?
Dù viễn cảnh được vẻ nên đẹp là vậy nhưng những vấn đề cơ bản của Petro, với tư cách là đồng tiền quốc gia, vẫn đang bị tranh cãi kịch liệt, kể cả vào ngày mà ông Maduro tuyên bố nước mình gọi được 735 triệu USD.
Trước hết, Chính phủ Venezuela tuyên bố rằng Petro sẽ đồng tiền ‘bản vị dầu’ đầu tiên trên thế giới, khi mà mỗi Petro token sẽ được bảo chứng bằng giá của một thùng dầu mà Venezuela dữ trữ, với giá được neo theo giá trên thị trường vào hôm trước đó. Trong tương lai nếu hết dầu, Venezuela có thể biến Petro thành đồng ‘bản vị khí đốt’, ‘bản vị vàng’ hay ‘bản vị kim cương’.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ngay từ nền tảng công nghệ còn quá nhập nhằng của tiền mã hóa Petro. Tài liệu chào bán của Venezuela không hề thống nhất rằng token Petro sẽ hoạt động trong hệ thống Blockchain nào.
Có lúc, người ta đọc được ‘Petro là token của hệ thống Blockchain Ethereum’ những cũng có lúc đọc được ‘Petro là token của hệ thống Blockchain NEM’ (một đồng tiền mã hóa khác). Lưu ý rằng với các dự án phát hành tiền kỹ thuật số, đây là yếu tố quan trọng số một và thường được quyết định đầu tiên khi người ta làm dự án.
Nói chung, với dự án tiền ảo quốc gia đầu tiên trên thế giới của Venezuela, người ta thấy sự phản đối, chỉ trích nhiều hơn rất nhiều so với đồng thuận. Các nhà quan sát cho rằng Chính phủ Venezuela đang cố tình né những lệnh cấm vận mà mình phải chịu bằng chiêu trò ICO lần này: Nếu đồng tiền chính danh Bolivar bị trừng phạt thì chuyển sang dùng tiền ảo Petro, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Hơn nữa, nếu con số 735 triệu USD ông Maduro công bố là sự thật, điều này còn làm dự luận quốc tế quan ngại về những thương vụ gọi vốn quốc gia quá dễ dàng theo kiểu ‘easy-money’. Hãy thử hình dung với 1 đồng Petro bán ra thì tuy nó được bảo chứng bằng 1 thùng dầu, Venezuela cũng không thật sự phải mất đi thùng dầu đó hay chứng minh mình đúng là đang sở hữu thùng dầu tương ứng.
Và thực tế, nước này đang nợ nần đầm đìa và số dầu dự trữ của nước này đang bị các chủ nợ xiết nợ và không cho khai thác. Như thế, không thể nói rằng số dầu bảo chứng để phát hành tiền kỹ thuật số của Venezuela là 100% tài sản quốc gia của nước này.
Xem thêm:
Sn_Nour
Theo Tapchibitcoin.vn